Vì sao Philippines đầu tư mạnh cho hải quân?

Thứ Ba, 26/05/2020, 14:12
Ngày 23-5, tàu chiến trang bị tên lửa mang tên BRP Jose Rizal đã về đến căn cứ hải quân Philippines tại vịnh Subic.


Lễ ra mắt và bàn giao tàu dự kiến tổ chức vào ngày 19-6, được cho là đánh dấu bước tiến lớn trong việc hoàn thành mục tiêu của hải quân Philippines là có được hệ thống và cơ sở trang thiết bị vũ khí hiện đại, trở thành một lực lượng hải quân đa năng.

Tàu chiến trang bị tên lửa đầu tiên

Theo tin từ hãng Rappler, lễ ra khơi của tàu BRP Jose Rizal được tiến hành hôm 18-5 tại xưởng đóng tàu của Công ty Công nghiệp nặng Hyundai (HHI) ở Ulsan, Hàn Quốc. Năm ngày sau, tàu chiến này cập cảng của Hải quân Philippines tại vịnh Subic. 

Đại diện Hải quân Philippines cho hay BRP Jose Rizal (FF150) "có khả năng chiến đấu với 4 chiều. Tàu chiến được trang bị tên lửa, ngư lôi và các hệ thống vũ khí khác. Tàu dài 107m, có khả năng chống mặt nước, chống không quân, chống ngầm và tác chiến điện tử. 

Tàu có tốc độ tối đa 25 hải lý/giờ và có thể ở ngoài biển tới 30 ngày liên tục. Philippines đã đặt mua con tàu với giá 8 tỷ peso. Đây cũng là tàu mạnh nhất trong các tàu chiến của hải quân Philippines hiện nay.

"Tuyên bố khẳng định việc tiếp nhận tàu chiến BRP Jose Rizal (FF150) đánh dấu một bước tiến lớn trong hoàn thành mục tiêu của Hải quân Philippines là có được hệ thống và cơ sở trang thiết bị vũ khí hiện địa, trở thành một lực lượng hải quân đa năng.

Đáng lẽ tàu chiến đã được giao vào tháng 4 nhưng bị trì hoãn do hạn chế đi lại bởi đại dịch COVID-19 gây ra. Trước lễ kiểm tra và chấp nhận kỹ thuật tàu, thủy thủ đoàn sẽ phải trải qua kiểm dịch bắt buộc trong 14 ngày", hãng Rappler thông tin.

Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Rodrigo Duterte đã cố gắng duy trì chiến lược quan hệ tốt với Trung Quốc. Ảnh: Getty

Trong khi đó, một nguồn tin khác từ tờ Philippines Inquirer cho hay, BRP Jose Rizal (FF150) là tàu chiến đầu tiên trong số hai tàu chiến được Philippines mua từ công ty HHI. Tàu thứ hai được đặt tên là BRP Antonio Luna, dự kiến sẽ được giao vào tháng 9 năm nay.

Tháng 11-2019, BRP Antonio Luna hạ thủy lần đầu tiên tại xưởng đóng tàu HHI ở Ulsan, Hàn Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã bay tới Hàn Quốc để dự lễ hạ thủy này. Trước đó, vào tháng 8-2019, Philippines cũng chính thức tiếp nhận tàu tuần tra hải quân mạnh nhất từ trước tới nay. Đây là một tàu hộ tống cỡ nhỏ của Hàn Quốc được quân đội Philippines đánh giá có thể tăng cường các cuộc tuần tra và sứ mệnh bảo vệ tại "ranh giới lãnh thổ" của nước này trên biển. Mang tên BRP Conrado Yap - tàu tuần tiễu 39 thuộc lớp Pohang này có thể di chuyển với vận tốc tối đa là 32 hải lý/giờ và có khả năng tác chiến chống tàu nổi, tàu ngầm và phòng không…

Hãng Foreign Brief bình luận: "Philippines đang tích cực hợp tác với hải quân các nước khác ở châu Á-Thái Bình Dương. Nước này cũng phải đối mặt với một trong những mối đe dọa hàng hải sắp xảy ra trong khu vực, khi Trung Quốc tiếp tục xây dựng các công trình trái phép trên Biển Đông. 

Tàu chiến có khả năng đa nhiệm vụ là bước đầu tiên trong kế hoạch chèo thuyền chiến lược của Hải quân Philippines để xây dựng một hạm đội mạnh mẽ và đáng tin cậy. Philippines dường như đang áp dụng một chiến lược trực tiếp hơn để bảo vệ các khu vực thuộc chủ quyền, quyền tài phán và thềm lục địa của mình ở Biển Đông trước sự xâm lấn của Trung Quốc".

Những hình ảnh về tàu chiến trang bị tên lửa đầu tiên của Philippines. Ảnh: Hải quân Philippines.

Bước đi quyết liệt để đối phó với Trung Quốc

Giới quan sát nhận định, trong bối cảnh Trung Quốc lợi dụng việc các quốc gia trong khu vực chú tâm vào chống dịch COVID-19 để gia tăng các hành động đơn phương, trái với luật pháp quốc tế trên Biển Đông thì việc Philippines nhận tàu chiến mới như "lời đáp trả đanh thép".

"Thực tế, Philippines đang ngày càng thể hiện sự cương quyết hơn đối với Trung Quốc. Đã 5 năm kể từ khi Philippines mở cửa trở lại căn cứ hải quân trên vịnh Subic, quân đội nước này đang mở rộng hoạt động bởi đây là căn cứ mang tính chiến lược cao. Nếu cần triển khai lực lượng tới Biển Đông Philippines đã có căn cứ Subic sẵn đó…", hãng tin Asia Times phân tích.

Cũng theo hãng truyền thông này thì nằm cách bãi cạn Scarborough chưa đầy 200 km về phía Đông và cách Thủ đô Manila chừng 2 giờ chạy xe về phía Bắc, căn cứ ở vịnh Subic cho phép không quân và hải quân Philippines phản ứng hiệu quả hơn với những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ với cái gọi là đường chín đoạn… 

"Giá trị của Subic với tư cách là căn cứ quân sự đã được người Mỹ chứng minh. Các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc biết điều đó", Rommel Banlaoi, chuyên gia an ninh của Philippines cho biết.

Nhắc đến vụ việc hồi tháng 2-2020, khi tàu BRP Conrado Yap của hải quân Philippines phát hiện liên lạc radar của một tàu màu xám, sau đó được xác định là tàu chiến Trung Quốc với tên gọi 514, hãng tin Asia Times cho biết, Philippines cáo buộc tàu chiến của Trung Quốc theo dõi các mục tiêu Philippines và sẵn sàng khai hoả. 

Một quan chức Philippines sau đó trả lời với hãng AP rằng, Trung Quốc đang muốn gây sự và những hành động đó đã tạo nên sự phẫn nộ trong dân chúng Philippines. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin cũng tăng cường chỉ trích Trung Quốc, đả kích những hành động của Bắc Kinh mà ông mô tả là vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của Philippines. 

Chưa hết, các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đã nổ ra ở Philippines và nhiều người Philippines đã cáo buộc Bắc Kinh che giấu hành động nhằm hợp pháp hóa các yêu sách và chủ nghĩa bành trướng của mình tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines trên Biển Đông.

Philippines tập trung đầu tư mạnh cho hải quân để nâng cao năng lực tác chiến.

Hồi tháng 4, Bộ Ngoại giao Philippines cũng đệ trình các cáo buộc, phản đối Trung Quốc về các khu vực hành chính mới… Và trong khi cộng đồng mạng Philippines chỉ trích Trung Quốc là một thế lực đế quốc cơ hội, thì giới chức quốc phòng nước này lại có vẻ thận trọng hơn trong các tuyên bố công khai. 

Tuy nhiên, theo tuyên bố của Cố vấn an ninh quốc gia Hermogenes Esperon, lực lượng đặc nhiệm quốc gia Philippines trên Biển Đông, một cơ quan liên ngành điều phối chính sách quốc gia trên Biển Đông, đã triệu tập một cuộc họp đặc biệt về vụ việc để xác định một hành động tiếp theo. 

Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana thừa nhận rằng "các hành động của tàu chiến Trung Quốc là không thể chấp nhận được và Philippines quyết bảo vệ quyền lợi của mình ở Biển Đông…".

GS Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Hàng hải và Luật biển thuộc Đại học Philippines cảnh báo, sự việc mới đây được xem là "giọt nước tràn ly"; và chính quyền Philippines cần phải nhanh chóng bắt đầu có những hành động thiết thực và cứng rắn đáp trả Trung Quốc nhằm tránh để lại tiền lệ về sau.

"Ba năm duy trì chính sách "hảo hảo" với Trung Quốc của Tổng thống Rodrigo Duterte dường như không đem lại kết quả mà chỉ có những thách thức lặp đi lặp lại từ phía Bắc Kinh. Chính phủ Philippines không nên để sự việc này trôi qua mà không xem xét hoặc cân nhắc chính sách của mình về khu vực Biển Đông. 

Điều cần nhất là phải đưa ra những thay đổi và điều chỉnh; nếu không có thay đổi, thì Trung Quốc sẽ coi đây là một tín hiệu cho thấy việc làm này có thể lặp lại mà không gặp phải nguy cơ nhận lấy phản ứng bất lợi từ Philippines", GS Jay Batongbacal nhấn mạnh.

Huyền Chi (tổng hợp)
.
.
.