Những dấu hỏi trong vụ đầu độc mẹ con cựu điệp viên Nga

Thứ Hai, 26/03/2018, 14:45
Cho đến bây giờ, câu hỏi về việc ai đứng đằng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Nga và con gái ở Anh vẫn còn bị bỏ ngỏ. Người ta dự đoán, phải mất một thời gian dài mới có câu trả lời chính xác cho vấn đề này. Trong lúc đó, cuộc khẩu chiến, cáo buộc lẫn nhau giữa Nga và Anh-Mỹ ngày càng gia tăng.


Nguồn gốc chất độc

Hãng tin Reuters ngày 21-3 đã đăng tải một thông tin gây nhiều tranh cãi có liên quan đến vụ đầu độc này. Đó là, theo lời kể của một nhà khoa học nổi tiếng của Nga thời Chiến tranh lạnh GS Leonid Rink, vào những năm 1970, ông đã từng cùng với các cộng sự Nga tìm cách chế tạo ra loại chất độc thần kinh Novichok tại Shikhany - một cơ sở nghiên cứu quân sự ở miền Trung nước Nga.

Đồng thời, GS Leonid Rink cũng khẳng định, những cáo buộc của Anh và Mỹ rằng Nga đứng đằng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal (66 tuổi) và con gái Yulia Skripal là không có cơ sở bởi lẽ cách hành xử này không giống cách của Nga.
Hiện trường nơi cha con nhà Skripal được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh. ảnh: The Guardian

"Ngay cả một đặc vụ không chuyên của Nga cũng không bao giờ sử dụng loại chất độc có nguồn gốc từ Nga và mang tên Nga (để đi đầu độc). Họ hoàn toàn có thể sử dụng nhiều loại chất khác. Tấn công một mục tiêu không quan trọng bằng một quả tên lửa và bắn trượt. Đây đúng là điều ngớ ngẩn nhất", GS Leonid Rink chia sẻ.

Hơn nữa, nếu có đúng thì chất độc Novichok của Nga sẽ khiến ông Sergei và cô Yulia chết ngay lập tức. Trong khi đó, thông tin từ cơ quan điều tra của Anh cho hay, hai bố con nhà Skripal bị phát hiện trong tình trạng bất tỉnh bên ngoài một trung tâm thương mại ở thành phố Salisbury và đã được điều trị trong bệnh viện suốt 2 tuần qua.

Vậy Novichok là gì và nó nguy hiểm đến mức độ nào? Theo công bố vào năm 1991 của Vil Mizayanov - một nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu hóa hữu cơ và công nghệ của Nga, đây là chất độc thần kinh mạnh hơn bất cứ chất độc thần kinh nào từng tồn tại trước đó.

 Và cũng giống như thông tin mà Đại sứ Nga tại Hà Lan Alexander Shulgin, đồng thời là đại diện của Nga tại OPCW cung cấp, GS Leonid Rink khẳng định rằng, vào giữa những năm 1990, phương Tây đã có được một số nhà khoa học của Nga trong đó có Vil Mizayanov, S.Dubov và G.Kazhdan - những người từng làm việc trong các tổ chức liên quan đến nghiên cứu hóa học của Nga.

Việc nghiên cứu về vũ khí hóa học, đặc biệt là chất độc thần kinh của các nhà khoa học này tiếp tục được Anh, Mỹ, Thụy Điển và CH Czech tài trợ. "Một loạt chất độc thần kinh dưới cái tên Novichok đã ra đời. Các nước NATO đã xác nhân sự tồn tại của các hợp chất Novichok trong hơn 200 thông tin mã nguồn mở", Đại sứ Alexander Shulgin đã nói.

Vì thế, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Aleksei Chepa khi trả lời phỏng vấn báo chí cũng thẳng thắn nêu rõ quan điểm rằng ông không loại trừ khả năng chính Anh và Mỹ mới là nước ra tay đầu độc cựu điệp viên Nga. Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matvienko thì nhận định, cáo buộc của Anh về "sự tham gia của Nga" trong vụ Skripal là thứ ngụy tạo để dấy lên một chiến dịch mới bài Nga.

Và con đường gặp tử thần

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Igor Morozov, cựu nhân viên an ninh Liên bang Nga lại cung cấp thêm một số bằng chứng cụ thể hơn. Đó là Mỹ từng phối hợp chặt chẽ với Uzbekistan để khử độc địa bàn thử nghiệm chất độc làm tê liệt thần kinh Novichok.

Tin này được đăng tải công khai trên chính tờ báo của Mỹ The New York Times từ năm 1999. Một trong những cơ sở chủ chốt về sản xuất Novichok cho Mỹ là Viện Quốc gia nghiên cứu hóa học hữu cơ và công nghệ có trụ sở ở thành phố Nukus thuộc Uzbekistan. Khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo với Quốc hội rằng, Lầu Năm Góc đã dành 6 triệu USD cho chương trình này.

Cũng có một giả thuyết khác được các nhà nghiên cứu đưa ra, đó chính là việc Anh đã cố tình đầu độc cha con nhà Skripal để vu oan cho Nga. Đại sứ Nga tại Liên minh châu Âu (EU) Vladimir Chizhov hôm 17-3 trong khi trả lời phỏng vấn báo giới đã khẳng định Moscow "không liên quan" tới vụ đầu độc và rằng Porton Down, cơ sở thí nghiệm lớn nhất

Anh, chỉ cách thành phố Salisbury 12km chính là nơi mà chất độc này được tuồn ra. Bổ sung lập luận cho quan điểm này của ông Vladimir Chizhov, GS Leonid Rink có nhắc đến việc Nga đã nhiều lần yêu cầu Anh cung cấp các bằng chứng, cụ thể là các mẫu chất độc nghi được sử dụng để hạ độc ông Sergei Skripal, cho phía Nga để phục vụ công tác điều tra nhưng Anh luôn từ chối.

Theo GS Leonid Rink, lý do khiến London không cung cấp mẫu chất độc này vì biết rằng các chuyên gia Nga sẽ dễ dàng xác minh được rằng đây không phải chất độc được chế tạo ở Nga. "Một điều chắc chắn là Anh cũng có có các chuyên gia (chế tạo chất độc). Tôi tin họ có thể đặt chất độc vào đồ đạc của ông Sergei Skripal hoặc của con gái ông. Hoặc chất độc có thể được bỏ vào một số đồ ở nghĩa trang do ông Sergei Skripal thường tới thăm nghĩa trang", GS Leonid Rink nói thêm.

Về cách thức đầu độc, hiện giới truyền thông Mỹ thông tin rằng, chất độc có thể đã được đưa vào hệ thống thông gió của chiếc xe BMW mà Skripal lái ngay trước thời điểm bất tỉnh. Một số tờ báo của Anh thì thông tin chất độc được giấu trong vali của cô con gái Yulua. Cơ quan điều tra Anh thì từ chối cung cấp thông tin cụ thể.

Tuy nhiên, khi chưa có bất kỳ một kết luận chính thức nào, Anh đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga và động thái này lại được Mỹ "cổ xúy" nhiệt tình. Vì thế, cũng chả có gì lạ khi cộng đồng quốc tế bắt đầu đặt câu hỏi nhiều hơn về thực chất mục đích trong vụ việc này là gì? Phải chăng nó là những đòn trừng phạt mới nhằm vào Nga và làm giảm uy tín của Nga trên trường quốc tế?

Sông Thương (tổng hợp)
.
.
.