Rợn người với nạn 'săn phù thủy' ở Ấn Độ

Thứ Ba, 04/08/2015, 14:00
Vụ việc bà Poni Orang, 63 tuổi ở bang Assam bị chặt đầu vì cáo buộc là phù thủy hôm 20/7 vừa qua một lần nữa khiến truyền thông quốc tế rúng động. Nạn "săn phù thủy" từ lâu đã là vấn đề nóng ở nhiều vùng quê xa xôi trên khắp lãnh thổ Ấn Độ. Theo thống kê, từ năm 2000 - 2012, có khoảng 2.100 người bị sát hại vì bị cáo buộc là phù thủy ở Ấn Độ.
Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ

Trước khi bị giết hại, bà Poni Orang đã bị 150 người dân trong làng bắt và tra tấn. Người dân địa phương cho rằng, bà Orang đã sử dụng phép thuật khiến một số người bị ốm. Sau khi bà Poni Orang bị sát hại, 16 người, trong đó có 9 phụ nữ đã bị cảnh sát bắt giữ. Cảnh sát trưởng khu vực Manabendra Rai cho biết, đám đông đã bị lôi kéo bởi một phụ nữ địa phương, người tự xưng mình là "nữ thần" và khẳng định "bà Orang mang điều không may mắn đến ngôi làng".

Những kẻ tấn công đã dùng dao giết hại bà Orang, sau đó chặt đầu và chân tay bà ra làm nhiều mảnh. Trước đó một tuần, hai vợ chồng và bốn đứa con cũng bị tấn công cho đến chết vì lý do tương tự ở Orissa - một tiểu bang ở phía Đông Ấn Độ. Dân làng tin rằng, gia đình này đã khiến nhiều trẻ em trong làng bị ốm.

Số liệu thống kê mới nhất của Cục Thống kê tội phạm quốc gia Ấn Độ (NCRB) cho thấy, từ năm 2000 đến năm 2012 có khoảng 2.100 người, chủ yếu là phụ nữ bị sát hại vì cáo buộc hành nghề phù thủy. Nạn săn phù thủy đã cướp đi sinh mạng của hơn 130 người tại bang Assam kể từ năm 2002 đến nay.

Tính riêng trong thời gian 2005 - 2013, có 66 phụ nữ bị giết vì nạn săn phù thủy tại bang này. Ở Chattisgarh cũng có đến 210 vụ giết người liên quan tới phù thủy từ giữa năm 2001 đến năm 2013. Trong năm 2013, 33,8% vụ giết người ở Jharkhand liên quan đến nạn săn phù thủy. Tình trạng tương tự cũng diễn ra khá phổ biến ở các bang Orissa, Haryana và Karnataka.

Nhiều chuyên gia nhận định, các cuộc tấn công nhằm vào người bị cho là phù thủy chỉ là cái cớ của hình thức phân biệt đối xử hoặc vi phạm nhân quyền. Những tội ác như vậy xảy ra phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, nơi mà nhận thức, tin tưởng vào thần thánh, những điều huyền bí vẫn còn tồn tại phổ biến. Các nạn nhân, chủ yếu là phụ nữ, thường bị lạm dụng và tra tấn trước khi bị sát hại. Người dân cho rằng, giết phù thủy sẽ làm hài lòng các vị thần mà họ sùng bái.

Nạn “săn phù thủy” đang là vấn đề nóng trong xã hội Ấn Độ.

Cuộc chiến lâu dài

Trong một cuộc phỏng vấn do báo DW (Đức) thực hiện, bà Indira Jaising, một luật sư cao cấp tại Tòa án tối cao Ấn Độ nhận định rằng, mê tín và phân biệt đối xử là nguyên nhân của những vụ giết người gây rúng động truyền thông quốc tế. "Nhiều người dân Ấn Độ vẫn tin rằng, phù thủy đang tồn tại và ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân, gieo rắc chết chóc và bệnh tật. Theo dân gian, phù thủy được sinh ra với sức mạnh ma thuật bẩm sinh và nhiều người vẫn đang chắc chắn như vậy", bà Indira Jaising nói.

Lý giải tại sao nạn nhân chủ yếu của những vụ săn phù thủy là phụ nữ, bà Indira Jaising cho rằng, một trong những nguyên nhân là do tư tưởng bảo thủ, gia trưởng trong xã hội. "Đó là do tư tưởng gia trưởng, mù chữ, mê tín dị đoan và thiếu chăm sóc y tế", bà Indira Jaising nói.

"Trong xã hội Ấn Độ, người phụ nữ không thực sự được bình đẳng, họ không có nhiều quyền đối với việc sở hữu tài sản. Tuy nhiên điều đáng quan tâm là, trong nhiều trường hợp, tội ác lại diễn ra ở những khu vực tương đối phát triển. Phụ nữ không có con, chưa kết hôn hay góa chồng thường trở thành nạn nhân của hình thức bạo lực này. Phụ nữ có hành xử bất thường do sức khỏe tâm thần hoặc do thay đổi nội tiết tố thường bị cáo buộc là phù thủy. Đây là hậu quả từ sự thất bại của nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ y tế và phổ biến kiến thức y tế cho người dân. Tôi cho rằng, nạn săn phù thủy cho thấy sự phân biệt đối xử trong xã hội vẫn còn tồn tại dai dẳng. Đó là khoảng cách giữa những tầng lớp trên và người nghèo trong xã hội", bà Indira Jaising nói tiếp.

Bà Indira Jaising cho rằng, cuộc chiến với nạn săn phù thủy sẽ tồn tại lâu dài cùng với sự phát triển của Ấn Độ. Mặc dù pháp luật ở một số bang đã có quy định nhằm bảo vệ những người bị cáo buộc là phù thủy, nhưng thực tế không mấy phát huy hiệu quả. "Quan trọng nhất là vấn đề thực thi pháp luật. Ví dụ, phần lớn những vụ điều tra nạn săn phù thủy xảy ra ở Assam đều kết thúc mà không có bị cáo nào được xác định", bà Indira Jaising nói.

Theo bà Indira Jaising, nạn săn phù thủy bản chất là một trong nhiều hình thức bạo lực đối với phụ nữ. Giải quyết tốt sự bất bình đẳng, phân biệt đối xử với phụ nữ là cơ sở quan trọng để ngăn chặn nạn săn phù thủy. "Xã hội dân sự và chính phủ nên phối hợp chặt chẽ với nhau để cùng hành động làm thay đổi nhận thức cho người dân. Điều này có thể thực hiện thông qua việc thông tin, giáo dục và truyền thông", bà Indira Jaising nói.

Tường Phạm (tổng hợp)
.
.
.