Họ là đội giải cứu con tin của FBI

Thứ Sáu, 06/11/2020, 16:25
Trước thập niên 60 của thế kỷ trước, thế giới chưa hề có khái niệm về cảnh sát cơ động phản ứng nhanh. Bởi thế, phải đến khi chứng kiến số lượng các vụ bắt cóc, khủng bố, chiếm dụng tàu bay, v.v… tăng vọt trong giai đoạn 1960-1969, các lực lượng thực thi pháp luật trên thế giới mới có ý tưởng thành lập các đơn vị cảnh sát cơ động tinh nhuệ.


Thế rồi, nhờ vào sự đào tạo bài bản và trang thiết bị hiện đại mà các đơn vị này có thể nhanh chóng giải quyết tình huống nguy hiểm và giảm thiểu tối đa khả năng xảy ra thương vong ngoài ý muốn trong khi thực hiện áp chế đối tượng. Sau hơn nửa thế kỷ phát triển đã xuất hiện những đơn vị cảnh sát phản ứng nhanh được cả thế giới biết tên và làm theo, trong đó có Đội giải cứu con tin Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI).

Đội giải cứu con tin được thành lập vào năm 1982 bởi phó trợ lý giám đốc FBI khi đó là ông Danny Coulson. Thế nhưng kế hoạch thành lập một đơn vị cảnh sát cơ động đã được ông Danny và nguyên Giám đốc FBI William H. Webster ấp ủ từ cuối thập niên 1970. Sau khi được chứng kiến một buổi diễn tập của đơn vị lính biệt kích Delta Force của quân đội Mỹ, ông William nảy ra ý tưởng thành lập một đơn vị cảnh sát được trang bị kiến thức, kỹ năng và vũ khí như quân đội chính quy. Đơn vị này sẽ được triển khai để xử lý những trường hợp như bắt cóc, chống khủng bố, kiểm soát đám đông, v.v…vốn quá khả năng của các lực lượng cảnh sát địa phương.

Một buổi tập huấn cứu hộ của Đội giải cứu con tin.

Đến nay quá trình tuyển chọn thành viên cho đội giải cứu con tin FBI cũng không khác gì lắm so dưới thời ông Danny Coulson. Trước hết, mỗi cá nhân tham gia tuyển chọn phải từng phục vụ trong một lực lượng cảnh sát cơ động địa phương nào đó tại Mỹ. Sau một loạt các bài kiểm tra thể chất và trí tuệ, những ứng cử viên đủ yêu cầu sẽ được chuyển đến trại huấn luyện của FBI tại Quantico, bang Virginia. Quantico giống như một thị trấn thu nhỏ vậy, bao gồm không chỉ học viện sỹ quan điều tra mà còn cả một thao trường có đủ mọi loại địa hình và công trình để người học có thể luyện tập trong những điều kiện giống thật nhất.

Mỗi thành viên trong một đơn vị giải cứu con tin FBI là một chuyên gia. Ngoài việc trở thành một sỹ quan cảnh sát cơ động kiểu mẫu, tại trại huấn luyện Quantico, họ sẽ được phân cho những chức năng cụ thể cho mỗi cá nhân như là xử lý bom mìn; sơ cấp cứu; tham gia phá cửa và đột kích, v.v… Cho dù là ở lĩnh vực nào đi nữa luôn có thể tìm thấy những người giỏi nhất đang phục vụ trong đội giải cứu con tin FBI. Các sỹ quan còn phải học thêm ít nhất một ngoại ngữ nữa, vì có rất nhiều quốc gia trên thế giới muốn có một lực lượng cảnh sát cơ động tinh nhuệ như Mỹ, và FBI thường sẽ gửi thành viên Đội giải cứu con tin đến các quốc gia nói trên để trợ giúp việc huấn luyện của họ.

Ngược lại, việc học tập của Đội giải cứu con tin chưa bao giờ dừng lại cả. Mỗi năm có khoảng một tá sỹ quan FBI được gửi đến căn cứ Hải quân Coronado để trải qua chương trình huấn luyện giống hệt với đơn vị lính thuỷ đánh bộ SEAL nổi tiếng về sự tinh nhuệ của mình. Sau cuộc huấn luyện, người học sẽ có thể hoạt động chiến thuật dưới nước không khác gì người nhái chuyên nghiệp cả. Một số thành viên khác trong đội giải cứu lại được cử đến căn cứ lục quân Camp Perry. Họ sẽ được huấn luyện bởi lực lượng lính đặc nhiệm nhảy dù Task Force 160 của quân đội Mỹ. Đội giải cứu con tin FBI thường xuyên được triển khai từ trực thăng và nhiều loại máy bay khác, nên nắm rõ các kỹ năng nhảy dù là yêu cầu cơ bản của họ.

Đội giải cứu con tin đôi khi được triển khai tại một số sự kiện lớn để có thể phản ứng nhanh nhất có thể.

Mỗi cuộc tấn công khủng bố tại Mỹ lại buộc Đội giải cứu con tin FBI mở rộng diện chuyên môn của mình ra. Ví dụ, kể từ khi Sở Mật vụ Mỹ thất bại trong việc bảo vệ cố Tổng thống Ronald Reagan khỏi bị bắn vào năm 1981, Đội Giải cứu con tin FBI thường xuyên triển khai những chuyên gia bắn tỉa của mình canh gác khu vực mà các yếu nhân trong Chính phủ Mỹ sẽ tiếp xúc với công chúng.

Hoặc là vụ khủng bố 11. 9. 2001 đã khiến lãnh đạo FBI thay đổi chương trình đào tạo cho đội giải cứu con tin để trang bị cho họ những kỹ năng giữ trật tự và áp chế các đối tượng không tặc. Chưa bao giờ Đội giải cứu con tin hoàn thành việc triển khai tại hiện trường vụ án sau 4 giờ kể từ khi họ nhận được thông báo cả. Ngay cả khi vụ việc xảy ra tại những vùng xa xôi hẻo lánh, hải đảo hay là cực Bắc Alaska, đơn vị giải cứu con tin FBI gần đó nhất sẽ nhanh chóng có mặt tại hiện trường để vừa chỉ đạo các lực lượng hành pháp địa phương, vừa tự mình giải quyết vụ án.

Để có thể đảm bảo sự cơ động của mình, FBI trang bị cho họ những phương tiện quân sự hiện đại nhất như xe thiết giáp bánh hơi Humvee; trực thăng đan nhiệm UH-60 Black Hawk; tàu đổ bộ đệm hơi Griffon 2000. Các sỹ quan điều khiển những phương tiện này thường là cựu binh có sẵn kinh nghiệm phi công trong quân đội, và họ trải qua huấn luyện gần như là hằng ngày.

Ngoài việc huấn luyện với quân đội Mỹ, Đội giải cứu con tin FBI còn thường xuyên tham gia luyện tập cùng nhiều đơn vị quân sự nước ngoài, trong đó có GIGN (Pháp), SAS (Anh Quốc), ERU (Ai-len), GSG-9 (Đức), GIS (Italia) đều là những cái tên được biết đến trên cả thế giới. Trong trường hợp nghi ngờ sự can dự của khủng bố quốc tế, đội giải cứu con tin được quyền liên lạc và chia sẻ thông tin với bất kỳ đơn vị quân đội nằm dưới sự chỉ đạo của NATO. Các cơ quan tình báo thuộc mạng lưới tình báo quốc tế Five Eyes (gồm Mỹ, Úc, Anh Quốc, Canada, New Zealand) cũng có nghĩa vụ hợp tác với đội giải cứu con tin FBI khi nhận được yêu cầu.

Với tất cả những ưu đãi nói trên, Đội giải cứu con tin FBI đã không ít lần đứng ra giải quyết những vụ khủng bố nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Năm 1984,  Thế vận hội Olympics được tổ chức tại thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ. Ngay từ ngày mở màn thế vận hội đã xảy ra một chuỗi vụ đánh bom khủng bố. Tuy không gây ra nhiều thiệt hại về mặt con người nhưng các vụ đánh bom đã gieo rắc nỗi sợ hãi trong lòng khán giả và ban tổ chức Olympics.

Ba lính đặc nhiệm của đội giải cứu con tin trên đường phố Washington D.C sau một buổi biểu tình.

Năm 1991, tù nhân tại nhà tù Talladega, bang Alabama, Mỹ tổ chức một cuộc nổi dậy. Họ chiếm giữ thành công cơ sở giam giữ và bắt các quản giáo làm con tin, sau đó bắt tay vào việc gia cố nhà tù. Đúng như họ dự kiến, cả cảnh sát địa phương và FBI đều triển khai lực lượng bao vây nhà tù. Trong tám ngày tiếp theo, hai bên vừa thương thuyết vừa ngầm tấn công nhau.

 Cuối cùng, những kẻ bắt cóc ra điều kiện Bộ Tư pháp Mỹ phải xoá tội cho họ, nếu không thì họ sẽ giết từng con tin một. Biết rằng không thể án binh lâu hơn được nữa, ngay buổi tối hôm đó Đội Giải cứu con tin FBI đột kích nhà tù. Đây không phải việc gì dễ dàng do nhà tù Talladega vốn là một pháo đài được thiết kế để chống lại những kẻ xâm nhập. Nhưng chỉ một đội 20 sỹ quan FBI đã đột nhập thành công vào nhà tù, áp chế những kẻ bắt cóc và cứu được con tin mà không hề gây ra bất kỳ thương vong nào.

Trong thời gian gần đây, hoạt động của Đội giải cứu con tin FBI ngày càng được công chúng biết đến rộng rãi hơn do họ được triển khai tới các cuộc biểu tình để giữ gìn an ninh trật tự. Năm bầu cử 2020 đã khiến những cuộc biểu tình tại Mỹ "nóng" hơn bao giờ hết, trở thành mục tiêu lý tưởng cho các đối tượng khủng bố, đơn cử như tên Kyle Rittenhouse đã bắn chết hai người biểu tình hôm 23 tháng 8 vừa qua.

Lê Công (tổng hợp)
.
.
.