Interpol trong nỗ lực chống tham nhũng toàn cầu

Thứ Ba, 26/07/2016, 15:53
Tham nhũng tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động tội phạm có tổ chức, thậm chí khủng bố một khi chúng nhận được sự hỗ trợ trong hoạt động phi pháp từ các quan chức chính phủ. Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol đã và đang nỗ lực góp phần ngăn chặn vấn nạn này.

Tham nhũng đã và đang trở thành vấn nạn trên toàn cầu, ảnh hưởng tới mọi quốc gia và xuất hiện ở nhiều tầng lớp xã hội, nhiều nhất là ở những quốc gia đang phát triển. Tham nhũng làm suy yếu sự ốn định của bộ máy chính trị, xã hội và kinh tế, đồng thời đe dọa sự an toàn và an ninh của xã hội.

Tham nhũng tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động tội phạm có tổ chức, thậm chí khủng bố một khi chúng nhận được sự hỗ trợ trong hoạt động phi pháp từ các quan chức chính phủ. Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol đã và đang nỗ lực góp phần ngăn chặn vấn nạn này.

Toàn cầu hóa kinh tế khiến cho tham nhũng trở thành tội ác không biên giới. Kinh doanh quốc tế trong thế giới cạnh tranh khiến các công ty dính đến các hoạt động hối lộ và gian lận tài chính. Các giao dịch tham nhũng vượt qua nhiều hành lang pháp lý phức tạp và gây khó khăn cho cảnh sát trong quá trình điều tra và xử lý của các cơ quan thi hành pháp luật. 

Sự phối hợp hành động toàn cầu là rất cần thiết cho hệ thống an ninh và luật pháp trên toàn thế giới. Công ước của Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng đã đặt ra khuôn khổ vô giá trong việc phòng chống tham nhũng và đóng vai trò dẫn đường cho các tôn chỉ của Interpol.

Những tài sản công bị đánh cắp bởi quan chức và lãnh đạo tham nhũng gây ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Tiền tham nhũng được chuyển ra nước ngoài, cất giấu tại các quỹ tín dụng, ngân hàng, quỹ bảo hiểm… thông qua các hành vi che mắt như đầu tư chứng khoán, bất động sản, hợp đồng bảo hiểm, đầu tư kinh doanh.... 

Quá trình thu hồi tài sản rất phức tạp và tốn nhiều thời gian vì những tài sản đánh cắp thường được che giấu rất tinh vi, nên rõ ràng rất cần sự phối hợp chặt chẽ trên phạm vi toàn cầu. 

Trong nỗ lực chống tham nhũng, Interpol đã sáng lập ra Mạng lưới toàn cầu thu hồi tài sản bị chiếm đoạt do tham nhũng nhằm hỗ trợ cơ quan hành pháp thu hồi và hoàn trả số tiền bị mất do tham nhũng trở về quốc gia bị mất. 

Lực lượng cảnh sát các nước thành viên Interpol có thể truy cập mạng lưới này của Interpol thông qua hệ thống thông tin thường trực I-24/7 nhằm cung cấp, trích xuất và khai thác các thông tin hữu ích được cập nhật liên tục những thông tin như: 

Thông tin liên lạc cụ thể với những đầu mối từ các nước thành viên  khác, hành lang pháp lý, hành chính, thanh tra và tư pháp của các nước thành viên, thư viện  và thông báo chính thức của Interpol liên quan đến tội phạm tham nhũng, thông báo của Interpol về đóng băng tài sản, danh sách cập nhật hoạt động về điều tra thu hồi tài sản. 

Bên cạnh đó, Interpol cũng chia sẻ những tình huống thực tế cụ thể nhằm hướng dẫn các nước thành viên thông qua thư viện Interpol. Mạng lưới này của Interpol đã và đang phát triển sáng kiến để theo dõi, nắm bắt và hoàn trả số tiền bị đánh cắp do tham nhũng trở về nước xuất xứ và góp phần đưa các đối tượng tham nhũng ra trước ánh sáng pháp luật. 

Thông qua mạng lưới này, cảnh sát các nước thành viên tham gia làm đầu mối giải quyết các vụ việc liên quan đến phục hồi tài sản và kịp thời hỗ trợ các nước thành viên khác trong quá trình phục hồi tài sản. 

Mục tiêu chiến lược trước mắt của sáng kiến này là nhằm giải quyết các vấn đề liên quan tới đóng băng tài sản, tạm giữ, tịch thu và thu hồi tài sản bị đánh cắp. Mục tiêu tiếp theo là để tạo điều kiện trao đổi an toàn những thông tin nhạy cảm giữa các "đầu mối" - cơ quan chống tham nhũng và phục hồi tài sản. 200 sỹ quan cảnh sát từ các nước thành viên, cùng công tố viên từ 120 nước đã được đề cử là "đầu mối liên lạc".

Đối với các chiến dịch phối hợp điều tra quốc tế nhằm vào tội phạm tham nhũng, để bảo mật cho các thông tin được trao đổi qua email, Interpol cũng thiết lập hệ thống email được bảo mật có tên gọi I-SECOM. Kênh thông tin được bảo mật này giúp tăng cường sự trao đổi dữ liệu nhạy cảm và sẽ đóng góp vào sự thành công của các cuộc điều tra trong hiện tại và tương lai. 

Interpol cũng tăng cường phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Cơ quan phòng chống tội phạm về ma túy của Liên Hợp Quốc, Quỹ tiền tệ quốc tế và các cơ quan, tổ chức khác nhằm tạo lập cơ chế cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng và các giao dịch đáng ngờ dính dáng đến tham nhũng, ký kết các quy chế phối hợp phòng, chống tham nhũng...

Interpol sẽ hỗ trợ cảnh sát các nước bắt giữ các đối tượng tham nhũng.

Để giúp các nước thành viên hiểu hơn về hành lang pháp lý, các thủ tục hành chính tại các quốc gia khác nhau, Interpol tổ chức các cuộc hội thảo giữa các nước thành viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng cảnh sát và các lực lượng thực thi pháp luật khác cùng trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, củng cố kiến thức và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình làm việc. 

Các khóa đào tạo đồng thời cũng diễn ra nhằm đem lại những kiến thức và kỹ năng trong việc sử dụng các công cụ và kỹ thuật tiên tiến trong quá trình điều tra và chia sẻ chứng cứ thông qua các kênh thông tin chính thức và không chính thức. 

Interpol cũng hỗ trợ tối đa về kỹ thuật và xây dựng những chương trình hội thảo, mời giảng viên là các điều tra viên nổi tiếng, các chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán, kế toàn và tài chính, phối hợp với lực lượng phòng chống tội phạm về tài chính và tham nhũng của các nước. 

Interpol cũng đã thúc đẩy trao đổi thông tin, tiếp xúc thực tế và xây dựng các khóa đào tạo đối với các sĩ quan trên toàn cầu về chuyên đề phòng chống tham nhũng.

Đối với một số vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, có tính quốc tế, ảnh hưởng tới nhiều quốc gia khác nhau, Interpol có thể đóng vai trò điều phối và hỗ trợ chiến dịch điều tra của cảnh sát các nước. Đồng thời, hỗ trợ về thủ tục pháp lý, các hình thức tương trợ tư pháp hình sự… để có thể nhanh chóng thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, làm rõ vụ án và đối tượng, dẫn độ đối tượng về nơi gây án để xét xử. 

Mục tiêu đặt ra là xử lý triệt để các vụ án tham nhũng, bắt giữ và có những hình phạt nghiêm khắc đối với các đối tượng tham nhũng dù đó là đối tượng nào và phải thu hồi được tài sản bị chiếm đoạt trả lại cho bị hại. 

Điều này cho thấy quyết tâm của Interpol không chỉ ở sự hỗ trợ thông tin hoặc văn bản lý thuyết mà đã rất thực tế với những biện pháp cứng rắn, có tính răn đe và chế tài nghiêm khắc trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Hoàng Thị Nhân
.
.
.