Cấy ghép mắt sinh học lần đầu tiên trên thế giới

Thứ Ba, 18/08/2015, 08:50
Đội ngũ bác sĩ phẫu thuật ở thành phố Manchester, miền Bắc nước Anh đã thực hiện thành công ca phẫu thuật cấy ghép mắt sinh học lần đầu tiên cho bệnh nhân Ray Flynn, 80 tuổi, bị mất hoàn toàn thị giác trung tâm do thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (AMD) dạng khô - chứng bệnh phổ biến nhất ở các quốc gia phát triển.

Ray Flynn đang sử dụng vật cấy võng mạc có chức năng chuyển đổi những hình ảnh video từ một camera kỹ thuật số cực nhỏ lắp đặt ngay trên cặp kính của ông. Hiện nay, Ray Flynn đã có thể nhìn thấy những đường vạch màu trắng trên màn hình máy tính nhờ vào vật cấy võng mạc. Flynn bày tỏ sự vui mừng và hy vọng thị lực sẽ được cải thiện cho phép ông thực hiện những công việc thông thường hằng ngày như làm vườn và đi mua sắm.

Vật cấy - gọi là Argus II do Công ty Second Sight Medical Products Inc. của Mỹ sản xuất - ban đầu được sử dụng để phục hồi thị lực cho các bệnh nhân bị mù do bệnh hiếm "viêm võng mạc sắc tố" (retinis pigmentosa). Ca phẫu thuật được thực hiện tại Bệnh viện Mắt Hoàng gia Manchester là ca cấy ghép Argus II đầu tiên trên thế giới dành cho bệnh nhân AMD dạng khô - chứng bệnh tác động đến ít nhất 500.000 người ở Anh.

Giáo sư Paulo Stanga.

Trước khi được phẫu thuật, Ray Flynn cho biết mặc dù thị giác ngoại biên vẫn còn, song thị giác trung tâm đã mất hẳn. Ông giải thích: "Tôi không thể sử dụng thẻ để trả tiền trong cửa hàng hay tại ngân hàng. Tôi cũng không thể nhổ cỏ dại trong vườn nữa". Khi ngồi sát tivi Ray Flynn vẫn không nhìn thấy gì cả. Ca phẫu thuật mắt cho Ray Flynn kéo dài 4 giờ do giáo sư bác sĩ phẫu thuật của Bệnh viện Mắt Hoàng gia Manchester thực hiện. Bác sĩ Paulo Stanga cho biết: "Thị lực của Ray Flynn đang cải thiện. Ông ấy đã nhìn thấy đường nét của con người hay vật thể. Có thể nói ca phẫu thuật mở ra kỷ nguyên mới cho các bệnh nhân mất thị lực".

Cách hoạt động của vật cấy võng mạc Argus II.

Vật cấy mắt sinh học thu nhận thông tin hình ảnh từ camera kỹ thuật số cực nhỏ lắp trên cặp kính bệnh nhân, và sau đó những hình ảnh được chuyển thành xung điện truyền không dây đến dãy 60 điện cực chứa trên con chip cấy trong võng mạc. Sau đó, dãy 60 điện cực này sẽ kích thích các tế bào còn lại trong võng mạc để gửi dữ liệu đến não bộ phân tích. Hai tuần sau phẫu thuật, Ray Flynn đã có thể phân biệt được những đường kẻ nằm ngang, dọc và chéo trên màn hình máy tính. Ray Flynn được yêu cầu phải nhắm mắt lại để các bác sĩ biết chắc chắn thông tin thị giác được truyền qua camera lắp trên kính và vật cấy.

Mặc dù vật cấy không cung cấp đường nét chi tiết, song các nghiên cứu ban đầu cho thấy nó có thể giúp bệnh nhân phân biệt được khung cửa và hình dáng bên ngoài của vật thể. Sắp tới, thêm 4 bệnh nhân AMD dạng khô khác sẽ được nhận vật cấy tại Bệnh viện Mắt Hoàng gia Manchester trong khuôn khổ thử nghiệm lâm sàng. 

Hiện Argus II có giá khoảng 150.000 bảng Anh. Cuộc thử nghiệm lâm sàng được tiến hành bởi Cơ quan Nghiên cứu Lâm sàng Manchester với sự tài trợ của Viện Quốc gia Nghiên cứu Y khoa  (NIHR) và Hội từ thiện Wellcome Trust. Cathy Yelf, Giám đốc điều hành Tổ chức từ thiện về bệnh mắt Macular Society, phát biểu: "Đây là kết quả rất phấn khởi và chúng tôi đang theo dõi sát sao tiến trình thử nghiệm lâm sàng. Nghiên cứu giúp dẫn đến sự ra đời của thiết bị thật sự hữu ích cho những người mất thị giác trung tâm".

Theo bác sĩ Paulo Stanga: "Dạng khô của AMD khá phổ biến nhưng không điều trị được. Ở phương Tây, dạng này là nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực". Tổ chức từ thiện Fighting Blindness của Anh ước tính có hơn 30 triệu người trên thế giới mắc phải dạng khô của AMD - một dạng tác động đến 85% bệnh nhân AMD. Công nghệ Argus II của Second Sight hiện đã được 11 bác sĩ trên thế giới sử dụng để chữa trị AMD dạng ướt và chưa từng được chỉ định cho dạng khô của bệnh. Second Sight hiện đang nỗ lực phát triển phiên bản thứ 3 của mắt sinh học mà họ tin rằng một ngày nào đó sẽ giúp cho các bệnh nhân có khả năng nhận diện được gương mặt.

An An (tổng hợp)
.
.
.