Đạo diễn Đào Thanh Hưng: Chàng cò lả năm nào

Thứ Tư, 26/04/2017, 14:00
Gã đạo diễn đa tài kinh qua nhiều thể loại, từ bước đầu làm phim tuổi teen với vai trò đạo diễn cho "Bộ tứ 10A8", "Những phóng viên vui nhộn", gã trai miền Bắc quyết Nam tiến để làm bộ phim truyền hình dài 36 tập "Mắt bão" của nữ nhà văn Phan Hồn Nhiên, hay 40 tập phim "Vũ điệu sống" về đề tài giới trẻ.

Sau khi tung tẩy, thỏa thuê với đề tài dành cho lứa tuổi nổi loạn, nhiều đam mê, lắm hoài bão và cũng không ít mộng mơ, anh chàng đạo diễn lại sang một địa hạt khác, mới toanh mà không phải ai cũng dám bước chân vào - mảng đề tài phim tài liệu.

Nguồn kinh phí eo hẹp, tự tìm đề tài, tự phải trần lưng xoay xở tìm nguồn tài trợ để ra sản phẩm chất lượng cao nhưng đã thắng lớn ở nhiều cuộc thi phim tài liệu quốc tế với giải thưởng ấn tượng... Vậy nhưng khi hỏi thể loại nào khiến anh say mê nhất, gã khảng khái thốt lên: Đó là đề tài phim truyện điện ảnh, đề tài mà anh đang trên con đường tích cóp kinh nghiệm và chưa dấn thân.

1.Quãng thời gian gần hai mươi năm đã biến đổi một thanh niên vóc dáng thư sinh, mảnh khảnh thành một người đàn ông phong trần và rắn rỏi. Mái tóc mềm mượt thuở còn là sinh viên Khoa Đạo diễn của Trường ĐH Sân khấu & Điện ảnh HN không còn nữa và thay vào đấy là cái đầu trọc.

Làn da trắng cũng biến mất theo thời gian mà sạm cháy khi anh lăn lội rong ruổi khắp miền của Tổ quốc, suốt những tháng ngày dài ở bên kia bờ đại dương hoặc vùng xa lắc xa lơ đầy nắng và gió của nơi thổ dân da đen ở châu Phi... Được trải nghiệm qua nhiều vùng văn hóa, du ngoạn khắp các nơi trên quả địa cầu khiến cho Đào Thanh Hưng càng thêm phong phú vốn sống và ăm ắp kỉ niệm.

Đạo diễn Đào Thanh Hưng thực hiện một cảnh quay.

Thuở còn sinh viên, trong khi các bạn học khác còn đang ngửa tay xin gia đình từng đồng đóng học phí hay sinh hoạt hằng ngày thì Hưng đã tự thân vận động, tự lực cánh sinh. Nổi danh với bút danh “Cò Lả” trên báo Hoa Học Trò, đồng thời chàng sinh viên còn kiêm thêm vai trò họa sĩ biếm họa trên Báo Hà Nội Mới.

Hồi đấy, khi các sinh viên còn lui hụi với việc ở kí túc xá cho đỡ tốn tiền hay ở những khu nhà trọ dành cho người có thu nhập thấp thì Hưng đã ở một phòng khép kín riêng biệt, độc lập như một khách sạn mini ở ngay khu Chợ Khâm Thiên với giá thuê không hề rẻ. Đồng thời Hưng cũng tự sắm sanh đồ nghề cho công việc như máy tính, máy ảnh, máy quay... cặm cụi gom góp từ những đồng tiền nhuận bút.

Hưng ôm khối mộng mơ cùng cây đàn ghi-ta gửi vào những bản tình ca trong các cuộc vui bạn bè ở kí túc xá hay những kì liên hoan, họp bạn... Lối nói chuyện nhẹ nhàng, với cái kiểu ôm đàn ngồi bên cửa sổ khiến Hưng cũng nổi tiếng đào hoa. Bạn bè rỉ tai nhau Hưng lãng tử, đa tình. Cái ngoại hình đủ để quyến rũ cộng với những lời thì thào to nhỏ rằng chàng sinh viên khoa đạo diễn đa tình dễ thay người yêu như thay áo khiến cho bậc phụ huynh có cô con gái nào trót yêu Hưng cũng nơm nớp lo lắng.

Ra trường đến 15 năm Hưng vẫn chưa lấy vợ, người ta đặt câu hỏi nghi ngờ: Hay gã đã miễn dịch, trái tim chẳng còn rung động với tình yêu? Đùng một cái Hưng lập gia đình ở tuổi 38, người vợ trẻ sinh cho Hưng một cậu con trai mũm mĩm dễ thương. Mỗi lần, sau khi theo đoàn làm phim tài liệu dài ngày về, Hưng lại lao đến ôm cậu cu con cưng nựng.

2.Mấy năm nay Hưng quay sang làm phim tài liệu. Mùa thu năm ngoái, bộ phim "Tiếng hát sau những chấn song" (Singing from behind the bars) của gã nhận Giải nhất ở hạng mục Dự án châu Á xuất sắc tại chợ Dự án Phim tài liệu Docs Port Inchen 2016 ở Inchenon (Hàn Quốc). Thật ra, Hưng bén duyên làm phim tài liệu từ năm 2009. Trong một lần làm phóng sự về những chú chim cho Đài Truyền hình Việt Nam, sau này vốn sống và kinh nghiệm nhiều hơn, Hưng muốn quay trở lại đề tài này để khắc họa rõ nét hơn về những thân phận của những chú chim bé nhỏ, loài chim hoang dã trong chấn song, và thú chơi chim độc đáo của người Việt.

Đạo diễn Đào Thanh Hưng nhận giải thưởng phim tài liệu hay nhất châu Á tại chợ Dự án phim tài liệu Hàn Quốc năm 2016.

Từng băng qua nhiều mảng đề tài khác nhau, từ việc tảo hôn của người dân tộc miền núi, đó là bộ phim tài liệu "Người mẹ trẻ trên đỉnh Vai Thai" được nước Nhật đầu tư và công chiếu trên một kênh truyền hình lớn nhất của Nhật Bản. Từng lăn lội nhiều tháng trời để làm phim tài liệu ở châu Phi... rồi quay về Hà Nội 36 phố phường... Vô vàn đề tài được chàng đạo diễn khai thác ở nhiều góc độ khác nhau. Hưng kể: "Đã có người nước ngoài hỏi anh: sao cậu lắm đề tài thế?". Hưng trả lời: "Ra ngõ gặp đề tài là năng khiếu của những nhà làm phim tài liệu Việt Nam".

Tại sao Hưng lại say mê làm phim tài liệu mặc dù để tìm nguồn tiền đầu tư cho phim tài liệu là vấn đề nan giải của các nhà làm phim? Nhiều bộ phim sau khi tìm được đề tài rất hay rồi, người cha đẻ rất tâm huyết với đứa con tinh thần nhưng để sinh ra nó thì là một quãng đường đầy chông gai và rất dài. Những dự án vẫn phải đắp chiếu vì chưa tìm được nguồn tiền đầu tư.

Để tìm được nguồn tiền đầu tư cho phim tài liệu luôn là vấn đề nan giải. Thứ nhất phim tài liệu không có quảng cáo giữa chừng, không có những màn giật gân câu khách lôi kéo thị hiếu như phim truyền hình, nên việc xin nguồn tiền tài trợ là cực kì khó khăn. Bản thân kinh phí nhà nước cũng vô cùng eo hẹp khi hằng năm chỉ trích số lượng tiền rất khiêm tốn cho thể loại này.

Tiền đầu tư làm phim tài liệu dựa vào hai nguồn kinh phí chủ yếu. Một là xin được nguồn kinh phí nước ngoài tài trợ,  hai là từ nguồn tiền của các doanh nghiệp trong nước. Nhưng nếu là nguồn tiền từ các doanh nghiệp trong nước thì bộ phim phải là do các doanh nghiệp chọn đề tài. Còn nếu là nguồn tài trợ nước ngoài thì phải có buổi thuyết trình dự án, và đương nhiên buổi thuyết trình dự án ấy rất đông người đến thuyết trình nhưng lại rất ít người được chọn. Và Hưng thật may mắn vì nhiều lần được chọn trong số đông người thuyết trình.

Hưng kể để thuyết trình dự án thành công thì tâm lí phải thật sự vững vàng, và biết điểm nhấn trọng tâm nằm ở đâu! Việc tìm người kết hợp cũng thật quan trọng, đầu tiên phải chọn người thật lưu loát về ngoại ngữ và có vốn văn chương phong phú để truyền đạt dự án của mình một cách súc tích, hay nhất. Đã kinh qua nhiều buổi thuyết trình với các dự án xin tiền tài trợ của nước ngoài khiến Hưng thêm dày dạn kinh nghiệm.

Hưng kể ngày sang Nhật Bản để thuyết trình dự án về vấn đề tảo hôn ở một dân tộc miền núi Việt Nam, cậu bắt gặp và ấn tượng với một người đồng nghiệp ở Nhật. Đó là khi người đạo diễn trẻ ấy bước lên sân khấu để thuyết trình cho đề tài của mình, cậu ta mặc nguyên một bộ đồ của người bán cá với chiếc quần ống thấp ống cao, với chiếc nón lụp xụp và khuôn mặt thất thểu tội nghiệp. Bộ phim tài liệu của người đồng nghiệp ấy nói về một khu chợ cá sầm uất đã có từ bao đời nay.

Có thể nói khu chợ cá ấy là nguồn thu nhập, là nơi cung cấp kinh tế cho những người bán hàng và cũng là đời sống văn hóa tinh thần cho những người dân sống ở đó từ rất nhiều năm. Những khu chợ cá đang bị phá bỏ để người ta xây dựng một siêu thị hiện đại. Phim tài liệu nói về việc cần phải giữ lấy những gì cổ kính, nuôi dưỡng đời sống tinh thần của người dân, và con người không nên bị đô thị hóa.

3.Hưng đi nhiều, chiêm nghiệm nhiều. Anh đã từng một thời say mê cái không khí và mùi hương kì lạ của những con phố cổ Hà Nội, Sinh hoạt cộng đồng người trong khu phố cổ của Hà Nội 36 phố phường cũng khiến anh lay động. Những người già ngồi khoảng nửa mét vuông trên khu phố cổ để bán hàng nước.

Đạo diễn Đào Thanh Hưng chỉ đạo một cảnh quay.

Hay sự nhộn nhịp cả ngày và đêm trên khu phố cổ Hà Nội. Khu phố cổ Hà Nội rất nhiều người nước ngoài đến thưởng thức sinh hoạt hè phố, nhưng cái đặc biệt của khu phố Hà Nội rất khác với khu phố cổ Hội An hay khác xa với khu phố Tây Sài Gòn. Và anh khi làm phim tài liệu phải lí giải đâu là nét đẹp đặc trưng, nét duyên riêng chỉ có ở 36 phố phường Hà Nội mà không nơi nào trên thế giới có được.

Có một bộ phim tài liệu mà Hưng đã phải kì công quay mải miết đến 3 năm trời đó là dự án nhà ga sân bay Nội Bài. Chàng đạo diễn lang thang đến thuộc từng bờ tường, và ngóc ngách. Gã bảo: Nhớ đến từng chi tiết, đến nhắm mắt vào mà mọi thứ vẫn cứ hiển hiện rõ mồn một. Tuần nào Hưng cũng trèo lên tháp để ghi hình, thỏa thuê ngắm bầu trời. Có những hôm mây mù, cả thành phố chìm ngập trong màn sương mờ giăng mắc.

Lại có hôm bầu trời trong xanh cao vời vợi lấp lánh các vì sao. Gã có cái thú nhìn ngắm những chiếc máy bay cất cánh và hạ cánh lúc gần rồi xa dần như những chú chim hải âu con bay đi con bay về tựa như một trò chơi con trẻ. Chuyện sân bay qua lăng kính của chàng đạo diễn trở nên đầy chất thơ. Hưng kè kè chiếc máy ảnh và trong những khoảnh khắc bắt gặp gã lập tức giơ máy lên chụp những người công nhân Việt và Nhật đầy ấn tượng. 

Làm phim tài liệu một cách chân thực và sâu sắc là cách mà Hưng hướng đến. Anh tâm sự: Để một bộ phim tài liệu thuyết phục, tôi phải xác định lối kể chuyện theo cấu trúc phim tài liệu hiện đại. Để các nhân vật tự kể câu chuyện của mình. Nghiên cứu tìm tòi mò mẫm, tôi dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu nhân vật cho câu chuyện đa chiều hơn. Phim không có lời bình định hướng như các phim tài liệu khác mà ta thường bắt gặp. Tôi thích kịch tính. Có thể kịch tính đến từ bản thân nhân vật hoặc cách kể chuyện của đạo diễn.

Nhiều người hay phân định phim nghệ thuật và phim thị trường, nhưng với Hưng thì không, hoàn toàn không có ranh giới nào hết. Hưng bảo: "Tôi không phân định mình nghệ thuật hay thị trường, tôi chỉ muốn làm một bộ phim trong đó mình là mình nhất". Vì để được là mình nên ngay cả khi làm những bộ phim tài liệu theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp tư nhân, gã vẫn cứ đưa cái tôi cá nhân hiển hiện vào trong tác phẩm một cách rõ nét. Và chính cái tôi cá nhân ấy đã đóng mác sản phẩm: "Made in Đào Thanh Hưng".

Say mê công việc, không chỉ tìm đề tài, xoay trần lo kinh phí làm phim, rồi ra hiện trường đạo diễn, về đến nhà lại tỉ mẩn dựng phim. Lắm lúc gọi Hưng là "3 trong 1" hay "5 trong 1" cũng chẳng ngoa. Nhiều năm gần đây, Hưng tới tấp nhận đơn đặt hàng làm phim tài liệu, hay phim quảng cáo, tưởng rằng Hưng sẽ rời xa bạn bè nhưng chàng đạo diễn vẫn không quên hằng tuần vào Facebook up ảnh "báo cáo" mình đã đi đâu, làm gì với ai. 

Lắm khi thấy Hưng giữa rừng núi châu Phi cùng đàn trẻ nhỏ da đen, tóc xoăn tít cười mím chi cọp. Lúc lại thấy gã bụi bặm ở tít Tây Nguyên nắng gió trông hầm hố như "giang hồ" vậy. Hoặc có khi xung quanh Hưng là một bầy "tiên nữ" toàn hoa hậu, hoa khôi, người mẫu, ca sĩ đình đám... Đó là khi gã đang quay quảng cáo cho một chương trình nào đó.

4.Có điều đặc biệt là một show hình Hưng chụp chẳng hề rẻ với tiền công cũng vào dạng VIP trong giới đạo diễn, ấy vậy mà khi bạn bè xưa cũ lên tiếng nhờ vả, gã sẵn sàng bỏ cả ngày trời đứng nắng, chịu gió, thậm chí đội mưa để quay quảng cáo cho bạn, hoặc gia đình bạn mà tuyệt nhiên chẳng lấy một đồng thù lao nào. Đã thế lại nhiệt tình chỉ bảo cho đám loắt choắt đàn em đang rậm rịch chuẩn bị thi vào trường học đạo diễn.

Dù sao thì thời gian có dần trôi, xa và lâu lắm rồi, tuy đóng mác đạo diễn thì Đào Thanh Hưng vẫn là chàng Cò Lả năm xưa, vẫn còn vương vấn đâu đây chàng sinh viên khoa đạo diễn cầm đàn ghi-ta ngồi bên khung cửa sổ gảy những bản tình ca...

Trần Mỹ Hiền
.
.
.