Pakistan:

Hai luật sư bào chữa cho bác sĩ chỉ điểm diệt Bin Laden bị triệt hạ

Thứ Năm, 30/04/2015, 09:00
Sự kiện một luật sư người Pakistan bị sát hại một cách khó hiểu mới đây đã khiến dư luận một lần nữa chú ý tới vụ việc liên quan đến bác sĩ Shakil Afridi, người đã bí mật giúp Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden năm 2011.
Số phận bi thảm của hai luật sư

Mới đây, khi đang trên đường lái xe về nhà ở ngoại ô Peshawa, tây bắc Pakistan, luật sư Samiullah Afridi bất ngờ bị một kẻ không rõ danh tính nã súng vào ôtô và ông tử vong sau đó. Trước đó, vào năm 2013, ông Samiullah đã phải rời khỏi Pakistan đến Trung Đông lánh một thời gian bởi liên tục nhận được lời dọa giết.

Bất chấp hai nhóm phiến quân đã lên tiếng nhận trách nhiệm, các nhà phân tích cho biết, việc xác định thủ phạm sát hại ông Samiullah gặp nhiều khó khăn bởi vị luật sư này có rất nhiều kẻ thù, từ các nhóm phiến quân đến thành viên của các cơ quan an ninh quốc gia.

Luật sư Samiullah từng bào chữa cho bác sĩ Shakil Afridi, người đã bí mật hợp tác với Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) để săn lùng trùm khủng bố Osama bin Laden. Bin Laden bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt hôm 2/5/2011 tại ngoại ô thị trấn Abbottabad, phía tây bắc Pakistan. Chính quyền Pakistan tuyên bố, Afridi đã hoạt động như một gián điệp cho CIA, dàn dựng chương trình tiêm vaccine giả với hi vọng tìm được mẫu ADN của Bin Laden.

Đây không phải lần đầu tiên một luật sư bào chữa cho bác sĩ Afridi bị ám sát. "Trước đó, năm 2013, một luật sư khác bào chữa cho Afridi cũng bị thủ tiêu tại Islamabad song không tìm ra thủ phạm"- Adnan Bacha, nhà báo công tác tại Peshawar cho biết.

Luật sư Samiullah Afridi.

Sự trừng phạt dành cho "gián điệp Mỹ"

Vụ ám sát luật sư Samiullah một lần nữa dấy lên nghi vấn xung quanh số phận bác sĩ Afridi. Bác sĩ Afridi đã bị tuyên án 33 năm tù vì cáo buộc đồng lõa với nhóm phiến quân cực đoan Lashkar-e-Islam và gây ra tội ác tại khu vực bộ lạc bản xứ Khyber Pakhtunkhwa. Tuy nhiên, nhiều người nhận định, bản án này giống một sự trừng phạt dành cho "gián điệp Mỹ" hơn. Một số nhà hoạt động chính trị cho biết, phiên tòa xét xử ông Afridi là không công bằng bởi sự thiếu nhất quán về mặt pháp lý cũng như các bằng chứng chống lại ông này chủ yếu do cơ quan an ninh Pakistan thu thập còn chưa thuyết phục.

Năm 2014, ông Samiullah đã  lên tiếng cho rằng, thân chủ của mình không được đối đãi đúng mực trong tù và thậm chí còn bị vu cáo có ý đồ tạo phản. Bản thân bác sĩ cũng yêu cầu có những điều kiện tốt hơn trong trại giam thông qua một lá thư mà luật sư Samiullah đã công bố trên truyền thông, trong đó có đoạn: "Tôi đã bị bắt giữ và vu oan. Có lẽ tôi là người Pakistan đầu tiên không được phép tiếp xúc với luật sư của mình".

Sau vụ việc của bác sỹ Afridi, hệ lụy của nó là mối lo cho sự an toàn của các nhân viên y tế và dịch bại liệt bùng phát tại Pakistan. Luật sư Samiulla bị ám sát cùng ngày mà một nữ nhân viên y tế cùng một sĩ quan cảnh sát bị bắn chết khi đang tiêm phòng bại liệt cho trẻ em ở tây bắc Khyber Pakhtunkhwa. Trong khi đó, Afghanistan, Nigeria và Pakistan là 3 quốc gia hiếm hoi vẫn tồn tại dịch  bại liệt. Các quan chức y tế ước tính, lượng ca mắc bệnh bại liệt ở Pakistan đến năm 2014 lên tới con số 202, cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây.

Lực lượng Taliban ở Pakistan cho rằng, các chiến dịch trừ bệnh bại liệt trong nước đang bị Mỹ lợi dụng làm vỏ bọc cho các hoạt động gián điệp.  Bởi thế, đó là nguyên nhân khiến cho dịch bại liệt lan nhanh, như ông Shahnaz Wazir Ali, cố vấn của cựu Thủ tướng Pakistan Raja Pervez Ashraf, lý giải rằng: "Mọi người nghĩ những đặc vụ như bác sĩ Shakil Afridi có trong các nhóm tiêm phòng và điều này có thể sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của họ".

Mỹ cắt 33 triệu USD viện trợ cho Pakistan vì bỏ tù bác sĩ  Afridi

Ủy ban Ngân sách Thượng viện Mỹ thông báo, sẽ cắt viện trợ 1 triệu USD mỗi năm sau khi Pakistan kết án tù bác sĩ Shakil Afridi.

Động thái trên của ủy ban thượng viện diễn ra sau các quyết định cắt giảm trước đó trong đề xuất ngân sách của Nhà Trắng dành cho Pakistan. Các khoản cắt giảm nằm trong một dự luật nhằm cung cấp 1 tỷ USD tiền viện trợ cho Pakistan.

"Chúng tôi cần Pakistan và Pakistan cũng cần chúng tôi. Nhưng chúng tôi không cần Pakistan hai mặt và không nhận thấy sự công bằng trong vụ tiêu diệt Osama bin Laden" - Thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà Lindsey Graham nói và gọi Pakistan là "một đồng minh kỳ cục".

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói, án tù đối với bác sĩ Afridi là "không công bằng và tuỳ tiện".

Lai Nguyễn - L.T. (tổng hợp)
.
.
.