Đức:

Thử nghiệm phần mềm dự đoán tội phạm "Precobs"

Thứ Tư, 24/12/2014, 09:00
Cảnh sát Đức vừa đưa vào thử nghiệm phần mềm dự đoán tội phạm có tên là "Precobs" ở Bavaria - một bang nằm ở phía Nam đất nước. Lực lượng cảnh sát đang rất kỳ vọng, phần mềm mới này sẽ hỗ trợ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và mở ra hướng nghiên cứu mới về việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác.

Được truyền cảm hứng từ bộ phim "Minority Report"

Phần mềm dự đoán tội phạm "Precobs" là từ viết tắt của cụm từ "Pre Crimes Observasion System" (tạm dịch: hệ thống dự đoán tiền tội phạm). Phần mềm này ra đời từ cảm hứng của bộ phim "Minority Report". Đây là bộ phim được Hollywood sản xuất năm 2002 do đạo diễn Steven Spielberg thực hiện. "Minority Report" dựa trên tác phẩm văn học của Philip K Dick và có sự tham gia của ngôi sao Tom Cruise. Trong bộ phim lấy bối cảnh thế giới năm 2054, ba nhà tâm lý học đã phát minh ra phần mềm mang tên "Precobs" dự đoán về tội ác có thể xảy ra trong tương lai. Bằng phần mềm này, nhân viên cảnh sát trong bộ phim "Minority Report" có khả năng dự đoán ai sẽ phạm tội và có biện pháp ngăn chặn trước khi chúng xảy ra.

Hy vọng "Precobs" sẽ là bước đột phá trong cuộc chiến chống tội phạm.

Được phát triển bởi Viện Nghiên cứu kỹ thuật ở Oberhausen và do một công ty của Đức sản xuất, “Precobs” có thể dự đoán thời gian và địa điểm mà hành vi phạm tội có thể xảy ra dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu khác nhau như dữ liệu về địa điểm, thời gian, chi tiết hành vi phạm tội trong quá khứ… Khi một sự cố mới được báo cáo, phần mềm sẽ tiến hành phân tích dữ liệu để tìm kiếm quy luật, mô hình tội phạm có thể là mục tiêu của tội phạm trong tương lai. Hiện “Precobs” đang được thử nghiệm ở bang Bavaria. "Cảnh sát Đức chờ đợi báo cáo kết quả về việc thử nghiệm ở Bavaria trước khi quyết định có nên triển khai đồng bộ “Precobs” trên khắp đất nước hay không", phát ngôn viên của cảnh sát Đức cho biết. Trong báo cáo vào cuối tháng trước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Joachim Herrmann cho biết, kết quả ban đầu khi sử dụng phần mềm để dự đoán tội phạm trộm cắp ở các thành phố Bavaria và Nuremberg "hứa hẹn nhiều tín hiệu khả quan".

Tuy nhiên, xung quanh việc triển khai "Precobs" cũng có ý kiến trái chiều. Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Berliner Zeitung hôm thứ ba tuần trước, một nhà hoạt động nhân quyền lên tiếng lo ngại rằng, phần mềm “Precobs” có thể ảnh hưởng đến thông tin cá nhân vì thay vì sử dụng, phân tích dữ liệu chung, thông tin cá nhân sẽ bị khai thác, sử dụng và điều này ảnh hưởng đến quyền tự do cá nhân của mỗi người.

Phần mềm dự đoán tội phạm "Precobs" được lấy cảm hứng từ bộ phim "Minority Report" năm 2002.

Cảnh sát Anh và Mỹ cũng thử nghiệm phần mềm dự đoán tội phạm

Được biết, Cảnh sát Đức không phải là lực lượng duy nhất tiến hành thử nghiệm phần mềm dự đoán tội phạm. Cảnh sát Mỹ và cảnh sát Metropolitan London (Anh) cũng đang tiến hành thử nghiệm hệ thống dự báo tội phạm tương tự.

Hai tháng trước, cảnh sát Metropolitan London cho biết đã thử nghiệm hệ thống phân tích lịch sử tội phạm của một người và đưa lên các phương tiện truyền thông xã hội để đánh giá khả năng tái phạm của họ. Phần mềm do Công ty tư vấn toàn cầu Accenture thực hiện, được áp dụng thử nghiệm trên khắp 32 quận của London trong bốn năm. Đây là lần đầu tiên cảnh sát Anh sử dụng phương pháp này. Số liệu tổng hợp từ hệ thống báo cáo tội phạm và nguồn tin từ lực lượng tình báo giúp cảnh sát xác định khả năng phạm tội của các thành viên băng đảng ở Anh. Tuy nhiên, kết quả cụ thể của việc sử dụng phần mềm này chưa được công bố.

Năm ngoái, các nhà thực thi pháp luật tại hai bang Maryland và Pennsylvania (Mỹ) đã sử dụng phần mềm để dự đoán khả năng tái phạm của tù nhân được ra tù, từ đó, đưa ra các biện pháp giám sát phù hợp. Theo đó, một thuật toán được sử dụng để phân tích dữ liệu qua hồ sơ của tù nhân và đưa ra dự báo về khả năng tái phạm. Phần mềm kiểu "Minority Report" cũng đang được sử dụng ở Baltimore và Philadelphia để dự đoán tội phạm giết người trong tương lai. Giáo sư Richard Berk, một nhà nghiên cứu tội phạm học tại Đại học Pennsylvania là cha đẻ của thuật toán trên tin rằng, tỷ lệ tội phạm giết người và những loại tội phạm khác sẽ giảm khi áp dụng phần mềm này. Giáo sư Berk cho biết thêm, thuật toán của ông có thể được sửa đổi để dự đoán từng loại tội phạm khác nhau.

Tại Singapore, chính quyền đang triển khai áp dụng sáng kiến "Safe City - thành phố an toàn" kết hợp giữa công nghệ điện tử và phân tích cơ sở dữ liệu video CCTV để dự đoán và phát hiện sự cố trên đường phố.

T. Phạm (tổng hợp)
.
.
.