Hiểm họa khủng bố từ xe hơi tự lái

Thứ Sáu, 10/07/2015, 15:00
Theo dự đoán của các chuyên gia, xe hơi thông minh sử dụng công nghệ cao sẽ chiếm lĩnh thị phần lớn trong ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu. Tuy nhiên, nỗi lo xe hơi tự lái trở thành mục tiêu tấn công khủng bố qua mạng đang trở nên rõ ràng hơn.
Đáng lo ngại nhất là hệ thống phanh và điều khiển vô lăng

Xe tự lái đang dần phổ biến hơn và được dự đoán sẽ là tương lai của ngành công nghiệp xe hơi trên thế giới. Nhiều hãng sản xuất ôtô đã tập trung đầu tư chiến lược vào việc phát triển công nghệ này. Mới đây, Google thông báo, chiếc xe tự lái của họ sẽ xuất hiện trên đường phố Mỹ trong thời gian tới. Hãng Daimler cũng vừa "trình làng" xe tải bán tự động đầu tiên.

Một nghiên cứu mới được công bố của Tập đoàn Tư vấn Boston dự báo rằng, Đức sẽ có ôtô tự lái vào năm 2017 và xuất hiện phổ biến tại các thành phố vào năm 2020. Đến năm 2025, người dân Đức có thể thấy xe hơi tự lái xuất hiện ở mọi lĩnh vực. Có thể thấy rằng, hệ thống điều khiển tự động đã được tích hợp vào hầu hết các phương tiện vận chuyển từ máy bay, tàu hỏa đến xe hơi.

Với sự phụ thuộc ngày càng lớn vào máy tính, bảo mật công nghệ thông tin (IT) là mối quan tâm hàng đầu đối với ôtô tự lái. Các chuyên gia mạng đang đặt câu hỏi, hiểm họa từ việc tấn công khủng bố qua không gian mạng sẽ được xử lý như thế nào. "Với công nghệ tự lái, tin tặc có thể khiến xe gặp tai nạn hoặc thay đổi hoàn toàn lộ trình di chuyển trong một giấc ngủ ngắn. Rất đáng lo ngại nếu hệ thống phanh và điều khiển vô lăng bị kiểm soát bởi tin tặc ở nước ngoài", Edgar Scholl, người sáng lập Datengold - một công ty bảo mật IT ở Đức nói với DW (Đức).

Theo ông Edgar Scholl thì nguy cơ khủng bố từ xe hơi tự lái phần lớn có liên quan đến hệ thống thông tin liên lạc bên trong xe. Khi tấn công, các hacker sẽ chiếm quyền điều khiển xe thông qua hệ thống máy tính kiểm soát phanh, vô lăng và các công cụ chuyển hướng hoạt động. Tờ DW cho hay, vào tháng 1/2015, một báo cáo về lỗ hổng an ninh mạng từ công nghệ kết nối trên dòng xe BMW đã được phát hiện. Nguy cơ tin tặc tấn công từ lỗ hổng này rất cao.

"Tin tặc có thể tấn công hệ thống bảo mật thông qua giao diện tương tác", Giáo sư Christof Paar, Đại học Ruhr Bochum (Đức) nhận định. Bên cạnh đó, cuộc tấn công cũng có thể xảy ra từ virus máy tính trên điện thoại thông minh, máy tính bảng kết nối với xe hơi hoặc phụ tùng thay thế có chứa phần mềm độc hại.

"Thực tế cho thấy, những cuộc tấn công chỉ xảy ra khi hacker có động lực cụ thể nào đó. Trên Internet, mục tiêu "tối thượng" của những kẻ tấn công là tiền bạc. Thuê hacker chuyên nghiệp để phá mật khẩu ngân hàng, phương tiện truyền thông xã hội, tài khoản email để từ đó đánh cắp tiền là việc làm phổ biến hiện nay, Giáo sư Christof Paar nói.

Một trong những chiếc xe hơi tự lái của Google.

Tài xế nghèo không phải đối tượng tấn công của hacker

Trong khi dự đoán khả năng tấn công xe không người lái qua mạng trong tương lai, các chuyên gia cũng cho rằng, người sử dụng xe bình thường ít có khả năng trở thành mục tiêu tấn công của tin tặc. "Những cuộc tấn công như trong series phim "Điệp viên 007" làm tê liệt hệ thống phanh, thay đổi hướng di chuyển có thể xảy ra.

Tuy nhiên, nếu bạn không phải là một doanh nhân thành đạt, một mục tiêu có giá trị cao thì không cần phải lo lắng. An ninh mạng đặt ra mối lo ngại về tính khả thi của những chiếc xe tự lái. An toàn của người dân phải được đưa lên hàng đầu. Tôi cho rằng, những nhà sản xuất phải nghiên cứu vấn đề một cách nghiêm túc", Giáo sư Paar nói.

Một số chuyên gia IT chỉ trích các nhà sản xuất ô tô đã không làm việc với chuyên gia an ninh mạng để được tư vấn kỹ hơn về vấn đề này. "Thử nghiệm an ninh mạng đơn thuần là không đủ. Với những công ty sản xuất ôtô, họ có nhiều kỹ sư xuất sắc nhưng không phải tất cả họ đều giỏi trong lĩnh vực an ninh mạng. Cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai lĩnh vực", ông Edgar Scholl nói.

Theo ông Edgar Scholl, sự quan tâm của người tiêu dùng về công nghệ xe tự lái có khả năng tiếp tục tăng trong những năm tới. Các nhà sản xuất cần đi trước tin tặc một bước để ngăn chặn nguy cơ có thể xảy ra. Có như vậy, người dân mới cảm thấy thoải mái, tin tưởng vào những chiếc xe tự lái trên đường phố.

"Tất cả mọi thứ đã được kiểm tra và chứng minh cẩn thận về bảo mật dữ liệu. Xe tải công nghệ bán tự động của chúng tôi chỉ là để hỗ trợ điều khiển. Người lái xe vẫn là trung tâm của toàn bộ quá trình lái xe", Carole Pfeifle, người phụ trách truyền thông của Mercedes Benz khẳng định. Đại diện của Google hiện chưa đưa ra bình luận nào về vấn đề này.

Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.