Tướng về hưu nặng lòng việc thiện

Chủ Nhật, 31/10/2021, 11:08

Với tính cách hiền lành, giản dị, lại thích làm thơ, viết văn; đặc biệt, từng giữ cương vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND - Bộ Công an, nên Trung tướng Lê Ngọc Nam rất gần gũi và thân thiện với đội ngũ báo chí, truyền hình, xuất bản, phát thanh và điện ảnh của ngành CAND. Riêng đối với Văn phòng Thường trú Báo CAND tại miền Trung, Trung tướng Lê Ngọc Nam có công hỗ trợ , xây dựng Văn phòng “xứng tầm” khu vực; nhất là công tác từ thiện – xã hội, ông đã góp sức vận động, quyên góp và cùng đến các vùng sâu, vùng xa trao những món quà tình nghĩa chia sẻ khó khăn với đồng bào, đồng chí, đồng đội…

Xin được mạn phép gọi Trung tướng Lê Ngọc Nam bằng “anh Nam”, như cách xưng hô thân mật thường ngày chúng tôi gặp nhau trò chuyện, tâm tình. Thực ra, tôi biết anh Nam từ khi anh còn giữ cương vị Giám đốc Công an TP Đà Nẵng. Có nhiều câu chuyện nay đã trở thành kỷ niệm trong đời làm báo của tôi. Tuy nhiên, anh Nam gần gũi với tôi và các CBCS Văn phòng Thường trú Báo CAND tại miền Trung hơn kể từ ngày anh nghỉ hưu. Anh đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp về một người lính già – một vị tướng nhân ái, bao dung, trọn vẹn nghĩa tình sau, trước qua những cuộc vận động, những chuyến đi từ thiện-xã hội ngang dọc trên dải đất cong cong “chiếc đòn gánh” miền Trung còn nhiều gian khó.  

Tướng về hưu nặng lòng việc thiện -0
Trung tướng Lê Ngọc Nam

Nói đến công tác xã hội - từ thiện, anh Nam là người “đổi mới” cho Văn phòng Thường trú Báo CAND tại miền Trung về việc vận động, quyên góp. Anh khuyên chúng tôi “linh động” trong việc vận động và tiếp nhận từ thiện theo hình thức, nhà tài trợ tạm giữ số tiền họ đồng ý phối hợp làm từ thiện, hoặc cùng với chúng tôi mua quà, đóng gói. Bên cạnh đó, chúng tôi lo khâu liên hệ, phối hợp với chính quyền và Công an các địa phương - nơi đến trao quà, rà soát, lập danh sách và tổ chức trao tặng quà đến tận tay người thụ hưởng, có sự tham gia trực tiếp của chính quyền địa phương. Đặc biệt, việc tổ chức từ thiện luôn được sự phối hợp chặt chẽ của Công an các tỉnh, thành phố trong khu vực… Và, khi công tác từ thiện- xã hội theo hình thức này được Đảng ủy, Ban Biên tập Báo CAND chấp thuận, từ đó về sau, tổng giá trị tiền, quà vận động, quyên góp làm công tác từ thiện-xã hội hằng năm của Văn phòng Thường trú Báo CAND tại miền Trung luôn đạt ở mức 3-4 tỷ đồng; có khi vượt lên đến 5-6 tỷ đồng.

Sau những đợt vận động, quyên góp giúp đỡ đồng bào bị thiên tai bão, lũ; hoặc chương trình “Tết vì người nghèo”, anh Nam lại cùng CBCS Văn phòng Báo CAND và nhà tài trợ lặn lội trên những nẻo đường miền Trung, đến các vùng xa xôi, hẻo lánh để trao quà cho những gia đình chính sách, hộ nghèo, người khó khăn bất hạnh… Anh Nam đã nhiều lần cùng chúng tôi vượt hàng trăm cây số đường rừng quanh co đèo dốc trong dãy Trường Sơn hùng vĩ để về với đồng bào Cơ Tu huyện biên giới Tây Giang (Quảng Nam). Có lần, qua cổng trời A Zứt, ôtô như “bơi” trên đoạn đường rừng đậm đặc sương mù khiến tôi không khỏi ái ngại; vậy mà anh vẫn quyết tâm đến bằng được làng Aruung, xã Bha Lêê để thăm Anh hùng Alăng Bhuốc.

Trong chiến tranh, trên đường ra Bắc học tập, anh Nam đã từng gặp Alăng Bhuốc, người thanh niên mù Cơ Tu chỉ với cây gậy dò đường đã tham gia gùi cõng lương thực, đạn dược, vũ khí cho bộ đội. Một người anh hùng và một vị tướng Công an đều đã già, gặp lại nhau sau nhiều năm đất nước hòa bình, thống nhất, biết bao chuyện để hàn huyên, tâm sự. Đến lúc chia tay, anh Nam không quên gửi tặng Anh hùng Alăng Bhuốc số tiền trích từ lương hưu mà anh dành dụm bấy lâu.

Tôi cũng không quên những chuyến đi vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam), đến với bà con Xê Đăng ở những thôn, nóc nằm dưới chân núi Ngok Linh. Khi chúng tôi về đây trao cặp sách, bút, vở… cho học sinh; tặng gạo, nhu yếu phẩm cho các hộ gia đình khó khăn, lần đầu tiên trong đời gặp một vị tướng Công an lên trao quà, bà con Xê Đăng xúc động lắm.

Một già làng râu tóc bạc phơ mang đến tặng anh Nam một củ sâm Ngọc Linh để ngậm cho đỡ mệt mỏi, bởi chặng đường rừng xa ngái, bị “quăng quật” trên ôtô hàng giờ đồng hồ. Thế nhưng, anh không dùng củ sâm ấy mà mang về Đà Nẵng tặng lại cho một nhà báo đang lâm trọng bệnh… Thú thật, những câu chuyện “tương thân, tương ái” này càng làm cho tôi hiểu rõ hơn, vì sao anh lại được rất nhiều người quý trọng… 

Tướng về hưu nặng lòng việc thiện -0
Trung tướng Lê Ngọc Nam tặng cặp sách, bút, vở cho học sinh là con em đồng bào Xê Đăng ở vùng cao Nam Trà My.

Đi trên đất rừng Trường Sơn, về các huyện Nam – Bắc Trà My, nơi có Di tích lịch sử An ninh khu V; hay miền biên viễn Tây Giang, anh Nam thường nhắc chúng tôi rằng, những miền đất này từng là căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến. Ngày đó, dù đói cơm, lạt muối, đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn để dành gạo nuôi bộ đội, cán bộ cách mạng ăn no đánh giặc, một lòng thủy chung son sắt với Đảng và Bác Hồ. Cho nên sẻ chia khó khăn với bà con cũng là để trả nghĩa, tri ân.

Với suy nghĩ đó, anh Nam thường hay kể cho chúng tôi nghe về những hy sinh không tiếc máu xương của người dân Quảng Nam, cũng như bà con Cẩm Thanh (Hội An), Duy Nghĩa, Duy Hải (Duy Xuyên)... đã từng chở che, đùm bọc anh trong những năm tháng hoạt động cách mạng.

Việc này anh cũng kể lại trong cuốn hồi ký “Chuyện đời tự kể” viết năm 2014. Đây là một trong 3 tác phẩm xuất sắc nhất Cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức từ năm 2012 đến 2015. Ghi nhớ ơn nghĩa đó nên vào ngày lễ 27/7, hoặc ngày Tết hàng năm, anh Nam thường về thắp hương mộ các anh hùng liệt sĩ, thăm lại bà con một thời bom đạn đã cưu mang, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Và, những chuyến đi làm từ thiện cùng chúng tôi trở lại những miền đất có nhiều kỷ niệm không quên ấy, trong ánh mắt anh cũng dâng trào bao cảm xúc khi gặp lại người “đàng mình” năm xưa. Ngoài món quà Báo CAND gửi tặng, anh cũng không quên dùng lương hưu dành dụm gửi tặng thêm cho bà con, với mong muốn chia sẻ bớt gian nan, vất vả…

Ghi nhớ, tri ân công lao người đã khuất cũng là để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước và cách mạng. Anh Nam đã cùng CBCS Văn phòng Báo CAND tại miền Trung tổ chức nhiều chuyến hành hương “Về Nguồn” tại khu di tích lịch sử An ninh Khu V, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Địa đạo Vĩnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị…

Tôi nhớ mãi những chuyến “Về nguồn” trên “đất lửa” Quảng Trị, cùng với anh đi giữa hàng nghìn nấm mộ liệt sĩ có tên và chưa có tên trong Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, nhìn ánh mắt anh rưng rưng ngấn lệ khi thắp từng nén hương thơm tưởng nhớ người đã khuất, tôi càng thấm thía những câu thơ day dứt đến tận đáy lòng mà anh đã viết: “Bạn bè tôi từ trăm nẻo chiến trường/ Người có tên, người không còn tên nữa”, “Đồng đội tôi hàng dọc, hàng ngang/Nghiêm trang như trước giờ xung trận”…

Và với bao khắc khoải: “Đứa nằm đây, đứa ở nơi nào?/ Đứa nằm đây, đứa ở nơi nao?”, anh đã đi nhiều nghĩa trang liệt sĩ, để rồi cuối cùng tìm được mộ người bạn gái học cùng lớp thời học sinh Đông Triều (Quảng Ninh). Đó là chị Nguyễn Thị Thu Hồng, năm 1972, chị đã gác lại giấc mơ đại học, chia tay bạn bè để về Nam góp sức đánh giặc và vĩnh viễn nằm xuống trên mảnh đất quê nhà Gio Linh. Khói hương bảng lảng và hình ảnh vị tướng già ngồi trầm mặc bên mộ bạn đã cho tôi hiểu được rằng, với một người như anh Nam, dù bất cứ trong hoàn cảnh nào vẫn luôn giữ nghĩa tình vẹn tròn sau trước… 

Vì nặng nghĩa đồng bào, nặng tình đồng chí, đồng đội nên anh đã góp sức cùng chúng tôi vận động Trung Nam Group đồng hành với Báo CAND xây dựng hơn 50 căn nhà tình nghĩa tặng CBCS Công an có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Những ngày ngược xuôi khắp các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên cùng nhà tài trợ trao tiền xây nhà tình nghĩa, đến đâu anh cũng đau đáu nỗi niềm: “Anh em Công an ở cơ sở còn nhiều người khó khăn quá. Mình có điều kiện thì nên vận động giúp đỡ được chừng nào hay chừng đó em à!”… Có lẽ với suy nghĩ đó mà đến nay dù tuổi đã cao, anh Nam vẫn sát cánh cùng CBCS Văn phòng Báo CAND tại miền Trung trong công tác xã hội – từ thiện. Và, bài viết nhỏ này như một sự tri ân, khi khó thể kể hết những kỷ niệm cùng anh trên bước đường làm việc thiện…

Long Vân
.
.