Nhiều nước ngăn nguồn tiền cho khủng bố

Thứ Năm, 05/10/2017, 08:51
Anh, Australia và Indonesia quyết tâm trong cuộc chiến ngăn chặn nguồn tài chính cho khủng bố, cũng như chống chủ nghĩa khủng bố.


Người đứng đầu cơ quan chống khủng bố của Chính phủ Indonesia (BNPT) Suhardi Alius vừa giới thiệu cuốn sách hướng dẫn các tổ chức và cơ quan chuyên trách chống khủng bố của Indonesia đề ra và thực hiện những chính sách để phát hiện và ngăn chặn những vụ chuyển khoản cho các hoạt động khủng bố. 

Theo ông Suhardi Alius, cuốn sách này thể hiện bản đồ của mạng lưới tài trợ cho các nhóm khủng bố, cũng như những số liệu về lực lượng Các tay súng khủng bố nước ngoài IS (FTF) ở Indonesia. 

Cảnh sát Indonesia tăng cường chống khủng bố.

Giới chuyên môn coi sự ra đời cuốn sách kể trên cho thấy, Indonesia quyết tâm chống khủng bố và việc phát hiện, ngăn chặn chuyển tiền liên quan tới IS sẽ góp phần vào cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực và trên thế giới. 

Hơn nửa tháng trước (14-9), người đứng đầu Cơ quan điều tra hình sự thuộc Cảnh sát quốc gia của Indonesia, Trung tướng Ari Dono Sukmanto thông báo, lực lượng cảnh sát các nước thành viên ASEAN sẽ thiết lập một hệ thống cơ sở dữ liệu được tích hợp mang tên ASEANAPOL điện tử (e-ADS). 

Và việc này sẽ giúp điều tra viên của các nước ASEAN có thể tiếp cận một cách nhanh chóng và an toàn để hỗ trợ cho cuộc chiến chống khủng bố. Trung tướng Ari Dono Sukmanto cho biết, công nghệ thông tin hiện đại trong hệ thống e-ADS là một trong những giải pháp đối phó với các thách thức hiện nay.

Cùng thời điểm kể trên, Bộ trưởng Tư pháp Australia Michael Keenan đã thông báo kế hoạch trị giá khoảng 3,7 triệu USD để ngăn chặn những nguồn tiền chuyển cho các tổ chức khủng bố hoạt động ở khu vực Đông Nam Á. Theo đó, cơ quan tình báo tài chính có tên gọi Trung tâm Phân tích và Báo cáo các giao dịch của Australia (Austrac) sẽ phụ trách kế hoạch này. 

“Chính phủ Australia cam kết hợp tác chặt chẽ với các đối tác khu vực để giải quyết mối đe dọa trở về quê hương của các tay súng và sự phát triển chủ nghĩa khủng bố trong khu vực", ông Michael Keenan nhấn mạnh.

Theo giới truyền thông, Austrac có nhiệm vụ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng với các nước láng giềng để ngăn chặn việc quyên tiền cho các tổ chức khủng bố như IS hoạt động ở Marawi, Philippines. Ngoài ra, Austrac còn phối hợp với các đối tác trong Liên minh Fintel, để chặn nguồn tài trợ cho IS thông qua các tổ chức tài chính của Australia và các thể chế tài chính trong khu vực. 

Giới truyền thông dẫn lời ông Michael Keenan cho biết, Australia sẽ cử thêm nhân viên thuộc Lực lượng cảnh sát liên bang Australia tham gia chống IS ở Philippines vào cuối năm nay. Và những động thái kể trên cho thấy, Australia quyết tâm trong cuộc chiến ngăn chặn nguồn tài chính cho khủng bố, cũng như chống chủ nghĩa khủng bố. 

Bộ trưởng Tư pháp Australia Michael Keenan.

Theo giới chuyên môn, một trong những nguyên nhân khiến Australia quan tâm tới Đông Nam Á bởi khu vực này được coi là bàn đạp mới của IS. Theo chuyên gia Natalia Rogozhina, IS đã chọn địa bàn mới cho các hoạt động khủng bố của chúng, không chỉ giới hạn ở Philippines, mà vươn ra phần lớn các nước Đông Nam Á.

Theo giới truyền thông, từ năm 1999, Liên hợp quốc đã thông qua Công ước quốc tế về chống tài trợ cho khủng bố. Theo đó, bất kỳ ai cung cấp hoặc quyên góp tiền với ý định tài trợ hoặc sử dụng để tiến hành bất kỳ hành vi khủng bố nào, đều bị coi là hành vi bất hợp pháp. 

Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) từng khuyến nghị, các quốc gia cần thực hiện đầy đủ Công ước kể trên. Nhưng từ đó đến nay, hiệu quả của cuộc chiến chống tài trợ tài chính cho khủng bố vẫn còn khá khiêm tốn. 

Thủ tướng Anh Theresa May từng tuyên bố, sẽ ưu tiên các phương thức để phá vỡ nguồn cung tiền cho các nhóm khủng bố (đưa ra khi dự Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Đức hồi tháng 7). Đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới làm việc với khu vực tư nhân để phát triển các công cụ và công nghệ tốt hơn nhằm nhận diện các dòng tiền đáng ngờ và theo dõi tốt hơn các cá nhân trở về từ Syria và Iraq. 

Văn phòng thủ tướng Anh cho biết, việc kêu gọi cắt nguồn cung tiền cho khủng bố là một phần trong kế hoạch "phản ứng toàn diện của Chính phủ đối với những cuộc tấn công khủng bố được thực hiện ở London và Manchester trong năm 2017". 

Giới chuyên môn khuyến cáo, vấn đề người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar đã gây chú ý đối với những kẻ cực đoan ủng hộ IS và các nhóm khủng bố khác, và Myanmar có thể trở thành mảnh đất màu mỡ của các nhóm khủng bố xuyên quốc gia. Từ năm 2014, Abu Bakr al-Baghdadi, một thủ lĩnh của IS từng tuyên bố, bang Rakhine của Myanmar là “một vùng thánh chiến chủ chốt”. Và IS có thể tấn công “trả thù Myanmar vì tình hình ở Rakhine” để mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Theo thống kê của Liên hợp quốc, mấy tuần qua, trung bình mỗi ngày có khoảng 35.000 người Hồi giáo Rohingya phải chạy tới Bangladesh. Và cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn có thể ảnh hưởng đến an ninh của Myanmar.
Anh Phương
.
.
.