Làm người thầy, phải có lòng nhân ái

Thứ Ba, 28/02/2017, 16:00
Liên tiếp trong những ngày qua báo động về tình trạng bạo lực, suy đồi đạo đức của một bộ phận không nhỏ giáo viên mầm non và tiểu học. Đáng tiếc điều này không chỉ xảy ra tại những nơi hẻo lánh mà ngay tại trung tâm của Thủ đô và trên cả nước.

Như vụ việc tại Trường mầm non Sen Vàng, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, giáo viên cầm dép đánh liên tiếp vào đầu bé trai mới 2 tuổi; một cô giáo khác thì cầm thước kẻ gõ vào đầu, véo tai, thúc vào bụng, gây nên làn sóng phẫn nộ lớn. Sự việc chưa kịp lắng xuống thì một nữ giáo viên Trường mầm non Thanh Xuân Nam, (Thanh Hóa) dùng đũa đánh tím bầm hai đùi bé gái 2 tuổi cũng mới bị cho thôi việc.

Cũng trong thời gian này  tại Trường mầm non Apollo, quận Bình Thạch, TP HCM cô hiệu trưởng đã bế em bé dọa ném qua cửa sổ ở trên tầng cao để ép ăn, hình ảnh đã được phụ huynh phát hiện khi xem video camera của nhà trường lưu lại. Vừa mới đây ồn ào nhức nhối việc cô Hiệu trưởng, Hiệu phó Trường Tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội đi taxi vào sân trường đâm gãy đùi một học sinh lớp 2. Điều đáng nói là sự quanh co, gian dối báo cáo sai sự thật để trốn tội của đương sự... khiến lòng người ngao ngán!

Nhưng, ở vẫn còn có những con người tốt, thầy cô tốt hằng ngày trên bục giảng hết mình vì những mầm xanh tương lai của đất nước.

Lần nào gặp NSƯT Minh Vượng cũng thế, quần áo lụng thụng, mặt tươi rói, điệu bộ tất bật như vừa chăm sóc cả đàn con. Lắm khi giữa mùa đông giá rét mà áo quần phong phanh, nhễ nhại mồ hôi, hoặc giả đang mùa hè mà chị vẫn nguyên một bồ đồ ấm ơi là ấm, son phấn bê bết, đó là khi vừa diễn xong một chương trình cho thiếu nhi chị vội vã ra chỗ hẹn chưa kịp tẩy trang.

NSƯT Minh Vượng.

Không chỉ là diễn viên hài như mọi người thường biết, hàng chục năm nay chị là giáo viên của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, và Trung tâm Phát triển tài năng trẻ điện ảnh TPD, đồng thời là giáo viên cho hàng trăm học sinh ở lứa tuổi nhi đồng trong kịch nghệ.

Có một ai đó đã nói: “Nghệ sĩ hài là người nhiều nước mắt”, điều đó thật đúng với chị. Tôi vẫn nhớ những câu thơ chị viết: “Đêm lang thang, dưới ánh trăng vàng/ Trăng cuối tuần mùa hạ/ Đường phố vắng không người qua/ Tán lá chìm trong đêm ngủ/ Con chim khuya về tổ đã lâu/ Trong mỗi căn nhà giấc ngủ nồng từ tối/Ta đi lũi lầm như một kẻ lang thang/ Không mái ấm không vòng tay chờ đón”.

Đó là sự cô đơn của một người đàn bà, sau đêm diễn rời sân khấu đi về trong căn nhà trống. Nhưng ở con người chị là một trái tim ấm áp và nhiệt huyết với nghề, với con trẻ. Chị không có con nhưng chị yêu tất cả trẻ con trên trái đất này như chính con đẻ của mình. Trong những đêm dài hun hút, bóng tối mịt mờ giăng khắp căn phòng của cả bốn mùa trong năm, chị lại lặng lẽ bên bàn làm việc, trăn trở viết nên những kịch bản sẽ diễn cho tuổi thơ. Chị vừa xây dựng kịch bản, đạo diễn và làm diễn viên luôn cho những câu chuyện của mình.

Chị bảo: “Mấy năm nay đạo đức xã hội xuống cấp, tội ác trẻ hóa đội ngũ phạm tội. Cũng nên chăng những bài học đạo đức đơn giản gia đình và nhà trường kết hợp  thông qua kịch mục sân khấu đầy ắp yêu thương, tính nhân ái, lòng nhân từ, từ đó có cách giáo dục bằng các bài học ngoại khóa cho các em học sinh tuổi nhỏ rất cần thiết. Đó là góp phần vào an ninh xã hội... Rất tiếc trong xã hội hiện nay nhiều giáo viên đã không có được lương tâm và trách nhiệm của một người thầy, cô đúng mực. Họ không yêu con trẻ mà chỉ nghĩ nghề giáo như một phương tiện để kiếm tiền mưu sinh nên đã xảy ra những chuyện đau lòng như vừa qua”.

Theo chị trẻ em như một mầm cây xanh vừa được trồi lên từ đất, thầy cô nâng niu, chăm bón cái cây thì cái cây mới lớn được, đơm hoa, kết trái. Còn chặt phá, đánh đập cây đương nhiên cái cây phải bị tổn hại. Có những tổn thương cho con trẻ không chỉ bằng vết hằn của roi, đau ở thể xác mà bằng sự thiệt hại tinh thần, khủng hoảng tâm lý con trẻ, như tại sao trẻ lại sợ đến lớp đến thế?!

NSƯT Minh Vượng trong vai diễn cho sân khấu thiếu nhi.

Cho đến giờ chị vẫn thích chuyện cổ tích, xem hoạt hình Walt Disney. Bởi ở những bộ phim đó nhân cách hóa con voi, con chó, con gà đầy lòng nhân ái, tính đoàn kết. Lấy cảm hứng từ những câu chuyện hoạt hình để chị viết nên những tác phẩm cho thiếu nhi. Thông qua những vở kịch đem đến cho các em giàu lòng nhân ái. Minh Vượng bảo: “Chị nghĩ bắt đầu từ tình yêu thì tội ác sẽ biết dừng lại. Còn con người không có tình yêu thì cái gì cũng có thể phạm được.”

Nhận xét của chị có phần đúng: Trong thời buổi này vì không làm đúng nghề, không yêu con trẻ nên mới có giáo viên dùng bạo lực học sinh, hay những đứa trẻ ở một môi trường thiếu giáo dục, sống ở môi trường bạo lực mà sau này ảnh hưởng đến nhân cách. Đã có trong xã hội những vụ việc như cần tiền, cháu mang búa đập chết bà; vì mấy trăm nghìn con mang dao ra giết mẹ(!) Nếu ngay từ nhỏ các em có được tình yêu thương, sự chăm sóc nâng niu dạy dỗ các em sẽ có và lòng tôn trọng và biết dừng lại trước tội ác. Chị muốn viết kịch bản: Đằng sau tiếng cười là những ngẫm ngợi về thân phận con người, cảm thông số phận không may mắn, hay những con người lao động bình dị...

Nhiều năm nay chị hợp tác với Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn sân khấu thiếu nhi. Có những ngày 2 buổi, 4 buổi, hoặc cao điểm 8 buổi. Khán giả chủ yếu là trẻ bậc tiểu học. Chị mượn câu chuyện trong thế giới cổ tích, long lanh, huyền ảo khi trẻ con xem thì kích thích sự tưởng tượng và lòng nhân ái. Bao giờ cái thiện cũng thắng cái ác.

Chị giãi bày: “Cho đến bây giờ trong đôi mắt trẻ thơ có ông già Noel, có những gia đình sử dụng dịch vụ mời ông già Noel mang quà đến. Khi con người ta giàu trí tưởng tượng, giàu tính nhân văn, và đứa trẻ giàu lòng nhân ái thì ở đó sẽ chỉ có tình thương và sự chia sẻ. Tội ác ở đâu mà ra chỉ vì trí óc không phát triển. Con người ta giàu lòng nhân ái, trí tưởng tượng phong phú thì tội ác sẽ không có”.

Lúc chị đóng lão phú ông, khi đóng chị dâu gian ác, hay đóng con chó hiền từ, hôm đóng chú Cuội tinh nghịch... Sau những buổi diễn tơi tả đầy mồ hôi, tóc tai, mặt mũi lem luốc ra khỏi sân khấu, trẻ con chẳng nghĩ chị là người lớn tuổi. Và chị thấy mình thành công là trẻ con không nghĩ chị lớn tuổi, vào những vai diễn ấy chị được trẻ mãi trong mắt trẻ thơ. Đấy là điều chị sung sướng nhất và là quà tặng vô giá. Hàng chục năm đứng trên sân khấu thiếu nhi,  những đứa trẻ thiếu nhi ấy sau này lên chức mẹ, chức bố, lại dẫn những người con của mình đi xem chị diễn.

Nói đến NSƯT Kế Đoàn, Đoàn phó Kịch hình thể, Nhà hát Tuổi trẻ, Hà Nội nhiều người chả lạ gì vì anh là một solist múa của Nhà hát Tuổi trẻ, nghệ sĩ kịch câm nổi tiếng và là người thầy dạy không công từ hàng chục năm nay cho trẻ khiếm thính, câm điếc. Anh đã ngoài 50 tuổi. Nguyên do nào đã dẫn đến việc anh dạy kịch câm cho trẻ câm điếc, khiếm thính?

Ngay từ thời tuổi trẻ anh đã đi biểu diễn cho một trường trẻ khuyết tật ở Sóc Sơn và sau buổi biểu diễn đó về, anh bị ám ảnh đến độ, những đứa trẻ câm điếc đấy cứ lởn vởn vật vờ trong trí óc. Nó trở đi, trở lại. Một chút băn khoăn. Xót xa. Sự hãi. Ngơ ngác... Nhiều nghệ sĩ phải công nhận rằng biểu diễn cho những đứa trẻ khuyết tật là một điều gì đó vô cùng ám ảnh, nhất là với những ai mới vào nghề.

NSƯT Kế Đoàn.

Câu chuyện tưởng như chìm vào quên lãng thì 10 năm sau, nghệ sĩ Kế Đoàn được mời làm giảng viên dạy kịch câm cho các em nhỏ ở Trường câm điếc Xã Đàn. Người thầy nhìn những em nhỏ thấy chúng thật đáng yêu mà phải chịu thiệt thòi so với những đứa trẻ em khác. Nhóm này, nhóm kia đang khoa chân múa tay, ngôn ngữ riêng của người khuyết tật mà không phải ai cũng dễ để có thể hiểu được người ta muốn nói điều gì.

Những hình ảnh lạ mắt đó, chập chờn như những thước phim sinh động cứ trở đi, trở lại trong tâm trí anh. Đi dạy ở nhiều trường và tiếp xúc với những đứa trẻ khiếm thính, tình yêu thương giữa thầy và đám trò nhỏ vừa nhen nhúm thì lại cứ đến dậy học rồi lại phải rời đám trò nhỏ đi, anh thấy một nỗi xót xa.

Câu chuyện tưởng như cũng dần quên rồi, trong một lần dọn dẹp lại tủ sách của mình, một vài tấm hình rơi ra. Anh nhặt những tấm hình lên. Đó là những khuôn mặt thân yêu của những đứa trẻ khiếm thính. Mấy năm rồi mà như vừa mới đây. Những bức hình ghi lại từng khoảnh khắc, bọn trẻ câm điếc cùng thầy đang tập kịch, hay những khuôn mặt rạng rỡ, tươi rói sáng bừng trên sân khấu nhận giải thưởng.

Và, trong phút chốc ấy một ý nghĩ đã lóe lên: Năm 2005, tại ngôi nhà nhỏ của anh có một tấm biển treo: “Câu lạc bộ Nghệ thuật đương đại những điều kì diệu dành cho trẻ khiếm thính”. Tự anh thân chinh đến những ngôi trường dành cho trẻ câm điếc trong thành phố xem em nào thích học kịch câm thì anh dạy không công cho các em.

Nhiều người biết chuyện bảo anh sao mà dại thế? Người như anh đi dạy nhạy Dancesport vừa có nhiều tiền lại không tốn công tốn sức. Bỏ mặc ngoài tai những lời nói, và họ cho anh là điên rồ, lớp học vẫn ra đời. Có khoảng hơn 20 em. Đám trẻ vô cùng hào hứng, thích thú.

Nhưng công việc làm thầy không dễ chút nào nhất là làm thầy của trẻ khiếm thính càng trở nên khó khăn, vất vả hơn bao giờ hết. Bọn trẻ có tính cách khá thất thường, ương bướng, thậm chí là khó khăn. Đôi khi chúng giận dỗi rất chi vô cớ. Anh bảo: “Phải thực sự yêu lắm, và kiên trì lắm mới rèn giũa được chứ nếu không thì rất nản”. Ngôi nhà của anh trở thành một câu lạc bộ thu nhỏ rộn rã, tấp nập.

Không chỉ dạy không công, anh còn tự bỏ tiền túi để mua đồ ăn về nấu cho bọn trẻ. Sau khi ăn uống vui vẻ xong thậm chí, thầy dọn rửa chén bát luôn. Bọn trẻ là những đứa trẻ rất nhạy cảm, chỉ một thái độ không vui sẽ làm chúng nó suy diễn và nghĩ linh tinh nên thầy bao giờ cũng phải nhẹ nhàng, và không được nói to chứ đừng nói là quát tháo. Bọn nhỏ khoảng 9, 10 tuổi tỏ ra vô cùng hào hứng chúng thích thú nói cười không ngớt, tất nhiên là bằng ngôn ngữ múa tay quen thuộc.

Những đứa trẻ ấy, có đứa đã 16, 17 tuổi rồi nhưng tính khí vẫn vô cùng thất thường, nắng mưa, giận dỗi vô điều kiện. Chỉ một lần giận dỗi với người yêu là không đến lớp. Chỉ một nỗi thất vọng với bạn trai hay gái là ngay lập tức có thể cáu điên lên rồi đùng đùng bỏ tập. Thậm chí, có đứa nóng nảy bẻ trụi hết cả cành lá trên một cái cây xanh vô phúc để ở trong tầm tay của chúng.

Ngay kể cả, khi lên lịch diễn thì một cô bé hoặc một cậu bé sẵn sàng bỏ diễn đi với người yêu. Mặc dù chúng biết hôm đấy là buổi diễn quan trọng. Biết lỗi nên ngay từ sáng hôm sau vừa ló mặt vào lớp chúng đã ra dấu: “Thầy ơi, cho em xin lỗi nhé. Em hứa em sẽ không thế nữa đâu!”. Những nỗi bực dọc của ngày hôm qua lại tan biến. Thầy đáp lại trò cũng bằng ngôn ngữ cử chỉ: “Em biết đấy, hôm qua em đã làm tôi điên đầu lên như thế nào không? Em không đến và tôi thì cuống lên tìm bạn khác để thay em...”.

NSƯT Kế Đoàn muốn học trò của mình phong phú về tâm hồn, ngoài thích kịch câm, các em sẽ học vẽ, điêu khắc, gấp giấy... Anh lại đi tìm những người bạn nghệ thuật của mình. Họ là nhạc sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc và đương nhiên là dạy hoàn toàn tự nguyện, miễn phí, không công cho các em. Để đáp lại thịnh tình của những người bạn, anh hào hứng cảm ơn cho những người bạn nghệ sĩ của mình bằng một vài bữa nhậu nho nhỏ. Vì đám trẻ, anh phóng xe máy đến một cửa hàng văn phòng phẩm mua đủ bút giấy màu mực để các em học vẽ. Vì trò chơi gấp giấy anh lùng sục các cửa hàng văn phòng phẩm để tìm cho ra bảng màu sinh động nhất.

Cho đến tận bây giờ anh vẫn cứ bỏ tiền túi để dạy dỗ các em và kể từ ngày đó cho đến nay đã có nhiều lứa học sinh đã trưởng thành và nhiều em dành được giải ở các kì liên hoan kịch câm trên thế giới. Ở đâu có tình yêu thương, lòng nhân ái, và sự trắc ẩn thì nơi đó dù là sa mạc nhưng vẫn nở những bông hoa tươi đẹp. Và những đứa trẻ, đáng phải được hưởng điều đó!

Trần Mỹ Hiền
.
.
.