Lá chắn sống bảo vệ các yếu nhân
Họ là những cán bộ đầu tiên của lực lượng Công an Việt Nam khi tiếp xúc và làm việc với khách quốc tế, trong đó có nhiều người là nguyên thủ quốc gia. Vì vậy, họ được tuyển chọn kỹ lưỡng từ các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, có tiêu chuẩn cao hơn về ngoại hình, bản lĩnh, trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm.
Trong nhiều năm qua, họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, tạo dấu ấn đẹp trong lòng các vị khách quốc tế khi đến thăm và làm việc tại Việt Nam bởi sự lịch lãm, tinh tế, chuyên nghiệp và bản lĩnh trong công việc. Họ là những cán bộ, chiến sĩ công tác tại Phòng Bảo vệ sự kiện đặc biệt quan trọng và khách quốc tế thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.
Bức ảnh đặc biệt của nữ Phó Tổng thống Mỹ
Đó là một câu chuyện thú vị về bức ảnh của nữ Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris khi bà sang thăm Việt Nam vào tháng 8/2021. Thượng tá Chu Bá Phượng, Đội phó Đội Bảo vệ khách quốc tế, Phòng Bảo vệ sự kiện đặc biệt quan trọng và khách quốc tế được phân công nhiệm vụ tiếp cận, bảo vệ bà Kamala Harris. Sau khi thực hiện nghi lễ đón tiếp tại Phủ Chủ tịch, bà Kamala Harris đề nghị được tới đặt vòng hoa tại bức phù điêu và bia kỷ niệm sự kiện bắn rơi máy bay do phi công John McCain điều khiển bên hồ Trúc Bạch nhân dịp kỷ niệm 3 năm ngày mất của Thượng Nghị sĩ John McCain.
Khi lịch trình phát sinh, Thượng tá Chu Bá Phượng đã báo cáo về Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Ngay lập tức, một tổ công tác đã được cử xuống địa bàn để rà soát an ninh, an toàn ở khu vực bức phù điêu kỷ niệm. Hôm đó trời mưa, khi đoàn xe đỗ trên đường Trúc Bạch, bà Kamala Harris bước xuống xe, một tay ôm bó hoa, một tay cầm chiếc ô của mình che mưa, đi bộ về phía bức phù điêu kỷ niệm. Khi đến trước bức phù điêu, một giây lúng túng của bà Kamala Harris đã được Thượng tá Chu Bá Phượng ghi nhận ngay, anh tinh tế và lịch lãm đỡ chiếc ô trên tay của nữ Phó Tổng thống Mỹ, che cho bà để bà được kính cẩn dùng 2 tay dâng hoa tưởng niệm cố Thượng Nghị sĩ. Có người đã chụp được khoảnh khắc này. Khi xem lại bức ảnh, nữ Phó Tổng thống Mỹ rất vui và hài lòng. Bà nói rằng, khi về Mỹ, sẽ rửa 2 tấm ảnh đặc biệt này, một tấm treo ở phòng làm việc tại Nhà Trắng, tấm còn lại bà sẽ treo ở nhà riêng.
“Ngoài nghiệp vụ chuyên môn, bản lĩnh chiến đấu, người sĩ quan cận vệ còn phải có sự lịch lãm, tinh tế. Để làm được điều đó, mỗi khi có đoàn khách quốc tế sang thăm Việt Nam, ngoài lập kế hoạch bảo vệ chu đáo, cụ thể, chúng tôi còn nghiên cứu chi tiết các phong tục, tập quán và cả các đặc điểm, thói quen, sở thích… của khách để chuẩn bị trước các kiến thức, thông tin phục vụ việc giao tiếp, ứng xử trong hành trình tiếp cận, tránh các sai sót xảy ra. Ngoài ra, phải có một phông kiến thức về lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam… để trong quá trình tiếp cận có thể giới thiệu cho khách khi họ có yêu cầu trao đổi. Điều này rất cần thiết, vì công việc của một sỹ quan bảo vệ tiếp cận, ngoài việc đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đối tượng cảnh vệ, còn phải làm “nhiệm vụ” của một hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, qua đó tạo ra những ấn tượng tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế”, Đại tá Trần Xuân Thịnh, Trưởng phòng Phòng Bảo vệ sự kiện đặc biệt quan trọng và khách quốc tế chia sẻ.
Bản lĩnh trong những tình huống “ngoài kế hoạch”
Trước mỗi chuyến thăm của nguyên thủ các nước, các cán bộ của Phòng Bảo vệ sự kiện đặc biệt quan trọng và khách quốc tế đã phải lập kế hoạch tiếp cận, bảo vệ rất cụ thể, chi tiết đến từng tình huống nhỏ. Trước khi có đoàn nguyên thủ của các nước sang thăm Việt Nam, bộ phận an ninh nước bạn thường sang trước để khảo sát tình hình và kế hoạch đảm bảo an ninh cho nguyên thủ nước họ. Cho đến nay, bộ phận tiền trạm của an ninh các nước, kể cả cẩn trọng như Mỹ, đều rất hài lòng và an tâm khi làm việc với lực lượng Cảnh vệ Việt Nam, đặc biệt là với đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Phòng Bảo vệ sự kiện đặc biệt quan trọng và khách quốc tế.
Thượng tá Chu Bá Phượng kể lại chuyến thăm Vịnh Hạ Long của Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev hồi tháng 4/2015. Sáng hôm đó, các anh nhận được thông tin chính thức về chuyến tham quan Vịnh Hạ Long của Thủ tướng Nga. Lúc đầu, các anh nhận được thông tin 9h sẽ xuất phát. Tuy nhiên, mãi đến gần 12h đoàn mới lên đường khiến anh và đồng đội không kịp ăn trưa, hoạt động liên tục tới 16h. Trong chuyến đi này, Thủ tướng Dmitry Medvedev yêu cầu được tham quan bình thường như những du khách khác, không có những hoạt động đưa đón, bảo vệ rầm rộ. Khi tham quan, ông ăn mặc rất phóng khoáng, áo phông, quần ka ki, chân đi giày vải, rất dễ lẫn vào các du khách nước ngoài nên công tác bảo vệ đòi hỏi phải thận trọng hơn.
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chuyến thăm của Thủ tướng Nga, an ninh của bạn và lực lượng Cảnh vệ Việt Nam đã phải nhiều lần làm việc với nhau tại thực địa. Thậm chí lúc đầu bạn còn đề xuất đưa người nhái từ Nga sang để phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, sau khi được nghe phương án bảo vệ, đồng thời chứng kiến sự chuyên nghiệp và tỉ mỉ của lực lượng Cảnh vệ Việt Nam, đoàn tiền trạm của bạn hết sức hài lòng và tin tưởng tuyệt đối.
Sau khi tham quan Vịnh Hạ Long, trên đường về, Thủ tướng Nga bất ngờ nói muốn thăm khu làng chài nổi trên vịnh bằng thuyền thúng. Việc di chuyển bằng thuyền thúng trên vịnh rất khó đảm bảo an toàn, tuy nhiên, trước yêu cầu của Thủ tướng Nga, Thượng tá Chu Bá Phượng đã báo cáo nhanh về trung tâm chỉ huy, sau đó, Cảnh sát biển đã được tăng cường hỗ trợ vòng ngoài, Thượng tá Phượng và cận vệ của bạn cùng thận trọng thực hiện việc chèo thuyền thúng trên vịnh, đưa Thủ tướng đến làng chài tham quan và trở về tàu an toàn.
Hay như câu chuyện của Thiếu tá Đặng Hồng Nhung, cán bộ Đội bảo vệ khách quốc tế, cô gái mặc bộ vest đen ấn tượng đã nhiều lần lọt vào ống kính của phóng viên trong các sự kiện đón tiếp các nguyên thủ quốc gia. Hồng Nhung kể rằng, trong chuyến tháp tùng phu nhân của Phó Tổng thống Ấn Độ khi bà cùng chồng sang thăm và làm việc tại Việt Nam năm 2014, có phát sinh lịch trình di chuyển “ngoài kế hoạch” là đi tham quan chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Lúc đó, cô cũng nhận được sự hỗ trợ của lực lượng CSGT Công an Hà Nội, nhưng họ chỉ yểm trợ từ xa, ở ngoài đường, còn khi đã vào chợ thì chỉ còn lại mình cô tháp tùng đoàn. Vì vậy, Thiếu tá Nhung phải tính toán rất nhanh cách di chuyển trong không gian chật hẹp và ồn ã của các gian hàng kinh doanh tại chợ Đồng Xuân để đảm bảo an toàn cho phu nhân Phó Tổng thống và các thành viên trong đoàn.
Nhiệt huyết “cha truyền, con nối”
Cũng theo Đại tá Trần Xuân Thịnh, có một điểm đặc biệt thú vị tại đơn vị là câu chuyện về “cha truyền, con nối”, hay nói cách khác là truyền thống kế tục sự nghiệp bảo vệ yếu nhân giữa các thế hệ trong cùng một gia đình.
Câu chuyện này rất đúng với gia đình Thượng tá Chu Bá Phượng, anh là con trai của đồng chí Chu Bá Bộ, sĩ quan cận vệ của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười. Đó là Thiếu tá Đặng Hồng Nhung, con gái của đồng chí Đặng Quốc Trung, cán bộ của Phòng Bảo vệ sự kiện đặc biệt quan trọng và khách quốc tế… Chính những người cha ấy đã truyền niềm đam mê và tự hào với công việc, để ngay từ khi bắt đầu định hướng nghề nghiệp, họ đã chọn con đường mà bố mẹ mình từng cống hiến. Và hằng ngày, chính những người cha ấy lại là những người thầy nhiệt huyết nhất, truyền cảm hứng và kinh nghiệm thực tế, bài học tình huống để con em mình tiếp tục đam mê và trách nhiệm với sự nghiệp “bảo vệ Đảng, bảo vệ lãnh tụ”.
Trong báo cáo về truyền thống 70 năm của lực lượng Cảnh vệ CAND đã khẳng định: Người chiến sĩ Cảnh vệ CAND không chỉ là “lá chắn sống” bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các yếu nhân mà còn là một người lễ tân, hướng dẫn viên du lịch gần gũi, thân thiện, giới thiệu những phong tục, tập quán, văn hóa Việt Nam đến với các nguyên thủ, các vị lãnh đạo, bạn bè quốc tế. Các cán bộ, chiến sĩ của Phòng Bảo vệ sự kiện đặc biệt quan trọng và khách quốc tế tự hào vì họ đã góp một phần không nhỏ làm nên điều đó.