Nhà báo Công an và những sẻ chia sâu sắc về nghề

Nhớ vụ báo tin nhầm phóng viên “treo cổ tự tử vì tình”

Thứ Tư, 21/06/2017, 09:20
Nhận được điện thoại báo tin con trai đang công tác tại một cơ quan báo chí thường trú ở Lâm Đồng treo cổ tự tử, mẹ của anh đã ngất xỉu, cả nhà ở quê không ai còn đủ khả năng để giữ chút bình tĩnh. Sau vụ báo tin nhầm đặc biệt hi hữu này, gia đình anh bắt đầu hiểu được sự gian khổ và thấy lo sợ với công việc làm báo của con trai mình.


Đó là vào một buổi chiều muộn ngày 5-11-2010, Ngô Khắc Lịch (phóng viên Báo CAND thường trú tại Đà Lạt) vừa đi tác nghiệp ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) về tới phòng trọ thì nhận được tin báo của người quen: Tại căn nhà trọ cuối một con hẻm trên đường Bùi Thị Xuân, TP Đà Lạt, vừa phát hiện một nam sinh viên treo cổ tự tử. 

Cầm vội chiếc máy ảnh kỹ thuật số mới tậu được từ tiền nhuận bút cùng cuốn sổ nhỏ, Ngô Khắc Lịch toan nổ xe gắn máy chạy tới hiện trường. Chiếc xe máy “cà tàng” anh mua được từ tiền nhuận bút tích cóp được từ thời còn sinh viên, khi còn học năm 3, Khoa Sư phạm, Trường ĐH Đà Lạt, với giá 4 triệu đồng. 

Ngày ấy, mỗi khi chiếc xe hoạt động và bạn tôi điều khiển leo lên con dốc đầu hẻm, có khi cả xóm phải thức giấc vì tiếng nổ bành bành khó có thể nhỏ hơn. Chúng tôi vẫn thường đùa với Lịch: “Mày nổ xe máy muộn hơn cho bọn tao ngủ được không!...”. Hôm đó, đúng lúc cần thiết và vội vã nhất, chiếc xe lại dở chứng, bạn tôi đạp mãi xe vẫn không chịu nổ máy.

Hiện trường vụ việc chỉ cách nhà trọ chúng tôi sinh sống hơn 1km, chạy bộ tới có khi vẫn nhanh hơn chờ xử lý chiếc xe gắn máy này để nó hoạt động trở lại. Có lẽ vì nghĩ vậy, bạn tôi quyết định chạy bộ tới hiện trường mà “cóc cần” sự trợ giúp của “anh bạn đồng hành”.

Khi chúng tôi tới nơi, hàng trăm sinh viên cùng người dân địa phương đứng chật cứng cả con hẻm sâu hút, tối om. Một số chiến sĩ Công an phường và Công an TP Đà Lạt cũng đã có mặt phong tỏa hiện trường. Chúng tôi nhanh chóng tìm cách tiếp cận hiện trường. 

Khi ấy, thi thể nạn nhân đã được đặt nằm ngay ngắn trên giường chờ cơ quan chức năng tới khám nghiệm. Chủ nhà trọ là một phụ nữ khoảng 60 tuổi cho chúng tôi biết, người treo cổ là Chu Văn D., 22 tuổi, sinh viên năm 3, khoa Luật học, Trường Đại học Đà Lạt, quê ở Bình Phước. 

Cũng theo chủ nhà trọ, D. là sinh viên hiền lành, chuyển tới sinh sống ở phòng trọ này từ hơn một năm qua. D. có một cô bạn gái, hai người thường xuyên qua lại với nhau.

Trong lúc sự việc đang “rối bời”, mọi người hốt hoảng, người phụ nữ chủ nhà trọ liền tiến lại mượn chiếc điện thoại của phóng viên Ngô Khắc Lịch đang cầm trên tay. Tưởng chủ nhà không có điện thoại (hoặc điện thoại hết tiền, hoặc bị hỏng) nên mượn điện thoại của phóng viên để gọi điện báo cho gia đình nạn nhân biết hung tin này nên bạn tôi đã hồn nhiên đưa điện thoại cho bà chủ nhà mượn. 

Sau đó, chúng tôi loay hoay chụp hình hiện trường, thu thập thông tin từ cơ quan Công an và một số sinh viên sinh sống kề phòng của nạn nhân. Khoảng 10 phút sau, bà chủ nhà trả lại điện thoại cho Lịch, nói: “Đã báo được cho bố mẹ nó rồi!…”. Bạn tôi vừa cầm lại chiếc điện thoại thì có cuộc gọi của gia đình, màn hình điện thoại hiện lên dòng chữ “Bo me yeu”. Do lúc này chúng tôi đang bận tác nghiệp nên bạn tôi không thể nghe máy. 

Từ đó, tôi thấy Lịch liên tục nhận được điện thoại của gia đình nhưng không thể nghe. Nguyên nhân ban đầu dẫn đến hành động tự tử của sinh viên Chu Văn D. được xác định có thể là do mâu thuẫn trong chuyện tình cảm nam nữ. D mới bị bạn gái nói lời chia tay, và cô bạn gái có người yêu mới.

Khi ra khỏi hiện trường, lúc này khoảng 19h ngày 5-11-2010, đồng nghiệp của tôi nhìn điện thoại thấy có hơn 20 cuộc gọi nhỡ của gia đình. Lịch bấm máy gọi điện lại. Thanh âm đầu tiên từ trong điện thoại của bạn tôi là tiếng khóc nức nở của rất nhiều người, trong đó tiếng khóc rõ nhất là của mẹ Lịch. Lịch “alo” nhiều lần nhưng chẳng ai cất được thành lời ngoài tiếng khóc thảm thiết. 

Tôi trộm nghĩ, chắc gia đình đồng nghiệp của tôi đã xảy ra chuyện gì rất nghiêm trọng nên mới có nhiều người khóc lóc thảm thương đến vậy. Ít phút sau, nói chuyện qua điện thoại là em trai bạn tôi, giọng nói run run nhưng có phần bình tĩnh hơn. Lúc này chúng tôi mới tá hỏa. 

Thì ra, vừa rồi đồng nghiệp của tôi đã đưa điện thoại cho bà chủ nhà trọ mượn. Bà này đã nhầm chiếc điện thoại của phóng viên đang cầm là điện thoại của nạn nhân Chu Văn D. Sau khi mượn điện thoại của bạn tôi, bà chủ nhà đã tìm trong danh bạ, gọi vào số “Bo me yeu” thông báo cho gia đình, mà mẹ Lịch khi đó là người nghe máy, với nội dung trong này đồng nghiệp của tôi đã treo cổ tự tử. 

Em trai Lịch cho biết, ngay khi nhận được hung tin thông báo nhầm hi hữu này, mẹ Lịch đã ngất lịm, cả gia đình nhốn nháo, khóc lóc thảm thương, rất đông hàng xóm đã đến chia buồn, động viên gia đình nên bình tĩnh.

Sau vụ báo tử nhầm, cả gia đình, nhất là mẹ bạn tôi ở một vùng quê miền núi Thanh Hóa bắt đầu lờ mờ hiểu về sự gian khổ, khó khăn và phần nào sự nguy hiểm của nghề nghiệp mà chúng tôi đang làm. 

Có lẽ vì quá sợ, sau vụ báo tin nhầm trên, mẹ Lịch đã khuyên anh nên tìm một công việc khác bớt gian khổ hơn để làm. Còn bạn tôi thì nghĩ rằng, ba mẹ nào chẳng sợ bị mất con, nhưng viết báo là nghề bạn tôi đã chọn và quyết tâm đi theo nó. Còn gian khổ, nguy hiểm ư?... Thật ra, chẳng có nghề nào là sung sướng cả. Nhưng, với nghề báo, chỉ có những người làm nghề chân chính mới hiểu hết sự cay đắng xen lẫn niềm vinh quang...

Kim Ngân
.
.