"Thần dược" thúc quả chín là thuốc kích thích bình thường

Thứ Tư, 26/11/2008, 15:12
Chiều 25/11, Cục bảo vệ thực vật công bố kết quả kiểm nghiệm “thuốc tắm chín hoa quả” được phát hiện ở thôn Thu Quế (Đan Phượng, Hà Nội) gần đây. Tuy nằm ngoài danh mục nhưng thực chất đây chỉ là một loại thuốc kích thích bình thường.
>> Hóa chất vạn năng biến quả xanh thành chín

Theo ông Trịnh Công Toản, loại thuốc “thần” Ethrel sau khi phân tích thấy có chứa Ethaphon (hoạt chất được sử dụng để kích mủ cao su đã được sử dụng ở Việt Nam). Chất này khi dùng sản sinh ra khí etylen có tác dụng làm quả nhanh chín.

“Loại thuốc này chưa đăng ký lưu hành nên đương nhiên bị cấm tại VN. Tuy nhiên, nếu người dân sử dụng đúng liều lượng, đúng cách thì việc ăn các hoa quả “tắm” thuốc này không ảnh hưởng gì tới sức khỏe”, ông Toản khẳng định.

Thực tế từ năm 2006, Viện nghiên cứu rau quả trung ương đã giới thiệu cho bà con nông dân cách giấm hoa quả bằng Ethrel, với tỷ lệ dùng 1 lọ 5ml hoà tan trong 1 lít nước sạch đủ xử lý cho 10 kg xoài quả.

Ông Đào Công Khanh, chuyên viên bộ môn Bảo quản và chế biến của Viện, cho biết Ethrel là hóa chất giấm chín hoa quả một cách tự nhiên đã được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. Ngay tại Sài Gòn cũng đã có một cơ sở sản xuất chế phẩm này.

Chế phẩm khi tác dụng với nước sẽ sinh ra khí etylen để làm chín quả. Vì thế, với nồng độ sử dụng phù hợp sẽ không gây hại gì cho người tiêu dùng. Ngoài ra, khi phản ứng với nước, thuốc sẽ giải phóng hai gốc axit, tự hết dần trong quá trình quả chín.

Thông thường, với đu đủ đã đốm vàng, khi ngâm trong nước thuốc sẽ chín đều sau 2-3 ngày, và nếu nhanh là 1 ngày. Với quả đu đủ đã già nhưng vỏ còn xanh nguyên, phải dùng nồng độ cao mới chín được.

Tuy nhiên, nếu người giấm sử dụng nồng độ đậm đặc, quả chín quá nhanh, sẽ để lại dư lượng trong quả có thể gây dị ứng trên da.

Trao đổi với PV, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, giám đốc trung tâm Hoạt hóa điện hóa, cũng cho biết, thực chất các loại quả trong tự nhiên chín được là nhờ có etylen. Những loại hóa chất thúc quả chín là lợi dụng nguyên lý sản sinh ra khí này. Đất đèn và hóa chất mới đây là Ethrel đều có tác dụng như vậy.

Vì tác dụng nói trên nên nếu được sử dụng hợp lý, thì có thể lợi cho con người. Nhưng điều đáng ngại, theo ông Khải, là người nông dân thường hám lợi nên pha đậm đặc, pha với tỷ lệ lung tung cốt sao thúc chín thật nhanh, hoặc sử dụng những nước bẩn để pha.

“Trong trường hợp đậm đặc, etylen và các hóa chất khác khi ngấm vào quá nhiều sẽ tương tác với các thành phần khác trong quả để tạo nên những axit có hại cho dạ dày. Nếu chúng được pha bằng nước bẩn thì có thể tạo ra những hóa chất nguy hại”, tiến sĩ Khải nói

Theo VnExpress
.
.
.