Phòng, chống cháy nổ khu dân cư: Đụng đâu vướng đấy

Thứ Sáu, 27/10/2017, 10:37
Những năm vừa qua, cùng với sự phát triển nóng về mặt hạ tầng và mật độ dân cư đô thị, các vụ cháy nổ trong các khu dân cư cũng diễn ra ngày một phức tạp, cả về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng.

Bên cạnh nỗi đau mất mát về sinh mạng, hàng nghìn tỉ đồng cũng tan thành mây khói sau mỗi lần bà hỏa viếng thăm. Phòng ngừa cháy nổ trong các khu dân cư đang trở nên ngày càng bức thiết và cần nhận được sự quan tâm đúng mức hơn của các cấp, các ngành và đặc biệt là ý thức của cộng đồng dân cư đô thị.

Những con số biết nói

Mở đầu cuộc Tọa đàm Phòng ngừa cháy nổ trong các khu dân cư do Báo CAND tổ chức tại Hà Nội ngày 24-10-2017, Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC & CNCH cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2017, cả nước đã xảy ra 3.089 vụ cháy, trong đó có 968 vụ cháy ở các hộ gia đình, làm chết 65 người, bị thương 105 người, thiệt hại về tài sản là 57 tỷ đồng.

Tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số vụ và thiệt hại. Từ đó cho thấy, tình hình cháy nổ ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh luôn chiếm tỷ lệ cao về cả số vụ, trên 50% và thiệt hại về người, tài sản là 83%. Các vụ cháy nhỏ lại thường gây thiệt hại nhiều hơn về người. Các vụ cháy lớn gây thiệt hại về tài sản.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Còn theo thông tin từ Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện nay có khoảng trên 40.000 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó 8.270 cơ sở có nguy cơ, nguy hiểm về cháy nổ. Trong số 40.000 cơ sở thuộc diện quản lý này có 1.000 công trình nhà cao tầng; gần 2.000 cơ sở kinh doanh văn hoá, karaoke; 86 khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; trên 1.000 làng nghề truyền thống; khoảng 3.000 khách sạn, nhà nghỉ lưu trú; hơn 2.000 cửa hàng kinh doanh ga, xăng dầu, khí đốt.

Bên cạnh đó là 1.155 chợ; 188 cơ sở hóa chất; 1.132 kho hàng, bãi xưởng sản xuất; và 8.699 xưởng sản xuất nhỏ. Về dân cư, Hà Nội hiện có 1.900.000 hộ gia đình, trong đó có tới hơn 500.000 là nhà ống, 120.000 hộ kinh doanh, kết hợp với nhà nghỉ.

Những năm qua, UBND TP đã đầu tư trang thiết bị cho lực lượng Cảnh sát PCCC với lượng kinh phí rất lớn, khoảng 130.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy đã có những thay đổi căn bản về nhận thức về công tác PCCC trong các cấp chính quyền và cả những lực lượng tại chỗ.

Tuy nhiên, có thể thấy, hai lí do gây khó khăn lớn nhất khi chữa cháy tại khu dân cư đó là cơ sở hạ tầng giao thông và nguồn nước chữa cháy. Đối với hệ thống giao thông trong khu dân cư rất phức tạp, đặc biệt là các đô thị nhiều ngõ ngách, nhỏ hẹp,;nhiều tuyến đường dân tự ý xây các cột bê tông chắn ngang nên xe chữa cháy không đi vào được.

Bên cạnh đó, đường dây điện chằng chịt, các nhà xây mái che cũng khiến xe chữa cháy khó khăn trong quá trình di chuyển. Tình trạng kẹt xe, ý thức của người tham gia giao thông kém, khi xe chữa cháy di chuyển đến nơi xảy ra cháy rất khó khăn vì nhiều người không nhường đường. Nguồn nước trong thời gian vừa qua cũng được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu chữa cháy.

Ban biên tập Báo CAND tặng hoa các khách mời buổi tọa đàm.

Nhiều sông hồ bị lấp đi, không được quan tâm đầu tư, xe chữa cháy mất nhiều thời gian đi lấy nước dẫn đến hiệu quả PCCC giảm. Các nhà ở liền kề, kết hợp sống và kinh doanh, có nhiều vật liệu gây cháy nên khi xảy ra cháy nổ, đám cháy lan rất nhanh. Ngoài ra, đặc thù các vụ cháy nhà dân thường xảy ra vào ban đêm, rất khó phát hiện hoặc phát hiện muộn, dẫn đến không chữa cháy kịp thời.

Thống kê các nguyên nhân gây cháy trong khu dân cư cho hay, quá nửa là các nguyên nhân xuất phát từ điện và lửa trực tiếp như đun nấu, sử dụng điện không an toàn. Tuy nhiên, việc thay đổi cũng như nâng cao nhận thức, ý thức của người dân đối với những mối hiểm họa này còn thấp, đặc biệt là tại các khu lao động, khu trọ. Đây lại thường là những nơi có mật độ dân cư đông, điều kiện phương tiện và hạ tầng chữa cháy thường không đảm bảo.

Nhà ở lẫn với kinh doanh: Nhân đôi phức tạp

Phải khẳng định rằng công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với nhà ở kết hợp kinh doanh đã được quy định rất rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên cái thiếu là các tiêu chuẩn chưa đi vào bắt buộc. Một số quy định trong quy chuẩn này không phù hợp với thực tế, nhưng chưa được chỉnh lý, sửa đổi kịp thời, gây khó khăn cho việc quản lý và thực hiện… đây là lỗ hổng về việc bảo đảm an toàn về PCCC đối với các loại hình này và cần sự đồng thuận của người dân.

Mới đây, Cục Cảnh sát PCCC & CNCH đã đưa ra bộ tiêu chí hướng dẫn bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà ở, hộ gia đình. Khi bộ tiêu chí này đi vào thực tế, nhận thức người dân sẽ được nâng lên và sẽ trở thành tiêu chuẩn, quy chuẩn. Tuy nhiên quan điểm là trước hết phải lấy ý kiến rộng rãi của người dân và theo lộ trình để người dân có sự chuẩn bị.

Đại tá Trần Văn Vụ cho hay như trên địa bàn Hà Nội có trên 1.000 làng nghề với 130 làng nghề có nguy hiểm về cháy nổ. Đối với thực trạng công tác PCCC và CNCH tại các làng nghề nhìn chung cho thấy tình hình giao thông hết sức bất cập. Đường vào các cơ sở sản xuất trong các làng nghề đa số là đường nhỏ, ngõ sâu.

Cảnh sát PCCC có mặt trong vụ hỏa hoạn tại số nhà 371 Đê La Thành.

Có những đơn vị, thôn, xã vẫn còn để tình trạng cọc bê tông cắm giữa đường gây khó khăn cho công tác chữa cháy hay thậm chí là đưa người bị thương đi cấp cứu. Về vấn đề này, Phòng nhiều lần đã báo cáo Thành uỷ, HĐND thành phố Hà Nội và được sự chỉ đạo sớm triển khai tháo dỡ tất cả các cọc bê tông, rào chắn tự phát tại cổng các khu vực dân cư.

Hiện nay, Hà Nội chỉ còn 4 cổng chào mà xe chữa cháy chưa vào được, các cổng chào này sẽ được tháo dỡ từ nay đến tháng 11. Tuy nhiên, do đường nhỏ, hẹp, việc tiếp cận để chữa cháy và cứu nạn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Về nguồn nước chữa cháy, hiện Hà Nội còn thiếu 3.000 trụ nữa so với tiêu chuẩn. Đối với các làng nghề thì nguồn nước chữa cháy còn khó khăn hơn do số trụ chỉ đáp ứng 25% nguồn nước, trong khi ao, hồ tại các khu vực này hoặc đã bị san lấp hoặc là gần như không thể tiếp cận. Chất chữa cháy hiệu quả nhất vẫn là nước nhưng chúng ta đang thiếu nước chữa cháy trầm trọng.

Về các hộ gia đình vừa ở vừa kinh doanh, có thể nói rằng, cơ sở của họ được xây dựng mang tính tự phát do yêu cầu của thị trường nên không có quy hoạch, trong khi việc thẩm duyệt về PCCC theo quy định của Luật còn hạn chế.

Bên cạnh đó, quy trình, thiết bị sản xuất tại các hộ gia đình còn lạc hậu, các hộ gia đình chủ yếu sản xuất tại nhà, với diện tích chật hẹp, nhiều nhà chỉ có một lối thoát hiểm. Đồ đạc, nguyên vật liệu sắp xếp thiếu khoa học nên rất ảnh hưởng đến việc thoát nạn khi có cháy xảy ra. Việc sử dụng hệ thống điện trong sản xuất tại các cơ sở sản xuất và các hộ gia đình kết hợp ở với kinh doanh tại các làng nghề còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

Theo ông Mai Quang Hùng, Trưởng Ban An toàn Tổng công ty điện lực miền Bắc (EVN), một trong những khách mời của buổi tọa đàm, tại những cơ sở này, hầu hết các thiết bị điện, hệ thống đường điện, thiết bị bảo vệ điện chưa được thiết kế hợp lý và thường không được bảo trì theo định kỳ. Về ý thức, nhận thức của các hộ ở kinh doanh, có thể nói rằng, việc sử dụng các nguồn nhiệt để sấy, nấu nướng, đốt vàng mã… rất tùy tiện. Trong các làng nghề và cụm làng nghề thì khoảng cách an toàn giữa các hộ, các xưởng chưa được đảm bảo theo quy định dẫn đến cháy lan, cháy lớn khi có sự cố.

Ngoài ra, lực lượng PCCC tại chỗ chưa được đào tạo bài bản, mới được huấn luyện sơ sài về công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Việc trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ chưa cao, tỷ lệ trang bị máy bơm chữa cháy tại 130 làng nghề có nguy hiểm cháy chỉ chiếm 40%, còn lại chưa có máy bơm chữa cháy, mà chỉ có bình chữa cháy xách tay, vốn chỉ hiệu quả trong việc dập các đám cháy nhỏ.

Thực trạng về xây dựng phương án phòng ngừa, tổ chức chữa cháy còn hạn chế. Các làng nghề có nguy hiểm về cháy đã có phương án và thực hiện diễn tập tương đối tốt, tuy nhiên, gần 1.000 làng nghề còn lại chưa có phương án cụ thể nên chưa chủ động trong công tác PCCC.

Bít lỗ hổng

Một trong những vấn đề bạn đọc quan tâm được các khách mời trong buổi Tọa đàm tập trung giải đáp, đó là nếu xảy ra cháy nổ gây thiệt hại cho các gia đình khác trong khu dân cư thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Theo Điều 58 Luật PCCC năm 2001, khi xảy ra cháy, nổ trách nhiệm chuyên ngành sẽ thuộc về cơ quan Cảnh sát PCCC. UBND các cấp chịu trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước trên địa bàn. Trong đó trách nhiệm lớn nhất thuộc về chính quyền địa phương. Còn người chịu trách nhiệm trực tiếp là chủ cơ sở; người gây ra cháy, nổ. Việc xác định người chịu trách nhiệm để xảy ra cháy, nổ phải căn cứ trên kết quả điều tra nguyên nhân vụ cháy của cơ quan có thẩm quyền.

Tùy vào mức độ thiệt hại do cháy, nổ gây ra thì người nào vi phạm quy định an toàn về PCCC để xảy ra cháy, nổ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 48 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Nếu vi phạm quy định an toàn về PCCC để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 BLHS. Ngoài ra, người nào vi phạm quy định về PCCC để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản của người khác thì phải đền bù thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự.

Về vấn đề công trình dân sự là nhà dân tuy cháy nhiều nhất nhưng khi cấp giấy phép xây dựng, Luật Nhà ở không quy định các điều kiện và quy chuẩn về PCCC như đối với các dự án đầu tư, Thượng tá Bùi Quang Việt cho biết đặc trưng văn hoá của người Việt Nam, số lượng nhà đơn lẻ, nhà liền kề đang chiếm đa số loại hình nhà lưu trú.

Tại Việt Nam hiện có 20 triệu hộ gia đình, với hơn 200.000 công trình được cấp phép xây dựng mới hàng năm. Tuy nhiên, lượng công trình thuộc diện tổng duyệt về PCCC chỉ chiếm chưa đầy 4%. Đa số loại hình nhà này không thuộc diện đối tượng kiểm tra về an toàn PCCC căn cứ theo điều 15 Nghị định 79 ngày 31-7-2014. Bởi vậy, cơ quan chức năng không tiến hành tiền kiểm về an toàn PCCC của các loại hình công trình này mà chỉ tham gia hậu kiểm.

Hiện nay, theo Nghị định 79, cơ quan Cảnh sát về PCCC chỉ tiến hành thẩm duyệt an toàn PCCC đối với các khu dân cư mới được xây dựng. Theo đó, lực lượng Cảnh sát PCCC sẽ tiến hành thẩm duyệt an toàn PCCC về hạ tầng cơ sở, qua đó đối chiếu các yếu tố như hệ thống cấp nước chữa cháy, đường giao thông…

Đối với các khu công trình riêng lẻ thì chưa có quy chuẩn về PCCC, mới chỉ có các quy định về trách nhiệm của chủ hộ gia đình về an toàn PCCC. Bên cạnh đó, các công trình liền kề có diện tích nhỏ và kết hợp kinh doanh cũng đang cho thấy tình trạng bất cập. Đây đang là một lỗ hổng lớn. Bởi vậy, các cơ quan về PCCC sẽ tiếp tục nghiên cứu để sớm ban hành các văn bản nhằm nâng cao tiêu chí an toàn đối với các công trình loại này.

Việt Ba
.
.
.