Hiệu quả từ mô hình “An toàn nghề cá, bình yên biển đảo”

Thứ Bảy, 27/11/2021, 09:26

Với mục tiêu hỗ trợ ngư dân trong các hoạt động khai thác đánh bắt thủy, hải sản; đồng thời trang bị cho ngư dân đi biển các kiến thức cơ bản về pháp luật, đặc biệt là nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng, mô hình “An toàn nghề cá, bình yên biển đảo” đã trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân xứ Nghệ trong nhiều năm qua, là điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong thời kỳ mới.

Mô hình “An toàn nghề cá, vì bình yên biển đảo”, ra đời cách đây hơn 7 năm, tại địa bàn xã Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An). Đây là mô hình điểm của Công an tỉnh Nghệ An trong phong trào phát động toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ. Qua 7 năm đưa vào hoạt động, mô hình này đã phát huy tác dụng, trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển, không chỉ ở địa bàn phường Quỳnh Phương mà mở rộng ra các địa phương lân cận…

Nói về việc chọn Quỳnh Phương là địa phương làm điểm, Thượng tá Trần Phúc Tú – Trưởng Công an thị xã Hoàng Mai cho biết: Phường Quỳnh Phương có chiều dài hơn 3km giáp biển, phần lớn dân cư đều sống chủ yếu phụ thuộc vào nghề khai thác, đánh bắt, chế biến thủy, hải sản. Cũng do đặc thù, tính chất công việc phải lênh đênh trên biển có khi cả tháng trời, nên trình độ nhận thức pháp luật còn rất hạn chế, nhất là kiến thức pháp luật về chủ quyền biển đảo, các quy định về khai thác, đánh bắt hải sản. Bên cạnh đó, sau mỗi chuyến ra khơi, một số ngư dân có hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội như Cố ý gây thương tích, đánh bạc, sử dụng trái phép chất ma túy… (Chỉ tính từ đầu năm 2013 đến tháng 7/2014 đã có 34 vụ, việc với 52 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật trên địa bàn bị bắt giữ). Mặc dù lực lượng chức năng đã kiên quyết xử lý cũng như giáo dục, răn đe nhưng một số đối tượng lợi dụng đặc thù nghề nghiệp đã tìm cách đi biển dài ngày để trốn tránh pháp luật.

Hiệu quả từ mô hình “An toàn nghề cá, bình yên biển đảo” -0
Công an tỉnh Nghệ An tặng cờ Tổ quốc và dầu máy cho ngư dân trước ngày ra khơi.

Trước tình hình đó, khi có chủ trương thành lập thí điểm mô hình “An toàn nghề cá, bình yên biển đảo”, Công an Nghệ An đã chỉ đạo Công an thị xã. Hoàng Mai chọn phường Quỳnh Phương để làm mô hình.

Sau hơn 7 năm triển khai, hiện nay mô hình đã có 225 hội viên hội nghề cá, các hội viên tích cực phát triển kinh tế, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, hỗ trợ nhau phát triển xây dựng kinh tế. Hiện nay, trên địa bàn có gần 700 tàu thuyền tham gia khai thác thủy, hải sản, trong đó nhiều tàu có công suất lớn.

Để có được kết quả này, Ban chỉ đạo mô hình “An toàn nghề cá, vì bình yên biển đảo” đã bám sát các chỉ đạo của cấp trên tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động của mô hình góp phần đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ.

Trung tá Lê Đăng Cường – Trưởng Công an phường Quỳnh Phương, Hoàng Mai cho biết thêm, sau mỗi chuyến ra khơi của ngư dân, lực lượng Công an thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, dành thời gian để tuyên truyền, vận động ngư dân, đặc biệt là đối tượng thanh, thiếu niên tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Nhờ vậy, sau 7 năm thành lập mô hình, tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn giảm đáng kể, không phát sinh vụ việc phức tạp, không có hội viên Hội nghề cá vi phạm phải xử lý hình sự.

Bên cạnh đó, Công an phường còn chủ động phối hợp lực lượng Đồn Biên phòng, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy hướng dẫn các quy định về quản lý phương tiện tàu thuyền trong địa bàn phường, phối hợp với cán bộ Công an nắm bắt tình hình các tàu thuyền đánh bắt xa bờ, theo dõi lịch trình đi – về, danh sách thuyền viên…

Cùng với việc tập trung tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân, các hội viên, Ban chỉ đạo mô hình đã chú trọng xây dựng và nhân rộng các tổ tự quản trong mô hình, đổi mới nội dung phương pháp hoạt động để khơi gợi, cuốn hút hội viên tham gia. Qua đó đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, được biểu dương, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn thể hội viên, từng bước đưa phong trào đi vào hoạt động chất lượng.

Nhờ sự tuyên truyền của Hội nghề cá cũng như lực lượng Công an, ngư dân Quỳnh Phương đã hạn chế sử dụng chất nổ, kích điện trong đánh bắt thủy sản. Từ năm 2014 đến nay, Hội nghề cá đã vận động, thu hồi 1 khẩu súng bắn đạn khói, 3,5kg thuốc nổ, 5kg pháo, 125 dao kiếm, súng nhựa, hòa giải 25 vụ việc mâu thuẫn trong hội viên… Nhiều tàu thuyền khi gặp tai nạn luôn sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn. Điển hình như chủ tàu Nguyễn Phúc Sơn, khối Quyết Tiến, đã nhiều lần tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có tàu gặp tai nạn trên biển. Anh Sơn cho biết: "Khi tham gia mô hình, chúng tôi thấy càng có trách nhiệm hơn với công tác cứu hộ, cứu nạn. Bởi rủi ro trên biển thì khó ai nói trước và việc tương trợ lẫn nhau vừa là tình cảm, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nhằm góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc".

Với những kết quả nổi bật, nhiều năm liền, ban chỉ đạo mô hình “An toàn nghề cá, vì bình yên biển đảo” được Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An tặng Giấy khen. Từ năm 2017 đến nay, mô hình đã được nhân rộng ra 9 địa bàn ven biển của tỉnh Nghệ An. Qua đó, tạo được sức lan tỏa rộng khắp và hiệu ứng tích cực. Năm 2021, mô hình được Bộ Công an tuyên dương là mô hình cấp phường tiêu biểu, nhân rộng trong toàn quốc.

Minh Tâm
.
.