Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2014), 25 năm ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2014)

“Tấm khiên thép” nơi phên giậu cực Tây Tổ quốc

Thứ Tư, 17/12/2014, 12:02
Mường Nhé từng là địa danh mà mỗi khi nhắc đến lại làm người ta nhớ đến sự hoang biệt, xa xăm, chất chồng gian khó. Nhưng vùng ngã ba biên giới hôm nay đã và đang đổi thay từng ngày. Nơi đó, màu xanh áo lính và những bước chân tuần tra đang làm vùng phên giậu phía Tây yên bình trở lại sau những ngày ồn ào, nóng bỏng. Niềm tin đã trở về, và Mường Nhé đang khởi sắc đi lên với những câu chuyện xúc động mặn mòi tình quân – dân.

“Ba bám, bốn cùng, năm có” ở ngã ba biên giới

Tây Bắc bây giờ bắt đầu vào mùa khô – mùa khắc nghiệt nhất trong năm. Đường vào Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) – nơi đóng quân của đại bản doanh Đoàn kinh tế quốc phòng 379 (Đoàn 379) đang là một đại công trường ồn ã tiếng máy. Đại tá Thái Quang Lộc, Đoàn trưởng 379 là người gắn bó với vùng ngã ba biên giới này hơn 10 năm (khi đó đơn vị còn trực thuộc Quân khu II). Ông là lứa cán bộ “khai sơn phá thạch” dẫn quân đến mắc võng, dựng trại xây dựng nơi ăn chốn ở cho bộ đội. Nhắc về “cái thuở ban đầu lưu luyến” nhưng gian khó ấy, Đại tá Lộc chia sẻ: Đoàn Kinh tế Quốc phòng 379 được thành lập theo tinh thần Nghị quyết 150 của Đảng ủy Quân sự TW về việc Quân đội tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh trên các địa bàn chiến lược. Địa bàn hoạt động gần 4.000km² trải dài 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Không thể kể hết những khó khăn, vất vả những ngày đó bởi địa bàn rộng, chia cắt, chưa có đường ôtô, phương tiện đi lại chỉ bằng đôi chân...

Chính ở nơi biên viễn điệp trùng gian khó này là môi trường thử thách ý chí và nghị lực người chiến sĩ. Cùng với lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng, Bộ chỉ huy Quân sự huyện, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đoàn 379 đã quán triệt phương châm "Nghe dân nói, nói dân hiểu, hướng dẫn dân làm, làm để dân tin" và thực hiện tốt “ba bám” (bám dân, bám địa bàn, bám đơn vị), “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) và “năm có” (có tình thương với dân, có kiến thức, có phương pháp, có trách nhiệm và có kỷ luật dân vận tốt) lập nên nhiều kỳ tích đáng tự hào.

Đại tá Đặng Xuân Tình, Chính uỷ Đoàn 379 chia sẻ: “Đoàn 379 “cắm” 12 đội sản xuất, với trên 5.000 lượt CBCS tăng cường xuống những địa bàn khó khăn, xung yếu nhất. Lực lượng tăng cường đã tham gia củng cố hệ thống chính trị 31 xã (trong đó có 16 xã biên giới). Cán bộ tăng cường phát hiện tạo nguồn, bồi dưỡng kiến thức về đảng cho trên 300 quần chúng ưu tú, xóa 51 bản “trắng” về đảng viên, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động 98 tổ chức đoàn thể.

Sát cánh cùng lực lượng quân đội, Công an tỉnh Điện Biên tăng cường 31 tổ, đội công tác với 612 lượt CBCS; giúp xây dựng hệ thống chính quyền cơ sở hơn 40 bản; rà soát tuyển dụng hơn 200 công chức xã; làm thủ tục cấp phát hộ khẩu cho 12.000 hộ dân, CMND cho hơn 23.000 người. CBCS lực lượng vũ trang đã tham gia hàng ngàn ngày công lao động, xây dựng 13 công trình thủy lợi phục vụ tưới 375ha lúa nước 2 vụ; mở gần 90km đường giao thông nông thôn; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho gần 7.000 lượt hộ dân về kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất. 5 bệnh xá quân dân y kết hợp đã khám, chữa bệnh cho hơn 50 ngàn lượt người dân, cứu sống nhiều người bệnh trong tình trạng thập tử nhất sinh…”. 

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 379 mở đường dân sinh vào bản Huổi Thủng, xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ. Ảnh: Minh Hạnh.

Mặn mòi tình nghĩa quân - dân

Sau bao đời mơ ước, bây giờ một con đường ôtô từ trung tâm xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ đã vào đến tận bản Pắc A1. 62 hộ dân Pắc A1 mới chuyển vào đây từ tháng 8 năm ngoái. Trưởng bản Sùng A Kí chia sẻ: “Người dân chúng tôi không phải nơm nớp lo sợ mỗi khi lũ về. Cán bộ Công an – quân đội đã giúp các hộ dân tháo dỡ nhà cửa, di dời và xây dựng nhà ở nơi ở mới. Nhờ sự hỗ trợ về lương thực, đặc biệt là nhiều loại cây trồng vật nuôi, Pắc A1 giờ không còn lo đói ăn nữa”.

Từ một bản người Mông hoang biệt, bây giờ Na Cô Sa đã trở thành một xã gồm 8 bản, hơn 2.300 dân. Trung tá Lò Văn Khiêm, Phó trưởng Phòng An ninh xã hội, Công an tỉnh Điện Biên đang chỉ huy một tổ công tác “3 cùng” ở Na Cô Sa từ đầu năm 2014. Tổ công tác có 11 người, với quân số “liên hợp”: BĐBP, BCH Quân sự huyện, Cục An ninh Tây Bắc và các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh Điện Biên. “Vào những nơi gian khó thế này nếu không có dân giúp đỡ thì chúng tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ” – Trung tá Khiêm đúc kết. 

Tổ công tác chia theo từng nhóm nhỏ từ 2 - 3 người 3 cùng với nhân dân. Người dân Na Cô Sa nhất là các bản Huổi Thủng 1, 2; Na Cô Sa 1, 2, 4 có thời khá phức tạp. Vụ Huổi Khon, Nậm Kè, Mường Nhé (tháng 5-2011) nhiều người ở các bản này vì nhẹ dạ, cả tin cùng bỏ bê sản xuất, ruộng vườn, tụ tập, nghe và theo luận điệu của bọn người xấu. Nhưng nhờ cán bộ “3 cùng” tuyên truyền, vận động, bà con đã quay về với nơi ở cũ. 

Công an huyện Mường Nhé giúp dân sản xuất.

Đường giao thông được mở mang đến tận bản, người dân được hỗ trợ hạt giống, được chuyển giao kỹ thuật canh tác. Na Cô Sa xa xôi là vậy nhưng bây giờ trường học đã có đủ bậc học từ mầm non đến trung học cơ sở. Bí thư Đảng uỷ xã Na Cô Sa là Thiếu tá bộ đội biên phòng Lê Ngọc Kim. 

Lực lượng Công an giúp dân.

Lâu nay người dân vẫn trìu mến gọi là “Ông bí thư 3 cùng” bởi anh hầu như tối ngày dưới cơ sở. Phẩm chất người lính nói và làm quyết liệt của Bí thư Kim đã giúp Na Cô Sa có nhiều quyết sách đột phá, ổn định và chấm dứt hoàn toàn việc di cư tự do, tái trồng cây thuốc phiện. Bình quân lương thực đầu người đạt trên 310kg, số hộ đói nghèo năm 2014 giảm hơn 11%. Đường ôtô có thể vào đến tận 8 bản vào mùa khô…

Giàng A Sú, 44 tuổi ở bản Huổi Thủng 2 từng là một người tích cực tuyên truyền cái xấu, là “đệ tử” ruột của đối tượng cầm đầu Tráng A Chớ nhưng từ khi cán bộ Khiêm (Trung tá Lò Văn Khiêm), cán bộ Mua (Thiếu uý Thào Chứ Mua, Cục An ninh Tây Bắc)… nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện điều hay lẽ phải, Sú đã quay về sau chuỗi ngày dài lầm đường lạc lối. 

Noi gương Sú, nhiều hộ dân Huổi Thủng 2 cũng lần lượt lập lại bàn thờ tổ tiên, quay về với phong tục tập quán dân tộc. Sú nói với tôi: “Chẳng đâu bằng quê hương mình, chẳng bao giờ có chuyện không làm cũng thừa ăn. Khi vợ tôi bị bệnh, con tôi bị bệnh đường ruột nào thấy “vua” hay “vương quốc” nào giúp đỡ. Nhờ cán bộ Công an, nhờ bệnh xá biên phòng mà vợ con tôi được cứu sống”.

Cũng như Giàng A Sú, nhiều người lầm đường lạc lối ở Mường Nhé, Nậm Pồ giờ đã giác ngộ và quay về với phong tục tập quán của dân tộc. Chính những việc làm của cán bộ “Ba bám, bốn cùng, năm có” đã dần cảm hoá được cả những cái đầu ngang bướng nhất. Công tác dân vận thành công thì niềm tin của người dân sẽ trở về. Và điều đó tạo nên sức mạnh, dựng lên những “tấm khiên thép” vô hình bảo vệ vững chắc vùng biên cương của Tổ quốc.

Vũ Mạnh Hà
.
.