Cờ vây - chiến lược của Trung Quốc ở châu Mỹ Latinh

Thứ Tư, 21/11/2018, 17:39
Người Trung Quốc yêu thích và rất sành sỏi với môn cờ vây. Đó là trò chơi ở dạng chiến lược, trong đó mục tiêu là bao vây được nhiều lãnh thổ hơn đối thủ. Bao trùm một ván cờ vây là triết lý “không đánh mà thắng” trong binh pháp Tôn Tử.

Giờ đây, với tham vọng muốn trở thành nền kinh tế trung tâm của thế giới và cô lập Mỹ, Trung Quốc đang chơi một ván cờ vây mang tầm cỡ thế giới. Những quân cờ của Trung Quốc giờ đây đã nằm ở châu Mỹ Latinh, sân sau của Mỹ.

Tách cà phê đắng mang tên El Salvador

Trong một ngày ngập tràn nắng của tháng 7 năm nay, một phái đoàn thương mại của Đài Loan đã được mời đến Hiệp hội Cà phê El Salvador để thưởng thức những tách cà phê, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của đất nước Trung Mỹ này. Từ nhiều năm nay, Đài Loan là một trong những khách hàng quan trọng đối với cà phê El Salvador, đứng thứ 6 trong năm 2017 theo ước tính của Bộ Thương mại Mỹ.

Một tháng sau, các vị khách Đài Loan mới thấm thía được vị đắng của cốc cà phê đã uống vào dịp đó khi El Salvador tuyên bố hủy quan hệ ngoại giao với Đài Loan để thắt chặt hơn nữa quan hệ đang ngày càng nồng ấm với Trung Quốc. Không lâu sau đó, hãng thông tấn nhà nước Xinhua của Trung Quốc đã tuyên bố rằng chiến lược “ngoại giao cà phê” của Trung Quốc đã được khởi động.

Theo một bài báo ra ngày 10-9, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê El Salvador đã khẳng định rằng, giao thương giữa Salvador và Trung Quốc đã được nối lại và cà phê sẽ đứng đầu trong danh mục mặt hàng xuất khẩu.

Với quyết định trên, El Salvador nằm trong số những nước trong thời gian gần đây đã đi đến quyết định rằng những khoản đầu tư của Trung Quốc là quan trọng hơn rất nhiều so với mối quan hệ đồng minh với Đài Loan. Khoản đầu tư mà Trung Quốc đang hứa hẹn với họ, chính là số tiền để hiện đại hóa cảng biển tại La Union.

Theo ông Richard Bush, chuyên gia về Đài Loan của Học viện Brooking có trụ sở ở Washington thì số tiền mà Trung Quốc hứa hẹn đầu tư cho những nước này lớn hơn rất nhiều so với số tiền mà Đài Loan và cả Mỹ có thể hỗ trợ đồng thời.

Năm 2017, sau khi Panama cắt đứt quan hệ với Đài Loan, Mỹ hầu như không có phản ứng gì, dẫu rằng có những mối đe dọa hiển nhiên về phương diện địa - chính trị khi mà Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng đối với Panama và kênh đào Panama, huyết mạch của thương mại quốc tế. Tiếp đó, Burkina Faso và Cộng hòa Dominique cũng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan mà không gây ồn ào gì đáng kể.

Nhưng, lần này, quyết định của El Salvador như giọt nước làm tràn ly. Nước Mỹ lên cơn thịnh nộ và Nhà Trắng đưa ra tuyên bố với những lời lẽ rất cứng rắn: “Việc chấp nhận sự can thiệp của Trung Quốc vào đường lối đối ngoại của một đất nước nằm ở Tây bán cầu hiển nhiên làm nước Mỹ cảm thấy lo lắng và sẽ làm thay đổi những nền tảng trong mối quan hệ của chúng tôi với El Sanvador”.

Trên thực tế, sau đó, Mỹ cũng không đưa ra những biện pháp trừng phạt cụ thể nào nhưng những lời công kích gay gắt hướng về El Salvador cho thấy Mỹ đánh giá rằng những nỗ lực của Trung quốc nhằm cô lập Đài Loan và kết nạp thêm những đồng minh mới ở Tây bán cầu - “sân sau” của Mỹ - là một mối đe dọa thực sự.

Tàu chở hàng COSCO của Trung Quốc đi vào kênh đào Panama sau khi được mở rộng bằng vốn vay của Trung Quốc.

Ván cờ vây mang tầm quốc tế

Việc Trung Quốc thành công khi gây áp lực khiến El Salvador quay lưng lại với Đài Loan để hướng về phía mình đã đẩy Mỹ lún sâu hơn vào một cuộc chơi chiến lược về địa- chính trị. Giống như trong một ván cờ vây, Trung Quốc liên tục tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở mọi ngóc ngách của thế giới. Các nước châu Mỹ Latinh giờ đây cũng không nằm ngoài cuộc chơi này.

Từ khi ông Donald Trump lên nhậm chức, nước Mỹ đã ra tuyên bố về một chiến lược ưu tiên cho các quyền lợi của Mỹ, giảm dần các chi tiêu ở nước ngoài, kể cả những khoản tiền hỗ trợ hay đầu tư. Oriana Skylar Mastro, một nhà nghiên cứu tại American Entreprise Institute - viện nghiên cứu có trụ sở tại Washington nhận định rằng: “Học thuyết yêu nước của ông Trump đã gián tiếp làm giảm đi cái gọi là sức mạnh Mỹ. Nước Mỹ trở nên kém thu hút với các đồng minh và các đối tác tiềm năng”.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, đã có những sự thay đổi về phía Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump dường như đang kín đáo móc hầu bao. Tháng 10 vừa qua, Mỹ đã lên kế hoạch lập một quỹ đầu tư 60 tỷ đô la dành cho các dự án phát triển ngang tầm với các dự án xây dựng các cơ sở hạ tầng và giao thông trong sáng kiến “Một vành đai - Một con đường” của Trung Quốc.

Mỹ cũng quyết định đầu tư 113 triệu đô la vào nền kinh tế số, cơ sở hạ tầng và năng lượng trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Dẫu ông Trump đã từng mạnh miệng tuyên bố rằng “nước Mỹ có thể vẫn sống tốt mà không cần tới bất cứ thỏa thuận thương mại nào” nhưng Mỹ vẫn tìm cách để đạt được một thỏa thuận thương mại tự do với Mexico và Canada, “cài cắm” trong hiệp định này một điều khoản ngăn cấm các nước này ký những hiệp định thương mại tương tự với Trung Quốc.

Theo Evan Ellis, chuyên gia về Trung Quốc và Mỹ Latinh, giáo sư Học viện Quốc phòng Mỹ, “Trung Quốc đang chơi một ván cờ vây có quy mô quốc tế. Nếu họ làm chủ được cảng La Union ở El Salvador, họ sẽ tiếp tục xây dựng các cảng và đường sá ở những nơi khác. Từ những tiền đồ thương mại này, họ có thể gia tăng ảnh hưởng chính trị và nhiều thứ khác nữa”.

Evan Ellis nhấn mạnh: “Đó là một ván cờ vây về kinh tế ngoại giao. Một ván cờ vây mang bình diện thế giới. Đây là cuộc chiến tranh địa - chính trị mà Mỹ sẽ mất dần ảnh hưởng tại các vị trí xung yếu. Châu Mỹ Latinh nằm ở Tây bán cầu, vẫn thường được quan niệm như là “sân sau” của Mỹ và lại có vị trí địa lý nằm xa nhất trong tầm ảnh hưởng bởi sự bành trướng của cái gọi là “sức mạnh Trung Hoa”.

Nhưng, giờ đây, những quan niệm như trên đã trở nên lạc hậu. Chúng ta có thể nhận thấy điều đó qua thái độ của những nước như El Salvador. Họ phớt lờ yêu cầu của Mỹ để hướng về Trung Quốc”. 

Dương Thắng (tổng hợp)
.
.
.