Gió đã thành bão

Thứ Năm, 22/06/2017, 15:13
Cho đến nay, nhiều người cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể bị luận tội với các cáo buộc cản trở công lý và vi hiến, đặc biệt với những ẩn khuất sau việc sa thải cựu Giám đốc FBI James Comey, và sau khi gần 200 đại biểu Quốc hội đệ đơn kiện ông nhận lợi ích từ nước ngoài.


Gần 200 nghị sĩ Dân chủ trong Quốc hội đã cùng đệ trình đơn kiện chống lại Tổng thống Donald Trump, với cáo buộc bằng cách duy trì lợi ích trong một “đế chế” kinh doanh toàn cầu, ông đã vi phạm Hiến pháp về hạn chế nhận quà tặng và lợi ích từ các nhà lãnh đạo nước ngoài.

197 nghị sĩ khởi kiện

Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal, một trong những người đứng đầu đơn kiện, cho biết hôm 13-6 rằng vụ kiện đã thu hút được nhiều nguyên đơn (196 người) hơn bất kỳ hành động pháp lý chống lại tổng thống nào trước đây. Không có đảng viên Cộng hòa nào tham gia vụ kiện cho đến nay, mặc dù họ sẽ được mời làm như vậy, Blumenthal nói.

Một bản sao của đơn kiện đã được tờ The Washington Post tiếp cận, cho rằng các nghị sĩ có cơ sở rõ ràng, vì "điều khoản thù lao nước ngoài" của Hiến pháp yêu cầu Tổng thống phải có "sự chấp thuận của Quốc hội" trước khi chấp nhận bất kỳ món quà nào. Nỗ lực pháp lý, được dẫn đầu tại Hạ viện bởi John Conyers Jr., có thể sẽ leo thang căng thẳng giữa Nhà Trắng và Đồi Capitol, nơi có ít nhất 5 ủy ban điều tra các vấn đề liên quan đến chính quyền Donald Trump.

Tin tức về vụ kiện đã xuất hiện sau khi các tổng chưởng lý ở bang Maryland và quận Columbia (đều là đảng viên Dân chủ) nộp đơn tố cáo rằng các khoản thanh toán cho Donald Trump đã vi phạm điều khoản chống tham nhũng của Hiến pháp. Trong một vụ kiện khác chống lại Donald Trump do các đối thủ cạnh tranh kinh doanh khởi xướng, Bộ Tư pháp gần đây đã bảo vệ hành động của Donald Trump, cho rằng việc ông nhận các khoản thanh toán “công bằng” cho các dịch vụ là không hề vi phạm điều khoản giới hạn của Hiến pháp.

Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal, một trong những người đứng đầu đơn kiện.

Theo CNN, ông Donald Trump sở hữu 564 doanh nghiệp và các đối tác có quan hệ làm ăn với ít nhất 25 quốc gia nước ngoài. Dù đã cam kết sẽ đứng ngoài việc kinh doanh của gia đình, ông Donald Trump vẫn tiếp tục nắm giữ các tài sản và đưa chúng vào một quỹ tín thác dưới tên mình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục hưởng lợi ích từ việc kinh doanh.

Góc nhìn pháp lý

Các học giả pháp luật tư vấn cho các nguyên đơn Quốc hội nói khiếu nại của họ là đặc biệt vì vị thế đặc biệt của Quốc hội. “Các nhà hoạch định Hiến pháp của chúng ta đã cho các nghị sĩ Quốc hội quyền bảo vệ nền dân chủ khỏi tham nhũng ở nước ngoài bằng cách  xác định những lợi ích mà Tổng thống có thể và không thể nhận được từ nước ngoài”, Erwin Chemerinsky, Trưởng khoa Luật Trường đại học California ở Berkeley, cho biết. 

“Khi Tổng thống từ chối tiết lộ những lợi ích mà ông đã nhận không khai báo Quốc hội, ông đã tước đoạt vai trò thực thi Hiến pháp của các đại biểu Quốc hội” - Chemerinsky nói - "Các nhà lập pháp của Quốc hội có nghĩa vụ bảo vệ trật tự Hiến pháp bằng cách yêu cầu tòa án ra lệnh cho Tổng thống phải tuân thủ pháp luật”.

Trong khi đó, các học giả pháp luật khác lại tỏ ra hoài nghi, đặc biệt khi đơn kiện chỉ do những đại biểu đảng đảng Dân chủ ký tên, đảng thiểu số trong cả 2 viện của Quốc hội. “Một nhà lập pháp có thể kiện nếu cá nhân ông ta hoặc bà ta đã bị tổn thương”, Andy Grewal, giáo sư luật Đại học Iowa, nói. “Ngoài ra, Quốc hội có thể khởi kiện như một cơ quan, như vụ kiện chống lại Chương trình chăm sóc sức khoẻ của Tổng thống Barack Obama. Nhưng trường hợp như thế này là có vấn đề. Vì đây là những nhà lập pháp không có tổn thương cá nhân nào, sẽ rất khó khăn để họ đứng vững”.

Tuy nhiên, Norman Eisen, người từng là đồng sự cố vấn trong 2 vụ kiện liên quan đến tiền thưởng, nói rằng “trong trường hợp này các nguyên đơn Quốc hội có quyền” đứng ra kiện. Ông chỉ ra rằng trong vụ kiện đệ trình thay mặt đối thủ của Donald Trump, Bộ Tư pháp lập luận rằng Quốc hội có khả năng đặc biệt để giải quyết các câu hỏi liên quan các khoản thù lao.

Người Mỹ biểu tình phản đối ông Donald Trump ở Miami.

Nhà Trắng chưa bình luận gì về vấn đề này, nhưng trước đó Thư ký báo chí Sean Spicer đã bác bỏ vụ kiện của 2 tổng chưởng lý tiểu bang, nói rằng “không khó để kết luận rằng các động cơ chính trị có thể là một trong những nguyên nhân”.

Bản khiếu nại dài 37 trang của các nghị sĩ Dân chủ cho thấy những nhà lập quốc quan ngại các thế lực nước ngoài có thể can thiệp vào các vấn đề của Mỹ.

Điều I của Hiến pháp cho biết: "Người đang giữ chức vụ có lợi ích hoặc uy tín ở Mỹ, nếu không có sự đồng ý của Quốc hội, không được chấp nhận bất kỳ quà cáp, thù lao, chức vụ, tước hiệu nào từ bất kỳ nhà vua, hoàng tử hay nước ngoài nào”. Lời này được “dịch” là cấm bất kỳ người đứng đầu cơ quan nhà nước nào, kể cả tổng thống, không được nhận quà, tiền hoặc các khoản lợi ích khác từ nước ngoài mà không có sự đồng ý của Quốc hội.

Nguy cơ Watergate thứ hai

Như vậy, liệu ông Trump có bị luận tội hay không? Lật lại vụ Watergate, Erwin Chemerinsky, Hiệu trưởng Trường Luật tại Đại học California-Irvine, nói: "Điều này không chắc chắn. Bồi thẩm đoàn Watergate vào năm 1974 gọi Richard Nixon là một trường hợp bất khả thi vì họ không biết liệu họ có thể truy tố đương kim Tổng thống hay không". Điều đó khẳng định có một giả thuyết rộng rãi trong các chuyên gia pháp lý rằng các tòa án sẽ chống lại ý tưởng truy tố một tổng thống đương nhiệm.

Tại sao? Văn phòng Cố vấn pháp lý của Bộ Tư pháp (OLC) đã nghiên cứu vấn đề này vào năm 1973 (trường hợp Tổng thống Nixon) và năm 2000 (Tổng thống Bill Clinton), và kết luận cả 2 lần là một tổng thống không thể bị truy tố về tội hình sự. Việc truy tố hình sự, theo OLC, sẽ làm suy yếu khả năng thực thi pháp luật. Theo OLC: "Chỉ Hạ viện có quyền đưa ra những cáo buộc về hành vi phạm tội hình sự của đương kim tổng thống thông qua thủ tục buộc tội Hiến pháp". 

Giáo sư Susan Rose-Ackerman thuộc  Trường Yale, cho biết: "Tổng thống có thể bị buộc bất cứ tội gì, nhưng ông ta không thể bị truy tố khi đang làm nhiệm vụ, vì điều đó sẽ làm suy yếu khả năng lãnh đạo đất nước".

Vì vậy, nếu Tổng thống Donald Trump bị xác định là cản trở công lý, ông cũng không phải đối mặt với việc bị truy tố trước tòa. Thay vào đó, Hạ viện sẽ tổ chức các phiên điều trần và bỏ phiếu để buộc tội ông. Sau đó, nếu Hạ viện thông qua việc buộc tội, cũng phải cần đến 2/3 số phiếu ở Thượng viện để có thể bãi nhiệm tổng thống. Với Tổng thống Nixon, ông cũng đối mặt với việc bị Hạ viện buộc tội, nhưng trước khi điều đó xảy ra ông đã xin từ chức. Với Tổng thống Bill Clinton trong vụ “Clinton và Jones” năm 1997, ông cũng đã bị buộc tội, nhưng không bị Quốc hội yêu cầu bãi chức.

Với Tổng thống Donald Trump, hiện nay các đảng viên Cộng hòa kiểm soát cả 2 viện, vì vậy bất kỳ sự buộc tội nào đối với ông đều dường như không khả thi. 

"Không có cơ hội nào để Hạ viện thực sự có thể buộc tội Donald Trump ngay cả khi có bằng chứng xác thực ông ta đã cản trở công lý. Ít nhất, không có cơ hội cho điều đó ngay bây giờ. Tuy nhiên, việc buộc tội là không có ngày hết hạn, nên nếu đảng Dân chủ nắm giữ Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018, họ sẽ có thể theo đuổi việc buộc tội mà không phải lo lắng về việc Donald Trump sớm có những hành động cản trở”, theo Giáo sư Michael Herz  - Trường Luật Cardozo thuộc Đại học Yeshiva.

Hồng Ðịnh
.
.
.