Hệ thống hội chẩn y tế trực tuyến video góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Thứ Năm, 13/08/2020, 18:30
Việc nghiên cứu và ứng dụng hệ thống PACS sẽ giúp thu thập, lưu trữ và truyền hình ảnh DICOM trong lĩnh vực Y tế, hỗ trợ các bác sĩ chẩn đoán được nhiều loại bệnh một cách nhanh chóng, chính xác hơn, từ đó đưa ra được phương pháp chữa trị hiệu quả nhất.


Số hóa góp phần giảm tải bệnh viện

Các bệnh viện tuyến Trung ương luôn trong trình trạng quá tải, không chỉ gây  phiền hà cho người bệnh, căng thẳng cho nhân viên y tế, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng khám và điều trị. Ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp giảm tải như nâng cao năng lực y tế cơ sở, chuyển giao công nghệ từ bệnh viện hạt nhân về bệnh viện vệ tinh; xây dựng bệnh án điện tử thông qua việc số hóa các dữ liệu liên quan đến bệnh nhân vv…

Tuy nhiên, việc số hóa và truyền tải dữ liệu chẩn đoán hình ảnh tại các bệnh viện đang là một thách thức lớn, bởi hệ thống thu thập, lưu trữ và truyền hình ảnh DICOM phải nhập ngoại với giá thành rất cao.

Ứng dụng sản phẩm tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Để giải quyết nhu cầu cấp bách trên, từ 2015 -2019, TS. Nguyễn Chí Ngọc cùng nhóm nghiên cứu của Công ty Cổ phần Công nghệ Thông minh Ưu Việt đã tiến hành 2 dự án: “Hoàn thiện công nghệ chế tạo thiết bị hệ thống thu thập, lưu trữ hình ảnh DICOM, hệ thống hội chẩn y tế trực tuyến video và phần mềm bảo mật, khai thác cơ sở dữ liệu ảnh DICOM phục vụ chẩn đoán bệnh” và “Ứng dụng công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây để xây dựng hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh (PACS-Cloud) phục vụ kết nối liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện.”

Tiến hành khảo sát thực tế tại một số bệnh viện, nhóm nghiên cứu nhận định, đa phần các bệnh viện tại Việt Nam hiện nay sử dụng mạng internet địa chỉ IP động, NAT (Network Address Translation) và tường lửa, nên rất cần một mạng logic để truyền dữ liệu hình ảnh theo chuẩn DICOM.

Ứng dụng hệ thống hội chẩn Video trong can thiệp mạch vành

Hiện nay, hệ thống PACS - thu thập và lưu trữ hình ảnh DICOM của nước ngoài có chi phí rất cao. Ngoài ra, hệ thống chủ yếu tập trung trong một bệnh viện, không phải là hệ thống phân tán tại các bệnh viện, cũng không được tích hợp với hệ thống hội chẩn y tế trực tuyến video. Do đó, không thể đáp ứng được nhu cầu kết nối liên thông dữ liệu chẩn đoán hình ảnh giữa các bệnh viện, hay nhu cầu khám, chữa bệnh từ xa.

Vì vậy, Cổ phần Công nghệ Thông minh Ưu Việt đã tiến hành nghiên cứu và phát triển công nghệ thu thập, lưu trữ và xử lý hình ảnh DICOM, để vừa giảm giá thành, vừa nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống. 

Hội chẩn bằng công nghệ số

Sau 4 năm nghiên cứu, cả 2 dự án đều đạt được kết quả như mong đợi, giúp ích cho việc thu thập, lưu trữ hình ảnh phục vụ chẩn đoán và khám, chữa bệnh cho người dân. Nhóm nghiên cứu đã phát triển được hệ thống PACS – thu nhập và lưu trữ hình ảnh DICOM, dựa trên nền tảng công nghệ nhúng Linux. Hệ thống cũng có tính bảo mật cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế (ISO 12052:2006), có khả năng lưu trữ dữ liệu ảnh lâu dài, hay luân chuyển dữ liệu qua kênh bảo mật riêng. Đặc biệt, tỷ lệ nội địa hóa chiếm tới 85%, kéo giá thành sản phẩm giảm chỉ còn 1/3 so với nhập ngoại.

Hệ thống hội chẩn video được tích hợp với hệ thống PACS

Từ kết quả nghiên cứu, nhóm thực hiện dự án tiếp tục chế tạo thành công hệ thống hội chẩn video để phục vụ việc hội chẩn trực tuyến cho các trường hợp siêu âm, X-quang, CT, MRI, DSA. Ưu điểm của hệ thống này là “tạo ra một phòng họp trực tuyến” từ phòng siêu âm, chụp X-quang, chụp CT, phòng mổ,..., giúp các bác sĩ trao đổi với nhau từ khoảng cách rất xa qua mạng internet, để cùng nắm bắt được tình trạng của bệnh nhân, thảo luận và thống nhất phương hướng điều trị thích hợp nhất.

Hệ thống hội chẩn video còn được tích hợp với hệ thống PACS, giúp việc số hóa các hình ảnh X Quang, CT, MRI, siêu âm trở nên dễ dàng hơn. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các bệnh viện xây dựng bệnh án điện tử.

Nhờ việc số hóa dữ liệu hình ảnh, các bác sĩ tại các bệnh viện có thể xem được các hình ảnh DICOM qua giao diện website, hoặc trên các thiết bị di động. Nhờ đó, các bệnh viện sẽ không phải in ra các phim như phương pháp truyền thống, giúp tiết kiệm chi phí cho cả bệnh viện lẫn người bệnh: Ước tính, chi phí nhập nguyên vật liệu để in, rửa phim và bảo quản tại 38 bệnh viện tham gia đề án lên tới 10 tỷ/năm ở mỗi bệnh viện.

Bên cạnh đó, hệ thống hội chẩn video có nhiều tính năng xử lý chuyên môn cao, như chỉnh độ sáng tối, đo kích cỡ vùng bệnh; cập nhật dữ liệu theo thời gian thực; phục vụ việc chẩn đoán từ xa an toàn và chính xác.

Thương mại hóa thành công

Hệ thống PACS – thu thập, lưu trữ và truyền tải hình ảnh DICOM và hệ thống hội chẩn video trực tuyến đã được thử nghiệm tại nhiều bệnh viện: Trung tâm Medic Hòa Hảo, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện quận Thủ Đức, Bệnh viện Kiên Giang, Bệnh viện Cà Mau, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp,…và cho kết quả như mong đợi.

Ứng dụng hệ thống PACS đọc và xử lý ảnh DICOM phục vụ chẩn đoán, điều trị

Hệ thống này cho phép tiết kiệm thời gian và chi phí khám, chữa bệnh cho người dân, góp phần giảm tải cho đội ngũ bác sĩ và y tá, từ đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, từng bước xây dựng lòng tin của người dân với hệ thống y tế. Việc sử dụng bệnh án điện tử cũng góp phần giảm tác hại môi trường, do các vật liệu in phim truyền thống gây ra.

Với số lượng hơn 1.000 bệnh viện tại Việt Nam, nhu cầu khám, chữa bệnh từ xa và kết nối liên thông dữ liệu chẩn đoán hình ảnh giữa các bệnh viện là rất lớn. Riêng năm 2018, việc thương mại hóa sản phẩm đã đem lại cho Công ty 25 tỷ đồng. Do đó, ước tính, doanh thu từ hai hệ thống trên có thể lên tới 100 tỷ đồng trong 5 năm tới, tăng trưởng 80%/năm.

TS. Nguyễn Chí Ngọc - Chủ nhiệm dự án cho biết nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh PACS-Cloud, ứng dụng công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây, phục vụ kết nối liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện, nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trên toàn quốc.

Kết quả kết nối các máy chẩn đoán hình ảnh với hệ thống BKPACS:

- Hệ thống kết nối nhận dữ liệu từ máy CT chính xác và ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu lưu trữ hình ảnh, nhu cầu truy vấn thông tin ảnh DICOM để phục vụ chẩn đoán.

- Hệ thống BKPACS đã hoàn thiện kết nối đến hệ thống máy MRI, luân chuyển dữ liệu ảnh DICOM và thông tin bệnh nhân, thực hiện thành công mô hình liên kết chung cho quản lý hình ảnh trong bệnh viện.

- Hệ thống đã thực hiện được mô hình truyền dẫn với độ an toàn và chính xác cao, bảo đảm tính toàn vẹn và liên tục của dữ liệu.

- Hệ thống BKPACS hỗ trợ đầy đủ các giao thức truyền, nhận, xác thực dữ liệu theo chuẩn DICOM, quá trình truyền tải và lưu trữ thông tin chính xác. Việc kết hợp với các thủ tục bảo mật, chứng thực và so sánh dữ liệu giúp thông tin truyền tải an toàn. Công cụ phát hiện mất kết nối giúp hệ thống được vận hành liên tục và nhanh chóng sửa lỗi khi có sự cố xảy ra.

- Lấy đúng và đầy đủ các hình ảnh số từ tất cả các thiết bị chẩn đoán hình ảnh bao gồm máy CT, MRI, DSA, X quang, Siêu âm tại các bệnh viện.

- Kết quả trong 9 tháng tương đương với hơn 200.000 tấm phim in truyền thống. Dữ liệu hình ảnh điện tử đảm bảo phục vụ công tác chẩn đoán bệnh như phim truyền thống.


 

Thái Hoàng
.
.
.