Nguy hiểm hội chứng sùng bái cá nhân

Thứ Sáu, 03/07/2020, 21:37
Mua phân của một người - cho dù họ là ai là một ý tưởng táo bạo điên rồ tới mức chẳng ai dám nghĩ đến. Ấy vậy mà có một nghệ sĩ người Ý Manzoni Piero, đã bán phân mình với giá bằng vàng. Vào tháng 5, năm 1961, ông làm 90 cái hộp, đánh số thứ tự từ 01 đến 90, đặt tên là các hộp “Phân của nghệ sĩ”. Hộp được làm bằng thiếc, đóng kín và mỗi hộp chứa 30 gam phân của chính ông, trên nhãn ghi:

“Phân nghệ sĩ 

chứa 30 gam

Bảo quản tơi

Sản xuất và đóng hộp 

vào tháng 5/1961”.

Sau khi ông hoàn thành, mỗi một chiếc hộp được bán với giá đúng bằng 30 gam vàng, tại thời điểm đó là 37 đôla. Nhưng giá nó đã tăng chóng mặt. Năm 2016, tại một cuộc đấu giá ở Milan, một hộp trong số 90 hộp đó được bán với giá 300 nghìn đô la Mỹ. 

Điều gì khiến người ta mua hộp phân của nghệ sĩ? Trước hết, hãy thử hình dung bạn đứng trong bảo tàng nghệ thuật và thấy có một hộp phân được trưng bày. Bạn sẽ giật mình chú ý đến nó bởi lẽ đã bao giờ bạn gặp chuyện như vậy. Bạn ngắm nhìn chiếc hộp và sẽ tò mò điều gì thực sự ở bên trong. Chiếc hộp đó làm bằng thiếc và do vậy không thể chụp X-quang được, cách duy nhất bạn muốn biết là phải mở nó ra. Nhưng như vậy nó sẽ mất giá trị nên chẳng ai mở nó.

Hộp phân nghệ sĩ của tác giả Manzoni Piero.

Tiếp theo, bạn sẽ tò mò tự hỏi, liệu cái hộp trước mặt bạn có được gọi là tác phẩm nghệ thuật không? Một hộp phân giản đơn không có cái gì đẹp đẽ ở đây cả. Nhưng nó là một sản phẩm của một nghệ sĩ, và ông ta gọi nó là nghệ thuật. Điều đó có đúng không?

Tiếp theo, bạn sẽ tò mò tự hỏi tại sao nó lại có thể có giá cao như vậy. Nhìn qua ai cũng biết chất liệu công dụng của nó chẳng đáng giá gì, vậy giá trị của nó ở đâu. Nếu có một ai khác làm tương tự, cũng lấy chất thải của mình đóng hộp đem bán, chẳng có ai mua. Vậy rõ ràng là giá trị của cái hộp là do Manizo đặt ra, ông ta liệu có ảo tưởng không. 

Và khi bạn đang đứng tần ngần suy nghĩ về tất cả những câu hỏi như: đây có phải là tác phẩm nghệ thuật hay không, tác phẩm này có giá trị (bao nhiêu tiền) như thế nào, bất chợt  có người mua nó với trị giá đúng bằng vàng. Người mua ở đây tham gia vào quá trình sản xuất nghệ thuật, mua là khâu cuối cùng để cho phép một sản phẩm trở thành tác phẩm nghệ thuật. Nếu không có người mua, cái hộp đó chỉ là vật thể kì dị ngông cuồng. Chính người mua đã làm hoàn thiện và nâng ý tưởng của nghệ sĩ lên thành tác phẩm nghệ thuật, đồng thời công nhận giá trị của nó.

Ý tưởng của nghệ sĩ Manzoni rất sống động với thời đại chúng ta. Nó trực tiếp phơi bày một xu hướng, một thói quen tệ hại của con người: đó là sùng bái hàng hóa, sùng bái cá nhân. Ồ đây là một nghệ sĩ, cái gì của anh ta làm ra cũng là nghệ thuật. Ồ đây là một người nổi tiếng, những cái anh ta nói đều hay ho, vật dụng anh ta dùng hẳn phải có giá trị.

Sùng bái cá nhân biểu hiện nhiều mức độ khác nhau. Ở mức cao nhất, chúng ta lý tưởng hóa, si mê tất cả mọi thứ của một người nào đó, coi những gì người đó nói là chân lý. Một trường hợp điển hình là việc thần tượng các ngôi sao ca nhạc hay diễn viên điện ảnh. Cái áo, cái quần, các câu nói của họ được các fan si mê bắt chước. Ở mức thấp hơn, xu hướng sùng bái cá nhân thể hiện ở việc ý thích của chúng ta đã định hướng suy nghĩ bản thân, tư duy của ta bị lu mờ bởi cảm xúc của chính mình.

Trong những năm gần đây nổi lên một tiến sĩ tâm lý, Dr. Pepper. Cô này nổi tiếng với những khóa học dành cho phụ nữ về những vấn đề tâm lý và tình cảm. Tên gọi của cô, Dr. Pepper là tên của một loại nước giải khát có ga. Cái tên đó ngầm ẩn một thông điệp: uống vô thì vui lên chút đỉnh nhưng nếu dùng lâu sẽ có hại cho sức khỏe. Nhưng sau đó Dr. Pepper được kèm thêm với học vị tiến sĩ tâm lý học tại Mỹ, là một bằng cấp chứng tỏ chuyên môn cao. Sự đa chiều trong hình ảnh của Dr. Pepper sẽ khiến mọi người băn khoăn và tò mò.

Dr. Pepper là ai? Dr. Pepper là một người khá nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông từ mấy năm nay. Cô tham gia rất nhiều các talk show trên truyền hình, các buổi nói chuyện trực tiếp và viết  báo. Dr. Pepper là một người nói hay và dễ nghe. Cô tận dụng tối đa những thông điệp tích cực dễ đi vào lòng người như: “Giấc ngủ ngon là liều thuốc chữa lành căng thẳng, trầm cảm, lo âu”; “Hãy để giận dỗi nhường chỗ cho yêu thương nhé”; Hãy bắt đầu ngày mới bằng hai chữ "Niềm Tin".

Và thế là bây giờ Dr. Pepper bắt đầu đề xuất giá trị sản phẩm của mình. Các khóa học của Dr. Pepper có giá khá cao so với những khóa học tương tự trên thị trường. Khi bạn đang băn khoăn không biết giá trị thực của nó ra sao thì thấy có rất nhiều người mua, tham gia khóa học. Bạn vội vàng đăng ký theo học, sợ mình bỏ lỡ thông điệp gì đó quan trọng. Vậy là chu trình tạo ra sản phẩm đã hoàn thiện, người mua công nhận giá trị của Dr. Pepper.

Nhưng liệu giá trị của Dr. Pepper có phù hợp với nhãn hiệu không? Cô tự quảng cáo rằng đã tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học American Liberty University, là một trường đại học không được công nhận ở Mỹ. Ít người biết rằng trường này chỉ sinh ra để… sản xuất và mua bán bằng, nó đã bị đưa vào danh sách các trường cấp bằng không có giá trị của Ủy ban hỗ trợ học sinh của bang Oregon, Mỹ. Trước những bằng chứng đáng ngại như vậy, một số người đã viết thư ngỏ yêu cầu cô đưa bằng chứng về bằng cấp, nhưng không nhận được hồi âm.

Dr. Pepper cũng cho thấy mình không hiểu rõ khi nói về các vấn đề chuyên môn như bệnh rối loạn lưỡng cực: “Nó chỉ xuất hiện ở độ tuổi 60-70 tuổi trở lên thôi”. Và còn có những quan điểm sai trái như: “[Rối loạn lưỡng cực] là căn bệnh của cuộc sống giả tạo”. Cô đưa ra những quan điểm hoàn toàn không có căn cứ như: “[Rối loạn lưỡng cực] tái đi tái lại nhiều lần thì 85% người đó sẽ tự sát", hay “ôm con gấu bông nằm khóc thì chính là bị trầm cảm".

Các khóa học hay phương pháp trị liệu của Pepper có hiệu quả không? Cho đến bây giờ, không có bằng chứng nào cho thấy hiệu quả. Các trường hợp thành công là do chính Dr. Pepper kể ra trong những lần trả lời phỏng vấn. Còn lại, có một số phản hồi cho thấy thời gian đầu sau khi làm việc với Pepper, các cá nhân thường cảm thấy vui vẻ phấn chấn vì hy vọng; nhưng sau một vài ngày thì mọi chuyện lại hết đi.

Công bằng mà nói, việc đánh giá hiệu quả của việc tham vấn tâm lý rất khó thực hiện vì nhiều lý do. Không phải bác sĩ tâm thần, nhà trị liệu nào cũng đánh giá hiệu quả công việc của mình. Đó chính là lý do những nhà tâm lý, bác sĩ tâm thần được đào tạo bài bản để có thể sử dụng những phương pháp đã được chứng minh. Các quan điểm của Dr. Pepper rất vui tai, dễ nghe và hữu ích giống như vitamin cho cuộc sống. Nhưng khi nó được dùng để nói về bệnh thì điều đó nguy hiểm vì nó không có hiệu quả. Với cái danh tiến sĩ và cách truyền thông, Dr. Pepper làm cho mọi người tin rằng mình hiểu về bệnh và cách trị liệu bệnh.

Vấn đề của xu hướng sùng bái cá nhân là ta bị sức ép vô hình từ sự nổi tiếng, sự yêu thích của số đông. Khi ta đang băn khoăn tự hỏi về mức giá của cô ấy có tương xứng không, thì chợt thấy có rất nhiều người thích và theo học. Lúc đó, chúng ta sẽ nói với bản thân mình: “ồ hẳn là nó đúng thì người ta mới “thích” chứ nhỉ. Phải như thế nào thì mọi người mới “thích” cái đó chứ”. Có những người mua, mức giá của sản phẩm đã trở nên hợp lý.

Xu hướng sùng bái cá nhân của ta cũng bị ảnh hưởng mạnh từ tác động của truyền thông. Ta tin tưởng vào truyền thông, cho rằng họ có trách nhiệm trong việc xác tín thông tin. Nhưng không, họ cũng thích câu khách, họ chọn lựa những người thu hút được người xem mà không quan tâm đến chất lượng thông tin. Một ví dụ điển hình cho việc này là trường hợp huấn luyện viên Jurgen Klopp. 

Huấn luyện viên Jurgen Klopp trả lời họp báo về COVID-19.

Khi báo chí hỏi ý kiến của ông về dịch bệnh COVID-19, kiến ông bực mình trả lời: “Điều tôi không thích ở cuộc sống này là mấy người coi trọng ý kiến của một huấn luyện viên bóng đá về một vấn đề rất nghiêm trọng. Tôi không hiểu điều đó, thực sự. … Chúng ta phải nói những vấn đề thuộc phạm trù mình biết, chứ không phải lấy một người không biết gì như tôi ra phỏng vấn”. Thật may là Jurgen biết giới hạn của mình chỉ cho một điều đơn giản đó. Rất nhiều người nổi tiếng quên mất giới hạn đó và phát biểu như thể chân lý về mọi vấn đề, kể cả những điều họ không biết.

Chủ nghĩa sùng bái cá nhân không hẳn là hoàn toàn xấu xa. Nó phản ánh một nhu cầu thực tế của con người: Chúng ta cần định hướng, cần được dẫn dắt. Với tư cách là những người độc lập, chúng ta thường nghĩ rằng con người yêu sự tự do, muốn được suy nghĩ và chủ động đưa ra quyết định, phán đoán của mình. Trên thực tế, ta không có khả năng làm vậy với mọi chuyện, quá nhiều thứ phải quyết định và có quá nhiều thông tin để xử lý. Để giảm tải sự quá sức đó, cách tốt nhất là làm theo người khác - những người mà mình tin tưởng và có uy tín.

Điều đó phần nào giải thích cho một nghề hot hiện nay, KOLs. KOLs làm cho bạn thích họ, rồi họ bắt đầu sử dụng sự yêu thích của khán giả dành cho họ để ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ và tiêu thụ sản phẩm, quảng cáo trở thành nguồn thu nhập quan trọng của họ.

60 năm trước đây, Paul Simon có viết: “người ta cúi và lạy những vị thần đèn neon mà họ tạo nên”. Trong thời đại ngày nay, chúng ta tạo nên những vị thần bằng lượt “thích” của mình trên facebook. Để rồi, những vị thần đó sẽ dắt ta đi đến những hộp mà không phải lúc nào nó cũng có nhãn rõ ràng như cái hộp phân nghệ sĩ của Manzoni Piero.

Nguyễn Cao Minh
.
.
.