Thách thức đối với Giám đốc thứ 8 của FBI

Thứ Năm, 15/06/2017, 11:23
Phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện hôm 11-6 (theo giờ địa phương) của Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions càng khiến dư luận quan tâm hơn tới những cáo buộc được cựu Giám đốc FBI James Comey đưa ra tại phiên điều trần công khai ở Thượng viện hôm 8-6.


Phiên điều trần của ông Jeff Sessions nhằm đối chứng với những tuyên bố của ông James Comey, xung quanh cáo buộc Tổng thống Donald Trump tìm cách ngăn cản cuộc điều tra về Nga. 

Theo giới truyền thông, tại buổi điều trần kéo dài 2 giờ đồng hồ, cựu Giám đốc FBI James Comey coi việc sa thải ông đã làm suy yếu cuộc điều tra của FBI về việc Nga can thiệp vào chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016. 

Trong khi đó, lãnh đạo cuộc điều tra của Ủy ban Tình báo Hạ viện về việc Nga can thiệp cuộc bầu cử năm 2016 vừa gửi thư cho cựu Giám đốc FBI James Comey, yêu cầu giao nộp bất cứ ghi chú nào liên quan tới cuộc trao đổi giữa ông với Tổng thống Donald Trump. 

Cựu giám đốc FBI Comey và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nghị sỹ của đảngCộng hòa Mike Conaway và nghị sỹcủa đảng Dân chủ Adam Schiff cũng đã gửi thư đến cố vấn Nhà Trắng Don McGahn, yêu cầu xác nhận xem có băng ghi âm hoặc ghi chú nào về các cuộc trao đổi giữa ông James Comey với ông Donald Trump hay không. Nếu có, Nhà Trắng phải cung cấp bản sao cho Ủy ban Tình báo Hạ viện trước ngày 23-6.

Về phần mình, ông Donald Trumpcáo buộccựu Giám đốc FBI là "kẻ làm rò rỉ thông tin", sau khi ông James Comey điều trần trước Thượng viện. Đồng thời bác bỏ việc đã ngăn cản ông James Comey điều tra cựu Cố vấn An ninh quốc gia Michael Flynn. 

Tổng thống Donald Trump còn tuyên bố, sẵn sàng “100%” điều trần về các nội dung trao đổi giữa ông với ông James Comey để bác bỏ những cáo buộc của cựu Giám đốc FBI. Còn ông Marc Kasowitz, luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump cho rằng, ông James Comey đã phạm luật khi tiết lộ trái phép những thông tin thuộc đặc quyền bảo mật của ông chủ Nhà Trắng. 

Luật sư Marc Kasowitz sẽ đệ đơn khiếu nại lên Tổng thanh tra của Bộ Tư pháp và yêu cầu Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Tình báo Thượng viện về lời khai của ông James Comey. Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders vừa khẳng định, Tổng thống Donald Trump không phải người nói dối. 

Bởi sau phiên điều trần của ông James Comey, dư luận cho rằng, ông Donald Trump đã can thiệp để chấm dứt cuộc điều tra nhằm vào các quan hệ với Nga. Nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng, từ bản khai và điều trần của ông James Comey có thể thấy, ông Donald Trump đã can thiệp không thích hợp vào cuộc điều tra.

Những động thái kể trên đều là thách thức đối với ông Christopher Wray (sinh ngày 17-12-1966), người vừa được Tổng thống Donald Trump đề cử thay thế ông James Comey (bị sa thải ngày 9-5), lãnh đạo FBI. Nếu được Thượng viện thông qua, ông Christopher Wray sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và độc lập điều tra là thử thách đầu tiên. 

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions.

Theo tờ New York Times, ông Christopher Wray có thể sẽ làm giảm các mối lo ngại của quan chức FBI rằng, ông Donald Trump đang cố gắng “chính trị hóa” FBI. Giới chuyên môn cho rằng, việc đề cử qua Twitter (trang mạng xã hội có gần 32 triệu người đăng ký nhận tin) của Tổng thống Donald Trump, luật sư Christopher Wray đã trở thành Giám đốc thứ 8 của FBI. 

Ông Christopher Wray đã lấy bằng luật của Trường Yale năm 1992, từng làm việc cho Văn phòng luật sư quận Bắc George năm 1997, sau đó làm việc ở Bộ Tư pháp. Ông Christopher Wray từng là trợ lý cho Bộ trưởng Tư pháp phụ trách bộ phận hình sự trong giai đoạn 2003-2005 dưới thời Tổng thống George W.Bush. 

“Ông ấy không màu mè, không phô trương và rất nhã nhặn”, cựu Thẩm phán Michael Luttig nhận xét về luật sư Christopher Wray, người từng được thuê làm việc năm 1992. Theo giới truyền thông, ông Christopher Wray từng biện hộ cho cựu Thống đốc bang New Jersey Chris Christie trong vụ bê bối Bridgegate. 

Và nhờ có sự hỗ trợ của luật sư Christopher Wray, nên ông Chris Christie đã bình an vô sự. Trước khi lọt vào tầm ngắm của Tổng thống Donald Trump, ông Christopher Wray làm việc cho Công ty Luật toàn cầu King & Spalding, chuyên trách vấn đề kiện tụng tại Washington và Atlanta.

Nhiều người cho rằng, việc đề cử luật sư Christopher Wray, người chuyên trách vấn đề kiện tụng tại Công ty Luật toàn cầu King & Spalding, làm Giám đốc thứ 8 của FBI cho thấy, ông Donald Trump đã chuẩn bị cho “phương án hai”. 

Giới chuyên môn khá quan tâm tới quyết định rút khỏi đề cử vào vị trí Giám đốc FBI của cựu Thượng nghị sỹ, cựu ứng cử viên Phó Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Lieberman - tránh xảy ra xung đột lợi ích. Bởi ông Joe Lieberman đang làm việc cho một công ty luật do ông Marc Kasowitz đứng đầu.Và ông Marc Kasowitz đã được Tổng thống Donald Trump chọn làm người đại diện trong các cuộc điều tra của Bộ Tư pháp và Quốc hội về những nghi ngờ xung quanh cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. 

Trịnh Huyền My
.
.
.