Google bị nhân viên cũ kiện vì… không bao dung

Thứ Hai, 15/01/2018, 14:01
Vừa bước vào năm mới được một tuần, hãng khổng lồ về công nghệ Google lại gặp rắc rối mới. Lần này, Google bị một nhóm kỹ sư do James Damore đứng đầu kiện vì hành vi "không bao dung" đối với các nhân viên có tính bảo thủ.


Vụ kiện tập thể này chỉ diễn ra có 3 tháng sau khi Google bị 3 cựu nữ nhân viên kiện vì họ nhận được mức lương thấp hơn các đồng nghiệp nam giới trong khi công việc thì như nhau.

Thời điểm đó, đơn kiện này đã được gửi tới Bộ Lao động Mỹ và nguyên đơn đã yêu cầu Google phải bồi thường cho ba cựu nữ nhân viên gồm Kelly Ellis, Holly Pease và Kelli Wisuri khoản thu nhập bị mất do phân  biệt giới tính khi trả lương.

Mọi chuyện khi đó bắt nguồn từ một bản ghi nhớ của James Damore trong đó ám chỉ rằng ở Google, phụ nữ sẽ không bao giờ được thăng tiến và rằng sự khác nhau về sở thích và khả năng của đàn ông và phụ nữ là do sinh lý giữa hai giới, từ những khác biệt ấy có thể lý giải cho việc tại sao không có người phụ nữ nào thành công, lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ.

James Damore, người đang đứng đầu nhóm cựu nhân viên đâm đơn kiện Google.

Hãng tin The New York Times ngày 8-1 cho hay, lần này, đơn kiện cũng do một tập thể cựu nhân viên của Google thực hiện dưới sự chỉ đạo của kỹ sư James Damore, người vừa bị Google sa thải hồi cuối năm.

Trong đơn kiện gửi lên tòa án ở California, James Damore và các đồng nghiệp cũ đã gửi kèm 100 trang tài liệu nội bộ gồm cả những trang ảnh chụp màn hình về thông tin liên lạc trong hãng, các cuộc nói chuyện và những tuyên bố của các nhà lãnh đạo Google rằng "những người bảo thủ bị tẩy chay, coi thường và phải chịu trừng phạt".

Thậm chí, có những trang tài liệu còn tiết lộ nội dung thảo luận của các nhân viên cấp cao trong Google về những vấn đề chính trị, an ninh nhạy cảm. Chưa hết, đơn kiện còn hé lộ rằng, nhiều nhà quản lý cấp cao của Google đã lập và duy trì một danh sách đen những nhân viên bảo thủ mà họ cho là nên từ chối làm việc hoặc sa thải.

James Damore là một trong những nam nhân viên bị Google sa thải vì lý do này. Còn Rachel Whetstone, một cựu Giám đốc điều hành cấp cao của Google, người hiện đã gia nhập đảng Bảo thủ ở Anh để theo đuổi sự nghiêp chính trị cũng là một trong những người từng biết và phản đối chính sách thiên vị kiểu này tại công ty.

Trên thực tế, lực lượng lao động ở Google, giống như ở các hãng công nghệ khác,  phần lớn đều là người da trắng hoặc người châu Á và là nam giới.

James Damore  cho biết, anh và các đồng nghiệp cũ đệ đơn kiện Google vì muốn phơi bày một sự thiên vị về văn hoá được đưa ra với vỏ bọc là "thúc đẩy sự đa dạng và công bằng xã hội" và rằng Google đã tạo nên những bong bóng, bóp méo sự thật thay vì dung cảm đối phó với những lời chỉ trích từ bên ngoài.

Ảnh chụp màn hình liên lạc nội bộ cho thấy nhiều nhân viên có vẻ như ủng hộ ý tưởng không khoan dung đối với các quan điểm nhất định, chẳng hạn như một bài viết cho rằng Google nên đáp lại lời ghi nhớ của  James Damore bằng cách "kỷ luật hoặc chấm dứt những người đã ủng hộ".

Trong một bài đăng khác, người quản lý tuyên bố ý định yêu cầu mọi người im lặng như: " Bạn có thể tin rằng phụ nữ hoặc dân tộc thiểu số là không đủ tiêu chuẩn tất cả những gì bạn thích ... nhưng nếu bạn nói to lên, sau đó bạn xứng đáng với những gì đang đến với bạn".

Một nhân vật quản lý khác trong Google thì viết: "Tôi giữ một danh sách đen của những người mà tôi sẽ không bao giờ cho phép hoặc gần nhóm của tôi, dựa trên cách họ xem và đối xử với đồng nghiệp của họ. Danh sách đen đó ngày càng dài"…

Giới quan sát nhận định, vụ kiện này có thể sẽ làm thay đổi cuộc chiến văn hóa đang xoáy quanh ngành công nghiệp công nghệ kể từ khi tỷ phú Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ.

Nhiều người còn cho rằng, chính sách nhập cư mới của ông Donald Trump đã gây áp lực cho ngành công nghiệp công nghệ, buộc người sử dụng lao động trong ngành nghề này phải đưa ra các quyết định có thể làm hồi sinh phong trào phân biệt chủng tộc.

Nhiều người khác thì cho rằng, vụ kiện mới này chỉ là một trong chuỗi những rắc rối pháp lý mà Google vấp phải trong 5 năm qua. Điều này buộc hãng khổng lồ công nghệ này phải xem xét lại và điều chỉnh chính sách lao động của mình nếu không muốn tiếp tục trở thành doanh nghiệp trong sổ đen của châu Âu.

Chu Nguyễn
.
.
.