AI: Mặt trái sau những choáng ngợp
Trên thế giới ngày nay, đâu đâu người ta cũng nói về trí tuệ nhân tạo (AI). Theo dự báo của công ty nghiên cứu công nghệ IDC, chi tiêu toàn cầu cho AI, bao gồm cả việc phát triển phần mềm, phần cứng và dịch vụ cho các hệ thống nền tảng AI dự kiến đạt 154 tỷ USD trong năm 2023, tăng gần 27% so với năm ngoái.
Qua những cao trào
Tiềm năng và sức mạnh của AI là không thể phủ nhận, nhưng công nghệ này có điểm yếu là nỗi sợ mà chính nó mang lại cho con người. Việc kiểm soát và vận hành AI như thế nào cho đúng, đủ và hay, là bài toán đường dài mà người ta phải nghĩ đến. Sau khi phát triển bùng nổ, AI có thể sẽ bước sang những nốt trầm trong năm tới khi sự hào hứng và cường điệu về công nghệ này giảm nhiệt, thế chỗ cho nhiều hoài nghi; những chi phí thực tế để vận hành ngày càng tăng trong khi giới chức siết chặt quản lý trước nhiều nguy cơ.
Các mô hình AI sáng tạo như ChatGPT của OpenAI, Google Bard, Claude của Anthropic và Synthesia dựa vào sức mạnh tính toán khổng lồ để chạy các mô hình toán học phức tạp cho phép chúng tìm ra những phương án phản hồi yêu cầu của người dùng. Không thể phủ nhận AI có tác động lớn đến nền kinh tế - xã hội nói chung, đặc biệt là ở khía cạnh tăng cường và thúc đẩy năng suất. Tuy nhiên những trở ngại cần vượt qua để thực sự ứng dụng công nghệ này, khai phá những ranh giới mới của AI phục vụ con người không hề ít.
Không thiếu những bài viết về những rủi ro đã có và những dự đoán sẽ xảy ra trong ngắn, trung thậm chí là dài hạn về nguy cơ của AI, một lĩnh vực kết hợp khoa học máy tính và dữ liệu để giải quyết nhiều vấn đề, phát triển học máy và học sâu. Cải thiện hiệu quả công việc, nâng cao năng suất, tiết kiệm sức người, cắt giảm chi phí và đẩy nhanh quá trình nghiên cứu phát triển là những “mặt phải” quá rõ ràng. Trong khi đó, “mặt trái” thực tế nhiều không kém. Đó không chỉ là nguy cơ con người mất việc làm; mất an ninh xã hội khi AI bị lợi dụng cho các mục đích lừa đảo hay tấn công trực tuyến. Rủi ro cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu khi đi cùng phát triển là cái giá phải trả về nguồn cung năng lượng. Trong thời đại số bùng nổ, với sự giúp sức của AI, thông tin là sức mạnh, và sức mạnh, nếu sử dụng sai, sẽ dẫn đến vô vàn hậu quả khó lường. Sau những hào hứng ban đầu, và khi thực tế bắt đầu cho thấy những góc khuất của việc công nghệ bị lợi dụng, sự hân hoan dần thế chỗ cho lo ngại.
Theo CCS Insight, các công cụ tìm kiếm sẽ phải sớm thêm các cảnh báo nội dung để nhắc người dùng rằng tài liệu họ đang xem từ là AI chứ không phải do con người tạo ra. “Nhà báo” AI là điều không mấy xa lạ, song thực tế là hàng loạt tin tức do AI tạo ra hàng ngày thường chứa đầy những sai sót thực tế và thông tin sai lệch. NewsGuard, hệ thống xếp hạng các trang tin tức và nền tảng thông tin, trên thế giới hiện nay đã có gần 50 trang web tin tức có nội dung hoàn toàn được tạo ra bởi các phần mềm AI. CCS Insight dự đoán rằng thực tế này là yếu tố đòi hỏi trong thời gian tới, các nền tảng tìm kiếm trực tuyến buộc phải gắn nhãn tài liệu do AI sản xuất - giống như cách các công ty truyền thông xã hội giới thiệu nhãn thông tin cho các bài đăng liên quan đến COVID-19 để chống lại thông tin sai lệch về virus.
Những sự kiện chính trị quan trọng trên thế giới trong năm 2024, nhất là cuộc bầu cử tại nước Mỹ lại một lần nữa nhắc người ta về sự cảnh giác trước tin giả, và giờ điều này càng quan trọng với sự phát triển của AI.
Với AI, con người có thể tạo ra hình ảnh, video và âm thanh có chất lượng cao hơn nhiều so với những gì có trước đây. Người dùng AI có thể dễ dàng thao tác với hình ảnh hơn bao giờ hết để khiến mọi thứ trông như thể ai đó đang nói điều gì đó mà trên thực tế họ chưa bao giờ làm.
Những công nghệ như deepfake, được thiết kế để tạo ra video sai sự thật với âm thanh, giọng nói giả mạo của con người – có thể là các ứng cử viên và quan chức - đang làm dấy lên lo ngại. AI có thể mang lại lợi ích cho việc phổ biến nhanh chóng các thông điệp quan trọng, song cũng đòi hỏi giới chức và đối tác công nghệ phải làm việc chăm chỉ hơn bao giờ hết để đối phó với thách thức và đảm bảo sự thật trong quá trình bầu cử, từ thông tin đến từ các thành phố, quận, tiểu bang, thông tin cử tri, thông tin trong quá trình vận động…
Trách nhiệm, vì lẽ đó, cũng thuộc về các công ty truyền thông. Google đã thông báo rằng trên tất cả các nền tảng của họ, bao gồm cả YouTube, yêu cầu người dùng gắn nhãn và chú thích cụ thể nếu họ đăng tải một video deepfake (nhất là liên quan đến chính trị). Điều này sẽ không chỉ giúp ích cho người dùng mà còn tác động - nói đơn giản là làm gương – cho các nền tảng khác.
Các cử tri cũng cần thận trọng hơn trước thách thức mà AI có thể đặt ra đối với cuộc bầu cử quan trọng đối với không chỉ quốc gia này mà còn với cả thế giới.
Vấn đề cốt yếu
Việc tạo ra AI đòi hỏi chi phí rất lớn với những loại máy móc phức tạp. Việc sửa chữa và bảo trì cũng đòi hỏi chi phí cao. Ví dụ như việc vận hành ChatGPT ước tính tiêu tốn đến 700.000 USD/ ngày, gồm chi phí cần thiết cho hệ thống hạ tầng để chatbot AI giúp hàng triệu người trên thế giới viết thư xin việc, làm bài tập, viết văn hoặc đơn giản là chỉnh sửa bài đăng trên mạng xã hội. Với những nhu cầu này, ChatGPT cần một lượng tính toán khổng lồ để đưa ra các câu trả lời dựa trên truy vấn của người dùng. Phần lớn chi phí bỏ ra cho những ứng dụng AI mạnh mẽ này là vì các máy chủ mạnh mẽ với các con chip đồ họa đắt đỏ như A100 của Nvidia (Mỹ). Các chip này chiếm đến 90% GPU (Graphics Processing Unit) - bộ xử lý những tác vụ liên quan đến đồ hoạ cho vi xử lý trung tâm dữ liệu dành cho việc huấn luyện và vận hành các mô hình AI. Nvidia đã phát triển loại chip H100 với hiệu năng huấn luyện cao gấp 9 lần so với A100.
Giá thành 2 loại GPU này không hề rẻ. Chip A100 có giá 10.000 USD/ sản phẩm, trong khi giá bán của chip H100 có thể lên mức 40.000 USD. Nhiều công ty như Amazon, Google, Alibaba, Meta và OpenAI, đang thiết kế chip AI riêng nhằm cắt giảm chi phí cho hạ tầng máy chủ bằng cách. Dự án chip Athena được Microsoft triển khai từ năm 2019, cùng khoản đầu tư 1 tỷ USD đầu tiên vào OpenAI. Dù có thể việc phát triển các loại chip mới loại bỏ hoàn toàn các chip Nvidia song có thể giúp họ phần nào tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành và huấn luyện AI.
Hãng Google cũng mới giới thiệu bộ xử lý AI dành cho các siêu máy tính là Tensor Processing Unit, với khả năng kết nối trực tiếp hàng nghìn con chip này với nhau để làm nên một siêu máy tính AI. Hệ thống này được sử dụng để huấn luyện mô hình AI của PaLM của công ty, công nghệ nền tảng vận hành chatbot Bard AI.
Việc các ông lớn công nghệ “tự túc” chip cho AI có thể đem lại hiệu quả đáng kinh ngạc cho chính họ, song nhìn vào giá thành và mức chi phí vận hành AI, nhất là hệ thống AI tổng quát, chặng đường cho nhiều tổ chức và nhiều nhà phát triển có lẽ không hề đơn giản.
Siết chặt vòng kim cô
Sự sáng tạo mà AI mang lại đã đã tạo ra tiếng vang lớn trong năm 2023, từ cộng đồng những người đam mê công nghệ, các nhà đầu tư mạo hiểm cho tới các công sở, nơi người ta say mê với khả năng tạo tác những thứ theo cách giống con người để đáp ứng các đòi hỏi và yêu cầu theo giọng nói hay văn bản. Dù có nhiều hứa hẹn về tiềm năng, AI cũng khiến giới chức và công chúng toàn cầu ngày càng lo ngại công nghệ này có quá nhiều nguy cơ.
Liên minh châu Âu (EU) đang có những bước tiến mạnh mẽ nhằm thông qua Đạo luật AI, một quy định mang tính bước ngoặt nhằm đưa ra cách tiếp cận căn cứ trên những đánh giá về rủi ro liên quan AI, mà theo đó, một số công nghệ như nhận dạng khuôn mặt trực tiếp có thể sẽ bị cấm hoàn toàn.
Ngày 14/6/2023, dự thảo Luật Trí tuệ Nhân tạo (AI Act) đã được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua. EP và 27 nước thành viên EU đang tiếp tục các cuộc đàm phán về đạo luật cuối cùng và dự thảo luật vẫn cần phải được đệ trình Nghị viện các quốc gia thành viên thông qua trước khi trở thành luật chính thức, được kỳ vọng hoàn tất vào cuối năm nay để khối có bộ luật đầu tiên trên thế giới về quản lý AI.
Dự thảo luật đề xuất nhiều nội dung nhằm loại bỏ rủi ro do các chương trình AI; nêu một danh sách các lĩnh vực rủi ro cao; đặt ra các yêu cầu rõ ràng đối với các hệ thống AI cho các ứng dụng nhiều rủi ro; xác định nghĩa vụ cụ thể cho người dùng và nhà cung cấp phần mềm AI trong lĩnh vực có nhiều rủi ro; đề xuất đánh giá sự phù hợp trước khi hệ thống AI được đưa vào vận hành hoặc đưa ra thị trường; kiến nghị các lĩnh vực ứng dụng sau khi vận hành hệ thống AI đủ tiêu chuẩn trên thị trường cũng như sáng kiến xây dựng cấu trúc quản trị ở cấp châu Âu và quốc gia.
EU cũng có kế hoạch phối hợp với Mỹ để xây dựng bộ quy tắc thực hành tự nguyện về công nghệ, phổ biến cho các quốc gia đối tác và trên thế giới.
Sự phát triển AI và tương lai con người sẽ ngày càng gắn bó. Mọi bước tiến của nhân loại đều không thiếu thử thách, và trước những vấn đề đặt ra trong năm tới và cả tương lai, dù có thế nào, AI vẫn là công nghệ tiềm năng, sẵn sàng cho những đột phá phi thường hơn, có thể định hình lại cả thế giới công nghệ và vật chất của con người.