SOS “xe điên” gây tai nạn

Thứ Tư, 15/05/2019, 08:15
Sáng 10-5, thêm một vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng đã xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trong khi lùi xe, nữ tài xế trú tại phường Khương Đình (quận Thanh Xuân – Hà Nội) điều khiển xe ôtô Toyota Camry mang BKS 30A-075.57 đã gây tai nạn, khiến một người phụ nữ tử vong. Vụ tai nạn trên một lần nữa báo động về vấn nạn “xe điên” gây tai nạn trong thời gian qua.

Nhức nhối "xe điên" gây tai nạn

Trong vòng chưa đầy một tháng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra không ít vụ tai nạn thương tâm. Cách thời điểm vụ tai nạn xảy ra tại ngõ 250 phố Khương Trung một ngày, cơ quan CSĐT Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng đối với Lê Trung Hiếu (SN 1980, ở quận Ba Đình – Hà Nội) người điều khiển xe ôtô Mercedes đâm tử vong hai phụ nữ trong hầm chui Kim Liên về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. 

Trước đó, khoảng 0h10, ngày 1-5, Lê Trung Hiếu điều khiển xe ôtô Mercedes mang BKS 30F-154.xx khi đến hầm chui Kim Liên đã đâm vào xe máy Honda Vision khiến hai người phụ nữ ngồi trên xe là chị Đ.H.Y (SN 1976, ở quận Hai Bà Trưng – Hà Nội) và chị T.T.Q (SN 1976, ở quận Đống Đa – Hà Nội) tử vong sau đó. Sau khi gây tai nạn, Hiếu điều khiển xe chạy thêm khoảng 3km qua nhiều tuyến phố thì bị người dân cùng Tổ công tác Y/141 Công an TP Hà Nội khống chế, bắt giữ.

Nỗi lo về TNGT trên đường vẫn treo lơ lửng trên đầu người dân, nhất là khi qua phân tích của Cục CSGT (Bộ Công an), các vụ TNGT xảy ra trong thời gian qua có khoảng 70% số vụ TNGT có nguyên nhân bắt nguồn từ lỗi chủ quan người điều khiển.

Thói quen vừa cầm vô lăng vừa nhắn tin; gọi điện thoại, sử dụng giầy cao gót lái xe, nghe nhạc to, thậm chí còn trang điểm trong quá trình điều khiển phương tiện… của nữ tài xế đã và đang xuất hiện khá phổ biến. Thật đáng buồn và lo ngại hơn khi chính những nữ tài xế này thản nhiên cho biết, thói quen trên hình thành đã lâu mà có thấy tai nạn xảy ra với mình đâu (?!). 

Đề cập đến vấn đề này, Đại úy Phạm Văn Chiến, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 3, Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội dẫn chứng cụ thể về một trường hợp là người quen của anh. Chẳng là hôm đó, người phụ nữ này trong quá trình điều khiển xe ôtô đã “mặt cắt không còn giọt máu” khi quai chiếc giầy cao gót của chị này bỗng mắc phải chân ga. Chị luống cuống, và rất may hôm đó đường vắng, chị kịp bình tĩnh giảm tốc độ, táp vào lề đường nên va chạm, TNGT đã không xảy ra. 

Đại úy Phạm Văn Chiến khuyến cáo, trong quá trình điều khiển xe ôtô, không nên có “thói quen” đi giầy cao gót, sử dụng điện thoại di động v.v… Chị em nên mang theo một đôi giầy, dép phù hợp để chủ động kiểm soát tốc độ, đặc biệt là khi phanh xe, lẽ vì nếu đi giầy cao gót, cảm giác lực tác động lên bàn đạp ga – phanh sẽ khó khăn nhiều so với các loại giầy bệt. 

Tất nhiên lúc này, khi tình huống xảy ra, việc giảm tốc độ, đánh lái tránh trước ngại vật sẽ thiếu chính xác. Đấy còn chưa kể tới trường hợp quai giầy cao gót mắc phải bàn đạp  ga – phanh.

Hiện trường vụ tai nạn khiến một phụ nữ bị tử vong ở ngõ 250 phố Khương Trung.

Canh cánh nỗi lo "ma men" cầm lái

Trong số các vụ TNGT liên quan đến “xe điên” xảy ra trong thời gian ngắn trở lại đây, chiếm đa phần số vụ xảy ra tai nạn có nguyên nhân bắt nguồn từ tài xế sử dụng rượu – bia khi điều khiển giao thông.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, kể từ ngày 1-8-2016, mức phạt đối với các lỗi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn là khá cao.

Theo đó, sẽ phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe ôtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (tước giấy phép lái xe từ 4-6 tháng). 

Và phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (tước giấy phép lái xe từ 3-5 tháng)… 

Thế nhưng, như chưa đủ sức răn đe, các quán nhậu tọa lạc trên một số tuyến đường như: Nguyễn Phong Sắc, Hoàng Quốc Việt, Hàng Bún, Võ Chí Công... vẫn hút khách, nhiều trường hợp phớt lờ quy định cấm, sử dụng rượu – bia vượt ngưỡng, điều khiển phương tiện trong trạng thái lơ tơ mơ. 

Trong buổi làm việc với các cục nghiệpvụ, Công an TP Hà Nội và các cơ quan báo chí trong CAND vào chiều 8-5 vừa qua, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh, sử dụng rượu, bia khi lái xe là một “vấn nạn” nghiêm trọng cần phải đẩy lùi, đây là nguyên nhân góp phần gây ra các vụ TNGT thảm khốc; đồng thời yêu cầu Cục CSGT, các cơ quan truyền thông trong và ngoài lực lượng CAND tập trung tuyên truyền về tác hại cũng như các chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông nhằm thiết thực góp phần giảm thiểu các vụ TNGT nghiêm trọng.

Trần Huy
.
.
.