Phe Dân chủ Mỹ gây sức ép thúc đẩy dự luật kiểm soát mua bán súng

Chủ Nhật, 15/09/2019, 13:21
Ngày 9-9, các nghị sỹ Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đã cam kết tăng cường gây sức ép để thúc đẩy một dự luật nhằm thắt chặt việc kiểm tra lý lịch đối với các trường hợp giao dịch mua bán súng.


Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, ông Chuck Schumer và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi một lần nữa hối thúc Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát phê chuẩn dự luật chấm dứt mua bán súng trên mạng internet và tại các buổi triển lãm súng. Ông Schumer cho rằng việc thông qua dự luật nêu trên nên là “ưu tiên hàng đầu”.

Lời kêu gọi thông qua dự luật thắt chặt kiểm tra lý lịch đối với các trường hợp mua súng được đưa ra từ tháng 8-2019, sau một loạt các vụ xả súng tại thành phố El Paso, Odessa và Midland thuộc bang Texas, thành phố Dayton thuộc bang Ohio. Tuy nhiên, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đã khai mạc phiên làm việc mùa thu của Thượng viện mà không đề cập đến dự luật này.

Quy định về việc mua bán và sở hữu súng đạn ở Mỹ hiện rất thông thoáng.

Những vụ xả súng đẫm máu là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội Mỹ nhiều năm qua. Từ đầu năm đến nay tại Mỹ đã có hơn 250 vụ xả súng, khiến hơn 520 người thiệt mạng và ít nhất 2.000 người bị thương.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người Mỹ ủng hộ hạn chế súng đạn. Tuy nhiên, cho tới nay, vấn đề này vẫn chưa tìm được lời giải đáp bởi những mâu thuẫn và chia rẽ sâu sắc trong chính trường Mỹ đối với vấn đề kiểm soát súng đạn.

Ngày 27-2-2019, Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật H.R. 8 quy định mở rộng việc kiểm tra lý lịch đối với gần như mọi trường hợp mua bán súng, bao gồm cả các vụ mua vũ khí tại các cuộc trưng bày vũ khí. Đây được coi là bước đột phá trong việc kiểm soát súng đạn tại quốc gia mà việc mua bán và sử dụng vũ khí đang gây nhiều tranh cãi này.

Trước đó, các quy định kiểm soát súng đạn chỉ yêu cầu kiểm tra lý lịch đối với các vụ mua bán vũ khí mà người bán là những nhà bán súng được cấp phép, trong khi không áp dụng đối với những trường hợp cá nhân bán hoặc chuyển giao súng cho người khác.

Tiếp đó, Dự luật H.R.1112, với nội dung kéo dài thời gian xem xét kiểm tra thông tin đối với hoạt động mua súng đạn cũng được Hạ viện thông qua. Tuy nhiên, cho đến nay, hai dự luật này vẫn "nằm im" tại Thượng viện Mỹ.

Tháng 8-2019, sau khi xảy ra hai vụ xả súng đẫm máu ở hai bang Texas và Ohio, Tổng thống Trump đã lên án hành động tấn công trên, đồng thời khẳng định thù ghét không có chỗ tại Mỹ và để ngỏ khả năng siết chặt hơn nữa việc kiểm soát súng đạn.

Cùng lúc, 5 nghị sỹ của đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ tổ chức một cuộc họp báo với sự tham gia của người thân và bạn bè của các nạn nhân trong các vụ xả súng hàng loạt xảy ra thời gian qua; ngoài ra, hơn 200 thị trưởng ở Mỹ đã yêu cầu các Thượng nghị sĩ đang trong kỳ nghỉ hè quay trở lại làm việc và lập tức thông qua dự luật kiểm soát súng đạn được Hạ viện phê duyệt từ tháng 2.

Theo các thị trưởng này, những thảm kịch xảy ra ở thành phố El Paso và Dayton là lời cảnh tỉnh mới nhất rằng nước Mỹ không thể chờ đợi chính quyền liên bang đưa ra hành động cần thiết để kiểm soát việc mua bán và sở hữu súng đạn.

Tuy nhiên, yêu cầu này đã bị lãnh đạo phe đa số Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell bác bỏ. Nhiều ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Dân chủ chỉ trích Thượng viện và đảng Cộng hòa đã không hành động nhằm chấm dứt nạn bạo lực súng đạn.

Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa được cho là không có dấu hiệu cho thấy ủng hộ việc ban hành các biện pháp cứng rắn trong vấn đề này. Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Trump đã đưa ra một số biện pháp kiểm soát súng đạn như tăng tuổi tối thiểu được phép mua súng trường, siết chặt kiểm soát đối tượng được phép mua vũ khí, cấm buôn bán các thiết bị độ súng...

Nhưng  những biện pháp của ông Trump chỉ dừng ở mức độ hạn chế, chưa đủ sức răn đe hay siết chặt việc sở hữu súng. Ông Mitch McConnell nói rằng ông sẽ không đưa ra dự luật kiểm soát mua bán súng đạn tại phiên họp của Thượng viện nếu không có sự ủng hộ của Tổng thống Trump. Những bất đồng trong việc kiểm soát súng đạn giữa Hạ viện và Thượng viện có tác động của các nhóm lợi ích, đặc biệt là Hiệp hội súng đạn Mỹ (NRA).

Ra đời từ năm 1871 và với 5 triệu thành viên, cho đến nay, NRA được coi là tổ chức có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, có khả năng chi phối những quyết sách nhằm kiểm soát súng đạn. NRA phản đối hầu hết các đề xuất tăng cường quy định kiểm soát súng và đứng sau các nỗ lực ở cấp độ liên bang và tiểu bang nhằm giảm bớt các hạn chế trong việc sở hữu súng đạn.

Với doanh thu 3,5 tỉ USD/ năm, NRA sẽ không dễ dàng từ bỏ hay thu hẹp quy mô ngành kinh doanh đầy lợi nhuận. NRA là một “thế lực chính trị” có thể tác động tới lá phiếu của cử tri trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2020.

Khi nào nước Mỹ có thể kiểm soát súng đạn vẫn là câu hỏi chưa có lời giải bởi còn nhiều rào cản. Nhiều ý kiến lo ngại một khi cục diện chính trường Mỹ còn trong thế đối trọng như hiện nay, cuộc tranh cãi siết chặt sở hữu súng đạn được xới lên sau mỗi vụ xả súng, nhưng rồi chắc chắn lại sẽ sa vào bế tắc.

Minh Khuê (Tổng hợp)
.
.
.