So sánh sức mạnh tàu sân bay Mỹ - Nga - Trung

Nga - Trung muốn cướp cờ? (Kỳ cuối)

Thứ Ba, 27/06/2017, 10:16
Ngày 26-4, Trung Quốc cho hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên và là tàu sân bay thứ hai của nước này, từ cảng Ðại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Trong khi đó, cùng thời điểm cũng rộ lên thông tin Nga dự tính đóng tàu sân bay lớn nhất thế giới Shtorm, và sau đó là tàu sân bay biết bay...


Giấc mộng Trung Hoa

Trung Quốc đã có một thời gian dài đạt “phép lạ kinh tế”, kết quả là ngân khố rủng rỉnh tiền bạc. Từ đây, họ bắt đầu xây giấc mộng hàng không mẫu hạm cho “xứng tầm” với tiềm lực kinh tế của mình. Để thực hiện giấc mộng này, Bắc Kinh đã mua một số xác tàu sân bay như tàu Kiev, tàu Minsk. Tuy nhiên, việc phát triển những xác tàu này thành tàu sân bay đều thất bại.

Dù vậy, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn không hề nản chí. Cuối cùng, Bắc Kinh cũng hoàn thành giấc mộng với xác tàu Varyag, thuộc lớp tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Liên Xô cũ. Chong Lot Travel Agency Ltd. - một công ty nhỏ có trụ sở tại Hồng Kông - đã mua xác tàu với giá 20 triệu USD, nhưng chi phí kéo tàu về Đại Liên, Liêu Ninh lại cao gấp 18 lần. Chỉ tính riêng cái giá Bắc Kinh phải trả cho Thổ Nhĩ Kỳ để kéo tàu qua eo biển Bosphorus đã lên tới 361 triệu USD.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

Kéo tàu về tới Đại Liên, Trung Quốc lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc khôi phục hoạt động của các hệ thống thiết bị trên tàu, bởi mặc dù tàu được chế tạo ở Ukraine, nhưng việc thiết kế tàu lại do Cục Thiết kế Neva ở St. Petersburg đảm nhiệm. Thêm nữa, rất nhiều thiết bị và hệ thống do Nga sản xuất, trong đó bao gồm tiêm kích hạm Su-33, nhưng Nga lại không bàn giao những công nghệ này. Cuối cùng bằng nhiều cách, Trung Quốc vẫn mua được một số công nghệ tàu sân bay từ Ukraine để hoàn thành chiếc tàu đầu tiên, đặt tên là Liêu Ninh.

Tuy nhiên, công nghệ và trang bị của nó hoàn toàn kém xa so với “người anh em” lớp Kuznetsov đang hoạt động của Nga. Ngày 23-9-2012, tàu Liêu Ninh được bàn giao cho Hải quân Trung Quốc, nhưng vẫn thiếu các chiến đấu cơ hoạt động cùng tàu sân bay, và chiếc J-15 vẫn đang trong giai đoạn phát triển chưa có năng lực được kiểm chứng.

Theo các chuyên gia quân sự, chỉ trong thời tiết lý tưởng, tiêm kích hạm J-15 mới có thể cất, hạ cánh được trên tàu sân bay này. Mãi đến năm 2014, tàu Liêu Ninh mới chính thức đảm nhận các chuyến huấn luyện ở những vùng biển xa. Hiện nay, nó cũng chỉ có thể gọi là tàu sân bay thử nghiệm hoặc huấn luyện chứ không có khả năng tác chiến.

Không nản lòng, Bắc Kinh lại tiếp tục tìm tòi nghiên cứu. Và ngày 26-4 vừa qua, họ đã hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên với tên tạm gọi là Type-001A, với lượng choán nước khoảng 70.000 tấn, dài 315 m, chiều rộng lớn nhất 75 m.

Theo các chuyên gia, hàng không mẫu hạm Type-001A được thiết kế dựa trên tàu sân bay Liêu Ninh. Về cơ bản, Type-001A khá giống Liêu Ninh, chỉ khác một số điểm ở cấu trúc thượng tầng. Tàu sử dụng radar Type-346 với 4 mảng ăngten bố trí xung quanh đài chỉ huy. Loại radar này được sử dụng trên tàu khu trục Type-052C/D của Hải quân Trung Quốc. Type-001A sử dụng đường băng kiểu "nhảy cầu" nhưng có nhiều cải tiến so với Liêu Ninh và có khả năng chiến đấu tốt hơn.

Từ Đô đốc Kuznetsov đến tàu sân bay biết bay

Cùng một lớp hàng không mẫu hạm với tàu Liêu Ninh, nhưng tàu Đô đốc Kuznetsov của Nga là “hàng xịn”. Tàu được trang bị 17 máy bay, 24 trực thăng. Tàu Đô đốc Kuznetsov được thiết kế để có thể độc lập tác chiến chống lại các loại tàu khác với hệ thống vũ khí riêng, vì đây vốn là một tuần dương hạm mang tên lửa hạng nặng.

Cụ thể, Đô đốc Kuznetsov được vũ trang 12 ống phóng thẳng đứng VLS sử dụng tên lửa chống hạm P-700 Granit tầm bắn 625 km. Ngoài ra, Đô đốc Kuznetsov còn trang bị hỏa lực phòng không dày đặc gồm: 8 bệ pháo phòng không bắn nhanh AK-630; 8 bệ pháo - tên lửa phòng không Kashtan, 18 tên lửa phòng không 3K95 Kinzhal. Đặc biệt, Kuznetsov còn có khả năng chống tàu ngầm với bệ phóng rốckét săn tàu ngầm RBU-12000 UDAV-1.

Dù vậy, tàu Đô đốc Kuznetsov bộc lộ khá nhiều nhược điểm: Số lượng máy bay mang được chưa tới 1/2 khả năng của các tàu sân bay Mỹ, và tàu này thường xuyên xảy ra những bất ổn về cơ khí. Tàu sân bay Kuznetsov mỗi lần đi biển luôn có một chiếc tàu kéo đi kèm phòng khi gặp sự cố. Ngoài ra, một khác biệt của tàu sân bay Nga là các tiêm kích hạm trên tàu Kuznetsov vẫn phải sử dụng kiểu cất cánh nhảy cầu thay vì máy phóng, khiến chúng không thể mang đủ tải trọng vũ khí, làm giảm uy lực của máy bay chiến đấu.

Tàu Ðô đốc Kuznetsov của Nga.

Hiện có tin đồn Nga đang lên kế hoạch đóng tàu sân bay mới. Tháng 4 vừa qua, truyền thông của Nga cho biết nước này dự định sẽ đóng một chiếc tàu sân bay lớn nhất thế giới, cạnh tranh với các tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ. Tàu này dự kiến sẽ có tên Shtorm, với kích cỡ đủ thách thức tàu sân bay của Mỹ với lượng giãn nước khoảng 100.000 tấn, có khả năng mang số máy bay tương tự tàu Mỹ.

Thông tin này cho đến nay vẫn chưa được Kremlin xác nhận. Tuy nhiên, gần đây lại rộ thông tin Nga sẽ đóng một tàu sân bay siêu hiện đại, với khả năng bay được như máy bay.

Trả lời phỏng vấn báo giới, chuyên gia quân sự Nga Vladimir Yazikov. cho biết: “Tàu sân bay biết bay là loại phương tiện vừa có khả năng di chuyển trên mặt nước vừa có khả năng bay trên cao. Dự án tàu sân bay biết bay được gọi là dự án “thần kỳ” và là một trong nhiều dự án triển vọng tương lai đang được phát triển”. Theo ôngYazikov, trong tương lai dự án triển vọng này nhiều khả năng sẽ được trang bị các loại tên lửa hành trình Calibr, X-101 và nhiều loại vũ khí hiện đại khác. Nếu dự án này được thực hiện và thành công, Nga sẽ giành ưu thế lớn trước Mỹ.

Hồng Ðịnh
.
.
.