Slovakia vẫn chìm trong khủng hoảng

Thứ Ba, 24/04/2018, 09:09
Hàng chục nghìn người dân Slovakia đã đổ xuống đường phố ở thủ đô Bratislava, tham gia cuộc biểu tình lớn đòi tiến hành bầu cử sớm, giải tán đảng Dân chủ Xã hội (Smer) - đảng mạnh nhất trong liên minh cầm quyền, và yêu cầu sa thải người đứng đầu lực lượng cảnh sát, ông Tibor Gaspar.


Slovakia rơi vào khủng hoảng sau vụ nhà báo Jan Kuciak bị sát hại trong khi đang thực hiện loạt phóng sự điều tra về mối quan hệ giữa các quan chức cấp cao của Slovakia và mafia Ý. Cảnh sát cho rằng cái chết của nhà báo 27 tuổi này nhiều khả năng liên quan tới công việc điều tra tham nhũng đó. 

Vụ việc đã làm dấy lên làn sóng biểu tình rầm rộ ở thủ đô Bratislava và nhiều thành phố khác trên khắp Slovakia, phản đối chính phủ và đòi tiến hành điều tra độc lập về vụ sát hại này.

Trước sức ép của dư luận, Thủ tướng Robert Fico buộc phải tuyên bố từ chức sau 10 năm điều hành chính phủ. Tuy nhiên, sự "xuống thang" này vẫn chưa thể làm hài lòng người dân, khi nội các của Thủ tướng mới được bổ nhiệm vẫn bao gồm hầu hết các gương mặt cũ trong chính phủ trước. 

Thủ tướng mới được đề cử Peter Pellegrini lúc đầu thậm chí không lập nổi nội các vì phản đối của chính Tổng thống Andrej Kiska. 

Nhìn vào danh sách các tân bộ trưởng được đề nghị vào nội các mới, Tổng thống Slovakia nói họ "không đảm bảo được tính độc lập cho cuộc điều tra về vụ giết nhà báo Jan Kuciak và vợ chưa cưới, Martina Kusnirova".

Ngày 16-4, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Tomas Drucker tuyên bố từ chức chỉ sau 3 tuần đảm nhiệm cương vị này. Ông Drucker cho biết ông không thấy có bất kỳ lý do gì để sa thải ông Gaspar, đồng thời cho rằng vấn đề này sẽ gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội. Ông cho biết lý do từ chức của mình là vì đã không thể làm dịu được tình hình.

Quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) có 5,4 triệu dân này đã rơi vào khủng hoảng sau vụ nhà báo Jan Kuciak bị sát hại trong khi đang thực hiện loạt phóng sự điều tra về mối quan hệ giữa các quan chức cấp cao của Slovakia và mafia Ý.

Nhà báo Jan Kuciak.

Nhà báo Jan Kuciak bị giết hôm 25-2 trong vụ có nghi vấn một nhóm mafia gốc Ý "có liên quan đến những người thân cận của cựu Thủ tướng Fico". Bài báo cuối cùng của Jan Kuciak - đăng tải ngay sau khi ông bị ám sát - cáo buộc những mối liên hệ giữa mafia Ý và những nhân vật thân cận với ông Robert Fico.

Nhà báo Jan Kuciak cáo buộc một số doanh nhân người Ý có quan hệ khăng khít với tổ chức tội phạm vùng Calabrian, 'Ndrangheta của Ý sang hoạt động ở phía đông Slovakia. Vẫn theo nhà báo này, băng đảng từ Ý đã có nhiều năm lập ra các dự án ma để biển thủ tiền trợ cấp của Quỹ Liên minh châu Âu (EU) dành cho khu vực tương đối nghèo giáp biên giới của Slovakia với Ukraine.

Người dân Slovakia thắp nến tưởng niệm nhà báo Jan Kuciak và vợ chưa cưới.

Jan Kuciak cáo buộc băng đảng Ý có liên kết kinh doanh với quan chức cấp cao và những người nổi tiếng, bao gồm cựu người mẫu nổi tiếng Maria Troskova, cho đến ngày 28-2 vẫn là "cố vấn của Thủ tướng". Một người khác là cấp trên của bà Troskova, ông Viliam Jasan, từng là thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Slovakia. Cả hai đều đã từ chức.

Ông Fico bác bỏ mọi cáo buộc liên quan và đưa ra giải thưởng 1 triệu euro tiền mặt cho ai bắt được thủ phạm vụ giết người. Dù vậy, làn sóng biểu tình ở Brastislava mang theo biểu ngữ "Fico phải vào tù" liên tục trong nhiều  ngày đã khiến ông phải từ chức giữa tháng 3.

Sinh năm 1964, ông Robert Fico là lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (SMER-SD) ở Slovakia và từng giữ chức trong Hội đồng châu Âu.

Nam Tiên
.
.
.