Nhiều nước ủng hộ hôn nhân đồng giới

Thứ Bảy, 25/11/2017, 19:52
"Đa số người dân bỏ phiếu cho bình đẳng hôn nhân. Họ chọn sự bình đẳng và tình yêu", Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tuyên bố sau khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân không bắt buộc được công bố hôm 15-11.


Đồng thời cho biết, Chính phủ sẽ trình dự luật sửa đổi về vấn đề này lên Quốc hội trước lễ Giáng sinh. Theo kết quả công bố từ Tổng cục Thống kê, 61,6% cử tri đã ủng hộ việc kết hôn đồng giới. 

Chính quyền phải mở cuộc trưng cầu dân ý (kéo dài 8 tuần) bởi thời gian qua, hôn nhân đồng giới trở thành vấn đề gây tranh cãi gay gắt tại nước này. Người tham gia trưng cầu chỉ cần trả lời một câu hỏi duy nhất - Luật Hôn nhân có cần thay đổi để cho phép các cặp đôi đồng giới kết hôn không? Trong khi những người ủng hộ coi đây là cuộc tranh luận về bình đẳng, thì những người phản đối lại lo ngại về giáo dục giới tính trong trường học. 

Theo giới truyền thông, là người ủng hộ hôn nhân đồng giới nên Thủ tướng Malcolm Turnbull đã ủng hộ nhiệt tình - từ trình dự luật lên Thượng viện, tới tổ chức cuộc bỏ phiếu tự nguyện qua đường bưu điện với kinh phí lên tới 97 triệu USD.

Những người ủng hộ hôn nhân đồng giới ăn mừng.

Thủ tướng Angela Merkel tuy là người bỏ phiếu chống, nhưng lại là nhân vật tích cực dọn đường cho hôn nhân đồng giới trở thành hợp pháp tại Đức. Theo giới truyền thông, từ năm 2001, Đức đã chấp nhận quan hệ đồng tính, nhưng phần lớn thành viên trong Chính phủ của bà Angela Merkel lại phản đối. 

Và đám cưới đồng giới đầu tiên theo đạo luật mới có hiệu lực từ ngày 1-10, đã diễn ra tại tòa thị chính quận Schoeneberg ở Thủ đô Berlin. Cặp đôi Karl Kreile, 59 tuổi, và Bodo Mende, 60 tuổi đã tuyên thệ (sau 38 năm gắn bó) và ký giấy đăng ký kết hôn trước tiếng vỗ tay và cổ vũ của khoảng 60 khách mời cùng các nhà báo. 

Sau khi cắt bánh cưới trang trí lá cờ cầu vồng và dòng chữ "Hôn nhân cho tất cả mọi người", cặp đôi tổ chức một buổi tiếp tân nhỏ và bay tới Vienna, Áo để hưởng tuần trăng mật 5 ngày. 

Theo thống kê chính thức, có khoảng 43.000 cặp đôi đăng ký quan hệ tại Đức năm 2015 và hầu hết được chuyển thành hôn nhân chính thức kể từ ngày 1-10-2017. Đức trở thành quốc gia thứ 23 công nhận hôn nhân đồng giới, sau khi dự luật nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của công chúng và được Quốc hội thông qua với 393 phiếu thuận và 226 phiếu chống gần 5 tháng trước (30-6). 

Ngoài ra, Đức còn trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu cho phép người dân được lựa chọn ghi giới tính thứ 3 trên giấy tờ tùy thân. Giám đốc Hiệp hội LGBT châu Âu Katrin Hugendubel cho rằng, việc Đức công nhận hôn nhân đồng giới sẽ mở đường cho các quốc gia như Áo, Thụy Sĩ... tiến tới hợp pháp hóa vấn đề này.

Karl Kreile và Bodo Mende kết hôn tại tòa thị chính ở Berlin hôm 1-10.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã mời Thủ tướng Ireland Leo Varadkar tham gia cuộc diễu hành ủng hộ người đồng tính diễn tra trên đường phố Montreal hôm 20-8. Việc này diễn ra khi ông Leo Varadkar (là Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Ireland, đồng thời là người dám công khai mình đồng tính) đang có chuyến thăm Canada. Đây là lần đầu tiên, một nguyên thủ quốc gia nước ngoài tham gia cuộc diễu hành cho người thuộc thế giới thứ 3 ở Canada. 

Và khi diễu hành, họ đã dừng lại chụp hình với một cặp đôi mới cưới cùng tham gia buổi lễ đặc biệt này. Ông Justin Trudeau là Thủ tướng tại nhiệm đầu tiên tham gia diễu hành với người đồng tính ở Canada. 

Theo quy định mới được thực hiện từ ngày 31-8, Canada cấp hộ chiếu có dấu X cho những công dân chưa xác định giới tính. Chính phủ cho biết, biện pháp tạm thời này sẽ giúp người Canada có giấy tờ phản ánh rõ hơn về giới tính của mình và sẽ kéo dài đến khi hộ chiếu X và những loại giấy tờ liên quan khác được in ra. 

Bộ trưởng Di trú, Tị nạn và Công dân Ahmed Hussen coi đây là bước quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng cho mọi công dân bất kể giới tính. Chính quyền bang British Columbia là nơi đầu tiên trên thế giới cấp giấy khai sinh, nhưng không ghi rõ giới tính. Tại bang Ontario, giới tính X còn được in trên bằng lái xe của người dân.

Jahed Choudhury, 24 tuổi và Sean Rogan, 19 tuổi đã trở thành người Hồi giáo đầu tiên tổ chức đám cưới đồng tính ở Anh. Đồng tính luyến ái là một trong những điều cấm kị đối với người Hồi giáo, nhưng Jahed Choudhury lại dám công khai và tìm được hạnh phúc của mình, bất chấp sự kỳ thị, bắt nạt và thậm chí từng nghĩ đến cái chết. 

Theo tờ Washington Post, để không gây cảm giác phân biệt giới tính, những người lái tàu điện ngầm ở London phải nói câu "xin chào tất cả mọi người", thay cho cách nói "thưa các quý ông, quý bà" trước đây. Sự thay đổi này được coi là thành quả sau gần một năm vận động của các tổ chức LGBT ở Anh. 

Mạnh Phong
.
.
.