Bùng nổ thị trường hàng xa xỉ đã qua sử dụng ở Trung Quốc
Từ đầu năm 2020 đến nay, thị trường Trung Quốc bùng nổ hàng xa xỉ đã qua sử dụng và người mua hầu như không còn quan niệm “chỉ ít tiền mới chọn đồ xài rồi”…
Từ năm 2018 trở về trước, người tiêu dùng Trung Quốc khi mua sắm những loại hàng đắt tiền như đồng hồ, đồ trang sức, túi xách, mỹ phẩm, đồ da, kính mắt…, họ thường chọn những sản phẩm mới tinh, từ những nhà sản xuất lừng danh thế giới như Louis Vuitton, Gucci, Hermes, Prada, Fendi, Omega, Longines, Rolex… Nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, thị trường Trung Quốc bùng nổ hàng xa xỉ đã qua sử dụng và người mua hầu như không còn quan niệm “chỉ ít tiền mới chọn đồ xài rồi”…
1. Zhao Lin, 21 tuổi, sải từng bước tự tin khi đặt chân vào cửa hàng ZZER ở Thượng Hải, nơi chuyên bán những chiếc túi xách đã qua sử dụng của các hãng thời trang nổi tiếng như Prada, Gucci, Burberry... Sau hơn 1 giờ săm soi ngắm nghía, cuối cùng cô chọn chiếc túi Prada màu xám bạc, nhìn vẫn còn rất mới. Zhao nói: “Nó được bán với giá 4.548 nhân dân tệ (tương đương 676,44 USD) trong lúc nếu là hàng nguyên đai nguyên kiện, nó là 1.560 USD”. Đứng gần cô là Mei, người cũng vừa chọn được chiếc túi Gucci GG Marmont màu đen mà ở quai đeo có miếng giấy nhỏ ghi dòng chữ “chất lượng 90%”. Mei cho biết cô quyết định lấy chiếc túi này vì nếu mua mới, giá của nó là 2.260 USD trong lúc tại đây, nó chỉ là 4.890 tệ (727,31 USD).
Zhao và Mei chỉ là 2 trong số hàng chục triệu người Trung Quốc đang thay đổi thói quen mua sắm. Nếu như trước kia, xài đồ đã qua sử dụng thường bị xem là “nghèo mà chảnh” thì giờ đây, trong một cuộc khảo sát với hơn 1.500 người tiêu dùng hàng xa xỉ ở Trung Quốc, 86% trả lời rằng “chẳng có gì khác biệt khi bạn khoác trên vai chiếc túi Louis Vuitton mới tinh và chiếc đã qua sử dụng. Đẳng cấp nằm ở thương hiệu chứ không phải ở chỗ xài rồi hay chưa xài”.
Thị trường đồ xa xỉ đã qua sử dụng ở Trung Quốc được cho là khởi đầu từ Zhu Tainiqi, 33 tuổi, người sáng lập Công ty ZZER, trụ sở tại thành phố Thượng Hải. Zhu nói: “Ngày càng có nhiều người bán những đồ xa xỉ của họ để lấy tiền chi tiêu vào việc khác, còn người mua cũng chỉ cần bỏ ra một số tiền là đã có được thứ yêu thích. Vì thế, số lượng người bán và người mua thông qua ZZER từ đầu năm đến nay đã tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái”. Điều ấy được chứng tỏ bằng việc tại một cửa hàng của ZZER ở Thượng Hải, dòng người xếp dài theo lối đi khi bộ phận tiếp thị loan tin có một lô túi xách thời trang “second hand” của Prada, Gucci, Louis Vuitton vừa được cập nhật. Jinxian, một thiếu nữ 24 tuổi, làm việc tại một ngân hàng thương mại không dấu vẻ lo lắng: “Đông như thế này thì chẳng biết có đến lượt tôi không?”.
Hiện tại, ZZER có 12 triệu thành viên. Dự kiến trong năm nay, họ sẽ bán được 5 triệu sản phẩm cao cấp đã qua sử dụng. Theo Công ty tư vấn iResearch, năm 2020 thị trường đồ xa xỉ “second hand” ở Trung Quốc giao dịch trong khoảng 8 tỉ USD thì đến năm 2025, con số này sẽ là 37 tỉ USD vì bên cạnh ZZER, còn có sự xuất hiện của những công ty như Feiyu, Ponhu và Plum. Tất cả những công ty này đều có cửa hàng ở Bắc Kinh và những thành phố lớn như Quảng Châu, Thâm Quyến, Thượng Hải, Trùng Khánh, Thành Đô, Hàng Châu, Vũ Hán…, thu hút hàng triệu lượt người ra vào mua bán mỗi ngày. Wang Jianing, nhân viên của một văn phòng môi giới bất động sản ở Quảng Châu cho biết do ảnh hưởng của đại dịch COVID và sự suy thoái thị trường địa ốc, thu nhập của cô có giảm nhưng: “Tôi vẫn thích những gì tôi thích. Đó là một chiếc túi Louis Vuitton. Tôi không thể kiềm chế mong muốn mua nó dù nó là đồ xài rồi”.
Năm 2017, một nhóm sinh viên ngành kinh doanh thời trang tại Học viện Istituto Marangoni ở Paris, Pháp, đã tiến hành nghiên cứu, tìm hiểu nhận thức của người tiêu dùng về việc mua bán hàng xa xỉ đã qua sử dụng với các đối tượng ở 3 khu vực địa lý: Pháp, Ý và Trung Quốc. Kết quả cho thấy người Pháp sẵn sàng bán và mua các loại hàng xa xỉ cổ điển, chẳng hạn như chiếc đồng hồ Omega 30 năm tuổi trong khi người Ý cho rằng chúng là di sản để truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nhưng với người Trung Quốc, hầu hết tin rằng “hàng hiệu” đồng nghĩa với địa vị xã hội nên họ thích mua đồ mới vì đó là một trong những cách để khẳng định mình.
Tuy nhiên 5 năm sau, khuynh hướng tiêu dùng của thế hệ trẻ Trung Quốc đã thay đổi.Lấy thí dụ một chiếc đồng hồ Rolex Submariner xài rồi chẳng hạn, giá của nó trong một cửa hàng của Công ty Feiyu chỉ bằng 60% so với hàng mới nên đã kích thích người mua săn lùng bởi lẽ dù là đồ cũ nhưng cái thương hiệu “Rolex” là một bảo đảm về chất lượng. Chen, một thanh niên 18 tuổi nói: “Khi tôi mặc quần jean Levis, áo thun Polo, chân đi giày Nike, mắt đeo kính Rayban, trên tay là cái đồng hồ Rolex thì chẳng ai xem thường tôi dù có thể họ biết tôi đang xài đồ cũ”. Chẳng riêng gì Chen mà nhiều thanh niên nam nữ Trung Quốc cũng cùng quan điểm bởi theo họ, thương hiệu là cái để người ta biết bạn là ai!
2. Kể từ khi bước vào thế kỷ 21, thế giới đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của nền kinh tế Trung Quốc. Hơn 50 năm trước, phần lớn dân số quốc gia này vẫn phải chịu cảnh đói nghèo nhưng hiện tại, Trung Quốc là nơi sinh sống của hơn 40% tầng lớp trung lưu giàu có toàn cầu.Thu nhập cao và khả năng chi tiêu tăng vọt đã dẫn đến thị trường hàng xa xỉ phát triển mạnh.Các khảo sát cho thấy mặc dù bị hạn chế vì dịch bệnh nhưng năm 2021, Trung Quốc vẫn là quốc gia tiêu thụ “hàng hiệu” lớn thứ hai trên thế giới với trị giá khoảng 40 nghìn tỷ nhân dân tệ, trong đó hơn 30% là hàng xài rồi. Một cuộc khảo sát cũng vào năm này cho thấy hơn 1/5 nam giới Trung Quốc mua điện thoại thông minh đã qua sử dụng còn với nữ giới sống ở những thành phố có mức thu nhập trung bình hoặc những vùng nông thôn, 3/5 có xu hướng mua điện thoại cũ, đặc biệt là với những thương hiệu nổi tiếng.
Với các nhà cung cấp, phần lớn việc mua bán được tiến hành thông qua hình thức trực tuyến (online), trong đó ứng dụng Xianyu thuộc sở hữu của Alibaba vẫn là nền tảng thương mại phổ biến nhất Trung Quốc trong khi Zhuanzhuan do Tencent và 58.com đồng tài trợ đứng thứ hai với khoảng 9 triệu người dùng nhưng người mua hàng “second hand” vẫn thích được “nhìn tận mắt, sờ tận tay” vì e ngại mua phải đồ giả! Theo bảng xếp hạng do tổ chức tài chính Consultancy Agility công bố năm 2021, Chanel, Dior và Hermes lọt vào nhóm 3 thương hiệu được khách hàng Trung Quốc yêu thích nhất, còn Louis Vuitton, Rolex và Cartier cũng đứng trong top 10.
Một quản lý thuộc công ty Hongbulin, chuyên kinh doanh hàng thời trang đã qua sử dụng cho biết 5 món đồ xa xỉ được coi là khoản đầu tư sinh lời cao nhất, gồm cặp vòng cổ cổ điển bằng vàng của hãng Chanel, túi Birkin màu cam và túi Kelly hoa văn hình voi màu xám của Hermes, đồng hồ cổ điển bằng vàng của hãng Vacheron Constantin và túi xách Hermes da bò màu đen, mỗi thứ trong số đó mang lại lợi nhuận ít nhất là 10.000 tệ (khoảng 1.500 USD) nhưng cũng có thể bán được 37.000 tệ (khoảng 5.500 USD) nếu đó là hàng của Dior. Li Shuo, chủ một cửa hàng đồ cũ giải thích: “Một sản phẩm càng bán được giá cao thì nó lại càng có khả năng bán lại cho nhiều người nữa về sau này, mỗi lần bán là một lần tăng giá…”. Để dẫn chứng, Li Shuo chỉ vào một số hàng xa xỉ đang được trưng bày: “Như chiếc túi xách Chanel cổ điển này chăng hạn, 1 tháng sau khi tôi mua vào, giá của nó tăng thêm 15%, hay như chiếc túi Classic Flap đã tăng gấp 3 lần. Bây giờ nếu ai muốn mua, họ sẽ phải trả 8.500 USD, không bớt”.
Với người bán, khảo sát của Công ty tư vấn Oliver Wyman công bố hồi tháng 6 cho thấy 48% người sở hữu những món đồ xa xỉ trước kia mua mới, nay đem bán không phải vì họ cần tiền mà do họ muốn thay đổi thời trang, nhất là những phụ nữ giàu có. 39% đem bán vì qua nhiều năm sử dụng, nó không còn phù hợp với dáng người, tuổi tác, hoặc vì họ ngày càng giàu hơn nên họ cần có những phụ kiện phù hợp với tài sản của họ. Số ít còn lại thì đúng là “bán để lấy tiền”. Cũng theo khảo sát này, những người có tài sản từ 10 triệu nhân dân tệ trở lên là những khách hàng hào phóng nhất. Họ có thể mua một chiếc kính đeo mắt 600 USD nhưng chỉ 1 tuần sau, họ sẵn sàng bán lại với giá chỉ còn một nửa.
Xu Wei, người sáng lập Công ty Plum nói: “Thế hệ thanh niên nam nữ từ 18 đến 25 tuổi là những người dễ thay đổi nhất. Sự cuồng nhiệt của họ với những món đồ thời trang thường không kéo dài, nhất là khi thị trường xuất hiện mẫu mã mới. Họ mua không đắn đo, không trả giá và lúc bán lại cũng thế…”. Sun Shaqi, có 6,5 triệu người theo dõi trên nền tảng Douyin phiên bản tiếng Trung của ứng dụng video TikTok nói về việc xài đồ cũ: “Với số tiền bỏ ra cho một chiếc túi mới, bạn có thể mua được 3 đến 4 chiếc cũ rồi tùy theo mùa, mỗi mùa bạn lại có một phong cách phù hợp. Bao nhiêu người biết đó là túi cũ khi bạn mang nó ra đường?”. Cùng quan điểm như Sun Shaqi, Xiaoting, 26 tuổi, nhân viên của một tổ chức tài chính ở Bắc Kinh, người vừa mua một chiếc túi Gucci xài rồi với giá 6.899 tệ (1.031 USD) nói: “Cũng cái túi ấy nếu mua mới, tôi phải trả 13.000 tệ nhưng với số tiền còn thừa, tôi có thể mua thêm 1 cái nữa”.
3. Hiện tại, theo thống kê của bộ phận khảo sát thương mại toàn cầu Statista thì trong các nhóm hàng đã qua sử dụng ở Trung Quốc được mua đi bán lại, đồng hồ chiếm 8,7%, trang sức chiếm 8,8%, hàng may mặc, giày dép chiếm 25,3% còn va li, túi xách cùng những phụ kiện bằng da chiếm tỉ trọng cao nhất: 67,2%. Theo Viện nghiên cứu LeadLeo, chuyên cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường thì chuỗi cung ứng hàng đã qua sử dụng ở Trung Quốc tương đối phức tạp. Nó bao gồm lượng định nhãn hiệu, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, giá của người muốn bán, thị hiếu của người mua và giá bán của công ty. Vì vậy các công ty chuyên kinh doanh hàng xài rồi đang nỗ lực để rút ngắn các liên kết không cần thiết trong chuỗi thương mại để mua được những sản phẩm tốt nhất, rẻ nhất và tiêu thụ nhanh nhất.
Vẫn theo Viện nghiên cứu LeadLeo, nhằm tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc hàng bị lỗi, các công ty lớn đã thành lập một nhóm thẩm định chuyên nghiệp đồng thời bắt tay hợp tác chiến lược với Trung tâm nhận dạng hàng xa xỉ, cũng như liên kết với Tổ chức giám định & chứng nhận Trung Quốc để đảm bảo rằng chất lượng của các sản phẩm xài rồi do họ bán ra hoàn toàn đạt tiêu chuẩn. Shi Huilun, nhà phân tích thuộc Viện nghiên cứu LeadLeo cho biết thị hiếu tiêu dùng của người Trung Quốc đã thay đổi, chủ yếu là những người dưới 30 tuổi. Đây là nhóm có sức mua mạnh mẽ đối với hàng xài rồi và điều này là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp đã qua sử dụng. Shi Huilun nói: “Hầu hết các thương hiệu xa xỉ nổi tiếng hiện nay chủ yếu vẫn tập trung ở các thành phố hạng nhất và hạng nhì, còn các thành phố nhỏ hơn thì những nhà kinh doanh vẫn dè dặt. Tuy nhiên với sự bùng nổ của thị trường hàng đã qua sử dụng, các đô thị nhỏ mới là mảnh đất ăn nên làm ra trong tương lai…”.