Nước Đức với mối lo ngại tội phạm trên sân cỏ

Thứ Sáu, 04/01/2019, 10:52
Các nhà xã hội học và chuyên gia an ninh Đức cảnh báo một mối nguy hiểm mới - đó là mạng lưới tân Quốc xã kết hợp hooligan đang hoành hành trên sân cỏ bóng đá Đức. Bọn chúng tự xưng là GnuHonnters, nghĩa là "các thợ săn mới" và ủng hộ các câu lạc bộ khác nhau. GnuHonnters - được thành lập trên một nông trại ở Leichlingen thuộc bang North Rhine-Westphalia Miền Tây nước Đức - là một liên minh gồm 17 nhóm hooligan khác nhau trên khắp nước Đức. 


Vào khoảng cuối tháng 10-2013, một nhóm hooligan ăn mừng sinh nhật lần thứ 30 của nhóm với bia, nhạc rock và múa thoát y. Theo truyền thống, các hooligan thường đấm đá nhau nhưng bây giờ bọn chúng hợp sức với nhau để thành lập một mạng lưới cùng chiến đấu cho mục đích chung. Điều đáng lo ngại là holligan nhận được sự ủng hộ từ các phần tử cực đoan cánh hữu.

Trong quá khứ, môi trường bóng đá Tây Âu thường xuyên bất ổn do bạo lực từ phía những người hâm mộ câu lạc bộ bóng đá gây ra. Nhưng, trong những năm gần đây, phần lớn hoạt động hooligan đã bị các chiến dịch của cảnh sát với sự hợp tác của các fan ôn hòa dẹp yên. Nhưng do không chịu từ bỏ bạo lực, bọn côn đồ tội phạm phản ứng với cảnh sát bằng cách bí mật thỏa thuận trước với nhau về thời gian và địa điểm bên ngoài sân vận động để gặp nhau giải quyết xung đột bằng bạo lực. 

Một fan Dortmund chào kiểu Quốc xã trên khán đài một sân vận động, nơi đang diễn ra trận đấu giữa Borussia Dortmund và VfB Stuttgart.

Các báo cáo của cảnh sát từ các thành phố Aachen, Braunschweig, Dortmund, Dusseldorf và Frankfurt cho biết, bọn hooligan (bắt đầu nổi lên từ thập niên 1990) một lần nữa lại xuất hiện tràn lan trên các sân cỏ bóng đá nước Đức. Trung tâm Thông tin hoạt động bóng đá, một đơn vị chống bạo lực bóng đá của cảnh sát Đức, thừa nhận sự thật là những người hâm mộ các câu lạc bộ của Bundesliga, liên đoàn bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu của Đức, ngày càng có hành vi tương tự bọn cực đoan cánh hữu. 

Cơ quan liên bang Bảo vệ Hiến pháp (cơ quan tình báo nội địa Đức) cho rằng 15%, các thành viên của hooligan và bọn cực đoan cánh hữu bắt tay với nhau. Tuy nhiên, giới chức an ninh cho rằng tỷ lệ thật ra còn cao hơn nhiều. Ví dụ, trong một phiên tòa xét xử liên quan đến nhóm hooligan Elbflorenz ở Dresden, người ta thấy rộ lên hiện tượng nhiều hooligan và phần tử cực đoan cánh hữu hợp tác với nhau. 

Jurgen Schar, công tố viên truy tố nhóm hooligan Elbflorenz, nhận xét: "Nhiều vụ tấn công bạo lực nhằm vào cảnh sát cho thấy có sự dính líu của hàng trăm hooligan và tất cả đều được lên kế hoạch cũng như tổ chức rất quy củ. Chúng ta nhận thấy rằng ngày càng có nhiều phần tử cực đoan cánh hữu có mặt trong đám hooligan. 

Dường như bọn cực đoan sử dụng những vụ bạo lực của hooligan để luyện tập". Schar còn tiết lộ, bọn hooligan và tân Quốc xã gặp nhau trong những khu rừng hẻo lánh để tập sử dụng vũ khí. Bọn hooligan và cực đoan dường như rất thích môi trường bóng đá và chúng cũng có kẻ thù chung là các nhóm "ultra".

Tại nhiều quốc gia châu Âu, các nhóm ultra là các fan bóng đá ủng hộ một câu lạc bộ, thường xuyên có mặt ở mỗi trận đấu và gây sự ồn ào để cổ vũ. Nhiều nhóm ultra ở Đức đặc biệt bộc lộ những quan điểm chính trị nào đó. Ví dụ, họ ủng hộ các chiến dịch chống phân biệt chủng tộc. Ngược lại, bọn hooligan tuyên bố chúng muốn "không có chính trị trên sân vận động". Giống như nhiều phần tử cực đoan cánh hữu, các thành viên của GnuHonnters coi các nhóm ultra thiên về cánh tả là kẻ thù. 

Các thành viên của Borussenfront, một nhóm hooligan ủng hộ câu lạc bộ Borussia Dortmund, thường gặp nhau uống bia và cùng hồi tưởng lại những trận đánh bạo lực trong quá khứ. Sau nhiều cuộc gặp mặt như thế, số lượng thành viên ngày càng đông hơn với nhiều gương mặt hooligan trẻ tuổi hơn. Bọn chúng gặp nhau khi thì ở Berlin, lúc ở Frankfurt và không bao giờ tụ hội nhau ở một chỗ đến hai lần. 

Những cuộc tấn công bạo lực của bọn hooligan cánh hữu nhằm vào các nhóm ultra cánh tả đặc biệt gia tăng trong thời gian sau này ở Đức. Vụ nổi tiếng nhất là nhóm Ultras Aachen - nhóm ultra ủng hộ câu lạc bộ Alemania Aachen - bị buộc phải rời sân vận động trước những cuộc tấn công liên tục của phe cực đoan cánh hữu. Đối với nhiều nhóm ultra, vụ Aachen được coi là trường hợp mới nhất về sử dụng bạo lực dữ dội nhất trên khán đài với các nạn nhân mang thương tích nặng nhất. 

Các thành viên của nhóm ultra gọi là Ultras Braunschweig 01 (ủng hộ câu lạc bộ Eintracht Braunschweig) cũng bị những cuộc tấn công tương tự từ các phần tử cực đoan cánh hữu và hooligan. Sau khi các ultra được cảnh sát bảo vệ đưa ra khỏi sân vận động, bọn hooligan đồng thanh hát những bài ca ngợi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và đồng tình luyến ái. Thậm chí, nhóm ultra liên tục nhận được những lời lẽ đe dọa từ đối phương.

Thời gian sau này, những cuộc tấn công của bọn cánh hữu nhằm vào các ultra cánh tả diễn ra liên tục ở khắp các thành phố nước Đức - Dortmund, Dresden, Duisburg, Dusseldorf, Frankfurt, Munich và Rostock. Theo một nhà điều tra Đức, bọn cực đoan cánh hữu có mặt ở khắp nơi trên nước Đức và cũng có sự tham gia của các thành viên Đảng Dân chủ Quốc gia (NPD) cánh hữu. Cảnh sát Đức, cũng như Cơ quan bảo vệ Hiến Pháp và nhà xã hội học Gerd Dembowski tin rằng GnuHonnters sẽ lớn mạnh hơn nữa trong thời gian sắp tới.

Trang Thuần (Tổng hợp)
.
.
.