Đằng sau việc thành lập lực lượng đặc biệt đấu tranh với tội phạm tài chính

Thứ Tư, 13/05/2015, 16:30
Theo quyết định của Thủ tướng Australia Tony Abbott, xứ sở chuột túi sẽ có lực lượng đặc biệt chống tội phạm tài chính. Bộ trưởng Tài chính Australia Joe Hockey cho biết, loại tội phạm này là mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia, cũng như tính toàn vẹn của nền kinh tế, thị trường tài chính, quản lý điều hành và hoạt động thu thuế của quốc gia. Do đó, nước này đã quyết định chi gần 100 triệu USD để thành lập một lực lượng đặc biệt nhằm chống tội phạm tài chính đang hoạt động khá mạnh tại Australia nói riêng và trên thế giới nói chung.

Giới chuyên môn cho rằng, với ngân sách trị giá khoảng 99,97 triệu USD trong 4 năm tới, lực lượng kể trên phải điều tra và khởi tố các trường hợp phạm tội tài chính như lừa đảo đầu tư và hưu trí, tội phạm nhân dạng và trốn thuế…

Được biết, nhân sự của lực lượng đặc biệt này đến từ Cục Thuế (ATO), Ủy ban Tội phạm (ACC), Cảnh sát liên bang (AFP), Văn phòng Tổng chưởng lý, Trung tâm Phân tích và Báo cáo giao dịch, Ủy ban Đầu tư và Chứng khoán, Giám đốc Công tố viện liên bang (CDPP), lực lượng Hải quan và lực lượng Bảo vệ biên giới Australia. Việc huy động nhân sự của 9 đơn vị kể trên cho thấy, Chính phủ Australia thực sự muốn đẩy mạnh công tác chống tội phạm tài chính trong thời gian tới.

Thủ tướng Australia Tony Abbott quyết định thành lập lực lượng đặc biệt chống tội phạm tài chính.

Giới truyền thông tiết lộ, Chính phủ Australia đặt mục tiêu xây dựng lực lượng đặc biệt này phải hoạt động có hiệu quả giống như "Dự án Wickenby" - lực lượng liên ngành được thành lập năm 2006 và đã giúp thu được khoảng 1,65 tỷ USD tiền nợ thuế, đồng thời tăng thu thuế thông qua việc cải thiện hành vi tuân thủ pháp luật về tài chính.

Và tính đến nay, lực lượng liên ngành theo "Dự án Wickenby" đã điều tra và thu thập bằng chứng phạm tội của 76 cá nhân với nhiều tội danh nghiêm trọng và 44 trường hợp phạm tội hình sự trong lĩnh vực tài chính. Điều đáng nói là "Dự án Wickenby" sẽ kết thúc trong năm 2015. Do đó, dư luận coi việc thành lập lực lượng kể trên nhằm thay thế cho "Dự án Wickenby", nhưng với nhiệm vụ rộng hơn.

Gần 1 năm trước (tháng 6/2014), Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thông báo, FBI, Sở Cảnh sát New York (NYPD) và Ban Quản lý giao thông vận tải đô thị (MTA) đã hợp tác thành lập Đội Đặc nhiệm chống tội tài chính phạm mạng.

Đơn vị này được đặt trong khuôn viên trụ sở của FBI tại New York với nhiệm vụ giải quyết hàng loạt vấn nạn liên quan đến tội phạm mạng và tài chính tại New York, một thành phố được coi là mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động đe dọa mạng của giới tội phạm đến từ khắp nơi trên thế giới.

Trước đó (18/11/2009), Tổng thống Barack Obama từng ký sắc lệnh thành lập lực lượng đặc nhiệm chống tội phạm tài chính (FFETF). Nhân sự của FFETF được lấy từ hơn 20 cơ quan chính phủ (nhưng do Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp cùng lãnh đạo), với nhiệm vụ điều tra và truy tố những hành vi gian lận trong các khoản vay thế chấp, chứng khoán và doanh nghiệp, cũng như khôi phục các quỹ dành cho nạn nhân. FFETF được thành lập để thay thế lực lượng đặc nhiệm chống gian lận doanh nghiệp được thành lập năm 2002.

Việc Ngân hàng lớn nhất châu Âu HSBC thông báo thành lập Ủy ban Chống tội phạm tài chính (30/1/2013) cũng từng thu hút sự quan tâm của dư luận và giới chuyên môn. Bởi HSBC đã quyết định thuê cựu Thứ trưởng Tư pháp Mỹ James Comey, nhân viên cấp cao của Cơ quan Hải quan và Doanh thu Anh Dave Hanet, và ông Bill Hughes, cựu Giám đốc Cơ quan chống tội phạm có tổ chức nghiêm trọng của Anh tham gia ủy ban này.

Khi đó, Tổng Giám đốc HSBC Stuart Gulliver cho biết, với sự tham gia của các cố vấn chuyên nghiệp, ủy ban này có thể đưa ra những lời khuyên giá trị khi HSBC tăng cường năng lực trong phòng chống tội phạm tài chính. Điều này cũng chứng tỏ, HSBC đặc biệt coi trọng công tác chống tội phạm tài chính.

Theo giới chuyên môn, cuối năm 2012, HSBC từng thừa nhận sai sót và chấp nhận nộp khoản tiền phạt lên tới 1,92 tỷ USD để dàn xếp các cáo buộc buông lỏng kiểm soát rửa tiền. Sau vụ bê bối này, người đứng đầu bộ phận tuân thủ luật lệ của HSBC David Bagley buộc phải từ chức. HSBC đã rơi vào khủng hoảng sau khi bị cơ quan hữu quan Mỹ cáo buộc cho phép các chi nhánh ở Mexico, Arab Saudi và Bangladesh chuyển hàng tỷ USD từ các quỹ nghi vấn tới Mỹ mà không có sự kiểm soát thích đáng.

Trong số các phát giác này có việc HSBC và chi nhánh ở Mỹ bị cáo buộc che giấu hơn 16 tỷ USD trong các giao dịch "nhạy cảm" với Iran. Chính vì vậy, HSBC mới quyết định thành lập Ủy ban Chống tội phạm tài chính nhằm khắc phục những điểm yếu trong hệ thống tài chính, cũng như đối phó với tội phạm tài chính đang hoạt động ngày càng tinh vi.

Mạnh Phong
.
.
.