Thư gửi về từ chiến trường của những người cha – Liệt sĩ CAND

Thứ Sáu, 19/08/2022, 21:11

Những bức thư thời chiến của những người Anh hùng - Liệt sĩ CAND để lại đã tiếp thêm sức mạnh cho những người vợ, người con ở hậu phương. Trong vất vả, gian khó, những người vợ đã tảo tần “một nắng, hai sương” nuôi đàn con khôn lớn. Và những người con của họ đã nối nghiệp cha, trưởng thành trong lực lượng CAND. Họ coi những bức thư ấy là chỗ dựa tinh thần, là mục tiêu phấn đấu trong cuộc sống và sự nghiệp.

1.Hình ảnh người cha liệt sĩ CAND vẫn luôn in đậm trong ký ức của Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam. Người cha của anh (ông Nguyễn Thanh Bình, quê xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) là chiến sĩ Công an vũ trang tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Cùng với đồng đội, ông đã chiến đấu quật cường, bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Tháng 4/1979, ông tiếp tục trong đội quân tình nguyện giúp nước bạn Campuchia truy quét tàn quân Pôn Pốt khu vực biên giới Campuchia-Thái Lan. Trong một trận chiến đấu ác liệt, ông đã anh dũng hy sinh khi con trai Nguyễn Quốc Hùng mới 10 tuổi.

Thư gửi về từ chiến trường của những người cha – Liệt sĩ CAND -0
Đại tá Nguyễn Quốc Hùng luôn nâng niu bức thư của người cha liệt sĩ, dù nét chữ đã ố nhoè theo thời gian.

Cho đến bây giờ, Đại tá Nguyễn Quốc Hùng vẫn luôn trân trọng giữ bức thư của người cha, dù nền giấy đã ố vàng và nét chữ đã nhòe mờ. Đó là bức thư cha anh gửi cho bà ngoại anh trước khi lên đường đi xa.

“Mẹ ơi! Tình gia đình, mẹ, vợ cùng các con của con luôn trong trái tim con. Song lúc này, hơn lúc nào hết, Tổ quốc và nước bạn đang cần chúng con. Con phải cùng đơn vị tiếp tục đi làm nghĩa vụ quốc tế.

Sáng 15/4/1979, con ra đi, lần đi này có nhiều phức tạp, chông gai lắm và có thể tổn thất, hy sinh, có gì mẹ thông cảm cho con, đừng trách mắng con mẹ nhé!...

Hiện giờ, con phải xa Tổ quốc, xa mảnh đất Việt Nam nơi sinh ra và lớn lên, chắc rằng nhớ lắm. Tình cảm gia đình lại càng nhớ rất nhiều”.

Thương đàn con còn nhỏ dại nên trong bức thư ấy, cha anh đã dặn mẹ anh cố gắng nuôi dạy con cái nên người. Dù thế nào, ông nhắn nhủ vợ, cũng phải cho các con ăn học và nối chí cha.

Cuối năm đó, gia đình Đại tá Nguyễn Quốc Hùng nhận được tin cha anh hy sinh khi đang làm nhiệm vụ quốc tế. “Lúc ấy cả 5 anh chị em tôi còn nhỏ nên bà và mẹ không muốn nói cho chúng tôi biết. Tôi mới là cậu bé 10 tuổi, cứ lén nhìn đôi mắt đỏ hoe của bà và mẹ, lén nghe những câu chuyện nhắc đến bố tôi. Khi đồng đội tìm về tận nhà trao những kỉ vật của bố thì những tiếng khóc mới vỡ oà. Giây phút đó vẫn mãi hằn sâu trong tâm trí tôi”- khi nhắc đến ngày đau thương ấy, nỗi xúc động vẫn nghèn nghẹn trong giọng nói của người Đại tá Công an dù anh đã trải qua nhiều cam go, thử thách của cuộc sống và sự nghiệp.

Lời cha anh dặn, mẹ anh vẫn khắc ghi để cố gắng, tảo tần. Mẹ anh, người đàn bà chịu thương chịu khó, gượng nỗi đau để tiếp tục vừa làm mẹ, vừa thay cha, nuôi dạy 5 người con. Bà, người phụ nữ ít được học hành, nhưng nhất quyết, dù quần quật sớm hôm trên ruộng đồng, dù ăn nhịn để dành, vẫn cho cả 5 đứa con học chữ để nên người, tiếp bước cha cống hiến cho đất nước.

Ngày ấy, những gia đình trong làng của anh Hùng hầu như quanh quẩn với công việc ruộng vườn, mọi người trong dòng họ cũng ít người thoát ly khỏi lũy tre làng. Thương mẹ, nối chí cha, anh Hùng đã quyết tâm ôn thi vào trường Công an. Một năm ôn thi, ban ngày anh đẫm mồ hôi đi đánh bản lề cửa thuê cho một xưởng mộc để lấy tiền ăn học và phụ mẹ nuôi các em, đêm chong đèn miệt mài với các con chữ... Những lúc mệt nhất, anh lại mang bức thư của cha ra đọc. Những lời cha căn dặn, bầu nhiệt huyết cách mạng của người cha đã hun đúc thêm cho anh sự quyết tâm, nỗ lực. Anh đã thi và trúng tuyển vào trường Công an.

Ở Đại tá Nguyễn Quốc Hùng vừa có nét mạnh mẽ, quyết liệt giống cha, vừa có nét khoan hoà, bền bỉ vượt khó giống mẹ. Để được như ngày hôm nay, anh luôn biết ơn sự hy sinh cao cả vì Tổ quốc của người cha, biết ơn một đời tảo tần của người mẹ, biết ơn người anh trai cả đã từ chối tất cả mọi cơ hội cho bản thân để ở lại quê cùng mẹ nuôi các em khôn lớn. Càng trân quý những sự hy sinh đó, anh càng quyết tâm phấn đấu. Nhìn lại, anh tự hào vì đã đáp đền được công ơn của mẹ và ước vọng của cha.

Trong suốt những năm công tác, Đại tá Nguyễn Quốc Hùng đã luôn nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an. Anh vinh dự được Đảng, Nhà nước và Bộ Công an trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 2 năm 2014, 2020 đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn lực lượng.

2. Đối với gia đình Thượng tá Phan Văn Thạnh, nguyên Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình, 31 bức thư gửi về từ An ninh khu V, trực tiếp là địa bàn An ninh tỉnh Kon Tum của cha anh - Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Viêm đã trở thành tài sản vô giá.

Anh hùng Phan Văn Viêm tham gia cách mạng từ năm 1947, được kết nạp Đảng khi mới 20 tuổi. Tháng 10/1957, ông Viêm được giao nhiệm vụ Trưởng Công an xã, rồi Trưởng Công an huyện Thụy Anh (tỉnh Thái Bình). Năm 1965, cùng với hơn 300 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Thái Bình, ông viết đơn tình nguyện đi B, vượt Trường Sơn vào nhận nhiệm vụ ở Ban An ninh khu V, trực tiếp là địa bàn an ninh tỉnh Kon Tum.

Do có nhiều thành tích xuất sắc, ông Phan Văn Viêm đã được đề bạt Ủy viên Ban An ninh tỉnh, Trưởng ban An ninh thị xã Kon Tum. Ngày 29/10/1971, ông Viêm và đồng chí Lê đã sa vào vòng vây của địch. Hai ông quyết chiến đấu, đội nắp hầm bắn về phía địch cho đến hơi thở cuối cùng. Địch đã mang xác 2 liệt sĩ phơi giữa sân vận động để uy hiếp quần chúng và khủng bố tinh thần cách mạng của chiến sĩ ta. Đêm xuống, chúng mang thi thể hai ông đi hủy, không cho bà con khâm liệm…

Thư gửi về từ chiến trường của những người cha – Liệt sĩ CAND -0
Thượng tá Phan Văn Thạnh bên những bức thư của người cha gửi về từ chiến trường Kon Tum năm xưa.

Khi ông Viêm vào Nam công tác, ở quê nhà, gánh nặng chăm lo mẹ già mù lòa và đàn con thơ dồn lên vai người vợ là bà Đỗ Thị Rốt. Vất vả, khó khăn là thế, nhưng mẹ Rốt và các con có một nguồn động viên lớn lao là những bức thư của ông Viêm gửi về từ chiến trường Kon Tum. Bức thư nào của ông cũng hừng hực tinh thần yêu nước. Ông viết: “Bom đạn của giặc Mỹ không làm gì nổi nhân dân ta, không cản trở được việc học hành tiến bộ của con em chúng ta, mà trái lại, còn đổ thêm dầu vào ngọn lửa căm thù giặc đang ngùn ngụt bốc cháy trên cả 2 miền đất nước. Căm thù giặc, em hãy:

Thương các con và bảo vệ các con thật chu đáo, dù hoàn cảnh nào cũng cố gắng tạo mọi điều kiện cho các con đi học để chúng nó tiến bộ, đừng vì khó khăn nhất thời mà nao núng, để làm tròn nghĩa vụ của người mẹ đối với các con. Em thương con bao nhiêu chính là em đã thương và nhớ anh bấy nhiêu, em làm tròn và làm tốt mọi điều là em nhớ thương anh vô hạn…”.

Những lá thư của ông Viêm đã trở thành niềm mong, nỗi nhớ, là động lực tinh thần to lớn đối với vợ và các con trong những ngày chiến tranh ác liệt. Nhớ lời chồng, mẹ Rốt đã tảo tần rèn các con nên người và cố gắng lo cho các con đi học. Sau này, hai người con của mẹ đã nối nghiệp cha, chị cả Phan Thị Thanh học Trường Trung cấp Cảnh sát, về công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Thái Bình; anh Phan Văn Thạnh tốt nghiệp Đại học Cảnh sát, sau này là Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình.

Ngày 26/4/2010, chị Thanh và anh Thạnh đã tìm được hài cốt của Anh hùng Phan Văn Viêm tại một nghĩa trang ở thôn Phương Quý 1, xã Vĩnh Quang, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum, do một gia đình người dân  bí mật chôn cất năm xưa. “Cũng ngày 25/4/1965, bố tôi lên đường vào Nam và gửi lại lá thư đầu tiên với bao tình cảm mến thương cho vợ và các con. Cuối thư, ông viết: “Em và các con ở lại! Ngày Bắc Nam sum họp thống nhất, nhất định anh sẽ về, lúc đó quê hương ta sẽ giàu đẹp, gia đình ta sẽ cùng nhân dân vui sướng xiết bao”.

Đúng 45 năm, chúng tôi đã đưa được bố về với quê mẹ Thái Bình” - anh Thạnh xúc động chia sẻ. Nhận tro cốt chồng, mẹ Rốt vừa khóc, vừa mừng, ước nguyện cuối đời của mẹ là được nhìn thấy người chồng yêu thương đã thành hiện thực. Đúng 3 tháng 10 ngày sau, chỉ một trận ốm nhẹ, mẹ Rốt đã về thế giới bên kia với người chồng trong sự thanh thản, nhẹ nhàng. Tháng 12/2008, HĐND tỉnh Kon Tum (khóa IX) đã quyết nghị đặt tên đường Phan Văn Viêm ở phường Nguyễn Trãi, TP Kon Tum. Nối tiếp ý chí và tinh thần của người cha, trong quyển lý lịch của Anh hùng lực lượng vũ trang Phan Văn Viêm, người con trai Phan Văn Thạnh đã viết tiếp vào trang cuối: “Những dòng lý lịch tiếp theo, bước đường đi là lý tưởng mà bố phải bỏ dở giữa chừng-Thạnh, con trai duy nhất của bố đã và sẽ viết, sẽ đi, sẽ phấn đấu tiếp đến cùng!

Dáng hình bố, con đường và lý tưởng mà bố đã đi sẽ không bao giờ phai mờ và mãi mãi in sâu trong trái tim, trí óc con - là ngọn đuốc dẫn đường chỉ lối cho con nối chí bố đi theo Đảng, đi theo Cách mạng đến cùng! Con sẽ không bao giờ làm hổ danh bố, làm mất uy tín gia đình và truyền thống quê hương Nguyễn Đức Cảnh”.

T.Hòa
.
.