Những chiến sĩ Công an áo blouse trắng xung phong vào tâm dịch

Thứ Năm, 16/09/2021, 07:20

Từ đầu tháng 7/2021 đến cuối tháng 8/2021, Bệnh viện 199- Bộ Công an (đóng tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã cử 2 đoàn công tác, gồm 72 y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên có tay nghề cao vào chi viện các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh, góp phần điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Đặc biệt, trong đoàn chi viện cho TP Hồ Chí Minh đợt 1, quá trình điều trị cho bệnh nhân COVID-19, đã có trường hợp bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Thế nhưng, trước tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, chị đã không trở về khi đã hoàn thành đợt công tác mà tình nguyện ở lại để tiếp tục góp sức cứu chữa người bệnh…

Đó là Thiếu úy Nguyễn Thị Thủy, công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện 199. Sau khi được điều trị, xét nghiệm âm tính nhiều lần và được xác định đã khỏi bệnh, từ Bệnh viện dã chiến Phước Lộc, TP Hồ Chí Minh, ngày 8/9/2021, nữ điều dưỡng này đã viết đơn gửi lãnh đạo Bệnh viện 199 xin tình nguyện được tiếp tục ở lại tâm dịch để góp sức chữa bệnh cho các bệnh nhân không may mắc COVID-19.

Những chiến sĩ Công an áo blouse trắng xung phong vào tâm dịch -0
Đoàn y, bác sĩ Bệnh viện 199 tình nguyện vào TP Hồ Chí Minh tham gia cứu chữa bệnh nhân COVID-19.

Trong đơn, Thiếu úy Thủy viết: “Khi TP Hồ Chí Minh bùng phát dịch COVID-19, tôi đã xung phong lên đường chi viện đợt 1 và sau hơn 1 tháng tham gia chống dịch tại đây tôi đã không may bị nhiễm COVID-19 và được điều trị tại Bệnh viện dã chiến Phước Lộc. Giữa lúc tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp này, ngay khi được điều trị khỏi COVID-19 với “kháng thể” của bản thân và đã hoàn thành cách ly đúng quy định, tôi rất mong muốn lãnh đạo đơn vị đồng ý cho tôi được tiếp tục ở lại TP Hồ Chí Minh để tham gia tăng cường cùng 17 đồng đội khác của Bệnh viện 199, do Trung tá Trần Quang Pháp làm trưởng đoàn làm công tác xét nghiệm, cứu chữa cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến Phước Lộc”.

Tìm hiểu mới biết, Thiếu úy Nguyễn Thị Thủy, nhà chỉ có một mẹ, một con. Hôm chị lên đường tăng cường vào TP Hồ Chí Minh để tham gia cứu chữa bệnh nhân COVID-19, chị chỉ dám xin phép báo với mẹ là ở lại đơn vị “trực chiến” những ngày TP Đà Nẵng đang là “điểm nóng” COVID-19. Khi chị vào đến tâm dịch TP Hồ Chí Minh, mẹ chị biết chuyện, đã điện thoại dặn dò, nhắc nhở chị cố gắng làm tròn nhiệm vụ. Khi chị không may nhiễm virus SARS-CoV-2, mẹ chị cũng đã động viên con gái nghị lực vượt qua bệnh tật. Và khi được điều trị khỏi bệnh, chị quyết định ở lại Bệnh viện dã chiến Phước Lộc để cứu chữa cho những bệnh nhân COVID-19 tại đây...

Thiếu úy Lê Minh Điền, kỹ thuật viên khoa xét nghiệm Bệnh viện 199, cũng có mặt trong đoàn y, bác sĩ, điều dưỡng chi viện đợt 1, vào TP Hồ Chí Minh. Đến giữa tháng 8/2021, sau hơn 1 tháng làm nhiệm vụ tại TP Hồ Chí Minh trở về Bệnh viện 199, Thiếu úy Điền lại tiếp tục xung phong lên đường cùng đồng đội vào làm nhiệm vụ tại Phòng sinh học phân tử, Bệnh viện 30/4 (TP Hồ Chí Minh).

Trò chuyện qua điện thoại, anh nói rằng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về Bệnh viện 199 để thay quân, nhưng nhìn thấy đồng đội mình hầu hết đã lập gia đình, con còn nhỏ dại, nếu họ lên đường lần này sẽ rất khó khăn. Chính vì vậy anh quyết định xung phong quay trở lại TP Hồ Chí Minh lần thứ 2. “Là chiến sĩ, thầy thuốc CAND, chúng tôi đều xác định, ở đâu Tổ quốc, nhân dân cần, chúng tôi sẵn sàng có mặt. Tôi chỉ suy nghĩ đơn giản rằng tuổi trẻ nếu có thể góp sức được gì thì hãy góp sức, vì chúng ta chỉ sống một thời tuổi trẻ, không bây giờ thì bao giờ…”, Thiếu úy Điền xúc động nói.

   Trò chuyện cùng chúng tôi, Đại úy Nguyễn Đình Chinh, bác sĩ Khoa A2 Nội tiết và các bệnh về máu, Bệnh viện 199, cũng cho hay, ngày 5/7/2021, anh có mặt trong đoàn 53 y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xung phong vào TP Hồ Chí Minh (Đợt 1). Hầu hết trong đoàn là những người trẻ, đã được tiêm 2 mũi vaccine. Khi đến TP Hồ Chí Minh, ai nấy đều hăng hái, nhanh chóng bắt tay vào nhiệm vụ cứu chữa, xét nghiệm cho các bệnh nhân.

“Nhiều hôm trời nắng nóng mồ hôi đầm đìa sũng nước bên trong áo bảo hộ, song chúng tôi không có thời gian nghỉ ngơi. Môi trường làm việc rất căng thẳng, không chỉ 8 tiếng mà có hôm đứng suốt cả ca trực bệnh. Nhiều lúc mệt đến lả người, nhưng hễ đồng đội vỗ vai, động viên “Cố lên đồng chí, đồng đội ơi!”, thế là tỉnh hẳn ra, lại tiếp tục lao vào công tác lọc, truyền máu, cứu chữa cho bệnh nhân”, bác sĩ Nguyễn Đình Chinh chia sẻ.

Trở về từ TP Hồ Chí Minh, đặt chân đến Bệnh viện 199, chưa kịp về thăm nhà, thăm con trai nhỏ học lớp 4 đang chuẩn bị bước vào năm học mới, bác sĩ Nguyễn Đình Chinh lại cùng các y, bác sĩ, điều dưỡng trong đoàn tiếp tục nhận nhiệm vụ mới do TP Đà Nẵng trở thành “điểm nóng” COVID-19; đặc biệt là quận Sơn Trà - địa bàn có Bệnh viện 199 phải phong tỏa “cứng” 5 phường, vì hàng trăm ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày.

Đi cùng đoàn công tác đợt 1 trở về, Thượng úy Đặng Quốc Phong (Khoa xét nghiệm của Bệnh viện 199) bồi hồi nhớ lại, khi vào đến TP Hồ Chí Minh, các thành viên trong đoàn được chia ra nhiều tổ chi viện cho các bệnh viện. Anh và Trung úy Đào Thanh Tuấn (Khoa dược Bệnh viện 199) cũng được tăng cường vào đến một bệnh viện dã chiến.

Thượng úy Đặng Quốc Phong bày tỏ: “Chúng tôi lao vào công tác xét nghiệm cho bệnh nhân ngay trong chiều đầu tiên đặt chân đến TP Hồ Chí Minh. Thực sự chúng tôi không khỏi lo lắng khi hầu hết các ca xét nghiệm đều cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Những ngày tiếp theo, công việc quá tải, có những hôm xét nghiệm liên tục suốt từ sáng đến chiều tối, chỉ dừng lại ăn vội hộp cơm, uống ngụm nước rồi lại tiếp tục. Niềm vui của chúng tôi  lúc này là khi “phát hiện” được những mẫu xét nghiệm âm tính trong hàng trăm, hàng nghìn mẫu tiếp nhận. Rồi có lúc cảm thấy rất áp lực khi chính đồng đội của mình khi làm nhiệm vụ đã bị phơi nhiễm với COVID-19. Nhưng, chúng tôi tự động viên nhau. Bởi vì chúng tôi hiểu rằng, cả nước đang dồn toàn lực để chiến đấu với đại dịch”…

Đại tá Quách Hữu Trung, Giám đốc Bệnh viện 199 nói rằng, theo đề nghị của Bộ Y tế, Bệnh viện đã kêu gọi tinh thần tình nguyện xung phong của các y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên. Với kinh nghiệm qua những đợt đồng hành cùng chính quyền TP Đà Nẵng chống dịch, đoàn công tác đã phối hợp cùng lực lượng tuyến đầu của TP Hồ Chí Minh, hỗ trợ hết khả năng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Điều đặc biệt và động viên các y, bác sĩ ngay trong ngày lên đường vào TP Hồ Chí Minh đã có sự tham dự của Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an. Đội ngũ y, bác sĩ xung phong vào TP Hồ Chí Minh đã làm nhiệm vụ theo mệnh lệnh từ trái tim của người chiến sĩ áo trắng CAND, hành động vì nghĩa đồng bào, vì lợi ích, sức khỏe, tính mạng của cộng đồng...

Hoài Thu
.
.