Chương trình 2075: Tạo sức bật để phát triển thị trường KH&CN

Thứ Sáu, 10/07/2020, 14:52
Sau 5 năm thực hiện, Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 (gọi tắt là chương trình 2075) do Thủ tướng phê duyệt đã đạt được những thành quả đáng kể.


Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp (PTTTDN) của Bộ KH&CN – đơn vị đầu mối thực hiện Chương trình - đã chủ động bám sát các nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện môi trường pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thị trường KH&CN; (2) Thúc đẩy hoạt động dịch vụ thị trường KH&CN; (3) Thúc đẩy nhu cầu công nghệ và nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ.

Chương trình đã phê duyệt được 65 nhiệm vụ trên tổng số hơn 500 đề xuất đăng ký với tổng kinh phí thực hiện là 340 tỷ đồng, trong đó 55% từ NSNN, còn lại khoảng 45% nguồn kinh phí được đối ứng từ doanh nghiệp tham gia.

Chương trình đã có sự thu hút đầu tư góp vốn khá lớn từ các đơn vị tham gia và phối hợp để phát triển công nghệ, góp phần thúc đẩy thị trường KH&CN, đặc biệt là nhóm dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và tài sản trí tuệ. Điều này phần nào thấy được hiệu quả đầu tư trong việc thúc đẩy hợp tác công tư, liên kết tổ chức khoa học với doanh nghiệp, để phát triển thị trường KH&CN.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã góp phần thúc đẩy thị trường KH&CN,  mang lại những tác động về mặt KH&CN, kinh tế – xã hội và tính liên kết lan tỏa cao.

Các dự án nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thị trường KH&CN đã có nhiều kết quả nổi bật: Mô hình định giá công nghệ ATWOM phục vụ các đơn vị có nhu cầu định giá công nghệ để chuyển giao công nghệ, cấp bản quyền, sát nhập, mua bán, tách hoặc liên doanh. Các nhiệm vụ đề xuất chính sách và công cụ tài chính phát triển thị trường KH&CN góp phần điều tiết hiệu quả và thúc đẩy quá trình hình thành các sản phầm KH&CN, thúc đẩy gia tăng giá trị giao dịch công nghệ trên thị trường.

Việc đưa ra giải pháp nâng cao năng lực đổi mới, chuyển giao, thương mại hóa công nghệ trong trường đại học đã giúp hình thành phương pháp đánh giá năng lực tiếp thu công nghệ của các doanh nghiệp, phục vụ quá trình thương mại hóa và phát triển thị trường KH&CN của Việt Nam.  

Mô hình thương mại hóa sản phẩm KH&CN của khối các trường ĐH kỹ thuật ở Việt Nam đã giúp các cơ sở nghiên cứu ứng dụng thực tiễn trong thương mại hóa kết quả KH&CN, thúc đẩy vai trò của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thương mại hóa sản phẩm KH&CN của các trường ĐH. 

Các kết quả nghiên cứu khoa học chính là cơ sở để Chương trình 2075 định hướng phát triển thị trường KH&CN một cách phù hợp nhất.

Các nghiên cứu về nâng cao năng lực của tổ chức trung gian góp phần quan trọng đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ, tài sản trí tuệ, thúc đẩy hoạt động liên kết các sàn giao dịch công nghệ.

Bên cạnh đó, Chương trình đã hỗ trợ dự án “Thiết lập, duy trì và phát triển cơ sở dữ liệu thông tin trực tuyến về đối tượng sở hữu công nghiệp và công cụ khai thác phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ”, để tạo lập cơ sở dữ liệu đầy đủ về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu kèm theo thông tin xác lập, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, khai thác, quản trị, phát triển tài sản trí tuệ, góp phần thúc đẩy thị trường KH&CN.

Để thúc đẩy hoạt động giao dịch của các Sàn giao dịch công nghệ, Dự án “Xây dựng hệ thống liên kết các sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến vùng duyên hải Bắc bộ nhằm thúc đẩy thị trường công nghệ tại Việt Nam” đã được phê duyệt, nhằm kết nối 5 sàn giao dịch công nghệ trong vùng duyên hải Bắc bộ, tạo tiền đề kết nối với các sàn giao dịch công nghệ khu vực miền Trung và miền Nam. Dự án đã góp phần phát triển thị trường KH&CN bằng cách ứng dụng CNTT trong việc kết nối mua bán công nghệ, đẩy mạnh quá trình thương mại hóa sản phẩm công nghệ, kết quả nghiên cứu trên Sàn giao dịch công nghệ.

 Các dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ được nhiều tổ chức hưởng ứng. Bởi hiện nay các kết quả nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm và đang cần một bước hỗ trợ chuyển tiếp sang giai đoạn sản xuất thử nghiệm trên quy mô công nghiệp, đánh giá thị trường, hợp chuẩn hợp quy…  để thương mại hóa phát triển thị trường Việt Nam.

Các sản phẩm KH&CN hỗ trợ nhóm này 100% được đăng ký Sở hữu trí tuệ, đủ tiêu chuẩn thương mại trên thị trường. Hầu hết các dự án được triển khai tại khắp các địa phương trên cả nước, góp phần hình thành và phát triển mạng lưới tổ chức trung gian của thị trường KH&CN.

Sản phẩm được quảng bá rộng rãi có tác động là cầu nối quảng bá xúc tiến phát triển thị trường, tạo ra các mối liên kết chặt chẽ giữa khối nghiên cứu và doanh nghiệp để phát triển, ứng dụng công nghệ, tiếp nhận hiệu quả công nghệ từ viện nghiên cứu/trường đại học trong ngành chế biến thực phẩm; tạo điều kiện huy động các nguồn đầu tư, mở rộng và phát triển dự án, tạo lợi ích lâu dài.

Các dự án xúc tiến và kết nối cung cầu phát triển thị trường KH&CN cũng đạt kết quả tốt với việc tổ chức các sự kiện kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) và các sàn giao dịch công nghệ, trung tâm ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN, giai đoạn 2012-2017, đã có hơn 2000 hợp đồng và biên bản được ký kết, giá trị gần 4.200 tỷ đồng.

Các sự kiện này tổ chức hàng năm quy mô vùng, quốc gia và quốc tế đã thúc đẩy hoạt động giao dịch công nghệ và thiết bị, tạo được hiệu ứng tích cực đối với thị trường KH&CN.

Hoạt động chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giữa viện, trường và doanh nghiệp đã chuyển biến tích cực, điển hình là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học Huế, Viện Công nghệ sinh học , ...

Giai đoạn 2012 – 2016 đã có 2.667 hợp đồng chuyển nhượng tài sản trí tuệ giữa các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam và 276 hợp đồng chuyển nhượng giữa doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam với nước ngoài, tương ứng với 6.026 và 992 đối tượng sở hữu công nghiệp được chuyển nhượng.

Các dự án truyền thông phát triển thị trường KH&CN đã thiệu, quảng bá các điển hình công nghệ, sản phẩm công nghệ, ý tưởng sáng tạo trên truyền hình, báo giấy, báo điện tử và mạng xã hội, thúc đẩy hoạt động kết nối trong cộng đồng sáng tạo trên thị trường KH&CN.

Với những kết quả đạt được, chương trình 2075 đã tác động tích cực tới phát triển thị trường KH&CN, với việc hình thành và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công nghệ để xúc tiến hoạt động tìm kiếm, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đào tạo, xây dựng đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp về dịch vụ công nghệ và thị trường KH&CN.

 Chương trình đã giúp hình thành một số tổ chức công ích cung cấp tư vấn miễn phí cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng được phương pháp xác định giá trị giao dịch công nghệ, đưa ra các chỉ tiêu quan trọng phản ánh sự phát triển của thị trường khoa học và công nghệ và tác động của nó đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

Chương trình cũng hỗ trợ thành lập các công ty đánh giá, định giá công nghệ, xuất nhập khẩu công nghệ, tổ chức chuyển giao công nghệ trong các trường đại học và viện nghiên cứu, khuyến khích hỗ trợ tổ chức thuộc khu vực tư nhân thực hiện dịch vụ kỹ thuật, môi giới, tư vấn đánh giá, định giá, giám định công nghệ thông qua một số dự án tiêu biểu.

Chương trình 2075 đã góp phần thúc đẩy nhu cầu công nghệ và nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ, khi đã hỗ trợ và tạo điều kiện để khai thác hiệu quả nguồn tài sản trí tuệ giúp tăng số lượng tài sản trí truệ được đăng ký báo hộ thông qua các dự án hỗ trợ các tổ chức trung gian ươm tạo công nghệ và thương mại hóa công nghệ, góp phần làm tăng số lượng sản phẩm công nghệ được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và tạo động lực gia tăng giá trị giao dịch mua bán tài sản trí tuệ.

Chương trình cũng góp phần hình thành và phát triển mạng lưới tổ chức trung gian của thị trường KH&CN thông qua việc triển khai nhiệm vụ tại khắp các địa phương trên cả nước; thúc đẩy vai trò của các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi tham gia vào quá trình thương mại hóa sản phẩm KH&CN giúp các cơ sở nghiên cứu ứng dụng trong thực tiễn hoạt động thương mại hóa kết quả KH&CN của các trường ĐH. Trường hợp nghiên cứu mô hình thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ của khối các trường đại học kỹ thuật ở Việt Nam đang được chia sẻ và lan tỏa để ứng dụng mô hình phát triển tổ chức trung gian tại các trường ĐH Việt Nam.

Tập trung nguồn lực và nâng cao năng lực tham gia phát triển thị trường khoa học và công nghệ của các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ thông qua các nhiệm vụ đào tạo và xúc tiến phát triển thị trường KH&CN:

(1) Dự án xúc tiến phát triển thị trường KH&CN được tổ chức  hằng năm, định kỳ các sự kiện lớn gồm: Chợ công nghệ và Thiết bị (Techmart), Kết nối cung cầu công nghệ(Techdemo), Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest), và các sự kiện triển lãm sản phẩm sáng tạo kết nối doanh nghiệp, các Hội nghị, hội thảo chuyên đề do 3 đơn vị của Bộ thực hiện là Cục Thông tin KH&CN quốc gia, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN. Các sự kiện Techmart được tổ chức quy mô quốc gia và quốc tế mở ra nhiều cơ hội chuyển giao, thương mại hóa các sản phẩm khoa học và công nghệcho doanh nghiệp, viện, trường.

(2) Sự kiện Techmart quốc tế năm 2015 tại Hà Nội thu hút 753 đơn vị tham dự trong đó 500 doanh nghiệp, 110 viện nghiên cứu, 22 trường đại học, 32 sở KH&CN, 32 tổ chức hỗ trợ phát triển khoa học va chuyển giao công nghệ và 57 nhà sáng chế không chuyên. Tại sự kiện đã có 463 hợp đồng và biên bản ghi nhớ được ký kết và hàng ngàn giao dịch mua bán công nghệ, thiết bị, sản phẩm với tổng giá trị hơn 500 tỷ đồng. Nhiều hội thảo chuyên đề được tổ chức giới thiệu các công nghệ mới đến gần hơn với doanh nghiệp, tạo môi trường kết nối hai chiều giữa doanh nghiệp và Viện nghiên cứu, trường đại học.

(3) Sự kiện Techdemo năm 2015 tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã tập hợp được 250 quy trình công nghệ, thiết bị, sản phẩm và kết quả nghiên cứu của 98 doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế thu hút gần 1000 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà sáng chế, doanh nghiệp trong nước và quốc tế sự tham dự của các quỹ đầu tư. Sự kiện đã kết nối được 62 cuộc gặp gỡ giữa bên cung và bên cầu công nghệ, ký kết 12 hợp đồng hợp tác chuyển giao công nghệ với tổng giá trị hơn 63 tỷ đồng, điển hình có hợp đồng CGCN giữa Công ty CP công nghệ sinh học Fitohoocmon và Hợp tác xã nông nghiệp – dịch vụ Bồng Trang, Viện KHKT Nông nghiệp Miền Nam và Công ty TNHH MTV Nhà máy sản xuất Cồn Tùng Lâm, v.v..

Ngoài ra, sự kiện cũng tạo cầu nối cho 50 doanh nghiệp Hàn Quốc, 5 doanh nghiệp Nhật Bản, 3 doanh nghiệp Mỹ, 3 doanh nghiệp Cộng hòa Séc đàm phán trong và sau sự kiện với các doanh nghiệp Việt Nam.Các hoạt động điều tra khảo sát xác định nhu cầu, nguồn cung công nghệ cũng xác định 64/100 nhu cầu của 49/71 doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư với số vốn đầu tư dự kiến hơn 1.500 tỷ đồng; xác định 400 nguồn cầu công nghệ sẵn sàng chuyển giao của 117 tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước sẵn sàng chuyển giao (43 công nghệ của 34 sáng chế không chuyên, 30 công nghệ của 30 doanh nghiệp).

(4) Sự kiện Techfest 2016 quy mô quốc tế với hơn 100 gian hàng trưng bày của doanh nghiệp khởi nghiệp, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp giới thiệu sản phẩm, dịch vụ nổi bật trong các lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp, công nghệ ngân hàng/thương mại điện tử/di động/công nghệ quản lý, games/giải trí/truyền thông và công nghệ tương lai, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước (Cyberagent Ventures, 500 startups Vietnam, Perspective Ventures, Innotech Asia Capital, v.v.). Đã có 120 lượt kết nối giữa các nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp, tổ chức thành công cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp và tìm ra các nhóm khởi nghiệp xuất sắc. Chuỗi hội thảo trong nước và quốc tế đã tạo được diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, kinh nghiệm hoạch định chính sách giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp, chuyên gia quốc tế, nhà hoạch định chính sách, các quỹ đầu tư, trường đại học.

(5) Các sự kiện triển lãm sản phẩm sáng tạo kết nối doanh nghiệp tại TP.HCM, các hội nghị về phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN đã tạo lập được diễn đàn kết nối, chia sẻ thành công, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động môi giới, xúc tiến thương mại hóa công nghệ, đồng thời là kênh kết nối hiệu quả giữa các chủ thể của thị trường KH&CN.

Các dự án của Chương trình 2075 đã mang lại hiệu quả tác động về kinh tế – xã hội và tính liên kết, lan tỏa mạnh mẽ: Tăng giá trị giao dịch công nghệ trên thị trường thông qua các sự kiện như kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) và các sàn giao dịch công nghệ, trung tâm ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN. Huy động được các nguồn đầu tư, góp phần mở rộng và phát triển dự án, tạo lợi ích lâu dài thông qua một số dự án thương mại hóa công nghệ và tài sản trí tuệ của các nhà khoa học. Điển hình là ĐH Nông Lâm Thái Nguyên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Quốc gia, ĐH Kinh tế TP.HCM… đã hình thành được mô hình góp vốn đầu tư phát triển sản phẩm thương mại hóa phân bón hữu cơ, sản xuất hạt gốm xốp kỹ thuật ….

Đặc biệt chương trình còn góp phần xây dựng cầu nối để quảng bá xúc tiến phát triển thị trường thông qua các dự án truyền thông trên báo chí chính thống và mạng xã hội như dự án Truyền thông phát triển thị trường KHCN của VTC, Công ty Media, Báo VietNamNet.

Những thành công này chính là cơ sở để Chương trình 2075 cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN quốc gia, với mục tiêu thúc đẩy, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả xúc tiến chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ ở thị trường trong nước và nước ngoài, tăng trưởng 15%/năm các giao dịch mua bán công nghệ thành công; thúc đẩy chuyển đổi số, triển khai giao dịch trực tuyến trên thị trường KH&CN vv…

Một số hình ảnh kết nối cung –cầu nhằm phát triển thị trường KH&CN do Bộ KH&CN tổ chức:

Mai Lê
.
.
.