Omar al-Bashir: Tổng thống bị lật đổ

Thứ Hai, 22/04/2019, 11:43
Quân đội Sudan ngày 11-4 đã phế truất Tổng thống Omar al-Bashir trong một cuộc đảo chính sau làn sóng biểu tình rầm rộ trên toàn quốc kéo dài nhiều tháng qua do kinh tế suy yếu và giá lương thực, thuốc men, nhiên liệu gia tăng.


16 tuần biểu tình

Ông Omar al-Bashir, 75 tuổi, đã phải đối mặt với 16 tuần biểu tình chống lại sự cai trị của ông. Thông báo về vụ lật đổ, Bộ trưởng Quốc phòng Awad Mohamed Ahmed Ibn Auf cho biết Sudan sẽ bước vào giai đoạn 2 năm cầm quyền quân sự để chuyển tiếp bởi cuộc bầu cử tổng thống. 

Phát biểu trên truyền hình nhà nước, ông Awad Mohamed Ahmed Ibn Auf nói ông Bashir đang bị giam giữ tại một nơi an toàn và một Hội đồng Quân sự sẽ điều hành đất nước.

Bin Auf, người được ông Bashir bổ nhiệm Phó Tổng thống đầu tiên vào tháng 2 khi các cuộc biểu tình gia tăng, sẽ đứng đầu Hội đồng Quân sự, Đài Truyền hình nhà nước cho biết vào cuối ngày thứ Năm 11-4. 

Tham mưu trưởng quân đội Sudan, Kamal Abdel Marouf al-Mahi, sẽ là Phó trưởng hội đồng. Ibn Auf tuyên bố tình trạng khẩn cấp, ngừng bắn trên toàn quốc và đình chỉ Hiến pháp. Ngồi trên một chiếc ghế bành bọc vàng, ông Ibn Auf cho biết không phận Sudan sẽ bị đóng cửa trong 24 giờ và các cửa khẩu biên giới đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.

Trong ngày 11-4, hàng ngàn người dân Sudan tiếp tục xuống đường tại thủ đô Khartoum ngay sau tuyên bố của Hội đồng Quân sự. Từ không khí ăn mừng ngắn ngủi, tâm trạng người biểu tình đã chuyển sang thất vọng, giận dữ và tuyên bố sẽ bác bỏ bất kỳ thỏa thuận nào của Hội đồng Quân sự, Cơ quan Tình báo và An ninh quốc gia (NISS) hay Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đối với chính phủ chuyển tiếp. Thay vào đó, người dân Sudan đề nghị quân đội chuyển giao quyền điều hành đất nước cho chính quyền dân sự.

Bất chấp lệnh giới nghiêm do quân đội Sudan áp đặt, tối 11-4 những người biểu tình vẫn tập trung ngoài đường theo lời kêu gọi của các lực lượng đối lập. Đảng đối lập của Quốc hội Sudan, Phong trào Giải phóng Sudan, Mặt trận Cách mạng Thống nhất (RUF), nhóm phiến quân Phong trào Giải phóng nhân dân Sudan khu vực miền Bắc (SPLM-N)… đã bác bỏ tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Sudan và khẳng định tiếp tục phản đối cho đến khi chế độ của Tổng thống Omar al-Bashir hoàn toàn bị lật đổ và quyền lực được trao lại cho một chính phủ chuyển tiếp dân sự.

Trong tuyên bố đưa ra đêm 12-4, Chủ tịch Hội đồng Quân sự chuyển tiếp ở Sudan, ông Awad bin Auf, đã tuyên bố từ chức và bổ nhiệm Tổng thanh tra Quân đội Abdul Fattah al-Burhan làm người đứng đầu Hội đồng Quân sự. 

Động thái này diễn ra vào thời điểm hàng trăm ngàn người biểu tình trên đường phố xung quanh trụ sở của lực lượng vũ trang ở trung tâm Khartoum, bất chấp các quyết định của Hội đồng Chuyển tiếp để áp dụng tình trạng khẩn cấp và giới nghiêm từ 10 giờ đêm hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau.

Hội đồng Quân sự chuyển tiếp Sudan đã tuyên bố hoãn cuộc họp với các lực lượng chính trị ở nước này vô thời hạn, và giải thích rằng cuộc họp sẽ được tổ chức sau khi nhận được thư ủy quyền từ đại diện các đảng phái. 

Trước đó, Hội đồng này dự kiến họp các lực lượng chính trị và Ủy ban Chính trị quân sự để nghe quan điểm của tất cả các bên vào chiều 12-4 với sự chứng kiến của các đoàn ngoại giao, đại sứ các nước ở thủ đô Khartoum.

Trong tuyên bố cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Chính trị, tướng Omar Zine El Abidine cho biết việc loại bỏ ông Bashir khỏi quyền lực không phải là một cuộc đảo chính; đồng thời nói rằng Hội đồng Quân sự sẽ giữ lại Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ cũng như sẽ không can thiệp vào công việc của chính phủ tiếp theo. Ông Abidine cũng lưu ý rằng thời gian chuyển tiếp có thể sẽ được rút ngắn.

Trước những cáo buộc chống lại loài người

Ahmad al-Bashir sinh ngày 1-1-1944. Ông lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính của quân đội năm 1989, và từ 1993 đến ngày 11-4-2019 là Tổng thống Sudan. 

Năm 1989, với tư cách là Lữ đoàn trưởng Quân đội Sudan, ông đã lãnh đạo một nhóm sĩ quan trong một đảo chính quân sự lật đổ cuộc bầu cử của Thủ tướng Sadiq al-Mahdi sau khi bắt đầu đàm phán với phiến quân ở miền Nam. 

Kể từ đó, ông đã 3 lần được bầu làm Tổng thống trong các cuộc bầu cử bị cáo buộc gian lận. Tháng 3-2009, al-Bashir trở thành Tổng thống đầu tiên bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) truy tố, với cáo buộc chỉ đạo một chiến dịch giết người hàng loạt, hãm hiếp và cướp bóc dân thường ở Darfur.

Tháng 10-2005, chính phủ của al-Bashir đã đàm phán chấm dứt nội chiến Sudan lần thứ hai, dẫn đến một cuộc trưng cầu dân ý ở miền Nam, và tách miền Nam thành một quốc gia riêng biệt là Nam Sudan. Trong khu vực Darfur, ông al-Bashir giám sát cuộc chiến tranh ở Darfur, khiến khoảng 10.000 người chết, theo Chính phủ Sudan, nhưng nhiều nguồn tin cho rằng từ 200.000-400.000 người. 

Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, al-Bashir đã có một số cuộc đấu tranh dữ dội giữa các nhóm dân quân và phiến quân như Quân đội giải phóng Sudan (SLA) và Phong trào công lý và bình đẳng (JEM) dưới dạng chiến tranh du kích ở vùng Darfur. Cuộc nội chiến đã khiến hơn 2,5 triệu người trên tổng số dân 6,2 triệu người ở Darfur phải rời bỏ nhà cửa và tạo ra cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Sudan và Chad.

Tháng 7- 2008, công tố viên của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), Luis Moreno Ocampo, đã buộc al-Bashir tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tội phạm chiến tranh ở Darfur. Tòa án đã ban hành lệnh bắt giữ al-Bashir vào ngày 4-3-2009 về vô số tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người, nhưng phán quyết rằng không đủ bằng chứng để truy tố ông về tội diệt chủng. 

Tuy nhiên, vào ngày 12-7-2010, Tòa án đã ban hành lệnh bắt giữ thứ hai có 3 tội diệt chủng riêng biệt. Lệnh mới, giống như lần đầu tiên, đã được chuyển đến chính phủ Sudan, nhưng chính phủ nước này không công nhận nó cũng như ICC. Các bản cáo trạng không cho rằng cá nhân Bashir đã tham gia vào các hoạt động đó; thay vào đó, họ nói rằng ông "bị nghi ngờ là có trách nhiệm hình sự, là một đồng phạm gián tiếp". 

Một số chuyên gia quốc tế cho rằng không có khả năng Ocampo có đủ bằng chứng để chứng minh các cáo buộc. Phán quyết của Tòa án bị phản đối bởi Liên minh châu Phi, Liên minh các quốc gia Ả Rập, Phong trào không liên kết, Chính phủ Nga và Trung Quốc.

Sự sụp đổ của al-Bashir là lần thứ hai trong tháng này, một nhà lãnh đạo trong khu vực đã bị buộc từ chức sau các cuộc biểu tình lớn. Trước đó, cựu Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika, nắm quyền từ năm 1999, đã từ chức vào ngày 2-4 sau 6 tuần biểu tình phản đối ông kéo dài sự cai trị của mình.

Gia Hân
.
.
.