Tóc người có thể làm phân bón
Ngoài nước và ánh sáng, cây cối cần dưỡng chất để phát triển, đặc biệt là nitơ (N). Dù nitơ chiếm tới 78% bầu khí quyển địa cầu, song nó tồn tại chủ yếu ở dạng phân tử (hai nguyên tử N liên kết với nhau) trong khi thực vật chỉ hấp thụ được nitơ ở dạng nguyên tử.
Cây cối chỉ có thể hấp thụ nitơ khi nguyên tố này được “gắn” vào các hợp chất như nitrate (một nguyên tử N và ba nguyên tử O), thứ mà rễ cây có thể hấp thụ từ đất. Một số loài cây lấy nitơ từ mối quan hệ với vi khuẩn, nhưng phần lớn lấy từ phân bón hữu cơ tự nhiên như xác động thực vật hoặc phân bón hóa học.
Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng tóc người có thể trở thành nguồn cung cấp dưỡng chất cho cây khi kết hợp với các loại phân bón khác. Nhưng chưa có thử nghiệm nào chứng minh rằng tóc có thể trở thành phân bón nếu được bón riêng lẻ.
Để kiểm tra vấn đề này, một nhóm chuyên gia của Đại học Mississippi (Mỹ) so sánh tác dụng của tóc với một số phân bón thương phẩm. Họ chọn nhiều cây rau diếp, anh túc, ngải tây, cúc thanh nhiệt và chia chúng thành 4 nhóm rồi bón cả tóc và phân hữu cơ. Nhóm thứ nhất được bón tóc, nhóm thứ hai dùng phân, nhóm thứ ba dùng phân bón hòa tan trong nước và nhóm thứ tư không có phân.
Kết quả cho thấy tốc độ phát triển và số lượng quả của nhóm được bón tóc cao hơn so với nhóm không có phân, nhưng vẫn thấp hơn so với nhóm dùng phân bón thương phẩm. Tuy nhiên, cây anh túc lại phát triển nhanh hơn nhờ tóc, còn cúc thanh nhiệt trong nhóm được bón tóc và phân bón có năng suất tương đương.
Nhóm nghiên cứu cho rằng quá trình phân hủy của tóc diễn ra lâu hơn so với phân bón, do đó mà tóc giải phóng chất dinh dưỡng chậm hơn. Do đó chúng ta không nên dùng riêng tóc để bón cây, mà phải kết hợp với phân bón khác, đặc biệt là với những cây lớn nhanh như rau diếp, ngải tây.
Các nhà khoa học cho biết họ sẽ tiến hành nghiên cứu để tìm hiểu liệu tóc mà con người bỏ đi có thể tác động tiêu cực tới sức khỏe con người khi được sử dụng làm phân bón hay không