Những quyết sách táo bạo từ Bộ Chỉ huy tiền phương

Chủ Nhật, 31/10/2021, 13:13

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Hùng, việc thành lập BCHTP nhằm lĩnh hội, quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, triển khai nhanh các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng ủy Công an Trung ương, mệnh lệnh tác chiến của Bộ trưởng để truyền đạt, triển khai thực hiện hiệu quả tại các tỉnh, thành phố phía Nam...

Theo Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy tiền phương (BCHTP) tại phía Nam, việc Bộ trưởng Bộ Công an quyết định triển khai BCHTP chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố phía Nam của Bộ Công an là quyết định kịp thời, sáng suốt, có ý nghĩa chiến lược, quan trọng trong việc thống nhất các lực lượng Công an các tỉnh, thành phố phía Nam và lực lượng Bộ Công an, Công an các tỉnh phía Bắc, miền Trung chi viện, tăng cường đồng loạt ra quân tuyến đầu chống dịch đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng vào thành công chung trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các tỉnh, thành phố phía Nam trong 3 tháng qua.

Trực tiếp chỉ huy, điều hành tại tâm dịch phía Nam

Vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2021, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, gây tổn thất, thiệt hại nặng nề về người và nền kinh tế, ảnh hưởng an ninh, trật tự (ANTT) ở các tỉnh, thành phía Nam, yêu cầu cấp bách đặt ra lúc đó đòi hỏi phải có một trung tâm chỉ huy trực tiếp thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an điều hành tại tâm dịch phía Nam. Chính vì thế, ngày 9/7/2021, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định thành lập BCHTP của Bộ Công an do Thứ trưởng Lê Quốc Hùng làm Chỉ huy trưởng và đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an, Bộ Tư lệnh CSCĐ, các Cục nghiệp vụ và Giám đốc Bệnh viện 30/4, 19/9 là thành viên; đặt tại Cơ quan thường trú Bộ Công an ở số 258 Nguyễn Trãi, quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Trang 12: Những quyết sách táo bạo từ Bộ Chỉ huy tiền phương -0
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an kiểm tra tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngày 6/9/2021.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Hùng, việc thành lập BCHTP nhằm lĩnh hội, quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, triển khai nhanh các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng ủy Công an Trung ương, mệnh lệnh tác chiến của Bộ trưởng để truyền đạt, triển khai thực hiện hiệu quả tại các tỉnh, thành phố phía Nam. 

Ngay sau khi thành lập và đi vào hoạt động, BCHTP của Bộ Công an ở phía Nam đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an; đã tập trung chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp, thống nhất, toàn diện cả về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của lực lượng CAND và đảm bảo công tác ANTT tại “mặt trận” phía Nam.

Qua đó, trực tiếp phối hợp với các ban, ngành, địa phương chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị nhanh chóng triển khai các kế hoạch, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời thống lĩnh, chỉ huy các lực lượng thuộc Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Tây Nguyên và tỉnh Bình Thuận trở vào với phương châm “4 tại chỗ”, tập trung phòng, chống dịch COVID-19 quyết liệt với tinh thần xung kích tuyến đầu, “chống dịch như chống giặc”. Kịp thời đánh giá kết quả thực hiện, xử lý các vướng mắc, hạn chế, kiến nghị điều chỉnh, chỉ đạo khắc phục ngay một số vấn đề thiếu sót, giải quyết các yêu cầu cần thiết bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ kép - phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và đảm bảo ANTT tại các tỉnh, thành phía Nam.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, từ thực tế dịch bệnh rất phức tạp, kéo dài, đây là “cuộc chiến” rất khốc liệt và chưa từng có tiền lệ, trước yêu cầu đặt ra phải bằng mọi cách bảo đảm lực lượng giúp chính quyền và nhân dân các địa phương kiểm soát được dịch bệnh, đảm bảo ANTT. Chủ trương của Bộ Công an là “vừa chạy, vừa xếp hàng”, “vừa đánh dịch, vừa rút kinh nghiệm”, nên có nhiều thời điểm, BCHTP đã có những đánh giá, quyết sách táo bạo, để tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo linh hoạt, ứng phó kịp thời, rất hiệu quả trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại địa bàn phía Nam. Trong đó điển hình như: Đề xuất chủ trương lấy xã, phường làm “pháo đài” phòng, chống dịch; Rà soát, lên danh sách 3 nhóm đối tượng: Không đủ điều kiện kinh tế, “đứt bữa”, lang thang cơ nhỡ, người bệnh cần điều trị... để thực hiện các biện pháp giải quyết, hỗ trợ kịp thời; Triển khai ứng dụng, thống nhất quản lý mã QR của các phần mềm cấp giấy phép “luồng xanh”, tiêm chủng, xét nghiệm, an sinh xã hội, cấp phát giấy đi đường... trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kiểm soát di biến động của người dân một cách hiệu quả nhất, tạo hành lang an toàn, tránh nguy cơ tiếp xúc, lây nhiễm dịch bệnh, đồng thời cũng phát hiện truy vết F0 kịp thời và phát hiện các đối tượng vi phạm pháp luật; Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, đảm bảo ANTT cho các cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc trên địa bàn...

Qua đó, đã phát huy rất tích cực vai trò, hình ảnh của người cán bộ, chiến sĩ CAND luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, xung kích đi đầu, tích cực tham gia trên các mặt trận, cùng chung tay phòng, chống dịch, hỗ trợ và bảo vệ Nhân dân, đảm bảo ANTT tại các địa bàn phía Nam.

Trang 12: Những quyết sách táo bạo từ Bộ Chỉ huy tiền phương -0
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng kiểm tra quy trình làm việc về kiểm tra sức khỏe người qua chốt phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên tuyến Quốc lộ 13, phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Để tham mưu được những vấn đề trên, ngoài việc thường xuyên theo dõi, cập nhật, phân tích, đánh giá diễn biến tình hình từ các địa phương, BCHTP đã tiến hành kiểm tra thực tế, làm việc với Ban Chỉ đạo, Công an các địa phương, tổ chức phân công từng thành viên xuống khảo sát trực tiếp đến tận cơ sở ở cấp xã, đi từng khu phố, xóm trọ, hộ dân, tiếp xúc từng đối tượng để đánh giá tình hình dịch bệnh và kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách tại cơ sở, từ đó tham mưu, chỉ đạo xử lý các vướng mắc, hạn chế, kiến nghị điều chỉnh, chỉ đạo khắc phục ngay một số vấn đề thiếu sót, giải quyết các yêu cầu cần thiết bảo đảm thực hiện tốt hai nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và đảm bảo ANTT.

Yếu tố quyết định thắng lợi, đóng góp to lớn vào thành công chung

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở phía Nam vẫn còn phức tạp, nhưng đã có những chuyển biến mới, nhiều tín hiệu tích cực hơn, số ca khỏi bệnh hàng ngày tăng cao, số ca nhiễm và tử vong giảm; chiến lược phòng, chống dịch của Chính phủ đã có sự thay đổi căn bản từ “không có dịch” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, do đó, BCHTP cũng đã chủ động chỉ đạo lực lượng Công an triển khai các giải pháp thích ứng phù hợp với nhiệm vụ, tình hình mới.

Trong giai đoạn hiện nay, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã bắt đầu triển khai biện pháp nới lỏng giãn cách, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh, hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”. BCHTP đã dự báo trước tình hình, xác định đây sẽ là thời điểm công dân ồ ạt về quê tự phát, mất kiểm soát sau ngày 30/9/2021, nên đã chủ động có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các giải pháp quản lý đi lại của công dân các tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg sau thời điểm ngày 30/9, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, ban ngành đoàn thể 4 địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, tạo các điều kiện cần thiết cho người dân ở lại các địa phương, đồng thời củng cố các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào các địa phương để chủ động kiểm soát người dân tự phát ồ ạt về quê, dẫn đến mất kiểm soát.

Mặt khác, BCHTP cũng đã có điện chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trong toàn quốc chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, có phương án, kế hoạch tổ chức kiểm soát người dân tự phát ồ ạt về quê, kịp thời xử lý các tình huống phức tạp về ANTT.

Tuy nhiên, do tâm lý lo sợ dịch bệnh, những khó khăn, bức bách trong thời gian giãn cách kéo dài, an sinh xã hội không đảm bảo, kinh tế khó khăn, không có việc làm, thu nhập để duy trì cuộc sống... dẫn đến một bộ phận người dân ở TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai, Bình Dương, Long An có nhu cầu, nguyện vọng chính đáng phải về quê để mưu sinh, cải thiện cuộc sống, nhờ sự hỗ trợ từ người thân, giao con cháu để chăm sóc, chôn cất tro cốt...

Sau khi tham mưu Văn phòng Chính phủ có Công văn số 122/CĐ ngày 1/10/2021thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp kiểm soát người ra, vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, BCHTP đã kịp thời chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố thực hiện công tác tiếp nhận, phòng, chống dịch, cách ly người dân về quê... Đến nay các địa phương đã tổ chức đưa dẫn, đón người dân về quê theo đúng hướng dẫn, quy định phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn, trật tự và kiểm soát, không để lây lan dịch bệnh trên địa bàn, tạo dư luận tích cực trong Nhân dân.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, việc thành lập BCHTP của Bộ Công an ở phía Nam vừa qua đã khẳng định vai trò quan trọng và có ý nghĩa rất to lớn. Có thể khẳng định đó là yếu tố quyết định thắng lợi đối với phòng, chống dịch COVID-19 của lực lượng CAND tại phía Nam, đóng góp to lớn vào thành công chung trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các tỉnh, thành phố phía Nam trong đợt dịch thứ tư.

BCHTP đã xác định đúng mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong từng giai đoạn diễn biến phức tạp của dịch bệnh để đề ra nhiệm vụ chính trị, giải pháp thực hiện phù hợp, hiệu quả tối ưu nhất cho Công an các đơn vị, địa phương.

Đặc biệt, từ sáng kiến, mô hình tiên phong của Bộ Công an, Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tại phía Nam (trong đó đại diện Bộ Công an là Tổ phó đã tham mưu rất tích cực, hiệu quả cho Tổ công tác) và chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan thành lập các Tổ công tác thường trực tại phía Nam để trực tiếp chỉ huy, giải quyết, hỗ trợ kịp thời cho các tỉnh, thành phố phía Nam trong phòng, chống dịch COVID-19.

BCHTP đã có nhiều đánh giá, dự báo chính xác tình hình, giải pháp tiên phong, đột phá và kịp thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, an sinh xã hội, an dân và đảm bảo ANTT thời gian qua, không để xảy ra biểu tình, bạo loạn...

Phú Lữ
.
.