Khi các cô gái Hồi giáo dũng cảm trở thành người mẫu

Thứ Ba, 08/05/2018, 16:07
Hind Sahli tâm sự: “Tôi cũng gặp nhiều phản ứng tiêu cực song tôi bất chấp vì thấy hạnh phúc khi được làm người mẫu”.

Hind Sahli là phụ nữ Morocco, làm người mẫu đã 2 năm và đại diện cho các nhãn hiệu tiếng tăm như Marc Jacobs, Kenzo, VeraWang, cho biết: “Trong thế giới thời trang, người ta luôn thích sự mới mẻ. Bởi vì bất cứ thứ gì mới đều hấp dẫn mọi người”. Đó là lý do tại sao sự đa dạng của nền văn hóa Hồi giáo lại có sức lôi cuốn mạnh đối với nền công nghiệp thời trang phương Tây hiện nay.

Nailah Lymus (giữa) và 2 người mẫu Arập trong ngày khai trương công ty Underwrap ở New York, Mỹ.

Xuất thân từ nền văn hóa đó nên lựa chọn của Hind Sahli gặp phải nhiều phản ứng khác nhau. Nhưng cô tâm sự: “Tôi cũng gặp nhiều phản ứng tiêu cực song tôi bất chấp vì thấy hạnh phúc khi được làm người mẫu”.

Không chỉ Hind Sahli có được thành công trên sàn catwalk mà còn có những người mẫu Hồi giáo khác, như Hanaa ben Abdesslem, đến từ Tunisia và may mắn ký được hợp đồng với công ty mỹ phẫm lừng danh thế giới Lancôme.

Shaista Gohir, nữ giám đốc Mạng Phụ nữ Hồi giáo Anh (MWN) và người ủng hộ quyền phụ nữ, tin rằng phụ nữ Hồi giáo sẽ giúp đỡ cách mạng hóa nền công nghiệp thời trang phương Tây. Gohir cho rằng cần có người đầu tiên phá vỡ khuôn mẫu và ranh giới. Còn Hind Sahli thừa nhận ngày nay có nhiều người mẫu xuất thân từ thế giới Hồi giáo và bản thân cô cũng là một người Hồi giáo truyền thống.

Khi lớn lên ở thành phố Casablanca, tây bắc Morrocco, Hind Sahli - cô gái 20 tuổi, da nâu, tóc đen xõa trên bờ vai - thường ngồi xem, chương trình tivi “America Next Top Model” và mơ ước một ngày nào đó sẽ bước trên sàn catwalk. Sahli cao và gầy, trong khi tiêu chuẩn cái đẹp phụ nữ ở Morocco là mập mạp. Sahli, người Arập quy theo đạo Hồi, cũng lớn lên trong nền văn hóa mà ở đó công việc của người mẫu thời trang phải đối đầu với nhiều cấm kị - phụ nữ phải thùy mị kín đáo, chứ không “phơi bày khêu gợi” như xu thế chủ đạo của công nghiệp thời trang thế giới.

Cùng lúc đó, ở thành phố du lịch Nabeul của Tunisia có một phụ nữ trẻ khác tên là Hanaa Ben Abdesslem mang vóc dáng của Audrey Hepburn, cũng cao, gầy, đồng thời có mơ ước tương tự Sahli. Abdesslem hổ thẹn vì vóc dáng của mình không khác gì Sahli.

Nhưng khi lướt mắt qua các tạp chí thời trang phương Tây, Ben Abdesslem đặt biệt chú ý đến “những phụ nữ xinh đẹp, cao và gầy, và tôi nghĩ có lẽ một ngày nào đó mình cảm thấy dễ chịu hơn”. Để thực hiện ước nguyện của mình, Sahli và Ben Abdesslem phải thoát khỏi vòng kềm tỏa của gia đình và phá vỡ ranh giới định kiến của xã hội Hồi giáo.

Trong năm 2010, Sahli và Ben Abdesslem đã có những bước tiến đáng khâm phục - họ đại diện thành công cho các nhãn hiệu nức tiếng trên thế giới như Givenchy, Ralph Lauren, Louis Vuitton, Jean Paul Gaultier, Vera Wang và Phillip Lim. Họ làm mẫu cho tạp chí thời trang Italian Vogue, French Vogue và chụp ảnh quảng cáo cho Top Shop, Lancôme. Sahli và Ben Abdesslem đã thỏa mãn ước mơ trở thành hình ảnh đại diện cho phụ nữ Hồi giáo thế kỷ 21 trên thế giới. Cách đây gần một thập niên, phần lớn thế giới Arập cách li với mạng người mẫu thế giới, do không có các công ty thời trang đến hoạt động và thiếu cả tạp chí thời trang nên việc làm người mẫu không được coi là một nghề đàng hoàng.

Nhưng những trải nghiệm sau này của Sahli và Ben Abdesslem đã cho thấy hướng đi mới đang được mở ra cho phụ nữ Arập. Và, đối với họ thời trang chính là sự truyền tâm lý tự tin, cơ hội sống và tính hiện đại. Đó là cơ hội cho những phụ nữ trẻ Arập và Hồi giáo được nhìn thấy, được lắng nghe và điều đơn giản nhất là được trở thành phụ nữ đúng nghĩa. Ben Abdesslem nói về nghề người mẫu của cô: “Nó đem lại cho tôi sự độc lập. Nó mang đến cho tôi niềm tin mình là phụ nữ”.

Và dĩ nhiên, thế giới Arập cũng thay đổi với nhu cầu về dân chủ, sự phóng khoáng và cơ hội sống. Nghề nghiệp của Ben Abdesslem bắt đầu với cuộc thi ở Liban tuyển chọn người mẫu theo kiểu chương trình “Americas Next Top Model” dành cho thế giới Arập. Ben Abdesslem không chiến thắng nên đành phải quay về Nabeul để theo học ngành công chính và tham gia doanh nghiệp xây dựng của gia đình.

Nhưng chẳng bao lâu, Ben Abdesslem may mắn gặp được người săn tìm gương mặt mới cho IMG Models. Abdesslem nói: “Tôi muốn là tấm gương cho những phụ nữ khác có thể nhìn thấy nghề người mẫu là có thể”. Ben Abdesslem sẽ không chụp hình khỏa thân (nude), song có thể làm mẫu quảng cáo áo tắm. Cô coi đó chỉ là chuyện kinh doanh. Và trên hết, Abdesslem thiết tha muốn phá vỡ mọi khuôn mẫu đặt định về người mẫu và phụ nữ Hồi giáo.

Sahli mơ làm người mẫu từ tuổi thiếu niên. Lúc 16 tuổi, Sahli bắt đầu xuất hiện trên một tạp chí thời trang ở địa phương và tự in danh thiếp cho riêng mình. Sahli trực tiếp gõ cửa Elite - cơ quan quốc tế duy nhất ở Casablanca. Sahli giành được chiến thắng khi được Steven Meisel chọn chụp hình cho trang bìa tạp chí Italian Vogue số tháng 5-2010. Tiếp đến, Marc Jacobs đưa Sahli vào chương trình biểu diễn thời trang cho Louis Vuitton ở Paris. Hiện nay, Sahli hãnh diện kể, hình ảnh của cô đã có vị trí trang trọng ở quê nhà Morocco.

Lauretta Roberts, nữ chuyên gia dự báo thời trang, cho rằng sự sử dụng các người mẫu Hồi giáo ngày nay đánh dấu một bước ngoặt lớn lao của nền công nghiệp thời trang thế giới. Theo đánh giá của Lauretta Roberts, một lý do khác giải thích sự đăng quang của người mẫu thời trang Hồi giáo là do các thị trường đang tăng trưởng ở khu vực Trung Đông và châu Á.

Một yếu tố khác mà giới thời trang phương Tây đang rất quan tâm là sự bùng phát của làn sóng người mẫu Hồi giáo xảy đến đúng vào thời điểm xảy ra sự kiện Mùa xuân Arập và mọi thứ bắt đầu thay đổi dù chậm chạp đối với phụ nữ ở Trung Đông. Hind Sahli cảm thấy hãnh diện khi là một phần trong sự thay đổi này và biết rằng cô có trách nhiệm khuyến khích những cô gái trẻ Hồi giáo can đảm bước lên sàn catwalk như cô đã làm.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.
.