‘Sắc nắng’ trên những cung đường Tây Bắc:

Đẩy lùi tai nạn từ những cách làm thiết thực

Thứ Bảy, 01/08/2015, 10:45
Thời gian qua, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Tây Bắc đã có những chuyển biến tích cực. Các tiêu chí về tai nạn giao thông đã giảm đáng kể. Có được kết quả này cũng nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, trong đó không thể không kể đến lực lượng Cảnh sát giao thông - những “sắc nắng” trên đường.

Tuần tra đêm cùng CSGT Tây Bắc

Đêm ở Điện Biên ập xuống thật nhanh. Loáng một cái, khắp các đỉnh đèo, vạt rừng đã đen kịt. Trung tá Vũ Hồng Tuấn, Đội trưởng Đội CSGT số 1 – Phòng CSGT Công an tỉnh Điện Biên tâm sự: Khác với các địa bàn khác, do địa hình ¾ là đồi núi. Hệ thống đường đèo quanh co, khúc khuỷu, chỉ một chút bất cẩn, tai nạn giao thông sẽ xảy ra.  Thế nên, đơn vị luôn xác định việc tuần tra lưu động, nhắc nhở tài xế xe khách chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ là nhiệm vụ thường xuyên góp phần đảm bảo TTATGT trên tuyến.

20h, bóng tối mỗi lúc một dày hơn. Tại Km 62- QL279, huyện Điện Biên, muỗi rừng không ngừng “tấn công” các thành viên trong Tổ công tác do Trung tá Vũ Hồng Tuấn làm tổ trưởng. Chiếc xe giường nằm chạy tuyến Điện Biên – Mỹ Đình mang BKS 27B-000.73 giảm tốc độ, tấp vào lề đường theo sự chỉ dẫn của Tổ công tác. 

Trung tá Tuấn thao tác kiểm tra, nhắc nhở tài xế tuân thủ các quy định về TTATGT như: không phóng nhanh vượt ẩu, lấn làn đường… đặc biệt lưu ý khi đi qua các đèo Tằng Quái, Pha Đin… cua gấp khúc. Tài xế Trần Xuân Cường, SN 1964, ở TP Điện Biên Phủ rất chú ý lắng nghe chỉ dẫn này.

Cán bộ CSGT - Công an tỉnh Sơn La tuyên truyền về an toàn giao thông cho các em học sinh.

Một đêm trực cùng Tổ công tác của Phòng CSGT Công an tỉnh Điện Biên, tôi được chứng kiến hơn chục lượt tài xế xe khách giường nằm chạy đi các tỉnh, thành: Hà Nội, Thanh Hóa, Thái Bình… được nhắc nhở chấp hành nghiêm các quy định về TTATGT. Trước đây, toàn tuyến chỉ có vài đầu xe thì nay đã có trên 100 xe khách giường nằm chạy về đêm. Đường đèo quanh co, hiểm trở không còn vắng lặng khi mật độ xe khách giường nằm hoạt động khá nhộn nhịp về đêm. Hoạt động tuần tra của các Tổ công tác lực lượng CSGT về đêm đem lại hiệu quả cao trong việc “răn” tài xế chấp hành nghiêm các quy định về TTATGT.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Cương, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Điện Biên cho hay, để đảm bảo TTATGT trên tuyến về đêm, Phòng luôn duy trì các Tổ công tác tuần tra chia làm 2 ca. Ca 1, từ 18h - 21h; ca 2: từ 21h đến rạng sáng ngày hôm sau. Các Tổ công tác có nhiệm vụ tuần tra nhắc nhở, tuyên truyền các phương tiện tham gia giao thông (chủ yếu xe khách giường nằm) cũng như xử lý kịp thời các sự cố phát sinh trên tuyến. 

Đại tá Nguyễn Xuân Hà, Trưởng phòng CSGT – Công an tỉnh Sơn La cũng cho rằng, việc nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền “răn đe” tài xế thông qua quá trình tuần tra đêm là một trong những yếu tố kéo giảm vi phạm, TNGT trong thời gian qua.

Hiệu quả từ những lần “bám” cơ sở

Là những địa bàn miền núi có đến trên 80% người dân là bà con các dân tộc thiểu số, dân trí còn thấp, thế nên công tác đảm bảo TTATGT trên cơ sở tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con tại các tỉnh Tây Bắc được xác định là trọng tâm xuyên suốt. 

Đại tá Nguyễn Xuân Hà, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Sơn La tỏ ra khá tâm đắc khi kể về hiệu quả bước đầu của cách làm “bám” cơ sở để tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân của đơn vị. Đó là không chỉ trực tiếp tuần tra, phổ biến Luật Giao thông trên tuyến, lực lượng CSGT Công an tỉnh còn trực tiếp cử cán bộ xuống tận các điểm trường học, bản làng, phiên chợ vùng cao… 

Trong những lần “bám” cơ sở này, anh em trong đơn vị đều truyền tải nội dung tuyên truyền về tác hại của rượu bia khi điều khiển phương tiện, về hậu quả đau lòng do TNGT gây ra... bằng 3 thứ tiếng “Kinh – Mông – Thái”, rồi phát đĩa VCD cho các em học sinh, bà con về xem lại…

“Nhân các buổi họp chợ, trong trường học, họp dòng họ, tụ tập đông người…, việc tuyên truyền bằng “3 thứ tiếng” nghe có vẻ giản đơn này mang hiệu quả tốt. Chẳng thế mà cách đây không lâu, khi Tổ công tác của đơn vị xuống Trường THPT Chiềng Sinh để tuyên truyền đã thu hút được gần 1.000 thầy, trò nhà trường tham gia”, Đại tá Nguyễn Xuân Hà cho biết thêm. 

Đánh giá của Phòng CSGT Công an tỉnh Sơn La cho thấy, từ năm 2014 đến nay, lực lượng CSGT đã xuống cơ sở tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật 91 buổi với sự tham gia của 27.700 lượt người. Đồng thời tổ chức ký cam kết cho trên 1.586 hộ dân, doanh nghiệp không vi phạm TTATGT đường bộ. Kết quả, trong thời gian này, tình hình TTATGT trên địa bàn đã giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). 

Thói quen, những tập tục có từ nhiều đời này của bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc ảnh hưởng đến tình trạng vi phạm giao thông đường bộ. Do vậy, công tác tuyên truyền pháp luật để người dân thực hiện một cách hài hòa giữa luật pháp với tập tục, không để xảy ra tình trạng “nhờn” luật phải được các cán bộ CSGT thực hiện một cách có hiệu quả. 

Theo Thượng tá Nguyễn Mạnh Cương, từ nhiều năm qua, đơn vị đã có nhiều giải pháp đổi mới nội dung và hình thức công tác tuyên truyền. Đơn cử, nếu trước đây, lực lượng CSGT mời bà con lên trung tâm xã để tuyên truyền thì nay, các Tổ công tác đã xuống tận các bản, chợ phiên, trường học…, phổ biến kiến thức pháp luật về ATGT.

Trần Huy
.
.