Nâng cao nhận thức về lý luận và thực tiễn trong bảo đảm an ninh vùng Tây Nam Bộ
Ngày 29/11, tại TP Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về bảo đảm an ninh vùng Tây Nam Bộ”. Trung tướng, PGS, TS. Trần Vi Dân, Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an và Thiếu tướng, TS. Đoàn Minh Lý, Hiệu trưởng Trường Đại học ANND đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại tá, PGS, TS. Nguyễn Trần Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học ANND, cho biết: Vùng Tây Nam Bộ là vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Do nhiều nguyên nhân, yếu tố tác động, vùng Tây Nam Bộ hiện hữu, tiềm ẩn nhiều yếu tố xâm phạm, đe dọa an ninh quốc gia. Trong đó, nổi lên các vấn đề liên quan đến an ninh đối ngoại, an ninh nội địa, an ninh kinh tế, an ninh phi truyền thống. Những yếu tố này diễn ra không chỉ tại cơ sở, trên từng địa phương, tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ, mà mang tính liên vùng và quan hệ chặt chẽ với nhiều địa bàn trong và ngoài nước. Do vậy, bảo đảm an ninh vùng Tây Nam Bộ là vấn đề hệ trọng và luôn được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các địa phương và Bộ Công an đặc biệt quan tâm, tăng cường, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển nhanh, bền vững vùng Tây Nam Bộ, cũng như cả nước.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nam Bộ. Công tác bảo đảm an ninh vùng Tây Nam Bộ thời gian qua đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động nắm, dự báo tình hình và kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước; cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn vùng Tây Nam Bộ và các địa bàn lân cận ban hành nhiều chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh; tổ chức các biện pháp, công tác chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, giải quyết hiệu quả các vấn đề phức tạp liên quan đến ANTT.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm an ninh vùng Tây Nam Bộ còn gặp những khó khăn, bất cập và hạn chế do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều này đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết của việc tổng kết, nghiên cứu, trao đổi, bàn thảo để có phương hướng xây dựng, bổ sung, phát triển lý luận, cũng như đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thực tiễn bảo đảm an ninh vùng Tây Nam Bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá các nhóm vấn đề, gồm: Những vấn đề lý luận về bảo đảm an ninh vùng Tây Nam Bộ; nhận diện các yếu tố xâm phạm, đe dọa an ninh vùng Tây Nam Bộ; thực tiễn bảo đảm an ninh vùng Tây Nam Bộ; phương hướng, giải pháp phát triển lý luận và nâng cao hiệu quả thực tiễn bảo đảm an ninh vùng Tây Nam Bộ. Được biết, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận và biên tập 93 tham luận của các đơn vị, cán bộ, nhà khoa học trong và ngoài lực lượng CAND. Nội dung các tham luận đều bám sát chủ đề Hội thảo, bảo đảm khoa học, toàn diện, đa dạng về lĩnh vực, vấn đề, cách tiếp cận; thông tin, số liệu phong phú, tin cậy.
Để góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm an ninh vùng Tây Nam Bộ, Trung tướng, PGS, TS. Trần Vi Dân đề nghị, về xây dựng, bổ sung, phát triển lý luận, các đơn vị chức năng của Trường Đại học ANND cần tham mưu nhà trường có kế hoạch phối hợp Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an và các học viện, trường CAND bổ sung, phát triển lý luận về bảo đảm an ninh vùng chiến lược, xây dựng khung lý luận bảo đảm an ninh vùng Tây Nam Bộ. Trong đó, tập trung vào khái niệm; đặc điểm tình hình, những yếu tố xâm phạm, đe doạ an ninh vùng Tây Nam Bộ; mục tiêu, yêu cầu; quan điểm chỉ đạo, phương châm, nguyên tắc; nội dung, biện pháp, công tác tổ chức bảo đảm an ninh địa bàn chiến lược này.
Trong xây dựng khung lý luận, cần chú ý quán triệt các quan điểm, tư duy, nhận thức mới của Đảng về bảo vệ an ninh quốc gia, nhất là các quan điểm về phát huy sức mạnh tổng hợp; xây dựng “thế trận lòng dân”; củng cố, tăng cường tiềm lực an ninh quốc gia; gắn kết chặt chẽ giữa bảo đảm an ninh với phát triển kinh tế, xã hội; nhận diện, xử lý đúng đắn mối quan hệ đối tượng và đối tác trong bảo đảm an ninh vùng Tây Nam Bộ.
Đồng thời, để nâng cao hiệu quả thực tiễn bảo đảm an ninh vùng Tây Nam Bộ, cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề trọng tâm như, đề xuất Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm quán triệt, thực hiện hiệu quả các quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong các nghị quyết của Đảng, Nhà nước về vùng Tây Nam Bộ, trong đó đặc biệt tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh; hoàn thiện cơ chế, chính sách, nhất là chính sách đặc thù đối với vùng Tây Nam Bộ; xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng đồng bộ, kết nối, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh trong tình hình mới.
Đối với lực lượng Công an các cấp, nhất là các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng tình hình an ninh vùng Tây Nam Bộ để tham mưu Chính phủ và cấp uỷ, chính quyền các địa phương chỉ đạo triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm an ninh của vùng. Chủ động xây dựng, tổ chức triển khai các phương án, kế hoạch, biện pháp, công tác bảo đảm an ninh tại các địa bàn, mục tiêu, lĩnh vực trọng điểm, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ, “điểm nóng” về ANTT…