Không thích ‘tự chủ’!?

Thứ Sáu, 19/06/2015, 09:28
Khoa học công nghệ muốn có cơ chế tự chủ để tăng tốc phát triển. Thế nhưng, nghịch lí thay, rất nhiều tổ chức khoa học công nghệ công lập lại không thích tự chủ bởi tâm lí lo ngại sẽ không còn được bao cấp.

Từ năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115, trong đó quy định việc thực hiện chuyển đổi các tổ chức khoa học và công nghệ công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Điều này nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm giúp các tổ chức khoa học công nghệ công lập hoạt động hiệu quả hơn.

Sau khi Nghị định 115 được ban hành, Bộ Khoa học – Công nghệ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành 8 Thông tư và 1 Quyết định để hướng dẫn chi tiết việc triển khai. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Khoa học – Công nghệ, tính đến 31/12/2014, trong tổng số 642 tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc đối tượng thực hiện Nghị định 115, mới chỉ có 488 tổ chức đã phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ, còn lại 154 tổ chức vẫn chưa thực hiện chuyển đổi.

Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Nguyễn Quân cũng thừa nhận, quá trình thực hiện chuyển đổi gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do nhận thức của một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng, chưa đầy đủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm nên đã áp dụng không đúng đối tượng thực hiện cơ chế này. Ngoài ra, sự thiếu quyết liệt và nghiêm túc trong chỉ đạo ở một số bộ, ngành, địa phương cũng khiến tiến độ chuyển đổi chậm lại.

“Có nơi chưa phê duyệt được đề án chuyển đổi nào như Hà Nội, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hà Nam, Khánh Hòa, Lai Châu... Một bộ phận cán bộ lãnh đạo các tổ chức khoa học và công nghệ công lập còn có tâm lí ỷ lại vào bao cấp Nhà nước, không muốn chuyển sang tự chủ. Họ nghĩ rằng nếu chuyển đổi thì Nhà nước sẽ không chăm lo nữa. Vì thế, Nghị định 115 đã thực hiện 10 năm nhưng vẫn còn 1/4 số đơn vị công lập chưa có ý định chuyển đổi” – Bộ trưởng Quân nhấn mạnh.

Theo Bộ Khoa học – Công nghệ, một số tổ chức khoa học và công nghệ công lập sau khi chuyển đổi đã hoạt động rất hiệu quả như Viện Dầu khí Việt Nam (Bộ Công thương), tổng doanh thu đạt 601 tỷ đồng, thu nhập bình quân 22,7 triệu/người/tháng; Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Bộ Khoa học – Công nghệ), tổng doanh thu 350 tỷ đồng, thu nhập bình quân 18 triệu/người/tháng; Viện Kinh tế Kỹ thuật Thuốc lá (Bộ Công thương), tổng doanh thu 291 tỷ đồng, thu nhập bình quân 7,8 triệu/người/tháng…

Hàng năm, ngân sách Nhà nước dành 2% tổng chi cho khoa học công nghệ. Tuy nhiên, phần thực giao chỉ đạt dưới 1,5% vì còn để phần dự phòng. Năm 2014, ngành khoa học công nghệ được bố trí 1,52%, tương đương 17.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, 40% trong tổng số này dành cho chi thường xuyên (tức trả lương cho bộ máy của ngành). Mức chi cho nghiên cứu chỉ gần 20% (khoảng 3.850 tỉ đồng).

“Số tiền này nếu chia cho 14.000 cán bộ nghiên cứu trong cả nước thì rất thấp. Khoa học công nghệ vẫn chưa thể cất cánh vì đầu tư chưa tới ngưỡng và vẫn còn lãng phí” – người đứng đầu ngành khoa học công nghệ khẳng định.

Ngày 14/2/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực thi hành từ ngày 6/4/2015. "Chúng tôi tin rằng, với Nghị định 16, trong thời gian  tới, các tổ chức KHCN công lập còn lại sẽ chuyển đổi thành công” - Bộ trưởng Quân nói. 

Khánh Vy
.
.
.