Kinh nghiệm trong đấu tranh phòng chống tội phạm của lực lượng CSND

Thứ Tư, 30/09/2015, 19:02
Chiều 30/9, Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND) - kinh nghiệm, chiến công và những vấn đề đặt ra trong tình hình mới”.

Thượng tướng, PGS. TS Bùi Văn Nam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Hội nghị. Đến dự có đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, đồng chí Trần Văn Cò, Thẩm phán TAND tối cao; lãnh đạo một số Tổng cục, Vụ, Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo do Thiếu tướng, PGS. TS Nguyễn Phong Hoà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát trình bày cho biết hiện nay tình hình tội phạm và trật tự xã hội đã cơ bản được kiểm chế và kiểm soát nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Tội phạm hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, quy mô và liên kết rộng hơn giữa các tổ chức tội phạm ở trong nước và ngoài nước.

Thứ trưởng Bùi Văn Nam phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Tội phạm khủng bố, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương  mại... diễn ra ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, đã và đang đặt ra yêu cầu, thách thức mới cho lực lượng CSND.

Ban Tổ chức đã nhận được gần 70 báo cáo khoa học của các đại biểu phản ánh khá toàn diện, sâu sắc những vấn đề đặt ra.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến tham luận rất tâm huyết, trí tuệ, tổng kết cụ thể các bài học trong thực tiễn, gây được chú ý của các đại biểu, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, kiến nghị các giải pháp có tính khả thi cao trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.

Thứ trưởng Bùi Văn Nam đã ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến, tham luận của lãnh đạo các đơn vị, công an các địa phương, các nhà nghiên cứu hoạt động thực tiễn tại Hội thảo, khẳng định Ban Tổ chức sẽ tiếp thu, nghiên cứu để triển khai thực hiện; biên tập thành tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động lãnh đạo, chỉ huy của các đơn vị, địa phương và làm tài liệu nghiên cứu trong các trường CAND.

Đồng chí Thứ trưởng cho biết Hội thảo đã làm rõ những bài học kinh nghiệm để lực lượng CSND thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong thực tiễn công tác như tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo công tác đảm bảo ANTT; vận động nhân dân tham gia bảo vệ ANTQ; mối quan hệ giữa nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm với đảm bảo an ninh quốc gia; công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm gắn liền với cải cách tư pháp…

Thứ trưởng Bùi Văn Nam và các đại biểu tại Hội thảo.

Đồng thời yêu cầu lực lượng CSND cần nâng cao chất lượng công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược về ANTT để chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành các đường lối, chính sách, xây dựng văn bản pháp luật để đấu tranh, ngăn chặn tội phạm; đổi mới hệ thống cơ quan điều tra theo tinh thần cải cách tư pháp. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tham gia đàm phán, ký kết, thực hiện các Công ước quốc tế liên quan đến phòng, chống tội phạm; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, phát huy các bài học kinh nghiệm, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đổi mới các trang, thiết bị, phương tiện kỹ thuật nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nghiệp vụ, đảm bảo tinh thông nghiệp vụ, vững vàng pháp luật;  tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm...

Đồng chí Phạm Anh Tuấn,  Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương:
Công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được hiệu quả cao

Lực lượng CSND đã có vai trò to lớn trong việc điều tra các vụ án tham nhũng; đã kết thúc điều tra, chuyển truy tố các vụ án trọng điểm, phức tạp; chất lượng điều tra, truy tố, xét xử được nâng lên. Kết quả điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng, án kinh tế đã góp phần hạn chế tình trạng tham nhũng, tạo chuyển biến tích cực, răn đe, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc phát hiện, xử lí tội phạm tham nhũng. Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố xét xử các vụ án tham nhũng còn một số nơi chưa nghiêm, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. 

Đồng chí Nguyễn Phi Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát:

Xây dựng đội ngũ cán bộ có kiến thức, có tâm

Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm trong tình hình mới cần xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ, quy định rõ trách nhiệm giữa lực lượng Công an với các ngành; giữa các đơn vị trong lực lượng Công an; cân có cơ chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ chuyên môn; nghiêm túc ngăn ngừa, xử lí vi phạm, nhất là đối với các cán bộ thực thi nhiệm vụ để đảm bảo có đội ngũ cán bộ có đủ kiến thức, tâm huyết, trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ đươc giao.         

Đồng chí Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh: Cần giải quyết bài toán tội phạm ma tuý, tội phạm phát sinh từ kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế:

Giải quyết tệ nạn ma tuý không chỉ bắt giữ các đối tượng mua bán và phải xử lí nghiêm cả các đối tượng sử dụng; không nên coi người nghiện là người bệnh mà cần có biện pháp xử lí kiên quyết hơn bởi nếu chặn được “cầu” mới giảm được “cung”. Đối với các đối tượng mua bán ma tuý, cần triệt để tịch thu tài sản “Không chỉ bắt, thu giữ ma tuý, phải đánh cho được nguồn lực tài chính để người thân của đối tượng không còn cơ hội tiếp tục hoạt động”.  

Trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế cần quan tâm tội phạm tiền giả, đặc biệt là tiền giả có nguồn gốc từ nước ngoài, ngăn chặn phá hoại kinh tế, gây đảo loạn thị trường; chú ý tội phạm tham nhũng, đặc biệt những nguy cơ trong tội phạm ngân hàng, cần lưu ý những thanh toán mờ ám, có thể tiếp tay cho rửa tiền, chiếm đoạt tài sản...
Phương Thủy
.
.