Hai nữ ứng cử viên Tổng giám đốc WTO là ai?

Thứ Tư, 14/10/2020, 16:28
Tổng giám đốc thứ 7 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ là một phụ nữ sau khi hai nữ ứng cử viên gồm bà Ngozi Okonjo-Iweala của Nigeria và bà Yoo Myung-hee của Hàn Quốc lọt vào vòng tham vấn cuối cùng.

Bà Ngozi Okonjo-Iweala từng đảm nhiệm các vị trí cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Mỹ, trong khi bà Yoo Myung-hee có nhiều thành công trong đàm phán thương mại với các nước.

Bà Yoo Myung-hee, ứng cử viên của Hàn Quốc, từng có 25 năm gắn bó với thương mại quốc tế, hiện nay là Bộ trưởng Thương mại của Hàn Quốc, đã thành công trong đàm phán thương mại với nhiều nước, đặc biệt là với Mỹ và Trung Quốc.

Tháng 6-2020, khi tuyên bố tranh cử Tổng giám đốc WTO, bà Yoo Myung-hee cho hay, nếu trúng cử vị trí người đứng đầu WTO, bà sẽ nỗ lực hết sức trong vai trò là trung tâm hòa giải, nhằm giải quyết các tranh cãi thương mại hiện nay giữa các thành viên.

“Tôi sẽ cam kết khôi phục lại hệ thống WTO hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi được thành lập”, bà Yoo phát biểu trong một cuộc họp báo. “Hàn Quốc có khả năng đóng vai trò cầu nối, dựa trên kinh nghiệm tăng trưởng thông qua thương mại”, bà Yoo Myung-hee nhấn mạnh.

Bà Yoo Myung-hee là một nhà đàm phán kỳ cựu trong lĩnh vực thương mại đã được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc vào tháng 2 năm ngoái, trở thành nữ Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc đầu tiên kể từ khi cơ quan này được thành lập vào năm 1948. Bà Yoo nói thành thạo tiếng Anh và từng đảm nhiệm chức vụ phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống cho các phóng viên nước ngoài.

Trong khi đó, bà Ngozi Okonjo-Iweala, ứng cử viên của Nigeria, từng giữ vị trí Bộ trưởng Tài chính Nigeria và từng đảm nhiệm các vị trí cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Washington D.C. (Mỹ), hiện nay là Chủ tịch Liên minh vaccine. Bà Okonjo-Iweala học tại trường St. Anne's, Molete, Trường Quốc tế Ibadan và Đại học Harvard, tốt nghiệp thủ khoa ngành Kinh tế năm 1976. 

Bà giành học vị Tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) năm 1981 với luận văn Chính sách tín dụng, thị trường tài chính nông thôn, và sự phát triển nông nghiệp của Nigeria. 

Bà nhận học bổng tiến sĩ từ American Association of University Women (AAUW). Bà kết hôn với Tiến sĩ Ikemba Iweala, một bác sĩ giải phẫu thần kinh từ Umuahia, tiểu bang Abia. Họ có bốn người con.

Bà Ngozi Okonjo-Iweala của Nigeria và bà Yoo Myung-hee của Hàn Quốc lọt vào vòng tham vấn cuối cùng chức Tổng giám đốc WTO.

Bà Okonjo-Iweala làm Bộ trưởng Tài chính Nigeria hai nhiệm kì, và cũng là Bộ trưởng Ngoại giao. Bà là người phụ nữ đầu tiên giữ cả hai vị trí này. Trong nhiệm kì đầu tiên làm Bộ trưởng Tài chính, bà dẫn đầu các cuộc đàm phán với Paris Club of Creditors, nhờ đó Nigeria được xóa nợ 30 tỉ USD. 

Năm 2003, bà tiến hành cải tổ năng lực quản lí kinh tế vĩ mô của Nigeria, đưa ra quy tắc tài chính mới dựa trên giá dầu thô. Chính sách này giảm thiểu tính không ổn định của nền kinh tế vĩ mô Nigeria.

Bà cho phép công bố chi tiêu tài chính của chính quyền Liên bang Nigeria trên báo chí, giúp tăng minh bạch trong quản trị. Với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế Giới và IMF, bà cho xây dựng hệ thống quản lí điện tử cho chính phủ. Bà Okonjo-Iweala cũng có công trong việc giúp đỡ Nigeria lần đầu tiên đạt mức đánh giá tín dụng BB Minus từ tổ chức Fitch Ratings and Standard & Poor's năm 2006.

Sau nhiềm kì đầu tiên làm Bộ trưởng Tài chính, tháng 12- 2007, bà trở lại làm Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (World Bank). Trước đó, bà Okonjo-Iweala từng trải qua 21 năm đầu tiên sự nghiệp của mình làm chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Thế giới. Trên cương vị giám đốc điều hành World Bank, bà có trách nhiệm giám sát 81 tỉ USD phân bổ đầu tư ở các khu vực châu Phi, châu Âu, và Trung Á.

Bà Okonjo-Iweala có tên là trong những danh sách "50 Lãnh tụ của Thế giới" trên tạp chí Fortune năm 2015;  một trong "100 Người có ảnh hưởng nhất" tạp chí Time năm 2014, và một trong "Top 100 Nhà tư duy toàn cầu" năm 2012 trên tạp chí Foreign Policy.

Để lọt vào vòng này, hai nữ ứng cử viên Ngozi Okonjo-Iweala và Yoo Myung-hee được lựa chọn trong số 5 ứng cử viên của vòng 2, sẽ vào tiếp vòng tham vấn thứ 3 và cũng là vòng cuối cùng để đi đến quyết định người kế nhiệm ông Roberto Azevêdo, Tổng giám đốc WTO đã từ nhiệm.

Theo thông báo của Chủ tịch Đại hội đồng WTO, Đại sứ New Zealand David Walker, vòng 3 cuộc tham vấn của tiến trình lựa chọn ứng cử viên vào vị trí tân Tổng giám đốc WTO sẽ bắt đầu từ ngày 19 đến ngày ngày 27-10 sau khi các Thành viên WTO đã hoàn thành vòng tham vấn thứ 2. 

Tại vòng 3, các thành viên WTO sẽ tham vấn bí mật với bộ ba gồm Chủ tịch Đại hội đồng WTO và 2 Điều phối viên (Chủ tịch Cơ quan giải quyết tranh chấp và Chủ tịch Cơ quan rà soát chính sách thương mại).

Dựa trên lựa chọn của các nước thành viên, bộ ba này sẽ đưa ra đánh giá về việc ai trong số hai ứng cử viên có nhiều khả năng đạt được sự đồng thuận của các nước thành viên và trở thành Tổng giám đốc thứ 7 của WTO. Sau vòng tham vấn thứ 3, Chủ tịch Đại hội đồng WTO sẽ triệu tập cuộc họp các Trưởng Phái đoàn tại WTO để thông báo kết quả cho các thành viên WTO.

Tiến trình lựa chọn tân Tổng giám đốc WTO được bắt đầu vào ngày 14-5-2020 khi cựu Tổng giám đốc Azevêdo thông báo từ chức một năm trước khi hết nhiệm vụ và rời nhiệm sở vào ngày 31-8. 
Ngọc Trang (Tổng hợp)
.
.
.