Nhật Bản: Đàn ông độn ngực, mặc váy để... xả stress

Thứ Tư, 26/06/2013, 15:45

Do chịu quá nhiều áp lực từ công việc và lề thói xã hội dành cho nam giới cho nên hiện nay một số không nhỏ các đấng mày râu xứ mặt trời mọc đi tìm sự thư thái qua việc giả trang thành nữ sau những giờ làm việc làm việc mệt mỏi. Tuy nhiên, họ vẫn không hề muốn từ bỏ giới tính thật của mình bằng phẫu thuật chuyển đối giới tính.

"Tôi ghét mặc quần áo đàn ông", một "phụ nữ" khoảng 40 tuổi mặc áo thun màu hồng, váy ngắn và đeo sợi dây chuyền lủng lẳng trước ngực nói to như thế. Nhưng, thật ra người này chính hiệu là nam giới và thuộc số người tụ tập về đêm hội thường tổ chức một lần mỗi tháng dành cho các đấng nam nhi muốn giả trang thành nữ ở thủ đô Tokyo.

Con số thành viên tham gia đêm hội tăng dần theo thời gian và hiện nay là 400 người. "Phụ nữ" nói trên từ chối tiết lộ nghề nghiệp của mình mà chỉ cho biết anh kiếm được hơn 10 triệu yen (khoảng 77.500 euro) một năm với chức vụ cán bộ trong một ngành hái ra tiền. Anh chàng có vóc người mảnh mai và cao khoảng 1,65 mét. Nhìn gần có thể thấy được những sợi râu lún phún trên mép người "phụ nữ" này.

Anh chàng tâm sự: "Tôi thích công việc của tôi, nhưng tôi cũng muốn cảm thấy tự do ít ra là trong thời gian rãnh rỗi. Khi ở văn phòng, tôi rất nghiêm chỉnh. Nhưng, sau giờ làm việc tôi muốn trở thành phụ nữ để cười đùa thoải mái". Mặc dù vậy, đối tượng của chúng ta không muốn trở thành một phụ nữ thật sự theo đúng nghĩa đen của nó. Bởi vì, như anh nói: “Tôi thích được làm cha. Bởi vì làm mẹ phải gánh chịu biết bao điều bực dọc…".

Đối với anh sự giả trang nam thành nữ này chỉ là một thú vui ngoài giờ làm việc. Anh đã có vợ và một con trai. Vợ anh chấp nhận cho anh giả trang thoải mái còn hơn là bị ngoại tình! Điều đó cho thấy thanh niên Nhật Bản hiện nay đang mở ra một trào lưu mới - trang điểm phấn son và ăn mặc kiểu cách! Những người đàn ông này - tự xưng là "otoko no ko" nghĩa là "trai giả gái" - không hề bị chứng rối loạn giới tính mà họ chỉ thích đóng vai phụ nữ trong thời gian nhất định. Các "otoko no ko" này vẽ lên bức tranh một xã hội Nhật Bản mà đối với họ là "nhẫn tâm" và "khó sống quá". 

Một "phụ nữ" thuộc trào lưu này giải thích: "Suốt ngày tôi cứ chúi đầu vào công việc. Đôi khi tôi uống rượu với đồng nghiệp nhưng khi trở về nhà, tôi hoàn toàn thấy hạnh phúc với hai cô con gái. Nhưng, tôi thèm muốn khai thác mặt khác của con người tôi và cách nhanh nhất là giả trang thành nữ. Tôi không muốn trở thành phụ nữ thực thụ mà chuyện giả trang giúp cho tôi cảm nhận được cuộc sống của phụ nữ".

Junko Mitsuhashi, 57 tuổi, chuyên gia về giả trang giới tính ở Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tsuru, nhận định: "Ở Nhật Bản ngày nay, sự phân định vai trò giữa nam giới và phụ nữ rất rạch ròi. Do đó, một số đàn ông luôn phải cố gắng chứng tỏ sức mạnh của nam giới". Điều đó cho thấy nhiều người cha trong gia đình - mặc dù không bị rối loạn giới tính hay mong muốn chuyển giới - thích thú với việc cải trang thành phụ nữ để thoát khỏi áp lực mà xã hội Nhật Bản định cho nam giới.

Những người giả trang như thế chủ yếu trong độ tuổi từ 20 - 39. Một "phụ nữ" mặc váy màu xanh nước biển, áo sơ mi cực mỏng và thắt nơ to trên tóc, biện hộ cho ý thích giả trang của mình khi cho rằng phụ nữ ngày nay được cưng chiều quá mức. Ví dụ như Ngày Quốc tế Phụ nữ, những toa tàu dành riêng cho phụ nữ (biện pháp của Công ty đường sắt Nhật Bản - JR - nhằm ngăn chặn tình trạng quấy rối phụ nữ đi tàu vào giờ cao điểm)…

Một người tự xưng tên là Mizuki, 29 tuổi, độc thân, làm việc bán thời gian với tiền lương khoảng 100.000 yen (757 euro) một tháng, than thở: "Người ta thường nói rằng nam giới hưởng lương cao hơn phụ nữ, nhưng tôi không bao giờ cảm thấy điều đó là hạnh phúc". Những người như Mizuki chẳng thấy vui với địa vị của nam giới trong xã hội Nhật Bản mà ngược lại, họ chỉ thấy mệt mỏi trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Chính những yêu cầu không khoan nhượng đặt ra cho nam giới - cố gắng làm việc kiếm thật nhiều tiền, cưới vợ và có con - cho nên họ muốn giả trang thành phụ nữ để được sống thoải mái dù trong một thời gian ngắn ngủi.

Như Mizuki nói: "Tôi muốn nằm nướng trên giường, muốn tận hưởng cảm giác không làm gì cả và không bước ra khỏi nhà". Nghĩa là, họ muốn thoát khỏi "khuôn sáo", thèm được chú ý đến nhưng "khi là "đàn ông" tôi phải tập trung làm việc. Tôi ghét khuôn sáo".

UNI, hội tổ chức những đêm hội dành cho những nam giới cải trang thành phụ nữ ở Tokyo gọi là "Propaganda", cho biết kể từ khi thành lập sự kiện vào tháng 8/2007 cho đến nay, số người tham gia cứ không ngừng tăng lên. Thậm chí, vào năm 2009 một tạp chí chuyên về những người giả trang gọi là "Otoko no ko club" ra đời để phục vụ "trào lưu". Nhờ Internet, nam giới dễ dàng mua được quần áo và mỹ phẩm một cách kín đáo. Thanh niên Nhật Bản ngày nay có lợi thế giả trang thành phụ nữ do họ thường xuyên chăm sóc da.

Hiện nay, thanh niên mặc áo màu hồng hay in hoa được coi là duyên dáng ở Nhật Bản. Một người tự giới thiệu tên là Yuki Yoshino, 28 tuổi, làm công việc kế toán tại một nhà máy lớn, giải thích lý do muốn giả trang thành phụ nữ: "Họ (phụ nữ) có nhiều sự lựa chọn hơn nam giới, như trang phục, đồ trang điểm, mũ nón. Thậm chí, họ có thể tự chọn cuộc sống cho riêng mình - tiếp tục làm việc hay nghỉ ở nhà làm công việc bếp núc. Trong số những phụ nữ vào làm ở nhà máy cùng lúc với tôi, có một số đã nghỉ việc để lấy chồng hay vì lý do sinh đẻ. Trong khi cánh nam giới vẫn tiếp tục làm quần quật để kiếm tiền".

Junko Saeki, giáo sư Đại học Doshisha ở Kyoto, nhận định: "Trong khi nam giới chịu đựng sức ép của xã hội là phải nỗ lực kiếm tiền bằng mọi giá, còn phụ nữ được phép dựa dẫm kinh tế vào người chồng. Với giai đoạn suy thoái kinh tế như hiện nay, thị trường lao động trở nên khắc nghiệt cho nên người ta dễ hiểu tại sao có nhiều người đàn ông muốn đóng vai trò của phụ nữ để thoát khỏi gánh nặng cơm áo"

Thục Miên (tổng hợp)
.
.
.