Thomas Cook và hành trình sụp đổ của một đế chế

Thứ Sáu, 27/09/2019, 11:28
Dù có doanh thu hàng năm khoảng 9 tỷ bảng Anh và phục vụ 19 triệu lượt khách hàng tại 16 quốc gia khác nhau, nhưng với khoản nợ 2,1 tỷ USD và các chủ nợ không tiếp tục cho vay thêm, rạng sáng 23-9, Thomas Cook Travel Inc, tập đoàn lữ hành đầu tiên trên thế giới với bề dày lịch sử 178 năm đã tuyên bố phá sản.


Quyết định này khiến các công ty du lịch thuộc tập đoàn này phải đóng cửa, các máy bay của tập đoàn không được cất cánh, 22.000 nhân viên trên toàn cầu phải nghỉ việc, gần 600.000 khách hàng của công ty đang đi du lịch đã bị bỏ rơi trên khắp thế giới.

Thomas Cook phá sản là minh chứng cho thấy sự khốc liệt của thương trường khi những toan tính sai lầm trong chiến lược kinh doanh đều phải trả giá bằng chính sự tồn vong của doanh nghiệp.

Ông tổ ngành du lịch thế giới

Thomas Cook Travel Inc thành lập năm 1841 và lấy tên chính người lập ra làm tên công ty. Quá trình hình thành và phát triển của tập đoàn này gắn liền với sự phát triển của ngành du lịch thế giới.

Một trong những sai lầm của Thomas Cook là đầu tư vào hàng không.

Thomas Cook sinh năm 1808 ở miền Trung nước Anh. Nghề nghiệp đầu tiên của ông là một nhà làm vườn, sau đó trở thành thợ mộc. Năm 1841, Thomas Cook quyết định bỏ nghề mộc để chuyển sang một công việc chưa có ai làm, đó là tổ chức chuyến đi cho 570 người tới dự một hội nghị của những người bài rượu trên một chiếc tàu được thuê từ Leicester tới Longborough, cách Leicester 35km dưới hình thức một tour hướng dẫn với giá vé 1 si-ling (tiền Anh trước đây). Bắt đầu tư đây, khái niệm tour trọn gói mới xuất hiện, đó là những hoạt động thể hiện bản chất của ngành lữ hành hiện đại.

Năm 1845, Thomas Cook mở hãng lữ hành ở Leicester. Doanh nghiệp này được coi là hãng lữ hành đầu tiên theo nghĩa hiện đại. Năm 1846, lần đầu tiên Cook tổ chức đưa khách du lịch từ Anh sang tham quan Scotland. Các vị chủ nhà Scotland rất hào hứng đón tiếp các vị khách Anh. Khi đoàn tàu tiến vào ga Glasgow, Scotland bắn súng chào mừng, cử nhạc và trịnh trọng phát biểu.

Ông đã viết sách hướng dẫn du lịch cho du khách và ký các hợp đồng trọn gói phục vụ các chuyến viếng thăm tới các lâu đài lịch sử. Năm 1850, ông xuất bản cuốn "excursionist".

Đó là sự kết hợp các bài viết về các chuyến đi và các yếu tố của 1 catologue dành cho khách hàng của mình. Năm 1851, ông đã tổ chức chuyến đi cho 165.000 du khách tới hội chợ thế giới tại Lon Don.

Công việc làm ăn ngày càng phát triển, Thomas Cook  nghĩ tới việc mở rộng các sản phẩm du lịch mới khi tổ chức các tour du lịch tới châu Âu, các tour du lịch văn hoá cho giới trẻ, các tour du lịch tắm biển tới các làng ven biển của Anh và kết hợp các dịch vụ khác nhau phục vụ cho các chuyến đi tới các làng mạc và thành phố của Anh và các nước châu Âu khác như Thụy Sĩ, Italia, Pháp…

Năm 1865, chỉ vài tháng sau khi cuộc nội chiến ở Mỹ kết thúc, Thomas Cook đã mở tour tham quan các chiến trường nổi tiếng trong cuộc nội chiến. Sáu năm sau, ông lại mở rộng thị trường này bằng cách tổ chức các chuyến du lịch trọn gói dành cho người có nhu cầu nhập cư đến Mỹ và Canada.

Năm 1865, ông rời Lon Don và ít lâu sau ông đã bố trí cho con trai là John Mason Cook vào làm trong doanh nghiệp của mình. Từ đó hãng lữ hành của ông mang tên "Th.Cook & Son".

Sau khi con trai của ông là John Mason Cook tiếp quản và đổi tên doanh nghiệp là "Thomas Cook & Son", công ty đã có những bước phát triển vượt bậc về doanh thu cũng như lấn sân vào nhiều lĩnh vực kinh doanh khác.

Năm 1869, John Mason Cook tổ chức các tour đầu tiên đến Palestin và Ai Cập với nhiều sản phẩm du lịch mới lạ như đi thuyền buồm trên sông Nil, đi lạc đà xuyên sa mạc, cưỡi voi săn hổ ở Ấn Độ, chinh phục Himalaya, tour vòng quanh thế giới…

Năm 1871, Thomas Cook đã có 120 chi nhánh khắp nước Anh và ở gần như tất cả các thành phố lớn của châu Âu, Bắc Mỹ, Cận Đông, Úc, Nam và Đông Nam Á. Năm 1872, Thomas Cook  tổ chức tour du lịch đầu tiên vòng quanh thế giới (kết qủa là mang lại tiếng tăm lớn cho cuốn sách của Jules Verne "80 ngày vòng quanh thế giới"...

Ngày 18-7-1892, ở tuổi 84, Thomas Cook qua đời, để lại một di sản vô cùng vẻ vang khi được mệnh danh là ông tổ của ngành du lịch thế giới. Sau hơn 100 năm, nhiều sản phẩm du lịch do Thomas Cook nghĩ ra vẫn đang được thực hiện sinh lời một cách hiệu quả.

Thomas Cook là người đã phát minh ra: Giá vé đoàn; Tour du lịch trọn gói (package); Tiết kiệm tiền cho mục đích du lịch; Xuất bản cuốn "excursionist"; Vé đường sắt quốc tế; "Circular Notes" (tương tự như 1 thư tín dụng); "Hotel Coupon" (hoá đơn khách sạn đầu tiên). Cho tới trước khi phá sản, ngoài các công ty lữ hành, Thomas Cook sở hữu 200 khách sạn phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng từ giới siêu giàu cho đến tầng lớp bình dân; tập đoàn cũng sở hữu đội bay hơn 100 chiếc máy bay tầm trung và tầm xa mang thương hiệu Thomas Cook và Condor.

Sự sụp đổ của một đế chế

Việc Thomas Cook sụp đổ nhanh chóng đã trở thành cú sốc của ngành du lịch toàn cầu. Nhưng với những người hiệu chuyện nội bộ của tập đoàn này, việc phá sản là hệ quả tất yếu bởi khó khăn về tài chính của Thomas Cook đã bắt đầu từ rất lâu.

Từ năm 2011, Thomas Cook đã từng một lần suýt phá sản khi khoản nợ của tập đoàn lên tới 1,1 tỷ bảng; nhưng may mắn là sau đó đã được bơm thêm tiền, nhưng điều đó cũng có nghĩa là khoản tiền họ phải trả tăng lên. Tháng 5-2018, cổ phiếu của tập đoàn đã giảm 96% trong bối cảnh Brexit không chắc chắn cùng với sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực du lịch.

Tháng 5-2019, Thomas Cook báo lỗ 1,5 tỷ bảng, trong đó hơn 1 tỷ bảng đến từ vụ sáp nhập năm 2007 với MyTravel - được biết đến với các thương hiệu Airtours và Going Places.

Tháng 8-2019, Thomas Cook đã công bố chi tiết về kế hoạch tái cơ cấu nợ, trong đó đề cập tới việc cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Fosun International (Trung Quốc) đồng ý chi 450 triệu bảng, đương tương với 50% gói cứu trợ mà Thomas Cook cần để thoát khỏi kịch bản phá sản. Đổi lại, Fosun yêu cầu sở hữu 75% cổ phần của Thomas Cook ở mảng tour du lịch và 25% cổ phần ở mảng hàng không.

Các ngân hàng cho vay và cổ đông khác của Thomas Cook cũng được cho là sẽ rót thêm 450 triệu bảng và chuyển khoản nợ hiện tại thành vốn chủ sở hữu, mang lại cho họ tổng cộng khoảng 75% cổ phần mảng hàng không và 25% ở mảng tour du lịch của Thomas Cook.

Tuy nhiên, vào phút chót thỏa thuận tái cấp vốn này đã không thành công khi Thomas Cook không đàm phán được với các ngân hàng. Fosun nói rằng họ thất vọng vì Thomas Cook đã không thành công trong việc thỏa thuận với các ngân hàng chủ nợ và các trái chủ. Thomas Cook đã đề nghị Chính phủ Anh cung cấp khoản bảo lãnh 250 triệu bảng.

Tuy nhiên, các bộ trưởng trong chính phủ đã kết luận rằng khoản tiền này chỉ có thể cứu Thomas Cook trong vài tuần và họ đã từ chối yêu cầu của công ty lữ hành. Lý do được đưa ra là nước Anh sẽ không cứu các doanh nghiệp mà không có ý nghĩa cho "lợi ích chiến lược của quốc gia". Tính đến thời điểm tuyên bố phá sản, tổng nợ của Thomas Cook đã lên tới 1,7 tỷ bảng Anh.

Một lý do khác khiến Thomas Cook phá sản chính là chậm thay đổi chiến lược kinh doanh và không kịp thích ứng với sự phát triển của Internet. Thị trường nghỉ dưỡng và mô hình kinh doanh hiện đại đã thay đổi rất nhiều và nhanh đến mức chóng mặt.

Trong khi công nghệ đã thay đổi nhiều thói quen của người tiêu dùng, đặc biệt là các dịch vụ trực tuyến từ đặt phòng, đặt vé máy bay giá rẻ giúp khách du lịch có thể tự sắp xếp lịch trình nghỉ dưỡng mà không cần sử dụng dịch vụ lữ hành thì Thomas Cook thay vì phát triển dịch vụ trực tuyến vẫn phụ thuộc phần lớn vào các trụ sở và dịch vụ tổng đài.

Theo một khảo sát của Hiệp hội Thương mại Du lịch Vương quốc Anh (ABTA), trong số 7 người thì chỉ có 1 người tìm đến các phòng đặt vé trực tiếp tại các khu phố thương mại, trong khi Thomas Cook sở hữu khoảng 560 phòng đặt vé như vậy. Những người lựa chọn đặt vé trực tiếp cũng thuộc nhóm đã cao tuổi và hạn chế chi tiêu hơn.

Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố gây gián đoạn khác như bất ổn chính trị trên toàn thế giới, tình trạng thời tiết cực đoan khiến nắng nóng kéo dài nhiều tháng tại châu Âu trong năm 2018-2019 khiến nhiều khách hàng hủy đặt phòng vào phút chót đã tác động đến hoạt động kinh doanh của Thomas Cook.

Một sai lầm nữa của Thomas Cook là đầu tư vào ngành hàng không. Đầu những năm 2000, công ty dần thâu tóm Hãng hàng không Condor (Đức), và tự mở hãng Thomas Cook Airlines vào năm 2003. Vận hành một công ty du lịch đã khó, vận hành một hãng hàng không còn khó hơn.

Hành khách chờ ngoài quầy của Thomas Cook tại sân bay Heraklion, đảo Crete, Hy Lạp sau thông tin hãng này phá sản.

Mô hình hoạt động của Thomas Cook không đảm bảo bán sạch vé máy bay của họ vào những mùa thấp điểm. Chi phí vận hành lớn đẩy thường đẩy các hãng hàng không vào thế hiểm khi nhu cầu sụt giảm, bởi không gì "đốt" tiền nhanh hơn khi một hãng hàng không phải thường xuyên bay với máy bay rỗng.

Những tác động tiêu cực từ sự sụp đổ của Thomas Cook

Việc Thomas Cook phá sản không chỉ khiến 22.000 nhân viên của tập đoàn trên toàn cầu (trong đó có 9.000 nhân viên tại Anh) phải nghỉ việc mà còn đẩy hơn 600.000 khách hàng ở nước ngoài bao gồm 150.000 công dân Anh vào cảnh "lang thang cơ nhỡ", buộc chính phủ và các công ty bảo hiểm phải thực hiện chiến dịch đưa người hồi hương trên quy mô lớn nhất từ sau chiến tranh thế giới thứ II. 

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đảm bảo rằng 150.000 khách du lịch người Anh bị ảnh hưởng sẽ không "bị kẹt" ở nước ngoài khiến Chính phủ Anh phải yêu cầu Cơ quan Hàng không Dân dụng Anh (CAA) triển khai chương trình "hồi hương" trong hai tuần tới, từ 23/9 - 6/10, để đưa khách hàng trở lại Anh.

Tại các sân bay trên khắp châu Âu, những ngày qua hành khách chờ đợi được giải cứu liên tục gặp tình trạng chậm trễ. Điển hình ở Hy Lạp, khoảng 50.000 khách bị kẹt. Trong khi đó, Bộ Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ cho hay hơn 21.000 du khách nước ngoài là khách hàng của Thomas Cook đang ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Osman Ayik, Chủ tịch Liên đoàn khách sạn Thổ Nhĩ Kỳ, cho hay, Thomas Cook đang nợ các khách sạn nhỏ tại Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 125.000-250.000 USD. Hãng hàng không Qantas của Australia ngày 24-9 xác nhận đang đánh giá công tác hỗ trợ khắc phục sự cố cho khoảng 60.000 hành khách đang bị mắc kẹt với các gói du lịch trên toàn cầu của Thomas Cook.

Thomas Cook phá sản đã tác động tiêu cực tới ngành du lịch nhiều nước. Theo Liên đoàn khách sạn Thổ Nhĩ Kỳ, Thomas Cook phá sản có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ mất đi  600.000-700.000 lượt du khách nước ngoài/năm.

Ngoại trưởng Tunisia Rene Trabelsi cho biết, Thomas Cook đang nợ các khách sạn ở nước này khoảng 60 triệu euro do đặt phòng cho khách lưu trú trong thời gian hai tháng 7-8 vừa qua. Ngoài ra, khoảng 4.500 khách hàng của Thomas Cook đang mắc kẹt tại Tunisia…

Minh Khuê (Tổng hợp)
.
.
.