Mỹ “xoay trục” khỏi châu Phi

Thứ Tư, 21/11/2018, 11:11
Quân đội Mỹ sẽ rút hàng trăm binh sĩ đang tham gia các hoạt động chống khủng bố ở châu Phi trong vài năm tới để hỗ trợ trọng tâm gia tăng của Lầu Năm Góc nhằm chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga, tờ Reuters đưa tin ngày 16-11.


Đầu năm nay, quân đội Mỹ đã đưa Trung Quốc và Nga vào trung tâm của một chiến lược quốc phòng mới, dấu hiệu mới nhất về các ưu tiên chuyển dịch sau hơn một thập kỷ rưỡi tập trung vào cuộc chiến chống lại các chiến binh Hồi giáo. 

“Sự tái tổ chức này đặc biệt dự báo giảm lực lượng khoảng 10% trong vài năm tới - đại diện cho một phần nhỏ trong tổng số 7.200 nhân viên Bộ Quốc phòng hoạt động ở châu Phi”, Tư lệnh Candice Tresch, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, nói với Reuters.

Ông Tresch cho biết những cắt giảm này sẽ khiến các hoạt động "chống bạo lực cực đoan" phần lớn bị ảnh hưởng ở một số quốc gia, bao gồm Somalia, Djibouti và Libya. Ở các khu vực khác của khu vực, gồm có Tây Phi, sự nhấn mạnh sẽ chuyển từ "hỗ trợ chiến thuật sang tư vấn, hỗ trợ, liên lạc và chia sẻ thông tin tình báo".

Một quan chức Mỹ cho biết việc giảm quân có thể sẽ diễn ra trong 3 năm với các nước: Kenya, Cameroon và Mali. Mỹ đã gia tăng vai trò quân sự của mình ở lục địa đen sau khi một cuộc phục kích năm ngoái tại Niger, được thực hiện bởi một chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đã giết chết 4 binh sĩ Mỹ.

Nhưng Lầu Năm Góc cũng lo ngại về một nước Nga đang ngày càng lớn mạnh, điều này đã bóp nghẹt cơ bắp quân sự của Mỹ trong các cuộc xung đột như ở Ukraina và Syria. Lầu Năm Góc cũng tập trung vào sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở các khu vực như Biển Đông. 

Việc rời đi của Lầu Năm Góc diễn ra trong khi Trung Quốc và Nga tìm cách tăng ảnh hưởng của họ ở châu Phi. Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã tạo nên những quan hệ quân sự và ngoại giao chặt chẽ với nhiều nước châu Phi. Nga hiện đang cố gắng làm sống lại một số mối quan hệ đã mất sau khi Liên Xô sụp đổ. 

Kể từ khi các quốc gia phương Tây trừng phạt Nga vì sáp nhập Crimea vào năm 2014, Moskva đã ký 19 thỏa thuận hợp tác quân sự ở vùng Hạ Sahara, bao gồm Ethiopia, Nigeria và Zimbabwe, theo các nhân viên Bộ Quốc phòng, Ngoại giao và báo chí Nhà nước Nga. Trong khi đó, Trung Quốc từ lâu đã có sự hiện diện kinh tế lớn ở châu Phi, nhưng đã tránh xa sự tham gia của quân đội. Tuy nhiên, năm ngoái, Bắc Kinh đã đi một bước xa hơn, mở căn cứ quân sự đầu tiên bên ngoài Trung Quốc ở Djibouti.

Thông báo chính thức về kế hoạch cắt giảm quân tại châu Phi được Lầu Năm Góc đưa ra một ngày sau khi báo cáo của các chuyên gia lưỡng đảng thuộc một ủy ban Quốc hội Mỹ cho rằng Chiến lược Quốc phòng quốc gia (NDS) mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump không được đúc rút từ những căn cứ đầy đủ và hợp lý; đồng thời Mỹ đang đối mặt với nguy cơ thất bại về mặt quân sự trước Nga hoặc Trung Quốc. 

Báo cáo cho rằng NDS không được đầu tư đủ nguồn lực và công sức, và “những gì được nhắc tới rõ ràng không phù hợp để đáp ứng các mục tiêu tham vọng trong chiến lược, chẳng hạn như nỗ lực đảm bảo rằng Bộ Quốc phòng có thể chiến thắng một đối thủ mạnh mẽ và cùng lúc răn đe những kẻ thù khác”. 

Báo cáo cũng cảnh báo, với những xu hướng hiện tại cùng các nỗ lực của Nga và Trung Quốc trong việc củng cố năng lực quân sự, “quân đội Mỹ có thể sẽ phải hứng chịu những thiệt hại tồi tệ” và “đặc biệt đang đối mặt với rủi ro thất bại nặng nề nếu quân đội buộc phải dàn trải lực lượng trên hai hoặc nhiều mặt trận cùng lúc”.

Để giảm thâm hụt tài chính, chính quyền của Tổng thống Trump đang cân nhắc cắt giảm chi tiêu quốc phòng. Mỹ dự kiến chi khoảng 716 triệu USD cho các hoạt động quốc phòng trong tài khóa 2019. Tuy nhiên, giới chức cho biết Washington dự định cắt giảm con số này xuống còn 700 triệu USD vào tài khóa tiếp theo. 

Ủy ban gồm 12 chuyên gia, dẫn đầu là Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách Eric Edelman và cựu Tư lệnh Hải quân, Đô đốc nghỉ hưu Gary Roughead, có nhiệm vụ cung cấp đánh giá độc lập và phi đảng phái về Chiến lược Quốc phòng 2018 theo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 2017 (NDAA 2017).

Nam Tiên
.
.
.