Nigeria với việc bảo vệ an toàn tuyệt đối các mỏ dầu

Thứ Hai, 30/01/2017, 08:03
Với trữ lượng ước đạt khoảng 35,5 tỷ thùng dầu, Nigeria là quốc gia giàu dầu mỏ thứ 10 trên thế giới. Ngành công nghiệp dầu mỏ Nigeria là lớn nhất ở châu Phi. Ngành này chiếm tỷ trọng 14% GDP và 65% ngân sách hằng năm của chính phủ nước này. Do dầu mỏ là nguồn thu chính của quốc gia nên cảnh sát Nigeria có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đó là bảo vệ nền công nghiệp dầu mỏ bằng mọi giá.


Cảnh sát liên bang Nigeria (NPF) hiện nay có quân số lên tới 372.000 người, đảm bảo an ninh cho đất nước có diện tích gần 923.000km² và dân số 175 triệu người. Đứng đầu NPF là Tư lệnh (tương đương hàm Bộ trưởng) và do Tổng thống bổ nhiệm.

Tại trụ sở chính ở Thủ đô Lagos có các cục nghiệp vụ như Cục Tài chính và quản trị, Cục Điều tra tội phạm, Cục Hậu cần và trang cấp, Cục Tác chiến, Cục Nhân lực và đào tạo, Cục Nghiên cứu và kế hoạch, Trung tâm Cơ sở dữ liệu, Trung tâm Công nghệ thông tin, Trung tâm Khoa học hình sự, Văn phòng Interpol quốc gia… NPF có 3 cảnh sát vùng, dưới cảnh sát vùng là sở cảnh sát các bang, tiếp theo là cảnh sát quận và đồn cảnh sát.

Tại tất cả các mỏ dầu, các nhà máy lọc dầu, các kho chứa dầu và đường ống dẫn dầu trên cả nước đều có sự hiện diện với số lượng đông cảnh sát.Họ được trang bị vũ khí đầy đủ trong đó có cả các vũ khí hạng nặng để bảo vệ và đẩy lùi các cuộc tấn công thường xảy ra của các băng nhóm tội phạm. Cảnh sát phòng cháy chữa cháy với trang bị hiện đại cũng luôn thường trực sẵn sàng để khống chế các đám cháy dầu khi xảy ra.

Đối với các tuyến đường vận chuyển dầu phải sử dụng đường bộ hoặc đường sắt, cảnh sát cũng được bố trí hộ tống. Trụ sở của Tập đoàn dầu khí quốc gia Nigeria là một trong những địa điểm được cảnh sát bảo vệ nghiêm ngặt nhất, không kém gì tòa nhà Chính phủ.
Cảnh sát Nigeria bám sát mục tiêu bảo vệ.

Đáng ngạc nhiên mặc dù là nước khai thác và xuất khẩu dầu mỏ lớn, thu được rất nhiều ngoại tệ nhưng kinh tế Nigeria vẫn chậm phát triển, phần lớn người dân sống ở mức nghèo khổ.

Cảnh sát mặc dù bảo vệ nguồn lợi kinh tế lớn nhưng lương rất thấp và hầu như không được hưởng lợi gì từ mỏ vàng đen tự nhiên mà mình đang gắng sức bảo vệ. Trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở dầu khí, nhiều cảnh sát đã bị thương hoặc hy sinh nhưng họ không được các công ty dầu khí chi trả phúc lợi mà chỉ được hưởng những khoản bồi thường nhỏ từ ngân sách nhà nước.

Trang thiết bị cho cảnh sát cũng khá nghèo nàn và không đồng đều. Nếu như cảnh sát ở khu vực Thủ đô và các thành phố lớn giàu dầu mỏ có xe ôtô tuần tra hiện đại hoặc thậm chí cả trực thăng thì cảnh sát ở các khu vực xa xôi, hẻo lánh hoặc các khu vực nghèo không có tài nguyên thì phải đi bộ tuần tra hoặc gò mình trên những chiếc xe máy lâu năm hoặc xe đạp cũ kỹ.

Hằng năm, nhiều sỹ quan không đủ sống, không nuôi nổi gia đình đã buộc phải bỏ việc để tìm kiếm cơ hội kiếm sống mới khiến cảnh sát Nigeria mất đi những nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm. Ở một số vùng, việc tuyển dụng mới cảnh sát gặp nhiều khó khăn vì người dân không muốn làm một công việc thu nhập không cao mà lại rất nguy hiểm.

Luyện tập bảo vệ các cơ sở dầu khí.

Hiện Nigeria đang đối mặt với nhiều bất ổn. Tổ chức khủng bố Hồi giáo Boko Haram trỗi dậy và ngày càng hoạt động mạnh ở khu vực phía Bắc, gây nên nhiều vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhằm vào người dân và các cơ sở kinh tế, trong đó có các mỏ dầu.

Giá dầu trên thế giới thời gian qua xuống thấp khiến thu nhập ngoại tệ bị giảm mạnh nên Chính phủ luôn phải đi vay nợ để chi tiêu dẫn đến thâm thủng ngân sách. Xung đột tôn giáo kéo dài nhiều năm nay khiến  hàng ngàn người chết. Khoảng cách giàu nghèo lớn dẫn đến mâu thuẫn xã hội. 

Trong bối cảnh đó, cảnh sát Nigeria cũng phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn. Ngân sách bị cắt giảm eo hẹp khiến đồng lương cảnh sát vốn ít ỏi lại bị cắt giảm thêm, một số chính sách cảnh sát không tiếp tục thực hiện được. 

Trong nội bộ lực lượng cảnh sát đang diễn ra tình trạng tham nhũng và lạm quyền tràn lan. Cảnh sát không được đào tạo và trang bị đầy đủ cộng với bộ máy cồng kềnh, bất hợp lý nên hoạt động kém hiệu quả. Bên cạnh đó là mâu thuẫn âm ỉ nhiều năm nay giữa lực lượng cảnh sát và quân đội với việc tranh chấp quyền lợi và ảnh hưởng trong xã hội.

Ý thức rằng nếu không cải tiến sẽ không thể thực hiện được nhiệm vụ, Cảnh sát Nigeria đã đề xuất Chính phủ ban hành Kế hoạch cải tổ cấp bách lực lượng cảnh sát. Trong đó, tập trung vào các mục tiêu chính như quyết liệt chống tham nhũng trong nội bộ, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, nâng lương tối thiểu cho sỹ quan từ mức trung bình 40 USD/tháng hiện nay lên mức 100 USD/tháng, nâng cao chất lượng đào tạo để đảm bảo chất lượng của nhân viên cảnh sát, đẩy mạnh ứng dụng tin học và khoa học, công nghệ vào công tác cảnh sát, thắt chặt hơn nữa kỷ luật quân ngũ…

Một điểm đáng lưu ý là Cảnh sát Nigeria còn dự kiến tuyển mới 250.000 sỹ quan để tăng quân số lên tới 650.000 người với yêu cầu các công ty dầu mỏ phải trích lại một phần lợi nhuận đóng góp vào ngân sách hằng năm của lực lượng cảnh sát để nâng cao đời sống sỹ quan và trang cấp vũ khí, thiết bị cho lực lượng cảnh sát nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động.

Hiện cảnh sát Nigeria đang tập trung vào các hoạt động tuyên truyền trong xã hội và nhân dân về vai trò của người cảnh sát. Các sỹ quan được đào tạo lại về tác phong, tư thế và quy tắc khi tiếp xúc với dân. 

Định hướng của công tác này là xóa được rào cản giữa cảnh sát và người dân để cảnh sát gần dân, được dân dần tin tưởng, giúp đỡ trở lại. Cảnh sát được cấp kinh phí và khuyến khích các hoạt động vì cộng đồng, giúp đỡ nhân dân nhiều hơn.

Với các giải pháp tổng thể của Chính phủ và lực lượng cảnh sát, Nigeria hy vọng sẽ cải thiện được tình hình và xây dựng được một lực lượng cảnh sát đủ mạnh, hiệu quả trong thời gian tới.

Vũ Phạm
.
.
.